TTTĐ Sáu Bậc Sống – Bậc sống khô khan tội lỗi (P.2)

 

 Thư Tập Tiến Đức Sáu Bậc Sống  

I. Bậc sống khô khan tội lỗi

1. Mộ mến việc đạo đức, làm việc đạo đức với ý ngay lành.

a. Mộ mến việc đạo đức:

– Từ “đạo đức” chúng ta đang dùng ở đây có nghĩa như thế nào?

– Việc đạo đức của người Công Giáo gồm những việc gì?

* Theo nghĩa thông thường, từ “đạo đức” có nghĩa: đạo là lẽ phải, là nguyên  tắc, phương châm phải theo, hợp với đạo lý luân thường.

Đức là điều tốt lành.

Theo nghĩa giáo lý chúng ta thường dùng, từ “đạo đức” được hiểu rộng hơn, thêm vào ý nghĩa nói trên ý nghĩa riêng của tôn giáo:

Đạo còn là Nhà Đạo, việc đạo, tức việc Giáo Hội dạy nên làm.

Đức là đức tin.

Như vậy từ “đạo đức” ở đây được hiểu:

Đạo đức là những điều, những việc tốt đẹp cao quí được xem như những nguyên tắc, những phương châm phải theo, không những hợp với đạo lý luân thường mà còn hợp với chân lý đức tin Giáo Hội đã dạy.

* Những việc đạo đức của người tín hữu Công Giáo gồm: việc bác ái, việc phục vụ, hy sinh, hãm mình, chay tịnh, làm tông đồ các đoàn thể, dâng Thánh Lễ, tham dự các bí tích, đọc kinh thần vụ, chầu Thánh Thể, đọc kinh cầu nguyện riêng và chung, viếng nhà thờ, viếng nghĩa trang, đi hành hương, dâng hoa kính Đức Mẹ v.v…

Thật ra, để có lòng mộ mến việc đạo đức không phải dể làm được, nhất là đối với những người từng sống quá khô khan. Mộ mến việc đạo đức còn là một ơn nằm trong ơn đạo đức của Chúa Thánh Thần ban cho linh hồn. Vì thế, việc đầu tiên linh hồn muốn có lòng mộ mến việc đạo đức thì phải khiêm nhường, thành khẩn xin ơn đạo đức. Khiêm nhường xin ơn, tức nhận ra mình thiếu thốn, khát khao có được ơn lành của Chúa, đồng thời kiên trì nhẫn nại cầu xin. Linh hồn không những khát khao cầu xin ơn Chúa trong nội tâm, mà còn phải thể hiện ra ngoài mình thật lòng muốn được ơn, hết lòng khấn xin cho có ơn Đạo Đức. Nghĩa là không chỉ xin ơn khi cầu nguyện với tấm lòng khát khao mạnh mẽ, linh hồn còn bày tỏ lòng khát khao ấy qua việc tìm học biết và làm quen, tập sống việc đạo đức.

Tìm hiểu, học hỏi cho hiểu biết những việc đạo đức mình muốn làm có ý nghĩa gì, lợi ích cho chính mình và cho tha nhân như thế nào. Từ sự hiểu biết đầy đủ và sâu sắc, cùng trải nghiệm qua thực hành, linh hồn sẽ dần cảm nghiệm giá trị siêu nhiên của việc đạo đức. Ý thức cao việc đạo đức là những ân sủng cao quí Thiên Chúa chuẩn bị sẵn cho con người, để con người nhờ việc thực hành nó sẽ được thánh hoá làm con Thiên Chúa. Lòng mộ mến thích thú được thực hiện việc đạo đức phát sinh từ đấy.

Vượt trên tất cả những cố gắng dùng khả năng con người, linh hồn có thể mau chóng đạt được điều mình mong muốn đẹp lòng Chúa bằng đức tin. Linh hồn hãy hoàn toàn tin tưởng theo Lời Chúa dạy “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho… Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”    (Lc 11, 9-13).

Để bước vào cấp độ thứ hai của lòng mộ mến việc đạo đức, được thưởng nếm những ân sủng ngọt ngào đầy nâng đỡ của Thiên Chúa, giúp linh hồn tiến bước vững vàng hơn. Linh hồn cần chú trọng mấy điều sau:

Sau khi đã thực hành được ít nhiều việc đạo đức, linh hồn chớ tự cho rằng mình đã làm được nó. Vì còn quá non nớt trên đường nhân đức, những ý tưởng như thế sẽ làm mồi nhử Sa-tan dẫn mình đến sa ngã bởi các tính xấu như phô trương, tự hào, tự mãn, tự kiêu…  làm giảm sút công nghiệp hay có thể trở lại tình trạng cũ. Đa số các linh hồn ở bậc này thường vấp vào lỗi “chưa tu luyện đã vội đua tranh”. Vừa thấy mình siêng năng đi dâng lễ  Mi-sa hay sốt sắng làm việc kính lòng Thương Xót Chúa, hoặc một vài việc đạo đức nào đó, đã vội xem thường, khinh chê kẻ khác không sốt sắng, siêng năng được như mình.

Hay cũng muốn người khác làm theo mình, bởi ban đầu có thể do lòng nhiệt thành muốn người khác cũng sống đạo đức. Nhưng rồi do đời sống nhân đức còn quá yếu, sẽ  sớm bị ma quỉ lèo lái suy nghĩ đến chỗ tự hào, tự mãn. Ngỡ mình đã nổi trội hơn ai đó. “Và trước hết tôi phải biết tự giữ mình như thế nào, tôi rất ước ao làm ích cho tha nhân. Đây là một cám dỗ rất thông thường nơi những người mới bước vào đường nhân đức” (TT). Cho nên ngay từ đầu, dù làm được việc thành công đến mấy, kể cả làm được phép lạ, hoàn tất được công việc quan trọng lớn lao thế nào. Linh hồn cũng phải nhớ lời dạy của Chúa Giê-su “Đối với anh em cũng vậy, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là đầy tớ vô dụng…” (Lc 10,17). Nên nhớ mình được Thiên Chúa dùng đến trong công cuộc cứu độ của Người, tức được nhận ân huệ lớn lao từ Người.

Do đó, phải luôn khiêm hạ tự nhận ít là trước Chúa “con có làm những việc đạo đức kia, cũng nhờ bởi ơn Chúa, phát xuất từ lòng nhân hậu vô bờ của Ngài xót thương con” và luôn tự nhủ với mình lời khuyên “thành công là đứng bên bờ vực thẳm của sự sa ngã”. Dưới ánh sáng ơn khôn ngoan linh hồn nhận biết được ngồi dâng Thánh Lễ trong nhà thờ, có mặt trong đoàn thể, trong lớp giáo lý, trong đoàn hành hương, trong ban phục vụ, hay trong cộng đoàn tu sĩ v.v… là ân sủng lớn lao Thiên Chúa đoái đến phận tội nhân mình. Từ những ý nghĩ thật lòng khiêm hạ ấy, nó sẽ nuôi lớn lòng tri ân đối với Thiên Chúa, giúp cải thiện thêm tốt hơn mối tương giao giữa Thiên Chúa và linh hồn. Tình mến Chúa nơi linh hồn cũng bắt đầu nhen nhúm từ đây. Nhờ đó, Chúa sẽ rộng tay ban phát thêm ơn lành của Ngài cho linh hồn. Hay nói khác đi, cái bình da linh hồn tội nhân đã cũ mèm đang dần được ân sủng kiện toàn, làm cho nên mới. Cho có đủ sức lãnh nhận thứ rượu mới thần khí mà Thiên Chúa sẳn lòng đổ đầy tràn vào đó. Được như trên, những tâm tình khiêm hạ ấy sẽ đặt những viên đá hoa cương đầu tiên, xây lại nền móng lâu đài nội tâm của linh hồn tội nhân vừa trở về.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
                                                                                                                                                                                                24/11/2008

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *