Đừng sợ !

Nguyễn Trọng Viễn O.P.

 1. “Đừng sợ !”  hay  “không sợ !” ?

  Điều nghịch lý là khi ta thầm nhủ “đừng sợ !”, đó lại chính là lúc ta đang sợ. Kẻ nhắc nhủ mình “đừng sợ” là kẻ nhận ra sự hiện diện của một đối tượng đáng sợ, một đối tượng có khả năng đe dọa; đồng thời, kẻ tự nhủ “đừng sợ” cũng là kẻ chân nhận sự hiện diện của nỗi sợ đã có mặt trong lòng mình.

Tuy thế, đây không phải là người chào thua sức mạnh đang đe dọa, không bị tê liệt, chết dí trong nỗi sợ. Khẳng định “đừng sợ” tức là vận dụng năng lực của mình để chống lại nỗi sợ.

Ngược lại, khẳng định “không sợ” tức là không nhìn nhận sự hiện diện của điều đang đe dọa; phủ nhận sức mạnh đe dọa của nó. Kẻ không sợ là kẻ khẳng định thực lực của mình và đánh giá thấp sức mạnh đe dọa; đây là kẻ dám coi thường đối phương dựa trên chính sức lực của bản thân mình. Kẻ “không sợ”, theo lý, là kẻ can đảm hơn người “đừng sợ” rất nhiều. Tuy thế, kẻ “không sợ” thường cũng là kẻ trốn tránh trước sự hiện diện của điều đe dọa, kẻ tự dối lòng mình bằng một lớp vỏ can đảm giả tạo.

Nếu “sợ hãi” là một thái độ tiêu cực của con người, thì “không sợ”, là đối cực của thái độ sợ hãi, là thái độ chối bỏ thằng thừng, dứt khoát không nhìn nhận đối tượng đe dọa mình. Còn “đừng sợ” lại chính là thái độ trung dung, vừa nhìn nhận sức mạnh đe dọa, lại vừa quyết tâm chống lại sức mạnh ấy. Đứng trước những thách đố của cuôc đời, việc chọn lựa thái độ căn bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả của cuộc chiến đấu trên đường đời. Thật ra, đây không phải là kết quả của một sự tính toán mà một chút sai lầm “chiến thuật” có thể đưa đến thành công hay làm hỏng cả cuộc đời. Thái độ cơ bản ấy chính là thái độ của tâm hồn, của một chọn lựa cách thế thực hiện đời mình trong suốt cuộc đời.

2. Cuộc sống như mối đe doạ đáng sợ

Thần thoại Hy Lạp kể lại rằng hai anh em Prométhée và Épiméthée được trao nhiệm vụ phân phát cho mỗi loài một cơ năng, một tài năng để có thể tự bảo vệ mình trước các sinh vật khác. Nhưng vì đãng trí Épiméthée phân phát hết các món quà ấy. Đến lượt con người, Épiméthée không còn điều gì để trang bị giúp con người có thể tự bảo vệ chính mình. Đó là cách diễn tả tính cách yếu đuối của con người trước thế giới. Quả thật con người quá mỏng dòn, quá tinh tế, quá phức tạp, trước những biến động và đe dọa của thế giới chung quanh. Nhất là, hành trình làm người không phải chỉ là phát triển những yếu tố có sẵn trong bản năng, nhưng là đón nhận những giá trị nhân văn của chung nhân loại, và từ đó sáng tạo nên nét độc đáo của riêng mình. Con người không đương nhiên thành tựu cuộc đời khi được sinh ra làm người, nhưng phải trở nên người. Hành trình trở nên chính mình là một hành trình gian khó, trải qua suốt cả cuộc đời, hành trình đó quả thật là “vi nhân nan”, quả thật làm người khó lắm !

Sinh ra trước cuộc đời với một khả năng mỏng dòn như thế, với một bản chất chưa hoàn thành như thế, con người mang lấy nỗi sợ như một tâm tình bình thường và phổ biến. Vì sợ hãi thiên nhiên, con người phải gia tăng chiếm hữu nhằm “tiêu diệt tính cách xa lạ” của thiên nhiên; vì sợ hãi người khác, con người phải phòng vệ, phải đeo mặt nạ, phải giả hình, phải sừng sộ với người khác; vì sợ chính mình, nên con người xao xuyến vì sự thành bại của bản thân, con người thường hay dối lòng, hay bào chữa cho bản thân mình.

Hơn nữa, khi tất cả những bấp bênh, đe dọa của cuộc sống được nhìn trong mức độ tôn giáo, được gán cho thế lực thần linh, thì các nỗi đe dọa ấy lại được mặc lấy tính cách thần thiêng; và con người, cũng rất bình thường, sợ hãi Thượng Đế. Nỗi sợ này chẳng những gồm tóm mọi nỗi sợ khác, nhưng nó còn được mở rộng tới mọi lãnh vực, kéo dài đến tận “thế giới bên kia”, và trở thành nỗi sợ căn bản của phận người. Nỗi sợ Thượng Đế thực sự là nỗi sợ ghê gớm nhất, khủng khiếp nhất đối với con người.

Trước một thách đố như thế, con người sợ hãi thường rơi vào những cách thức sống lệch lạc, phá hủy phẩm chất nhân sinh: lo lắng chiếm hữu thêm công đức; luồn lách, tránh né những đòi hỏi của tôn giáo; thái độ giả hình với người khác và tự lừa dối đối với chính mình để tránh nỗi xao xuyến sâu xa về phận người. Mặt khác, cách thức khẳng định “không sợ” như một phản ứng ngược lại cũng chẳng hơn gì, vì nó chỉ là một cách trốn tránh vấn đề. Chẳng hạn, nhiều tôn giáo vẫn trình bày khuôn mặt của Thượng Đế như một “kẻ đe doạ” khiến cho người tín hữu sống trong lo âu, sợ sệt; và chính điều này lại là nguồn gốc sâu xa của thái độ vô thần.

“Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức Tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” [Vatican II, MV 19c]

3. Điều đáng sợ trở nên không đáng sợ

Con người, với bản chất yếu đuối và luôn sợ hãi, thường chọn thế đứng từ cái tôi của mình, cái tôi đối diện và đối đầu với tất cả những thế lực bên ngoài, gồm cả những đe dọa của cuộc đời lẫn Thượng Đế; cách chọn lựa này biến những đe dọa của cuộc đời trở thành tuyệt đối vì có Thượng Đế đứng đằng sau; đồng thời cách chọn lựa này cũng làm cho hình ảnh Thượng Đế trở thành đáng sợ với bao nhiêu hình phạt ghê gớm. Chính vì lẽ đó, chúng ta gặp thấy rải rác nhiều nơi những tư tưởng chống đối Thượng Đế và thần linh, hoặc những nỗ lực chống lại thiên nhiên như một sự thách thức đối với Thượng Đế : Prométhée ăn cắp lửa trời mang xuống cho con người; con cóc, tượng trưng cho sức lao động của con người, là cậu Ông Trời, Trẻ Tạo Hóa đành hanh, gái má hồng quen thói đánh ghen…

Trong khi đó, Chúa Giêsu lại giúp chúng ta phân biệt, và phân tách, những loại đối tượng đáng sợ của con người. Đối với những thế lực đe dọa của trần gian hay của con người, Chúa khuyên bảo chúng ta :

“Vậy anh em đừng sợ người ta [. . .…]. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” [Xc. Mt 10, 26.28].

Chúa Giêsu không chối sức mạnh đáng sợ của những thế lực trần gian, vì chúng có thể giết chết con người; nhưng Ngài cho thấy vận mạng con người không phải chỉ là mạng sống trần gian, phẩm giá con người cao hơn chính mạng sống của thể xác nhiều; và phẩm giá đó, những thế lực trần gian không thể nào phá hủy được bằng sức mạnh của chúng. Chính từ vị thế như vậy, con người có thể đối diện một cách hiên ngang với những thế lực trần gian, với những đe dọa thể xác, với chính cái chết.

4. Thiên Chúa đứng về phía con người

Thay vì mập mờ sợ hãi trước Thượng Đế cũng như những thế lực trần gian, Đức Giêsu nâng tầm nhìn của người môn đệ lên đến nguồn cội của phẩm giá con người : đối diện trước Thiên Chúa. Quả thật, khác với mọi thế lực trần gian, vị thế của Thiên Chúa vượt quá phẩm giá con người và Ngài, theo lý, có thể trở nên mối đe dọa đối với toàn diện vận mạng con người. Chúa Giêsu xác định điều này để “giành lại” quyền Chủ tể của Thiên Chúa trên con người.

“Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác” [Mt 10,28]

Thật sự con người của niềm tin, đầu đội Trời, chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa vì họ xác nhận rằng chỉ một mình Ngài mới có quyền trên vận mạng con người.

Tuy nhiên, Thiên Chúa là Chủ tể mọi sự, ở đây, lại không phải là Đấng giành quyền để đe dọa; Ngài xác định quyền thế của Thiên Chúa, trước tiên, để nâng phẩm giá con người lên cao, một phẩm giá được chính Thiên Chúa trân trọng :

“Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay tóc trên đầu anh em Người cũng đếm cả rồi” [Mt 10, 29-30].

Rồi nhờ vị thế được Thiên Chúa trân trọng, con người được giải thoát khỏi nỗi sợ : “Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” [Mt 10, 31].

Như thế, ta hiểu được Tin Mừng của Đức Giêsu, Tin Mừng về vị thế cao cả của con người trước mọi thế lực khác, Tin Mừng về sự giải thoát con người khỏi nỗi sợ chứ không phải giai tằng thêm nỗi sợ, Tin Mừng vì Thiên Chúa đứng về phía con người, Ngài giúp con người “trả nợ đời”, chứ không phải là một ông chủ nợ làm nặng nề thêm gánh nặng nhân sinh; và chúng ta có thể vui mừng thực sự vì đỉnh cao của ơn cứu độ được thể hiện trong tình yêu, yếu tố giúp chúng ta có thể vượt trên sự sợ hãi thường tình.

“Trong tình yêu không có sợ hãi, trái lại tình yêu hoàn hảo loại đtrừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi  thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” [1 Ga 4, 18]

Kết

Đời sống đức tin không phải chỉ là một vài sinh hoạt, một số nề nếp bị đòi buộc từ bên ngoài, nhưng là một động lực, một sức sống làm cho con người được sống dồi dào phong phú. Lối sống bám vào luật lệ khăng khăng bảo vệ Thiên Chúa của nhưng người biệt phái chính là hệ quả một một tinh thần nô lệ đối với Thiên Chúa; lối sống ấy có nguy cơ đánh mất phẩm chất cuộc sống đời người.

Với tình yêu, tình yêu của chính Thiên Chúa dành cho con người, thái độ kính sợ, hay kính trọng Thiên Chúa phải thật sự là một nhân đức, nghĩa là không bao giờ được biến thành những nết xấu như khúm núm, tính toán, luồn cúi, sợ sệt…. Quả thật, trong Giáo Hội, ta có thể thấy vẫn còn đầy dẫy những mối tương quan “nô lệ” làm cho nhân cách người tín hữu trở nên dúm dó; thứ tương quan không làm cho con người được sống bát  ngát, tự do trong bầu trời yêu thương.