Một đặc ân lâu đời như vậy là đặc ân của Dòng Tên, và các Dòng Hành khất như Dòng Phanxicô, Dòng Đa Minh và Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (Servites) để tha vạ tuyệt thông tiền kết cho hối nhân về tội phá thai. Vì đây là một đặc ân của Đức Thánh Cha, các thành viên của các Dòng tu này, khi họ có năng quyền giải tội, duy trì đặc ân này mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong các trường hợp mà vị Giám mục địa phương dành quyền tha vạ cho mình, hoặc giới hạn số lượng lần, mà linh mục có thể tha vạ, trước khi xin gia hạn năng quyền.
Tôi nhớ một cuộc thảo luận liên quan đến đặc ân này khoảng 25 năm trước đây, khi tôi sắp được truyền chức linh mục, trong một diễn đàn tổ chức tại Tòa Ân Giải Tối Cao, tức Văn phòng Tòa Thánh đặc trách giải quyết các vấn đề lương tâm. Một linh mục thuộc một Dòng Hành Khất nói rằng một Giám mục đã tìm cách từ chối đặc ân này cho cha. Đức Hồng Y phụ trách trả lời rằng bởi vì đặc ân này đã được phổ biến phổ quát trong giới giáo sĩ, nhiệm vụ của Giám mục là chứng minh rằng đặc ân đã không tồn tại, chứ không phải nhiệm vụ của Dòng tu là chứng minh mình duy trì đặc ân ấy.
Đôi khi, các đặc ân khác được ban cho vị Tổng quyển của các Dòng tu, và các vị có thể ban lại đặc ân ấy cho một số thành viên khác của Dòng tu mình. Trong các trường hợp này, phạm vi và giới hạn của đặc ân cần được xác định rõ ràng trong sắc lệnh ban đặc ân. Đặc ân này có thể là vĩnh viễn, nhưng thường trong một khoảng thời gian nhất định, thường là năm năm, và có thể gia hạn nhiều lần. Mặc dù người ta không cần sự cho phép của Giám mục để thực thi đặc ân, ít nhất Giám mục cần được thông báo về sự hiện hữu và phạm vi của nó.
Loại đặc ân này thường ban cho các linh mục, sau khi các vị đã có năng quyền giải tội, năng quyển tha vạ cho hối nhân (vạ tuyệt thông, vạ huyền chức và vạ cấm chế), vốn đã không được tuyên bố công khai. Nó không bao gồm các vạ đã được tuyên bố công khai, hoặc không bao gồm các vạ được dành riêng cho Tòa Thánh, chẳng hạn như người không có chức tư tế mà dám cử hành Hy Tế Thánh Thể, linh mục vi phạm trực tiếp ấn bí tích, linh mục giải tội cho người phạm tội điều răn thứ sáu với mình, Giám Mục nào không có ủy nhiệm thư giáo hoàng mà phong chức Giám Mục cho người khác, cũng như người nào được truyền chức do Giám Mục ấy, và người nào hành hung Ðức Thánh Cha.
Một đặc ân khác đôi khi được ban là đặc ân giải các lời khấn tư, hoặc thay đổi nó bằng việc đạo đức khác. Các lời khấn tư như thế được thực hiện cách riêng tư bởi một tín hữu để làm điều tốt lành – ví dụ, một lời khấn kiêng rượu vĩnh viễn hoặc trong một thời gian. Nếu vì một lý do chính đáng (chẳng hạn vì mục đích y tế) mà việc giữ lời khấn này trở nên nặng nề, linh mục có thể giải nó hoặc thay đổi nó bằng việc khác. Đặc ân này không áp dụng cho các lời khấn công khai, chẳng hạn việc khấn ba lời khuyên Phúc âm là Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng lời.
Nói tóm lại, linh mục Dòng nào khi có đặc ân trên, có các năng quyền giống với năng quyền, mà các Giám mục thường ban cho một số linh mục của giáo phận, chẳng hạn như các kinh sĩ giải tội của kinh sĩ hội chính tòa, hoặc các vị phụ trách một số đền thánh, nơi tín hữu thường đến xưng tội, hoặc đến tìm hướng dẫn đời sống thiêng liêng.
Vị tổng quyền của Dòng tu, khi ban lại đặc ân mà Tòa Thánh đã ban cho mình, nên xem xét các tình hình mục vụ như Giám mục có thể làm, và ban các đặc ân ấy cho các linh mục đang rất cần chúng để sử dụng. (Zenit.org 6-1-2015)
Nguyễn Trọng Đa