3 Tháng Mười
Thánh Gioan Dukla
(1414-1484)
(1414-1484)
Sinh trưởng ở Dukla (Ba Lan), Gioan là một nhà khổ tu trước khi gia nhập dòng Conventual (chi nhánh dòng Phanxicô) vào năm 1440. Sau khi thụ phong linh mục, sứ vụ rao giảng đã đưa ngài đến các nơi mà hiện nay là Ukraine, Moldavia và Belarus. Ðã vài lần ngài làm bề trên tu hội địa phương, và có một lần ngài làm giám thị trung ương dòng Phanxicô ở Lviv (Ukraine).
Thánh Gioan Capistrano đến Ba Lan năm 1453, và thành lập các tu viện sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Mười năm sau, Gioan Dukla gia nhập tổ chức này, mà sau đó trở thành Tỉnh Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Sự khó nghèo, tuân phục, khổ hạnh và sùng kính Ðức Mẹ, là đặc điểm của đời sống Cha Gioan Dukla. Ngài tìm cách hòa giải những người ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù ngài bị mù năm 70 tuổi, ngài vẫn tích cực trong công việc rao giảng và giải tội.
Ngài được phong thánh ở Krosno (Ba Lan) năm 1997, trước một giáo đoàn khoảng 1 triệu người, đến từ Ba Lan, Bohemia, Slovakia, Ukraine và Hungary.
Lời Bàn
Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở đến các người con của Thánh Phanxicô, khi họ đặt chân đến Trung Âu Châu vào thế kỷ 13. “Sự hoạt động của dòng Phanxicô đã tìm thấy vùng đất mầu mỡ nơi quê hương chúng ta. Vùng đất ấy cũng phát sinh nhiều chân phước và các thánh, là những người theo gương Thánh Assisi Nghèo Hèn, làm sinh động Kitô Giáo ở Ba Lan với tinh thần khó nghèo và tình huynh đệ. Các ngài đã đưa kiến thức cũng như sự khôn ngoan vào truyền thống tinh thần nghèo hèn và lối sống đơn sơ, để từ đó có ảnh hưởng tốt đẹp trong công việc mục vụ. “Khó nghèo, đơn giản, và hăng say tìm kiếm chân lý là đặc điểm của phương cách truyền giáo mà các tu sĩ Phanxicô theo đuổi trong gần tám thế kỷ qua. Họ sẽ giúp chúng ta hăng say làm chứng nhân, cho Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô”.
Lời Trích
Trong buổi lễ phong thánh cho Cha Gioan Dukla, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Ðức Giêus Kitô là vị Thầy duy nhất của thánh nhân. Ngài không lùi bước trong việc noi gương Thầy và Chúa, nên trên hết mọi sự, điều ngài ao ước là phục vụ. Trong đó, bao gồm cả Phúc Âm của sự khôn ngoan, của tình yêu và bình an. Ngài đã thể hiện ý nghĩa này của Phúc Âm trong toàn thể cuộc đời ngài” (L’Observatore Romano, tập 27, số 6, 1997).
Trích từ NguoiTinHuu.com