TTTĐ Sáu Bậc Sống – Bậc sống khô khan tội lỗi (P.9)

 
 
 
  Thư Tập Tiến Đức Sáu Bậc Sống  

I. Bậc sống khô khan tội lỗi

2. Sống tự chế, tiết độ

– Luôn cố gắng sống tự chế và tiết độ

Những ai có kinh nghiệm chiến đấu với bản thân mình, hẳn biết chẳng có cuộc chiến nào cam go hơn, khó khăn hơn chiến đấu với chính bản thân mình. Vì thế, chúng ta cần phải nhờ có ơn Chúa mới đủ sáng suốt và sức mạnh để sống tự chế và tiết độ. Sau khi thực hiện ba nguyên tắc nói trên, linh hồn đã tháp nhập trở lại đời sống mình vào cuộc sống thánh ân, hiệp nhất với Đức Giê-su Ki-tô. Cho nên họ cũng được thừa hưởng lời của Chúa Giê-su nói với thánh Phao-lô: “Ơn Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).

Nhận được sức mạnh từ nơi Chúa, thánh Phao-lô đã vươn lên sống trọn lành, và khuyên chúng ta: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em phải chạy thế nào để kiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị hại.” (1Cr 9,24-27).

Trên mặt trận thiêng liêng này, như thánh Phao-lô, chúng ta  đang là một võ sĩ, chúng ta cũng đấm; một vận động viên, chúng ta cũng chạy, chạy đua về đến đích cuối cùng “cuộc sống vinh phúc vĩnh hằng”. Nhưng chúng ta là những võ sĩ, là những vận động viên hằng mang niềm trông cậy lớn lao vào Thiên Chúa

“Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn

là Đấng dạy tôi nên người thiện chiến

luyện thành tay võ nghệ cao cường” (Tv 144,1).

Linh hồn phải xác tín với niềm cậy trông kiên vững, chính ơn thánh Chúa sẽ thanh luyện và biến đổi chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng chính mình.

Cổ nhân có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, chúng ta cần biết cụ thể những gì giúp chúng ta sống  biết tự chế và sống tiết độ.

* Tự chế là cố gắng tự ngăn giữ bản thân mình. Quyết tâm không cho phép mình sống buông thả theo những thói quen xấu, những đam mê thụ hưởng trước đây. Trong đức khôn ngoan, trước hết linh hồn biết tự chế là biết sắp xếp cuộc sống mình sao cho tránh từ xa các dịp có thể dẫn mình đến những sa ngã cũ. Tránh bạn bè xấu hay đối tượng làm mình vấp phạm, tránh những nơi gây dịp tội, tránh tiếp cận môi trường dễ bị cám dỗ v.v… Và một khi đã đứng trước cuộc chiến, linh hồn phải biết kiềm chế bản thân, đừng buông mình theo cuộc đam mê. Hãy ghi khắc vào lòng lời Thánh Vịnh

“Bởi ân tình Ngài quí hơn mạng sống

Miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương” (Tv 62,4).

Phải xem ân tình Chúa là cao quí hơn tất cả, không gì có thể làm mình phá đổ lề luật Người, xúc phạm đến Người.

Có một người thanh niên từng trải, tuổi chừng trên ba mươi. Chúa quan phòng thử luyện linh hồn anh cho xứng với sứ mạng Ngài trao phó. Trong thời gian mười đêm, không còn cách nào khác, anh phải ngủ chung chiếu với một người trinh nữ, chiếc chiếu trải trên nền xi măng, rộng tám tấc. Và hai người cũng rất mến thương nhau, xem ra thật tâm đầu ý hợp. Để tự ngăn bản thân mình và người trinh nữ tuổi đôi mươi ấy không sa ngã phạm tội, lỗi nghĩa với Chúa. Hằng ngày anh dẵn dắt người trinh nữ ấy tìm gặp Chúa Giê-su trong Thánh Lễ Mi-sa, kết hiệp với Thánh Thể và luôn gẫm suy Lời Chúa. Khuya lại sau khi đã chầu Thánh Thể, trước khi nằm xuống ngủ anh thầm thỉ cùng Chúa Giê-su rằng “Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã chịu khổ hình vô cùng đau đớn trên thánh giá, không chỉ để cứu rỗi linh hồn chúng con, mà còn cứu độ cả thân xác chúng con nữa. Thân xác này mai kia sẽ phục sinh ở với Chúa, sẽ ca tụng Chúa đời đời. Xin Chúa đừng để chúng con phạm tội, Chúa ở với con trong giấc ngủ này. Amen.

Và trải qua từng đêm như thế anh đã chìm vào giấc ngủ với câu kinh nguyện tắt “Giêsu – Maria – Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn”. Mười đêm trôi qua anh không hề bị gợi lên cám dỗ dù trong tư tưởng. Nhưng như thể không có nghĩa anh không cảm nhận hơi ấm da thịt người khác phái đang nằm sát bên mình. Và có lúc ngủ quên cô gái đã gác chân lên người anh. Điều bất ngờ hơn, chàng trai ấy từng làm du đảng, xác thân anh đẫm mùi cung phụng quỉ dâm ô. Khi đó anh đang trở về cùng Chúa bằng cuộc sống và tự đáy lòng mình.

Giờ chúng ta xem quan điểm của Hội Thánh về tiết độ như thế nào:

 * “Tiết độ là đức tính luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng chừng mực những của cải trần thế. Tiết độ giúp ý chí làm chủ các bản năng và kềm chế các ham muốn trong giới hạn chính đáng. Người tiết độ hướng các thèm muốn giác quan về điều thiện và luôn thận trọng, “không chìu theo những đam  mê của lòng mình” (Hc 5,2). Cựu ước thường khen ngợi tiết độ: “Con đừng buông theo các tham vọng của con, nhưng hãy kềm chế các dục vọng” (Hc 18,30). Tân Ước gọi tiết độ là “chừng mực” hay “điều độ”, chúng ta phải sống “chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12; GLHTCG 1809).

Trong sách Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu Gởi Các Hồn Nhỏ, ngày 17-9-1965 bà Magarita hỏi Chúa Giê-su:

– “Con có thể thực hành việc hãm mình và thống hối như thế nào?

Chúa Giê-su trả lời:

– Con hãy giữ đúng mức thích nghi với môi trường con sống”.

Ôi! Việc tốt lành thánh thiện mà Chúa còn coi trọng việc giữ chừng mực theo bậc sống và hoàn cảnh hiện tại của linh hồn. Huống hồ chi đời sống đam mê và thụ hưởng cần phải tự chế và tiết độ đến mức nào?

Chúng ta cùng ghi tâm lời thánh Phao-lô khuyên dạy “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ghen tị, say sưa, chè chén, và những điều giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,16-24).

Tình Yêu Hoa Cỏ 
                                                                                                                                                                                                24/11/2008

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *