THẦN KHÍ TRONG THẾ GIỚI

 

Thế giới là thứ không gian lớn rộng và thoáng đãng nhất để gió – Thần Khí – thổi. Mang tính cách “vô biên vô bờ”, Thần Khí không những vượt lên trên mọi cõi bờ cố định, nhưng còn xuất hiện ở những nơi không ai bao giờ ngờ đến. Trên nguyên tắc, có thể tiên liệu được rằng: hễ nơi nào Ngôi Lời Thiên Chúa khởi công sáng tạo, thì nơi ấy, Thần Khí sẽ ra tay hoàn tất. Bởi đó, Thần Khí hiện diện đầy tràn trong cả không gian lẫn thời gian và làm cho vạn vật được triển nở tròn đầy, viên mãn.

 

Thần Khí trong công cuộc sáng tạo

Thần học quan niệm cuộc sáng tạo như là công trình của Thiên Chúa, tức là của cả Ba Ngôi.[1]Dù vậy, truyền thống đã quy gán các hoạt động chuyên biệt cho từng Ngôi Vị cá biệt,[2] chẳng hạn như: Cha Tạo dựng, Con Cứu chuộc, Thần Khí Thánh hóa. Cha sáng tạo qua Ngôi Lời; mà Lời và Khí thì lại đi đôi với nhau. Trong Kinh Tin kính, người kitô tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha Toàn năng, Đấng Tạo thành trời đất.” Tân Ước làm chứng về vai trò quan trọng của Con, là Ngôi Vị duy nhất trong Ba Ngôi đã hóa thành hụ tạo. Mở đầu Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan khẳng quyết là nếu không có Ngôi Lời – Đấng đã mặc lấy xác phàm (x Ga 1:14) – thì cũng không có thứ gì được tạo thành hết cả (x. Ga 1:1-5). Văn đoạn Cl 1:16-17 cũng quả quyết: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.” Quả thực, Đức Giêsu Kitô đã được sai đến để làm Đầu vũ trụ; do đó, nếu không có Người, tất vũ trụ sẽ đánh mất đi ý nghĩa trọn vẹn của nó. Cha “đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1:2), và “đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ep 1:22). Các văn đoạn Kinh Thánh vừa nêu chính là khởi điểm của dạng Kitô học vũ trụ.

Vai trò của Chúa Thánh Thần – cũng giống như tính cách đặc thù của Người – tỏ ra mơ hồ và tản mạn hơn, hệt như gió vậy, nhưng lại mang tính chất toàn tại . St 1:2, một câu văn khó hiểu, đã đề cập đến sự việc Thần Khí Thiên Chúa (hay luồng gió mạnh?) bay lượn trên mặt nước; giải thích văn đoạn này, truyền thống đã coi đây như là dấu hiệu biểu thị sức năng tác động của Thần Khí đối với từng hành vi tạo dựng; là tác nhân thần linh, Người biến đổi khối vật chất hỗn độn (chaos) cho trở thành vũ trụ (cos­mos).[3] Về sau, sách Thánh vịnh đã giúp cho hiểu hơn về câu văn vừa nêu: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6; x. Gđt 16:14); theo thánh Irênêô, đây là văn đoạn nêu bật mối đồng tác giữa Lời với Khí, tức đôi tay của Thiên Chúa.[4] Nhất thiết phải hiểu rằng Thiên Chúa không thực hiện công cuộc sáng tạo một lần duy nhất vào một thuở xa xưa – hay, “lúc khởi đầu” – nào đó, rồi lui về mà “nghỉ hưu” trong thế giới đời đời của Người; trái lại, cuộc sáng tạo biểu thị hành động vĩnh cửu của Thiên Chúa, tức là, hành động sáng tạo không ngừng của Người; và do đó, có thể thấy rằng Lời và Khí đang tạo nên sự sống căn bản của muôn loài muôn vật ngay chính trong lúc này đây. Thần học kitô diễn tả công trình thần linh này như là “cuộc sáng tạo liên tục”. Trước hết, điều này có nghĩa là cuộc sáng tạo kia được liên tục duy trì nhờ Lời và Thần Khí của Thiên Chúa, vì nếu Ba Ngôi thu hồi hành động sáng tạo thần linh kia lại, tất vạn vật sẽ lập tức rơi vào hư vô. Kế đến, cuộc sáng tạo này không hề được thực hiện một lần duy nhất rồi thôi: vũ trụ càng lúc càng sinh sôi nẩy nở thêm lên. Cũng như thuật ngữ “sáng tạo từ hư vô” diễn tả siêu việt tính – hoặc tính cách khác biệt hoàn toàn so với mọi thụ tạo – của Thiên Chúa thể nào, thì thuật ngữ “sáng tạo liên tục” biểu thị tính cách nội tại hoặc sự hiện diện thân tình của Thiên Chúa trong mỗi loài thụ tạo thể ấy. Điều này có nghĩa là các Ngôi vị thần linh liên tục tạo nên và cư ngụ trong vạn vật, làm cho chúng tồn tại, triển nở và đạt đến mức độ hoàn hảo, như lời Đức Giêsu đã từng nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5:17).

Không chỉ khám phá ra nhiều điều bí mật ẩn tàng trong vũ trụ, khoa học còn hình thành nên một dạng phương pháp luận khoa học mà thần học có thể dùng đến để liên tục đào sâu mầu nhiệm Thiên Chúa. Các dạng chủ nghĩa duy lý và duy khoa học cổ xưa đều đã tắt thở tự bao giờ; trở nên khiêm nhường hơn, khoa học ngày nay đang bắt đầu nhìn nhận “chỗ đứng” của tôn giáo. Thuyết tất định kiểu duy vật đã hết thời, còn thuyết tiến hóa thì có thể được cắt nghĩa theo nhiều cách khác nhau; và như thế, thần học có thể lấy thuyết vụ nổ lớn (big-bang) và thuyết ý định khôn ngoan (intelligent design) làm đất dụng võ để định vị vai trò của Chúa Thánh Thần.[5] Lẽ tất, có thể nhìn cuộc sáng tạo như là hành động tự hủy của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới quá hoàn hảo đến độ nó có vẻ như có khả năng tự túc, tự cấp mà bất chấp Thiên Chúa. Như trong các cuộc thần hiển khác, “áng mây” vừa tiết lộ vừa ẩn giấu Thiên Chúa, đức tin có khả năng nhìn rõ “dấu vân tay” của Người, nhưng khoa học thì chỉ thấy “khối vật chất” của vũ trụ cùng những thuộc tính của nó mà thôi. Là Tình Yêu, Cha sẵn sàng nhận lấy rủi ro khi tạo nên con người có tự do ý chí: ẩn mình đi để con người có thể thấy mình hoàn toàn tự do và có trách nhiệm đối với phần còn lại của cuộc sáng tạo. Mang khuôn mặt tự hủy hoàn toàn của Thiên Chúa, Thần Khí sẽ luôn củng cố hoạt động của vạn vật thụ tạo, kể cả khi chúng tỏ thái độ chối từ Người.

Đối với cặp mắt đức tin, vai trò của Thần Khí được nhận thấy rõ ràng hơn qua cuộc tạo dựng sự sống, như Tv 104 diễn tả: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (29-30). Cuộc tạo dựng sự sống đã đạt đến đỉnh điểm của nó khi “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7) và Người tiếp tục làm điều này để duy trì sự sống, như Êlihu, bạn của Job đã nói: “Sinh khí của Thiên Chúa đã làm ra tôi, hơi thở của Đấng Toàn năng đã cho tôi được sống” (G 33:4). Ở đây, thần học có được một tia sáng mà nhân loại học không nhận ra: lúc nào thì một cá thể giữa họ người (loài linh trưởng) trở thành một nhân vị hoàn chỉnh? Từ thời còn là giáo sư, Jo­seph Ratzinger đã giữ vững lập trường cho rằng chỉ khi bước vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa thì ‘con người’ mới đạt tới được mức độ trưởng thành của ‘nhân vị’; tác giả viết: “Đến đây thì bước quyết định trong quá trình hình thành loài người đã bước xong. Bởi lẽ con người được cấu thành không phải là bằng cách dùng đến vũ khí hoặc khói lửa, cũng chẳng phải là với việc dùng tới những hình thức mới của tàn bạo hoặc vị lợi, nhung là bởi khả năng con người có để bước vào trong mối tương quan với Thiên Chúa. Đó là điểm mà giáo lý về công trình tạo dựng con người một cách đặc biệt, cho thấy rõ (trong St 1—2). Hơn hết, đó là tâm điểm niềm tin của chúng ta đối với công cuộc tạo dựng.”[6] Bởi vậy, Thần Khí – Sinh khí – là nguyên lý sự sống siêu việt của hết thảy mọi loài sinh vật, là tác nhân đưa tạo vật buớc tới mức độ hoàn thiện, thành một nhân vị trọn vẹn, và là nguồn tái sinh vạn vật: “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:30). Theo đó, truyền thống đã quy gán công cuộc tạo dựng cho Thần Khí: “Các ân huệ của Thánh Thần thì nhiều vô kể. Không cần đề cập chi đến công cuộc tạo dựng thế giới, cuộc truyền sinh và quản trị mọi loài thụ tạo, như đã được bàn ở tín khoản thứ nhất, chúng tôi chỉ muốn trình bày cho thấy rằng hoạt động trao ban sự sống được đặc biệt quy gán cho Chúa Thánh Thần, và điều này còn được củng cố thêm nhờ lời chứng của Êdêkien: Ta sẽ ban thần khí cho ngươi, và ngươi sẽ sống.[7]

Lời xác tín ấy của Cựu Ước, dòng văn chương khôn ngoan đã suy ngắm và truyền lại cho Tân Ước. Đức Khôn Ngoan, Lời và Thần Khí được liên kết với nhau trong các hoạt động sáng tạo, duy trì và tái tạo. “Sinh khí bất diệt” của Thiên Chúa, Đấng trao ban sự sống, “ở trong muôn loài muôn vật” (Kn 12:1; x. Tv 139:7-10), vì nhờ chính Thần Khí mà Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi. Nhận thấy một ít dấu vết của niềm tin ấy nơi các dân ngoại, thánh Phaolô mới nói với những người Aten rằng “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17:28). Hiểu được tính cách kết hiệp của “đôi tay”, tức Lời và Thần Khí, ngài đã tuyên xưng rằng: “Chúa là Thần Khí” (2Cr 3:17), và Thần Khí này là “Đấng ban sự sống” (Ga 6:63) vì Người đổ sự sống mới trên hết thảy những ai tin vào Đức Kitô Giêsu (x. Rm 5:5; 8:2; 9-11; 1Cr 15:44-45). Đến đây, cái gọi là “tự nhiên” và “siêu nhiên” hòa lẫn vào nhau, vì vượt lên trên tầm nhìn hạn hẹp thông thường, “con mắt đức tin” có khả năng nhận ra chiều kích giấu ẩn của thực tại.

Tóm kết điểm giáo lý trên đây, Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu: “Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nhắc lại như sau những gì toàn bộ Truyền thống đã dạy: ‘Lời và Sinh khí của Thiên Chúa là nguồn hiện hữu và sự sống của mọi loài thụ tạo’ (số 703). Và một bản văn dồi dào ý nghĩa trong phụng vụ Bizantiô có đoạn: ‘Chính Thánh Thần là Đấng cai trị, thánh hóa và làm cho thụ tạo trở nên sống động, vì Người là Thiên Chúa, đồng bản thể với Cha và Con… Quyền ban sự sống thuộc về Thần Khí, vì là Thiên Chúa, Người bảo tồn muôn loài thụ tạo trong Cha, qua Con’.”[8]

Bởi đó, Giáo hội hằng kêu cầu Thần Khí Sáng tạo – Veni, Creator Spiritus – “hãy đến và đổ ân sủng thần linh vào những tâm hồn Người đã dựng nên.” Chiêm niệm hoạt động của Thần Khí trong cuộc sáng tạo, những tâm hồn tràn đầy Thần Khí sẽ có được cái nhìn thấu suốt và mới mẻ về thế giới loài người, một thế giới đang rất cần sự hiểu biết, sức chữa lành và tình yêu. Như C. H. Pinnock đã nói: “Thần Khí là quyền năng sáng tạo mang lại nhiều điều bất ngờ, đẩy thế giới vào trạng thái ngây ngất tình yêu, và cất lên trong thế giới ấy một thứ âm vọng của mối quan hệ thần linh.”[9] Chính Thần Khí là Đấng nối liền – liên kết – tâm hồn con người với muôn loài muôn vật khác trong vũ trụ, hầu tất thảy vạn vật có thể trở nên một gia đình với những mối lưu tâm chung: đây là vấn đề căn bản của thế giới ngày nay. Người kitô phải ra sức khôi phục lại một truyền thống tỏ ra nhạy cảm hơn đối với lãnh vực này, lãnh vực mà “các cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ” đã từng làm cho trở nên suy yếu đi; trong các nền văn hóa khác, cách riêng là ở Á châu, hai chiều kích thiêng liêng và thiên nhiên có vẻ như dễ dàng sánh bước bên nhau, cùng nhau phát triển trong bầu khí hài hòa, êm đẹp.[10]

 

Chúa Thánh Thần trong thiên nhiên

Với những gì đã thấy trên đây, thiết tưởng có thể nói đến một vũ trụ bí tích. Nếu được tạo dựng nhờ hơi thở của Thần Khí, thì xét về căn bản, vũ trụ ắt phải mang một chiều kích bí tích. Ý niệm về bí tích tính có tính cách loại suy, trước hết được áp dụng cho Đức Giêsu là bí tích của Cha và là bí tích nền tảng, thứ đến là cho 7 bí tích, và sau hết là cho nhiều thực thể khác, chẳng hạn như Giáo hội, Lời Chúa, vũ trụ, v.v. Do đó, công trình tạo dựng nhờ quyền năng Thánh Thần cũng được coi như là một bí tích của Thiên Chúa hằng sống. Đó là luận đề căn bản của nền thần học môi sinh. Vạn vật trong vũ trụ đều khả dĩ trở nên một thể dạng mạc khải về tính cách vô cùng của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã đề cập đến trong Rm 1:19-20. Đối với đôi mắt đức tin, thế giới trở nên hiển hiện rõ ràng, như lời Thánh vịnh tung hô: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia” (Tv 19:1-2). Đã linh ứng việc viết ra Kinh Thánh thể nào, tất Thần Khí – theo một cung cách tương tự – cũng “linh ứng” hết thảy mọi thụ tạo như thế, hầu chúng có thể vén lộ những “vết vân tay” của Đấng Tạo thành ra chúng.

Hiện diện bên trong hết thảy mọi loài, Thần Khí Chân lý đảm bảo cho việc các loài thụ tạo giữ vững được bản chất đích thực của chúng; đây chính là điều kiện siêu nghiệm đối với khoa học: sự vật mang bộ mặt đích thực, nghĩa là không bao giờ chúng nói dối về bản thân chúng. Cũng hiện diện bên trong dòng sinh hoạt trí tuệ của con người, Thần Khí Chân lý thắp lên thứ “ánh sáng lý trí”, khiến nó có thể lĩnh hội được sự thật về sự vật. Ý niệm có thể trùng khớp với thực tại – tức là chân lý – bởi vì cả ý niệm lẫn thực tại đều xuất phát từ một Thần Khí Sáng tạo duy nhất, Đấng là Chân lý. Ở trong một mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thần học và khoa học đều chấp nhận câu châm ngôn căn bản sau dây: “Dù kẻ phát biểu chân lý có là ai đi nữa, nhưng hễ cái gì là chân lý thì đều xuất phát từ Chúa Thánh Thần.” Cuộc ly gián giữa đức tin với khoa học là một điều sai lầm tai hại, và tình trạng bóp nghẹt sự thật khách quan – như thấy trong nhiều lãnh vực rộng lớn của nền văn hóa hiện đại – chính là một dạng tội phạm đến Thánh Thần.

Thần Khí là “Chúa và là Đấng ban Sự sống”. Có thể dễ dàng nhận biết Thần Khí hơn qua các sinh hữu thể. Trình thuật về cuộc tạo dựng con người trong sách Sáng thế đã ghi lại sự việc Thiên Chúa thổi sinh khí vào hình đất sét và biến nó thành con người; tuy nhiên, chính Ađam mới – Đức Kitô – mới thực sự là con người đầu tiên nhận lấy Thần Khí và đã trở nên “trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1:15). Đức Kitô – thủ lãnh muôn loài trong trời đất (x. Ep 1:10, 22) và Sự sống nhập thể (x. Ga 1:4; 5:26; 6:48.53; 11:25; 14:16) – đã chia sẻ sự sống của Người với các thụ tạo. Chính ở trong các thụ tạo sống động mà đôi bàn tay Thiên Chúa, Lời và Sinh khí, Đức Kitô và Thần Khí, thể hiện rõ nhất mối hiệp lực, đồng tác với nhau. Dù vậy, sức sống hay sinh khí ấy không phải là một kết quả tự nhiên của quá trình tiến hóa vũ trụ, cũng không phải là một thứ gì đó được thổi vào khối “vật vô tri” (inanimate matter) như việc đưa khí nén vào bình chứa; sự sống ấy là một chiều kích trọn vẹn của mọi tạo vật. Triết học định nghĩa Thiên Chúa như là actus purus, hoạt động thuần túy, năng động lực thuần nguyên, và do đó, Người tạo nên một thế giới năng động tự bản chất, một vũ trụ sống động, tràn trề sinh khí. Đương nhiên, sinh khí không phải là một dạng thực thể đơn nghĩa; tuy nhiên, tính cách đa dạng – đến độ làm cho bối rối, lẫn lộn – của nó lại có một nền tảng chung và sâu xa, từ những lực căn bản mà vật lý học khám phá ra nơi các hạt cơ bản, cho đến những thực thể con người gọi là thần linh. Thần Khí Sáng tạo thổi sinh lực vào thực thể (có thể gọi là vật chất, năng lượng, sinh khí, v.v.), gây ra đà phát triển từ “vụ nổ lớn” cho đến “điểm cuối cùng” (omega point). Đây chính là “sự sống” này truyền dẫn năng lực cho các dải thiên hà hay ngân hà và – trong hành tinh thân yêu và đẹp đẽ của con người – chuyển di các lục địa, làm rung động vỏ trái đất, làm các ngọn núi lửa phun trào, làm cho các sinh vật xuất hiện, sinh sôi nẩy nở và phát triển phong phú về giống loại, v.v. J. Moltmann đã viết như sau: “Gọi những dạng năng lượng sống động và sáng tạo đó là thần Khí (divine Spirit), là bởi vì nó vượt lên trên hết thảy mọi hữu thể – ngay cả những dạng năng lượng – nó tạo ra. Gọi nó là Khí vũ trụ (cosmic Spirit) bởi vì nó chính là sức sống nội tại của những gì sống động. Người Trung Hoa gọi đó là chi, người Hy lạp gọi là eros, người Do thái gọi là ruah.”[11] Đantê cũng nhận thức rằng: “Tình Yêu làm vầng dương và các vì tinh tú khác chuyển động”,[12] bởi vì động lực sâu xa nhất hiện diện bên trong mọi sự là chính “tình yêu”, và khởi nguồn của mọi dạng tình yêu là chính Chúa Thánh Thần. Nếu sự sống là thành tựu của công cuộc tiến hóa, thì đó là nhờ tác động đặc biệt của Thần Khí, Đấng giữ vai trò của “Đấng hoàn tất” trong Ba Ngôi Thiên Chúa; khi bất cứ một thụ tạo nào đạt đến mức hoàn hảo của nó, thì Thần Khí cũng hiện diện ở đó, thực hiện tác động dứt điểm (final touch) để hoàn tất hành vi sáng tạo của Cha. Tác giả Samuel Rayan S.J. viết: “Thần Khí được nối kết với hết thảy mọi bước khởi đầu lớn lao. Người là vị Chủ xướng của các bước tiến mới mẻ và là vị Dẫn dắt các phong trào mới lạ. Người tác động nơi từng bước ngoặt quyết định trong đà diễn tiến của sự sống trên địa cầu. Người là Thần Khí Sáng tạo.”[13]

Sự sống là lãnh vực qua đó dung mạo thần linh lộ rõ hơn cả. Các sinh hữu thể được eros thúc đẩy; dạng “ái lực” này (dù phải hiểu cách loại suy đến độ đi nữa) làm cho các sinh vật trở nên hoàn hảo với việc sở hữu bạn yêu dấu, tạo ra sự sống mới, sinh sản bản thân chúng và duy trì các giống loài. Bàn về nhân loại, Đức Bênêđíctô XVI viết rằng “Bằng cách nào đó, eros đâm rễ sâu vào trong bản chất con người”;[14] tương tự, điều này cũng đúng đối với bất kỳ một loài sinh vật nào khác. Đấng ban Sự sống khơi dậy dòng sinh lực sáng tạo – tức sự sống – nơi sinh hữu thể, làm cho nó có thể thông phần vào nguồn Sinh lực sáng tạo tuyệt đối là Thiên Chúa. Đến đây, tưởng cũng cần tránh xa lối quan niệm – do phiếm thần thuyết, hoặc phong trào “Tân Sinh” chủ xướng – về một sinh vũ trụ có linh hồn là Thần Khí Thiên Chúa. Dù mang tính cách hoàn toàn siêu việt, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm tiếp tục ban sinh lực bên trong cho muôn loài để chúng hiện hữu “nhiều hơn” và “tốt hơn.”

Mối “lưu tâm” đặc biệt của Thần Khí đối với thiên nhiên và sự sống có thể rọi một luồng sáng, giúp cho nhìn rõ hơn vào các vấn đề sinh thái.[15] Một số người đã coi văn đoạn St 1:28-30 – nói về việc Đấng Tạo hóa trao cho con người quyền cai trị trên hết các loài thụ tạo khác – như là nguyên cớ làm dấy lên tình trạng khai thác và tàn phá thiên nhiên; ngược lại, cách đây không lâu, các nhà tư tưởng đã lên tiếng ca ngợi cho rằng mệnh lệnh thần linh kia là chính bước nguyên khởi của nền công nghiệp và văn minh hiện đại! Cũng có phần đúng trong trong các nhận định đó: một mặt, con người sống trong mối liên đới khăng khít với công trình sáng tạo, đặc biệt là với các sinh vật, nhờ việc cả đôi bên cùng chia sẻ “hơi thở sự sống”; mặt khác, con người đã phạm tội, và do tội, con người hóa kiêu căng, ngu dốt, chỉ còn biết tìm cách thống trị bạo tàn đối với thế giới; tháp Baben là một biểu tượng điển hình. Thiên Chúa dựng nên con người là để con người thay Người mà quản lý – chứ không phải làm chủ – công trình sáng tạo, ban cho con người một “thiên viên” là để con người coi sóc, chăm nom nó (x. St 2:15), và đặt ra cho con người một giới hạn: hai cây cấm. Vậy mà, con người hiện đại đã quen với việc phá vỡ các giới hạn, sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể, mà không thấy cắn rứt lương tâm. Vì thế, mọi loài sinh vật trên hành tinh này đều phải lâm vào cảnh cùng quẫn, điêu linh.

Thần học lưu ý đến thực tế này là mọi thụ tạo đều có chung một cội nguồn duy nhất (Thiên Chúa Ba Ngôi), một vận mệnh duy nhất (thông phần vinh quang Thiên Chúa). Mọi loài thụ tạo đều đã được dựng nên trong một mối liên đới với nhau, và do đó, hết thảy những gì hiện hữu đều mang tính cách đồng hiện hữu, vì chỉ có như vậy thì chúng mới có thể tồn tại. Vì Ba Ngôi Thiên Chúa hiện hữu cùng nhau (co-existence) và trong nhau (in-existence) qua các mối quan hệ tương hỗ, nên mọi loài thụ tạo cũng đều mang dấu vết thần linh đó. Mọi thụ tạo được liên kết với nhau theo một thể dạng hiệp thông. Đặc biệt, sự sống là một mối hiệp thông, để từ đó tất cả những gì sống đều sống cho những cái khác; và khi một cái gì đó mất đi, mọi cái khác cũng đều mất đi chút ít.

Nói về mối hiệp thông trong vận mệnh chung, thánh Phao­­lô đã diễn tả hết sức rõ ràng như sau: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8:20-23). Từ đó, có thể nhận thấy rằng cảnh trạng khó khăn mà muôn loài lâm phải là do tội lỗi con người – ít là một phần nào đó – gây nên; rằng thân xác con người là mối dây nối kết với mọi loài thụ tạo; rằng còn có một niềm hy vọng cho tất cả – con người và những thụ tạo khác – nhờ vào Thần Khí là Đấng ngự trong con người, là Đấng – như “ân huệ mở đầu” – đã khởi sự tiến trình giải phóng cho tất cả; do đó, con người mang lấy một gánh trách nhiệm nặng nề trong việc quyết định kết quả thành, bại của công cuộc giải phóng kia. Chiêm ngắm thiên nhiên trong ánh sáng này, sẽ thấy Thần Khí đang phải “quằn quại đau đớn” với những vết thương mà thiên nhiên phải gánh chịu, vì công cuộc hoàn tất hóa của Người có vẻ giống như muối bỏ bể. Các thánh nhân và các thi nhân – những người có mối đồng cảm nhiều hơn với Thần Khí – cũng cảm nhận nỗi đau đớn ấy, như thi sĩ Hopkins, dòng Tên, đã diễn tả: “And all is seared with trade; bleared, smeared with toil;/ And wears man’s smudge and shares man’s smell: the soil/ Is bare now, nor can foot feel, being shod” (đại để: “Mọi vật đều khô héo, bị lợi dụng đổi chác, ra đần độn lọ lem bởi vất vả đọa đày; còn mang cả bẩn dơ, cùng mùi tanh con người: ruộng đất thành trơ trọi, bàn chân chẳng cảm gì, bởi đã được gói kỹ trong chiếc giày xa hoa”)[16] “Thần học sinh thái”[17] phải ra sức khôi phục mối liên hệ giữa công trình tạo dựng và công cuộc cứu chuộc, đào sâu cuộc nghiên cứu ý niệm truyền thống về “cuộc sáng tạo liên tục” trong khung cảnh tiến hóa, và chỉ ra tính cách phi lý của việc đặt niềm tin vào một Thiên Chúa hoàn toàn dửng dưng với những gì đang xảy đến với công trình tạo dựng của Người. Thần Khí, Đấng đưa dẫn chúng ta tiến đến sự thật toàn vẹn, đang hướng dẫn chúng ta cách đọc cuốn đại thư của công trình tạo dựng là nơi mà Người đang thổi sinh khí vào hết mọi chiều kích của nó.

Dưới ánh sáng này, người kitô có thể hiểu rằng vật chất, chẳng hạn, không đơn thuần chỉ là một “sự vật” nằm ở hàng dưới cùng trong “trật bậc hữu thể”, nhưng là thứ dung chứa tràn trề sự sống, ý thức và trí tuệ. Như thế mới thấy tại sao Teilhard de Chardin đã cất vang hát lên bài “Tụng ca Vật chất” (Hymne à la Matière), và nói về “vật chất thánh thiêng…”[18]; còn thánh Gioan thành Đamascô lại viết: “Vì biến cố Nhập Thể, tôi chào đón hết thảy những gì là vật chất với lòng kính trọng.” Thái độ đối với vật chất phản ánh lối quan niệm về Thiên Chúa: phái Manikêô ghét bỏ vật chất; lương dân tôn thờ vật chất; người theo chủ nghĩa duy vật lại dửng dưng (mỉa mai thay!) đối với vật chất. Người kitô dâng lời cảm tạ và quy vật chất về Đấng Tạo dựng. Kỳ thực, vật chất là chính Thân mình Đức Kitô; điều đó lộ hiện rõ ràng nhất trong Thánh Thể, khi cộng đoàn ki­tô hữu dâng lên Thiên Chúa “hoa màu bởi ruộng đất và lao công bởi tay con người”. Các thị kiến nhân cũng xác quyết rằng đó là mầu nhiệm của hết thảy mọi sự, như Đostoyev­sky đã nhờ cha Zossima dạy mà nói rằng: “Hãy yêu hết thảy mọi thụ tạo của Thiên Chúa, yêu chúng cách trọn vẹn; hãy yêu từng hạt cát. Hãy yêu từng chiếc lá, từng tia sáng của Thiên Chúa. Hãy yêu muông thú, cỏ cây, hãy yêu hết mọi sự. Nếu biết yêu vạn vật, bạn sẽ hiểu được mầu nhiệm thần linh trong muôn vật, muôn loài.”[19]

Bởi Thần Khí hiện diện tràn đầy trong mọi sự, nên chúng ta hiểu ngay rằng gây tổn hại cho thiên nhiên là “làm phiền lòng Thánh Thần”: đây là một loại tội xúc phạm đến Người.

Cuối cùng, “nguyên tắc Sabát” cũng là điều đáng lưu ý cân nhắc: ngày cuối trong cuộc sáng tạo là để nghỉ ngơi. Giáo huấn kinh thánh cổ xưa chỉ thị việc phải dành ra một ngày trong tuần để làm ngày tạ ơn và chiêm ngắm. Vào mỗi năm thứ bảy – tức cứ bảy năm một lần – đất đai phải được “nghỉ ngơi” và bỏ hoang, không canh tác (x. Xh 23: 10-11; Lv 25:1-7), nợ nần được miễn và nô lệ được thả tự do (x. Đnl 15:1-6). Thông lệ này được 2Sb 36:21 cắt nghĩa như là cách thức toàn dân thanh toán “món nợ đã mắc với đất” do việc sử dụng những sản phẩm của nó. Do đó, nhất thiết phải biết nhìn vẻ dư dật và phong nhiêu của thiên nhiên với tinh thần tri ân và với thái độ tôn trọng những “quyền lợi” của nó. Giữa bối cảnh hiện nay của dự phóng nhằm tới những bước phát triển và tăng trưởng không giới hạn, vượt quá cả chính quy trình, lẽ tất tầm trọng yếu hiển nhiên của nguyên tắc đặc biệt kia càng nổi bật hẳn.

Dựng nên con người theo hình ảnh mình, là Thiên Chúa muốn đặt con người làm “tư tế vũ trụ” (cosmic priest), tức là trở thành kẻ trung gian giữa hết thảy mọi thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Nơi con người, mọi thụ tạo đạt đến ý thức và trách nhiệm; bởi đó, chính con người có bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, tri ân Đấng Tạo Hóa về ơn hiện hữu và “hiện hữu dồi dào” cùng ra sức gìn giữ món bảo vật hiện hữu đó, cùng hiện thực hóa các tiềm năng đi kèm. Cảnh trạng hài hòa giữa các loài thụ tạo là một “viên ngọc quý” Thiên Chúa đã trao vào tay con người để con người giữ lấy.

 

Thân xác

Con người là một bộ phận không thể thiếu của thiên nhiên, và đó chính là do thân xác; với thân xác con người, trình độ tiến hóa của thiên nhiên đạt đến đỉnh điểm. Vì vậy, là hết sức tự nhiên việc nghĩ rằng sự hiện diện của Thần Khí trong thiên nhiên đạt đến chóp đỉnh nơi thân xác con người; bởi đó, thánh Phaolô mới quả quyết: “thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần, vàThánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em…” (1Cr 6:19). Chính ở chỗ này quan niệm thường thấy theo cách dị loại giữa “vật chất” và “tinh thần” đang đi đến chỗ bế tắc: một dạng triết học kitô chỉ rõ cho thấy rằng, vì con người là một bản thể đơn nhất, nên kỳ thực mà nói, thân xác và linh hồn là hai mặt của thực thể duy nhất đó, là một dạng tổng hợp của công trình tạo dựng. Xét từ quan điểm vừa nêu, trong toàn bộ vũ trụ, con người là nơi Thần Khí Sáng tạo hiện diện đầy tràn nhất.[20]

Và vì vậy, thân xác con người mang tính cách thánh thiêng. Chẳng có gì phi kitô (unchristian) cho bằng chủ trương ghét bỏ thân xác của ngộ đạo thuyết và của phái Ma­­nikêô, hoặc lối quan niệm của người Hy lạp cổ gọi soma sema – tức coi thân xác là mồ chôn linh hồn – rồi tưởng tượng ơn cứu độ như là một cuộc giải thoát linh hồn cho khỏi ngục tù thân xác. Đối lại, thánh Phaolô chỉ rõ cho thấy rằng niềm mong đợi kitô về ngày “cứu chuộc thân xác” đã được biểu thị rõ ràng qua “những ân huệ mở đầu của Thần Khí” (Rm 8:23); ơn cứu độ kitô cũng là ơn cứu chuộc thân xác. Đó là lý do tại sao thánh Tông đồ đã coi là cùng chung phẩm giá, hết thảy mọi yếu tố cấu thành hữu thể con người: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không có gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm” (1Tx 5:23). Con người là một dạng hữu thể phức hợp, và các phần hợp thành đó có thể hoặc tựa vững vào nhau, hoặc sụp đổ theo nhau, như Đức Bênêđíctô XVI đã viết: “Ai chỉ khao khát có được tinh thần thuần túy mà chối bỏ xác thịt vì coi nó gắn liền với thú tính, thì cả tinh thần lẫn thân xác người đó đều sẽ đánh mất đi phẩm giá của nó.”[21]

Chính nơi thân xác, người kitô lãnh nhận phép rửa và phép xức dầu; chính qua thân xác, người kitô được Thần Khí thánh hiến và làm cho nên thánh. Có là con cái của Cha theo xác thể, thì người kitô mới trở nên những chi thể của Thân Mình Đức Kitô. Tình trạng hiện hữu trong thân xác của người kitô phải trở thành một hành vi thờ phượng, như lời thánh Phaolô khuyên nhủ: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12:1). Đức tin làm cho người kitô cảm thấy kinh ngạc khi chứng kiến cung cách Thần Khí biến đổi những công việc vặt vãnh thường ngày cho trở thành một dạng phụng vụ thần linh. Trong kinh Lạy Cha, Đức Kitô đã dạy các tín hữu kitô cầu nguyện cho các nhu cầu phần xác (lương thực hằng ngày) trước hết, rồi mới đến các nhu cầu phần hồn (tha tội): đây quả là điều hết sức thú vị. Chính qua thân xác mà Thiên Chúa thánh hóa dân Người (cáichết của Đức Kitô, các bí tích), và cũng chính qua thân xác mình mà người kitô làm vinh danh Người: “vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em; vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6:20).

Đôi khi, thân xác bị coi là “kẻ thù” của linh hồn; tuy nhiên, kỳ thực mà nói, chính linh hồn – nếu muốn dùng kiểu ngôn ngữ này để biểu đạt – mới đích thực là tội phạm; thân xác chỉ là phương tiện “tôi” dùng để làm điều lành hay điều dữ mà thôi. Đức Giêsu gọi đó là lòng người: “từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7:21-22); rồi, người ta còn buộc tội thân xác vì hết thảy những điều xấu xa kia. Thánh Phaolô cũng đã đổ lỗi cho “những hành động sai quấy của thân xác” về nhiều vấn đề rắc rối ngài gặp phải trong bản thân (x. Rm 7:14-8:12). Quả thực, nơi thân xác mình, con người cảm nhận được hết sức nặng của thú tính; trên thực tế, hầu hết các tôn giáo đều đề ra những phương cách giúp luyện tập khả năng tự chủ thông qua nỗ lực chế ngự thân xác; đường lối này tỏ ra là khá hữu hiệu, bởi qua việc chế ngự “thân xác”, con người có thể thuần hóa bản thân mình! Như thế, có thể hình dung thân xác như một trận địa chiến đấu của các xu hướng tinh thần; điều này quả không sai, bởi vì qua thân xác con người, ân sủng Thiên Chúa hoạt động để chế ngự Satan, và Chúa Thánh Thần hoạt động để tôn vinh Cha. Người kitô mắc bản thân mình món nợ là lòng tôn trọng lớn lao dành cho thân xác, là lối đối xử quan tâm đến nó, là thái độ không lạm dụng nó – cả việc hành hạ lẫn việc nuông chiều – và là việc biết nhận rõ nơi thân xác của tha nhân những tia phản chiếu ánh vinh quang Thiên Chúa.

Thân xác được tạo dựng với một vận mệnh vinh quang, vận mệnh của con người được cứu chuộc trong hết mọi phương diện. Như thánh Phaolô viết: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:11). Hạt giống phục sinh thân xác ấy đang âm thầm nhú mầm từng ngày nhờ bởi Mình Thánh Chúa, tức là nhờ vào cuộc gặp gỡ thân xác với Đức Kitô, Đấng thông ban sự sống trường sinh đến hết thảy mọi chi thể của Người (x. Ga 6:54).

Con người đi về phía Thiên Chúa ngang qua thân xác. Dù là với khối thịt thô nặng, hoặc là với tâm lý tinh nhạy đi nữa, thì cảm quan của người kitô vẫn hoạt động như là bộ tiếp phát các làn sóng của Thần Khí; linh hồn chỉ là một dạng thần trí kết nhập vào thân xác. Trong cuộc kiếm tìm Thiên Chúa qua kinh nguyện, thân xác phải đóng vai trò như kẻ dẫn lối, đưa đường, phải biết thuận theo Thần Khí; vai trò đó được biểu hiện qua thái độ thinh lặng, tư thế, cử chỉ, hơi thở, v.v. Khi các bậc thầy về đời sống thiêng liêng đề cập đến ơn an ủi hay sầu khổ, là họ muốn nói đến các dạng phản ứng của cơ thể đối với sự hiện diện của Thiên Chúa bên trong con người. Qua đôi mắt, con người nhìn thấy ánh sáng thể nào, thì qua não bộ, con người cũng nhận biết Thiên Chúa như thế; không bước theo con đường thể xác thì di đến đâu được cả. Nói cho văn chương một chút: Thần Khí chỉ chơi khúc nhạc thần linh của Người với cây vĩ cầm là cơ thể; bởi đó, việc chăm lo giữ gìn thân xác là điều hết sức quan trọng.

 

Thần Khí trong dòng lịch sử

Hiện diện trong khắp không gian của vạn vật thụ tạo thể nào, tất Thần Khí cũng hiện diện đầy tràn xuyên suốt thời gian của con người – tức dòng lịch sử – như vậy. Trong địa hạt thời gian, Thần Khí Sáng tạo/Thần Khí Sự thật là Đấng gợi hứng siêu việt cho cuộc hành trình phiêu lưu kiếm tìm bất tận của con người. Khuynh hướng bẩm sinh dồn thúc tiến tới và khát vọng hiểu biết của con người là một ân huệ Thần Khí ban tặng. Câu châm ngôn đã đọc thấy ở trên – “phàm hết thảy những gì là chân lý, bất chấp do ai phát ngôn, thì cũng đều xuất phát từ Chúa Thánh Thần” – càng tỏ ra thích đáng hơn nữa khi xét về phương diện luân lý và tôn giáo, như những lời lẽ sau trong sách Khôn ngoan cho thấy: “Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh? Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.” (Kn 9:17-18).

Lịch sử dân Ítraen đóng vai kiểu mẫu cho lịch sử của hết thảy mọi dân tộc; những gì có thể nhìn thấy tỏ tường nơi dân tộc Ítraen thì cũng đúng với trường hợp những dân tộc khác, dù là theo những cách thức kín ẩn và bí nhiệm hơn. Môsê đã đặt tay trên Giôsuê để ông này lãnh nhận tràn đầy thần khí khôn ngoan mà hướng dẫn dân tộc (x. Đnl 34:9). Trường hợp các thủ lãnh Ítraen cũng tương tự như vậy: “Thần khí của Đức Chúa ở trên ông, và ông đã lãnh đạo Ítraen” (Tl 3:9-10; x. 11:29; 13:25). Lúc chế độ quân chủ đã được thiết lập, hành động xức dầu cho vua biểu thị việc Thần Khí ngự xuống, như thấy ở trường hợp của Saun (x. 1Sm 10:1-8) hoặc của Đavít (x. 1Sm 16:1-13). Vì tin rằng, một cách nào đó, việc cai trị của các nhà cầm quyền trên các dân tộc là một hoạt động mang tính cách như là khí cụ thần linh, nên người kitô luôn tỏ thái độ tôn trọng các chính quyền dân sự: cả Phêrô lẫn Phaolô đều khuyên nhủ điều này (x. 1Pr 2:13; Rm 13:1). Như Thánh vịnh 99 đã cho thấy dân Ítraen cảm nhận được rằng: “Chúa là Vua hiểntrị… Người trổi vượt trên tất cả mọi dân…”; “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương; qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 100:5). Đức tin kitô nhận thấy nơi đây sự Quan phòng của Thiên Chúa, và cụ thể hơn, như công đồng Vaticanô II đã dạy: “Thần Khí Thiên Chúa, Đấng điều khiển dòng biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu” (GS 26). Đương nhiên, lo nhận cho ra Thần Khí Sự thật giữa những gì là hỗn tạp, giả trá và sai lầm, lo tìm cho thấy Thần Khí Tình yêu giữa những gì là bất hòa, bạo lực và oán thù, lo nhìn cho tỏ dung mạo hiền lành của Thiên Chúa giữa những gì là xấu xa, ác dữ, lo nhận cho rõ những lối hẹp mà Đấng Quan phòng đã đi giữa những con đường khúc khuỷu của lịch sử: là một thách đố đối cho đức tin; dù vậy, đức tin có thể nhìn thấu suốt thực trạng đó. Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu như sau: “Nhờ ân huệ Thánh Thần, thế giới con người trở nên một ‘spatium verae fraternitatis’, một không gian của tình huynh đệ đích thực (x. GS 37).”[22] Trên thực tế, đọc “các dấu chỉ thời đại”, công đồng Vaticanô II đã nhận ra rằng: “giữa các dấu chỉ trong thời đại chúng ta, đáng chú ý nhất là cảm thức về tình liên đới giữa các dân tộc với nhau, một cảm thức không ngừng tăng triển và không thể không hiện rõ trước mắt” (AA 14). Thần Khí là niềm hiệp thông đặc biệt; hết thảy những gì tăng triển trong mối tương thuộc, trong tình liên đới và hiệp nhất đều do bởi ân huệ Người. Dù có mang những khía cạnh tiêu cực và đem lại những hậu quả tai hại đi nữa, thì tiến trình toàn cầu hóa ngày nay cũng có thể được coi như là một dấu chỉ rõ ràng của ý định thần linh dành cho cộng đồng nhân loại. Trở nên tinh tường hơn, cặp mắt con người có khả năng nhận rõ những kết cục xấu xa trong những ý định tốt lành; tuy nhiên, cặp mắt đức tin còn phải lo nhận cho ra điều lành trong điều dữ nữa, chẳng hạn như tình đoàn kết mới mẻ lộ hiện sau những hậu quả tàn khốc của chiến tranh, những loại thuốc men mới ra đời từ các cuộc nghiên cứu vũ khí khoa học, những vật liệu và công cụ mới được tạo nên do các ngành kỹ nghệ chỉ nhắm lợi nhuận, v.v. Với niềm xác tín sâu xa, người kitô phải nhận chân việc sự dữ sẽ không thể nào gióng lên tiếng nói cuối cùng, tiếng nói quyết định; sự thiện sẽ toàn thắng.

Bộ phận cấu thành của lịch sử nhân loại, Giáo hội là nơi niềm xác tín ấy mang tính cách sống động hơn cả: “Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Ðấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời. Thực vậy, đức tin lấy ánh sáng mới mà chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về thiên chức toàn vẹn của con người và do đó hướng dẫn lý trí tới những giải pháp hoàn toàn nhân bản” (GS 11). Dù có xác tín rằng những gì của Cêda phải được trả về cho Cêda, nhưng Huấn quyền Giáo hội cũng quả quyết là mình có một nguồn sáng đặc biệt nào đó khả dĩ góp phần vào công ích, vì nếu kế hoạch của Thiên Chúa là “để giờ đây, nhờ Hội thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (Ep 3:10), thì ở khắp thế giới này, qua Giáo hội, sự khôn ngoan ấy ắt còn được biểu lộ nhiều hơn thế nữa. Giáo hội Chính thống cũng có dạng quan điểm tương tự như thế: “Qua Thần Khí, Thiên Chúa cưu mang thế giới, hoạt động trong thế giới ấy, và dùng mầu nhiệm Giáo hội để hướng dẫn nó tiến về cứu cánh (telos), về chỗ hoàn tất của nó. Qua Thánh Thần, Người thực hiện kế hoạch cứu độ và thần hóa thế giới. Nhờ Thánh Thần, con người nhận được Mạc khải của Thiên Chúa, và Thiên Chúa có thể hoạt động qua con người.”[23] Trong nền thần học lịch sử (bàn về tác động thần linh ngấm ngầm dưới các biến cố khả dĩ kiểm chứng), Giáo hội đóng giữ một vai trò nền tảng.

Có vẻ như qua những biến cố có tính cách thúc bách, khẩn thiết, Thần Khí được nhận ra dễ dàng hơn… Đức Giê­su đã hứa ban Thánh Thần cho những ai phải chịu bách hại, ngược đãi vì Người: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12:11-12); đây là điều được xác nhận trong rất nhiều trường hợp. Óc thù ghét mà thế gian dành cho người kitô và các giá trị kitô – hệt như âm bản của một bức ảnh – vén lộ cho thấy hoạt động của Thần Khí trong dòng lịch sử.

Lịch sử mang tính cách năng động; đó là tiến trình phát triển của nhân loại và của thế giới. Thần Khí được ban xuống để làm cho chúng ta trở nên những con người đích thực, trong vinh dự và khôn ngoan; và điều này chỉ có thể trở thành hiện thực vào hồi chung cục, sau một tiến trình lâu dài. Như một đứa trẻ sơ sinh phải lớn lên để nên người trưởng thành (quá trình phát triển cá thể, ontogenesis) thể nào, thì dòng giống con người cũng phải trưởng thành lên (quá trình phát triển nhân loại, anthropogenesis) như thế; đức tin có khả năng nhận ra một dạng “chương trình” – được Thần Khí Sáng tạo viết nên – trong các tiến trình như thế. Cũng có thể nói theo cách tương tự về quá trình hình thành và tiến phát của văn hóa: cả trong lãnh vực này  nữa, Thần Khí cũng hướng dẫn con người trong nỗ lực cải tạo thiên nhiên theo những cách thức phù hợp với công trình ban phát sự sống của Người. Quá trình chỉ dẫn này có thể đưa đến việc chào đời của các giá trị hoặc các phát minh trong ngành công nghiệp. Chẳng có gì khả dĩ trở thành nhân bản nơi con người nếu không có Thần Khí Thiên Chúa tác động. Trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, công đồng Vaticanô II đã dạy như sau: “Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (số 34). Ở đây, có thể quay trở lại với vấn đề sinh thái. Nhìn những thành quả được dệt nên từ nỗ lực của con người suốt trong dòng lịch sử, thần học nhận ra rằng “các ngành khoa học nhân văn đã đạt đến một dạng tri thức phân tích và phân ngành về thiên nhiên, với mục đích hành quyền trên nó. Đức tin, trái lại, có nhiệm vụ phải cổ xúy một dạng tri thức tổng hợp và hiệp nhất về công trình tạo dựng, với mục đích hiểu biết, duy trì và hoàn tất nó.”[24] Theo đường lối này, đức tin kitô có thể giúp ích rất nhiều cho óc sáng tạo của con người trong việc đạt đến các mục tiêu lịch sử mà Chúa Thánh Thần đã vạch ra.

 

Chúa Thánh Thần và vẻ Đẹp

Chân và Mỹ luôn kề vai sát cánh bên nhau, tâm đầu ý hợp với nhau; bởi đó, Thần Khí Sự thật cũng là Thần Khí vẻ Đẹp.[25] Từ thuở tạo thiên lập địa (x. St 1:2), Thần Khí Tạo dựng đã được giới trình như là Đấng biến đổi khối vật chất hỗn độn ban đầu, làm cho nó trở nên một vũ trụ có trật tự, hài hòa, khả tri khả cảm đối với trí óc và các giác quan con người; và con người gọi đó là vẻ đẹp; vẻ đẹp luôn là thứ sản phẩm của tình yêu. Truyền thống Giáo hội cũng đã liên kết Chúa Thánh Thần với vẻ đẹp.[26] Chiêm ngắm công trình sáng tạo đượm nhuần Thần Khí, Thiên Chúa thấy nó tốt và đẹp; diễn tả ý niệm “đẹp” mà tiếng Do thái gọi là “tốt” (x. St 1:4tt); do đó, các dịch giả bản Kinh Thánh Bảy mươi đã dùng từ Hylạp kalós (đẹp), thay vì dùng từ agathós (tốt). Bởi đó, nghệ thuật cốt ở việc minh họa vẻ đẹp của thiên nhiên theo những cách thức mà nghệ sĩ – được óc sáng tạo gợi hứng – thấy hài lòng, thỏa ý nhất; nghệ thuật là một dạng biểu lộ niềm tin vào công trình tốt đẹp do chính tay Thiên Chúa làm nên. Công trình sáng tạo phản chiếu dung mạo của Đấng Tạo dựng. Thánh Âugu­ti­nô diễn tả điều này như sau: “Lạy Chúa là Đấng tuyệt mỹ, Người đã dựng nên các thụ tạo và chúng cũng mang vẻ mĩ miều; Người là Đấng tốt lành, và các thụ tạo của Người cũng tốt lành; Người hiện hữu, và nhờ đó, các thụ tạo của Người được tồn tại.”[27]

Nhìn thế giới với cặp mắt đức tin, người kitô có thể phỏng đoán được rằng hễ thứ gì chứa đầy Thần Khí hơn, thứ đó sẽ đẹp hơn. Có vậy mới hiểu lý do vì sao Đấng được lãnh nhận Thần Khí cách vô ngần vô hạn (x. Ga 3: 34), được gọi là người tuyệt mỹ vô song giữa con cái loài người: Đức Kitô (x. Tv 45:3).[28] Cách tương tự, Đấng mà người kitô ca mừng là “đầy ơn phúc” cũng được Giáo hội tung hô là tota pulchra, tuyệt mỹ: Đức Maria, người phụ nữ được hầu hết các họa sĩ – thuộc các thời đại khác nhau trong dòng lịch sử nhân loại – phác họa chân dung; chiêm ngắm Mẹ giữa khung cảnh lộng lẫy của Thiên đàng, Đantê đã ví vẻ đẹp của Mẹ như là “niềm hân hoan tràn dâng trong đôi mắt hết thảy các Thánh.”[29] Rồi đến lượt các Thánh cũng vậy: vẻ đẹp của các ngài được phản ánh trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật; điều đáng lưu ý là các tác phẩm nghệ thuật này đã lý tưởng hóa chân dung thực sự – đôi khi lại có vẻ xấu xí, xét theo những tiêu chuẩn thông thường – của các ngài, bởi vì ánh diệu quang của Thần Khí đã chiếu giãi trên cuộc đời các ngài. Các tranh ảnh thánh theo nền linh đạo Chính thống được coi như những hiện thân thu nhỏ của vinh quang – vẻ đẹp – Thiên Chúa. Một cách tự nhiên, các trẻ thơ được quan niệm như là những thụ tạo đẹp đẽ và nguyên tuyền của Thiên Chúa. Vẻ đẹp thiêng liêng vượt trỗi lên trên dáng vẻ đẹp đẽ bên ngoài, vì nó trực tiếp phản ánh vẻ đẹp của chính Thiên Chúa, như nó được chiếu giãi lên trên Thân Mình Đức Kitô. Cư ngụ trong tâm hồn người kitô, Thánh Thần – theo cách diễn tả của thánh Xyrilô – “không phải là một họa sĩ tìm cách ghi khắc vào chúng ta dấu vết bản chất thần linh như thể là Người không là chính bản chất ấy? Đó không phải là cách thức Người tạo nên bức chân dung thần linh nơi chúng ta; nhưng, vì là Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà ra, Người in chính bản thân Người vào tâm hồn những kẻ lãnh nhận Người, hệt như con dấu niêm trên mảnh sáp vậy,… và nhờ đó, Người phục hồi thiên nhiên vạn vật để chúng mặc lại vẻ đẹp của mẫu mực thần linh, và trả lại cho con người hình ảnh Thiên Chúa.”[30]

Đức tin là ân huệ đầu tiên của Chúa Thánh Linh; Người không giúp thì không ai có khả năng tuyên xưng Đức Giê­su là Chúa! Nghiên cứu về đức tin, thần học chú trọng chủ yếu vào chân lý; chính nhờ Hans Urs Von Balthasar thì mới mở ra được chiều kích “thẩm mỹ thần học,” qua việc mời gọi tín hữu chiêm ngắm vẻ đẹp của Thiên Chúa và tận hưởng niềm tin.[31] Chính vẻ đẹp của đức tin đã đưa đến chỗ tìm ra cách biểu đạt và làm phát sinh không biết bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật lạ lùng. Thử nhìn lại các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, như chẳng hạn các nhà thờ chính tòa, các tác phẩm hội họa và điêu khắc, hoặc là những lối trang họa các bộ sách thời Trung cổ cũng như vẻ quang ánh của các thánh giá kiểu Êtiôpi; nơi các tác phẩm ấy, nổi bật vẻ đẹp của đức tin được điêu khắc chạm trổ cực kỳ tinh tế đẹp đẻ. Chúa Thánh Linh giúp cho chúng ta nhận thức được Kitô giáo bằng phạm trù thẩm mỹ, và như thế cảm nghiệm được niềm vui trong địa vị làm con Thiên Chúa. Có lẽ gốc rễ của tình trạng khủng hoảng hiện nay nằm tại chỗ này. Chẳng thế mà, các giám mục Châu Mỹ Latinh đã cầu xin: “Thưa lên cùng Chúa Thánh Linh lời kêu cầu đầy tin tưởng, chúng ta xin Người làm sao cho chúng ta tìm lại được vẻ cao đẹp và niểm vui của danh phận làm kitô hữu” [32]

Trong bức thư gửi giới nghệ sĩ, Đức Gioan Phaolô II đã viết rằng: “Thần Khí là Nghệ sĩ huyền diệu của vũ trụ.”[33] Vẻ đẹp của các tầng trời luôn là nguồn gợi hứng cho các thi sĩ, như tác giả Thánh vịnh đã xác nhận: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19:1; x. 57:5.11, v.v.), và trầm trồ coi đó là một kỳ công: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài…” (Tv 8:4). Chỉ mới chiêm ngưỡng bầu trời bằng cặp mắt thường mà họ đã lấy làm kinh ngạc như vậy rồi, huống hồ là được ngắm vũ trụ qua những chiếc kính viễn vọng hiện đại: ắt họ sẽ còn nghiêng mình kính cẩn đến đâu nữa! Vì Thần Khí là Đấng hoàn tất các công trình của Thiên Chúa, nên hẳn là Người sẽ không cảm thấy hài lòng với một vũ trụ chỉ đơn thuần thuộc hạng “chạy được”; nó còn phải trở nên huy hoàng, tuyệt mỹ nữa thì mới được. Tuy nhiên, vì vẻ đẹp chỉ hiển hiện trong mắt người xem, nên Thần Khí còn tạo nên những đôi mắt biết cách chiêm ngắm và reo vui với vẻ đẹp ấy nữa; thiếu bóng con người, vũ trụ sẽ hóa ra vô nghĩa. Vả lại, vẻ đẹp của vũ trụ và khoái cảm thẩm mỹ của con người chỉ thực sự mặc lấy ý nghĩa nơi Thần Khí vẻ Đẹp là Đấng dựng nên cả hai. Dù vậy, trước ai hết, Thần Khí Sáng tạo – nguồn gốc của mọi khiếu năng thẩm mỹ – là Đấng sững sờ trước nét hùng vĩ của các dải ngân hà, ngất ngây trước vẻ nên thơ của những buổi hoàng hôn. Sách Châm ngôn mô tả việc Đức Khôn Ngoan – Thần Khí – hân hoan thưởng ngoạn công trình tạo dựng của Thiên Chúa: “khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất. Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày, ta là niềm vui của Người; trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi; vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8:29-31).

Dù lấy làm kinh ngạc khi ngắm nhìn vẻ tươi đẹp của thiên nhiên, nhưng con người vẫn mơ về một thế giới tốt đẹp hơn thế nữa. Thần Khí – Đấng đang rên siết trong muôn loài thụ tạo (x. Rm 8:25) – đã báo trước và cũng hứa rằng một thế giới tốt đẹp hơn là điều có thể trở thành hiện thực. Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Cho đến ngày, từ trên cao, Thần Khí sẽ được đổ xuống trên chúng ta; bấy giờ, sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng. Lẽ chính trực sẽ ở trong sa mạc, và đức công minh trong vườn cây ăn trái” (Is 32:15-16). Thần Khí hoạt động trong khoảng căng giữa tiềm năng và hiện thể, giữa hạt giống và hoa trái, giữa triển vọng và thành quả; Giáo hội chính là khu vực đặc biệt để Thần Khí tiến hành các hoạt động kia. Đức Cha Tom Wright – giám mục Anh giáo, giáo phận Durham – đã viết như sau: “Vẻ đẹp của thế giới hiện tại cũng giống vẻ đẹp của một chén thánh: tự mình, chén thánh đã đẹp rồi, nhưng nó còn đẹp hơn nữa vì chúng ta biết được mục đích của nó là để đựng Máu Chúa. Vẻ đẹp của thế giới hiện tại cũng giống vẻ đẹp của một cây vĩ cầm: tự mình, cây vĩ cầm đã đẹp, nhưng nó còn đẹp hơn nữa vì chúng ta biết rằng nó được thiết kế nên là để chơi nhạc.”[34] Thần Khí là chiếc “động cơ” đẩy Giáo hội và toàn thể nhân loại tiến về một thế giới tốt đẹp hơn. Chiếc “động cơ” này đã được “lắp vào” các ngôn sứ, các thiên tài, những thi sĩ và những người có đầu óc nghệ sĩ khác. Nơi dòng văn chương ngôn sứ, có thể lượm lặt được biết bao là các “viên ngọc” của vẻ đẹp; thử lấy sách Isaiah làm điển hình: chẳng hạn, cuộc thần hiển oai nghiêm được mô tả rõ ràng xuyên suốt chương 6; hay, giấc mơ đẹp đẽ về cảnh hài hòa của thiên nhiên, trong đó, sói sẽ ở với chiên con, beo sẽ nằm bên dê nhỏ, trẻ thơ chơi với rắn lục… (x. Is 11:6-9; 65:25); hoặc, Thiên Chúa được trình họa như là “vòng hoa diễm lệ cho số còn sót lại của dân Người” (28:5); hoặc, niềm hân hoan sau cảnh lưu đày: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng” (52:7); v.v. Còn nhắc đến các thi sĩ, ắt phải nhớ ngay đến thánh phó tế Ephrem, người được gọi là “Cây đàn Lia của Chúa Thánh Thần.” Thánh Gioan Thánh Giá thì mô tả cảnh Đức Kitô băng ngang một cánh rừng và “chỉ nguyên hình ảnh Người thôi cũng đủ khoác vẻ đẹp lên cả khu rừng.”[35] Nhiều thi sĩ khác, sống gần với thời hiện đại hơn, như Keats chẳng hạn, thì quả quyết ngắn gọn như sau: “Vẻ đẹp là chân lý, chân lý là vẻ đẹp: đó là tất cả;”[36]hoặc Gerard Manley Hopkins, một Giêsu hữu, đã đưa Thần Khí vào trong toàn bộ các tác phẩm văn thơ của mình;[37] và còn rất nhiều thi sĩ khác nữa. Óc sáng tạo của những bậc thiên tài luôn làm cho nhiều người phải thấy kinh ngạc, sửng sốt; ở đây, có thể trích dẫn câu nói của A. Einstein làm điển hình: “Các lý tưởng hằng soi đường dẫn lối tôi đi – và đã tiếp thêm cho tôi lòng can đảm mới mẻ để đối diện với cuộc đời trong niềm hân hoan, phấn khởi – chính là cái Thiện, cái Mỹ và cái Chân.”[38] Hết thảy những con người thuộc dạng vừa nêu, là những khí cụ Thần Khí chọn lựa để tạo hình một tân thế giới.

Còn trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình, Thần Khí cũng hoạt động tích cực không kém. Trong sách Xuất hành, có một văn đoạn đáng lưu ý như sau: “Ngươi hãy coi: Ta đã gọi đích danh Bơxanên con của Uri, con của Khua, thuộc chi tộc Giuđa. Ta sẽ ban cho nó dồi dào Thần Khí của Thiên Chúa, để nó thành người khéo tay, giỏi giang và lành nghề mà làm mọi công việc, để nó nghĩ ra những tác phẩm nghệ thuật, làm bằng vàng, bạc, hay đồng, mài ngọc đính áo, chạm gỗ và thực hiện mọi công việc” (Xh 31:2-5; 35:30tt). Việc Thiên Chúa truyền hứng cho các nghệ sĩ cũng tương tự như tác động linh ứng trên các ngôn sứ, vì công việc của các nghệ sĩ cũng nhắm đến vinh quang Người; và vinh quang này chiếu giãi trên vẻ đẹp của vạn vật. Bước vào Vương cung Thánh đường thánh Phêrô và chiêm ngưỡng bức vẽ “Vinh quang” với hình ảnh chim câu của Chúa Thánh Thần, người ngắm được mời gọi nhìn đằng sau vẻ đẹp lộng lẫy nơi bức vẽ kia để khám phá ra Đấng Gợi hứng cho các nghệ sĩ. Có thể cảm nhận được nguồn gợi hứng kia khi chiêm ngắm Vương cung Thánh đường thánh Phêrô đồ sộ, nguy nga, hay công trình “Vinh quang” của Bernin với chim bồ câu, biểu tượng của Thần Khí ở nơi hậu cung, khi nhìn Nhà nguyện Sixtine lộng lẫy, tráng lệ, khi đứng trước một bức họa của El Greco, trước một ảnh tượng của Rublev, hoặc trước những đường chạm hoa mỹ của Rubens, v.v. Bên cạnh đó, như người ta thường nói, âm nhạc mang tính chất “tinh thần” nhiều hơn; và có vẻ đúng là như vậy; lắng nghe những bản fuga của Bach, những giai điệu minuet của Mozart, hay hàng loạt các bản tấu dặt dìu của Beethoven, người nghe buộc lòng phải nâng tâm hồn mình vượt cả lên trên những âm thanh kia để rồi chỉ còn lắng nghe tiếng thì thầm khe khẽ của Thần Khí. Đức Gioan Phaolô II đã diễn tả điều này như sau: “Mỗi một nguồn cảm hứng đích thực đều chứa đựng ít nhiều sức rung động của “hơi thở” mà Thần Khí Sáng tạo đã thổi lan tràn khắp công trình tạo dựng ngay từ lúc khởi nguyên… Bởi đó, quả đúng khi nói – dù là theo cách loại suy – đến ‘những khoảnh khắc ân sủng’, vì nhân loại có thể kinh nghiệm được, bằng cách thức nào đó, Thiên Chúa Tuyệt đối, Đấng trỗi vượt hoàn toàn.”[39]

Giáo hội đã yêu mến nghệ thuật ngay từ những thời kỳ tín hữu kitô còn sống chui nhủi trong các hang toại đạo. Những kẻ chủ trương bài trừ ảnh thánh đã bị kết án như một dạng lạc giáo. Tìm được mảnh đất dụng võ nơi các giáo đường kitô, ở cả bên Đông lẫn bên Tây, vẻ đẹp hiển hiện không chỉ nơi các công trình kiến trúc bên ngoài, mà còn ở nơi các bức họa và bức tượng, các đường chạm trổ cực kỳ xảo diệu nơi các đồ dùng phụng tự, hay những đường trang trí khéo léo nơi các lễ phục phụng vụ.[40] Những chỉ dẫn viết bằng chữ đỏ trong phụng vụ cũng cho thấy óc thẩm mỹ tinh tế; cung cách cử hành Thánh Lễ cũng được gọi là Ars celebrandi, “Nghệ thuật Cử hành”. Phụng vụ cũng sản sinh ra những bản bình ca tuyệt vời, những hình thức rước kiệu sinh động, những nghi thức long trọng và nhiều thể thức thờ phượng đa dạng, phong phú; tất cả đều là những ân huệ do Thần Khí, Đấng làm cho chúng trở nên sống động. Tất nhiên, Thánh Lễ không phải là một thứ “sô diễn” hoặc một kiểu “kinh nghiệm liệu pháp nhóm”, nhưng là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, và là nơi mà vẻ đẹp đóng giữ một vai trò hết sức quan trọng. Phụng vụ là nơi Thần Khí được tập trung mạnh nhất; và mọi vẻ đẹp tuôn trào từ sự hiện diện đầy tràn đó, biến đổi không và thời gian trở thành một dạng đền thờ. “Một dạng phụng vụ mặc lấy vẻ đẹp đích thực sẽ giúp tiến vào dạng ngôn ngữ đức tin đặc thù được cấu thành từ những biểu tượng cùng những gì mà mầu nhiệm đang được cử hành khơi gợi lên… Vẻ đẹp của phụng vụ… trước hết là vẻ tuyệt mỹ nơi cuộc gặp gỡ với mầu nhiệm Thiên Chúa, hiện diện giữa loài người qua hoạt động trung gian của Con, Đấng ‘vô song tuyệt mỹ giữa con cái loài người’ (Tv 45:3)… là vẻ đẹp của một mối hài hòa được diễn tả qua những cử chỉ, biểu tượng, lời nói, hình ảnh và các giai điệu có sức đánh động tâm hồn và gợi dậy lòng kinh ngạc và khát khao gặp gỡ Chúa phục sinh, chính là Mỹ Môn (Door of Beauty).”[41]

Nếu được nhìn dưới ánh sáng của cánh chung học, ắt vẻ lộng lẫy của cái đẹp – mà Chúa Thánh Thần đã ghi khắc trên Giáo hội, cách riêng là nơi phụng vụ – sẽ trở nên rõ ràng hơn nữa. Người kitô đã lãnh nhận dạng “ân huệ mở đầu” mà rồi đây, vào hồi chung cục, sẽ đơm bông kết trái ở thành Giêrusalem trên trời. Bình luận về thị kiến được ghi chép nơi sách Khải huyền, Đức Bênêđíctô XVI đã nói như sau: “Đó là một hình ảnh về vẻ đẹp đáng kính sợ; nơi đó, chẳng có thứ gì là thừa, vì mọi vật sẽ góp phần vào tình trạng hoàn hảo vô cùng của Thành Thánh. Qua thị kiến của mình, thánh Gioan nhìn thấy Thành “từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa” (Kh 21:10). Và bởi vì vinh quang Thiên Chúa là Tình Yêu, nên thành Giêrusalem trên trời chính là thánh tượng của Giáo hội, vô cùng thánh thiện và huy hoàng, vô tì vô vết (cf. Ep 5:27), với con tim và mỗi thành phần được thấm đượm bởi sự hiện diện của Thiên Chúa là Tình Yêu… Thánh tượng cao quý này mang một giá trị cánh chung: nó diễn tả nét huyền nhiệm của thứ vẻ đẹp vốn đã trở nên dạng thái thiết yếu của Giáo hội rồi, ngay cả khi nó chưađạt đến tầm mức viên mãn của nó.”[42] Cử hành phụng vụ trong Thần Khí, tâm hồn thoáng cảm nhận được thực thể vĩ đại trên cao, là tiêu đích người kitô nhắm tới; nơi đó, công lý và tình yêu, chân lý và vẻ đẹp rốt cuộc sẽ trở thành duy nhất.

Ngày nay, có lẽ “con đường của vẻ đẹp” chính là nơi con người dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần nhất; đó chính là điều Đức Gioan Phaolô II đã chia sẻ với những người thuộc phong trào Canh tân trong Thần Khí: “Thời đại chúng ta đang rất cần những con người nam nữ – như những tia sáng – có đủ sức chiếu tỏa hấp lực của Tin Mừng và vẻ mỹ lệ của sự sống mới trong Thần Khí.”[43]

 

Cuộc tạo dựng mới

Câu cuối cùng trong kinh Tin kính – nằm trong đoạn triển khai tín khoản thứ ba: tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần – nói về cuộc phục sinh thân xác và sự sống đời đời: đó là niềm hy vọng sau hết của người kitô. Kế hoạch cứu độ của Cha, được thực hiện qua sứ mạng kết hợp giữa Con với Thần Khí, khởi sự nơi công cuộc sáng tạo và kết thúc nơi cuộc tái tạo là cuộc đưa thế giới này đạt đến cảnh giới hoàn thiện để chuyển mình trở thành “thế giới mai sau”. Ơn cứu độ mặc lấy một chiều kích vũ trụ và sẽ được hoàn tất khi “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x. 1Cr 15:28). Cuộc tạo dựng mới, hoặc công cuộc tái tạo, thường được đặc biệt quy gán cho Thần Khí như là dạng công tác đặc thù của Người.

Chiều kích cánh chung trong niềm tin của người kitô đóng giữ một vai trò thiết yếu đối với Kitô giáo. Niềm trông đợi “trời mới đất mới” đã được các ngôn sứ tiên báo (xem chẳng hạn, Is 51:16; 65:17; 66:22), và đã được xác nhận trong cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh: “Bấy giờ, tôi thấy trời mới đất mới… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa” (Kh 21:1, 4; 22:3). Bởi đó – như lời thánh Phêrô viết – “theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3:10-13). Cuộc tái tạo ấy chính là động tác dứt điểm của Chúa Thánh Thần nhằm hoàn tất công trình của Thiên Chúa. Nếu Thần Khí là Đấng khởi sự đức tin nơi người kitô (không ai có thể tuyên xưng “Đức Giêsu là Kitô” nếu không nhờ Chúa Thánh Thần), tất Người cũng là Đấng hoàn tất đức cậy của người kitô. Niềm trông đợi đó sẽ thực sự hóa thành hiện thực vào hồi Quang lâm, lúc Chúa sẽ đến để hoàn tất lịch sử.

Trong khi đó, người kitô đang sống trong một niềm cậy trông có sức đem lại ơn cứu độ – như thánh Phaolô nói: “nhờ niềm trông cậy mà chúng ta được cứu” (Rm 8:24) – và do đó, người kitô phải ý thức rằng ơn cứu độ này đang hiện diện bên trong bản thân mình.[44]

Ở đây chúng tôi bàn đến chiều kích “thần khí” của thiên nhiên và lịch sử như là một công trình đang được thực hiện và đang tiến đến chỗ thành tựu. Hoạt động sáng tạo hiện tại của Thiên Chúa nơi thế giới này không đơn thuần nhắm đến việc bảo tồn, duy trì, nhưng còn nhằm vào việc chuẩn bị nữa. J. Moltmann lưu ý rằng “creatio nova là chính cre­a­­­­tio anticipativa. Hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa trong dòng lịch sử là hành động tiên báo cuộc hoàn tất trong thời gian… Mạc khải về Thiên Chúa trị vì trong dòng lịch sử đã khởi sự cuộc hoàn tất công trình sáng tạo là Nước Thiên Chúa.”[45] Hiện tại, “cuộc sáng tạo mới” đơn thuần chỉ là sự hiện diện ngày một đầy tràn hơn của Nước Thiên Chúa ở giữa nhân loại: tựa như một hạt giống được gieo xuống đất mà nảy mầm lên đòng lúa cách ta không hiểu (Mc 26-29); như men vào bột (Mt 13:33); như kho tàng giấu trong ruộng (Mt 13:44), v.v. Cuộc sáng tạo mới này quả thực đã hiện diện rồi: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới” (2Cr 5:17), nhưng chưa được hoàn tất trong mức viên mãn mà Thiên Chúa đã định liệu trong tình yêu của Người. Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta rồi, và việc canh tân thế giới được thiết lập một cách bất khả phục hồi và thực sự đã được bắt đầu một cách nào đó ngay tự bây giờ” trong Giáo hội (LG 48), và rằng người kitô đang sống trong “những ngày cuối cùng”, tức là những ngày dư tràn Thần Khí. Thánh Phêrô thấy rằng những ngày cuối cùng này đã được khai mở trong cuộc Hiện Xuống đầu tiên (Cv 2:16tt), lúc Giáo hội sơ khai cảm nghiệm được sức hoạt động mạnh mẽ của Thần Khí, vốn là điều cần thiết phải có để Giáo hội có thể đâm rễ vào trong thế giới; tuy nhiên, hoạt động ấy đã không chấm dứt ở đó, để rồi trong lúc này đây, người kitô đang chứng kiến lại một sức tác động ồ ạt của Thần Khí nhằm cứu vớt “lòng tin bé mọn” của chúng ta; và Người sẽ tiếp tục hoạt động như thế, theo những cách thức đa dạng và tự do, cho đến khi Chúa trở lại trong vinh quang để thu hoạch những gì Người đã gieo trồng. Chúa Thánh Thần đã đến với Đức Ma­ria để làm cho Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng ngài; cũng vậy, Người đến với Giáo hội, để làm cho Nước Thiên Chúa nhập thể vào trong cung lòng Mẹ Giáo hội. Lúc Con trở thành người, là khi vĩnh cữu đi vào thời gian và biến đổi ý nghĩa, nội dung và phương hướng của nó: không còn có thêm những chu kỳ nữa ngoài một tiêu đích, để trở thành Thân Mình Đức Kitô, là Đầu của nó. Cuộc Đức Giêsu Kitô phục sinh mang tính cách tiên báo không những về cuộc phục sinh của chúng ta, mà còn về cuộc giải phóng chính các thụ tạo ra khỏi cảnh trạng nô lệ khiến phải hư nát. Các cuộc khủng hoảng Giáo hội phải đương đầu (các cuộc bách hại, đánh mất đức tin, các bê bối, v.v.) là những cơn chuyển mình đau đớn để sinh ra một thế giới mới, thế giới mà Đức Phaolô VI gọi là “nền văn minh tình yêu”. Phần tư cuối cùng của thế kỷ 20 đã nhìn thấy niềm hy vọng hiển lộ nơi những trào lưu tư tưởng mới, chẳng hạn như nền thần học giải phóng, nơi các phong trào mới, như phong trào canh tân đoàn sủng, hoặc nơi các thực tại mang tính cách toàn cầu: tất cả đều đang tạo ra tình huynh đệ giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa và giữa các tôn giáo với nhau… Niềm hy vọng này là một ân huệ của Thần Khí nhằm chuẩn bị cho một bộ mặt địa cầu mới mẻ.[46]

Đối với cặp mắt đức tin, vũ trụ đang tham dự vào một quá trình biến đổi bản chất, tương tự – dù phải thú nhận đây là kiểu so sánh khá khập khiễng – như phép Thánh Thể: Chúa Thánh Thần làm cho diễn ra trong Bí tích một cuộc giao hòa mang tính cách hoàn vũ đích thực giữa vật chất và tinh thần, giữa thụ tạo với Đấng Tạo hóa, giữa thời gian và vĩnh cửu; chính ở cuộc sống hiện tại này, đất trở nên trời, dù chỉ mang tính cách bí tích. Trong bí tích Thánh Thể, những tiềm năng khả thể của vật chất đạt đến cùng hạn của nó; nơi bánh và rượu, trong một hạn độ nhất định, thế giới được thánh hiến, như Teilhard de Chardin đã từng diễn tả.[47] Giáo hội là bí tích của thế giới mới này: đây chính là giáo huấn của Vaticanô II, ghi rõ nơi Hiến chế Tín lý về Giáo hội (LG); Giáo hội hiện diện như là một dấu chỉ và là bảo chứng của công cuộc tạo dựng mới: “Thiên Chúa đã dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa (aparchen tina) trong các thụ tạo [mới] của Người” (Gc 1:18). Giáo hội được coi như một hạt giống, một chất men, hoặc một chất xúc tác của trời mới và đất mới cuối cùng này.

Vào ngày Chúa đến trong vinh quang, cuộc biến đổi này sẽ đạt đến chỗ thành tựu. Đó sẽ không phải là một cuộc tạo dựng “từ hư vô” nhưng là “từ thế giới”. Thân xác phải chết của Đức Giêsu đã được Thần Khí biến đổi để trở nên thân xác phục sinh thể nào, thì tương tự như vậy, thụ tạo cũ này cũng sẽ được thay hình đổi dạng, theo cách thức mà chỉ có Thiên Chúa mới biết; Người sẽ xóa sạch không chỉ tội lỗi, mà còn các hậu quả đi kèm với nó nữa (x. Rm 8:21; Kh 21:4). Do đó, rốt cuộc, hết thảy những gì hiện hữu trong thế giới mới kia đều mang đầy ý nghĩa; Thần Khí Sự thật và là Đấng ban Sự sống, sẽ hiện diện ngập tràn trong khắp vạn vật. Về mặt nhân học, đó sẽ là cuộc phục sinh của kẻ chết; về mặt lịch sử-chính trị, đó sẽ là Nước Thiên Chúa; còn về mặt vũ trụ, đó là trời mới đất mới. Đức tin kitô thách thức tín hữu không những hình dung ra thế giới mới đó, nhưng còn mơ tưởng và góp phần cho nó thành tựu nữa…

 

KẾT LUẬN

Thiên khảo luận đã giới trình một số khía cạnh trong nội dung giáo lý Công giáo về Chúa Thánh Thần. Thiết tưởng những vấn đề được trình bày xuyên suốt thiên khảo luận này còn cần phải được bổ túc và bàn giải sâu rộng hơn nữa. Thần học đang tiến hành một cuộc tái suy tư về ngôi vị và vai trò của Ngôi Ba Thiên Chúa, và ai rồi cũng mong thấy những bước tiến phát mới mẻ hơn do công cuộc tái suy tư này mang lại. Nơi công đồng Vaticanô II, cũng như qua cuộc khủng hoảng trầm trọng về đức tin và kỷ luật tiếp sau đó, Giáo hội đã sống qua một cuộc lễ Hiện xuống nhỏ; thêm vào đó, việc chào đời các phong trào mới mẻ trong Giáo hội, cách riêng là phong trào canh tân đặc sủng, và một nền văn hóa toàn cầu mới… hết thảy mọi biến động đó đã và đang làm cho thần học phải để tâm suy nghĩ về sinh hoạt đặc thù của Chúa Thánh Thần.

Lẽ tất, muốn biết Chúa Thánh Thần nhiều hơn, người kitô cần phải tìm hiểu rõ hơn các nguồn mạc khải; dù vậy, Ngôi Ba Thiên Chúa vốn vô hình, vô danh và khó mà có thể nhận biết hơn – nếu có thể nói được như vậy – hai Ngôi Vị Cha và Con. Trí óc con người không phải là thứ công cụ hữu hiệu nhất giúp đào sâu khả năng hiểu biết về Chúa Thánh Thần; chỉ có qua “sự hiểu biết do đồng cảm” hoặc qua “con đường tình yêu” – via amoris – thì người kitô mới có được thứ ánh sáng giúp cho “thấy được cái vô hình” và, nhờ đó, tiến vào mối thân tình với Chúa Thánh Thần; tuy nhiên, muốn được như vậy, người kitô phải nên thánh và nên thần; nhưng, vì không phải là “thần” – và các loại thần trong thế giới này là những thực thể hết sức mơ hồ – nên người kitô chỉ có con đường duy nhất, và tốt nhất để đi đến Chúa Thánh Thần: đó là con đường nên thánh; nhờ Người, cánh cửa nên thánh vẫn hằng rộng mở.

Thần học đã từng bị lên án bởi để tâm lực quá nhiểu vào Kitô học, nhưng lại tỏ ra xao lãng thờ ơ đối với Thần Khí học; bản chất ẩn mình của Thần Khí tất sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện “đua tranh” như thế! Một dạng Kitô học và Cứu Độ học thích đáng hoặc là – tốt hơn – một đời sống kitô giáo lành mạnh tất sẽ giúp cho có đuợc một ý thức sắc bén hơn về hoạt động của Chúa Thánh Linh. Thực ra, vai trò của Người là làm cho Đức Kitô lớn lên trong chúng ta, như các giám mục Châu Mỹ Latinh nhận định: “Là món quà của Cha, Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta trở thành đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu là Con Đường, bằng cách mở rộng con người chúng ta ra với mầu nhiệm cứu độ, để nhờ đó chúng ta trở thành con cái của Người và anh chị em của nhau; Người làm cho chúng ta trở thành đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu là Sư Thật, bằng cách dạy cho chúng ta biết từ bỏ những gì là dối trá, là tham vọng riêng tư trong chúng ta; và Người làm cho chúng ta trở thành đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu là Sự Sống, bằng cách ban cho chúng ta khả năng ôm chầm lấy kế hoạch yêu thương của Ngài và từ bỏ chính mình ngõ hầu người khác ‘nhận được sự sống trong Ngài’.” Sống như thế trong Đức Kitô và trong Thánh Linh, chắc hẳn nhà thần học sẽ tiến hành nỗ lực nghiên cứu thần học của mình tốt hơn về cả hai Ngôi Vị.

Thần Khí là Thiên-Chúa-tại-ta và Thiên-Chúa-cho-ta; Đấng thắp rực Giáo hội bằng ánh sáng và lửa hồng – tức tri thức và tình yêu – hệt như bụi gai bốc cháy, nơi mà Môsê được diện kiến Thiên Chúa vậy; Người cũng thắp lên nơi các tâm hồn tín hữu ngọn lửa khát khao kiếm tìm Đấng Tuyệt đối. Bởi đó, trong Giáo hội, tâm hồn người kitô có thể cảm nghiệm được sức sống, sự an bình, niềm hân hoan, cùng những ân huệ và hoa trái khác do Thần Khí mang lại và, nhờ đó, óc khôn ngoan có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Để rồi, một nền thần khí học thực sự có thể đơm hoa.

“Ôi Ánh Sáng Vĩnh Cửu, chỉ mình Ngài ở trong Ngài, và chỉ mình Ngài biết Ngài: là Tự-tri, Tự-Thức, Ngài yêu thương và mỉm nụ cười tươi với chính Ngài!” [48]

 

HẾT

THƯ MỤC VỀ THẦN KHÍ HỌC

 

Aa. Vv., Credo in Spiritum Sanctum. Atti del Congresso Teologico Internazionale di Pneumatologia in occasione del 1600• anniversario del I Concilio di Costantinopoli e del 1550• anniversario del Concilio di Efeso, Roma, 22-26 marzo, due volumi, 1983.

Aa.Vv., Mouvements de Pentecôte, Labor & Fides, 1989.

Aa.vv., Charismatic Renewal: a Grace, a Challenge and a Mission”, ICCRS, 2000.

Anderson, James B., A Vatican II Pneumatology of the Paschal Mystery: The Historical-doctrinal genesis of Ad Gentes I, 2-5 (Analecta Gregoriana), 1988

Badcock, Gary D., Light of Truth and Fire of Love: A Theology of the Holy Spirit, W.B Eerdmans, 1997.

Barrett, C. K. The Holy Spirit and the Gospel Tradition. London: SPCK, 1958.

Barrett, C. K. The Holy Spirit and the Gospel Tradition. London: SPCK, 1958.

Berkhoff, Hendrikus. The Doctrine of the Holy Spirit. Richmond: John Knox, 1964

Biggadike, Maylin T Bulgakov’s theology of the Holy Spirit: A language for the spiritual journey,   1994

Bilanuik, Petro B.T., Theology and Economy of the Ho­ly Spirit. Bangalore: Dharmaran Publications, 1980

Bonaventure, Saint, Les Sept dons du Saint-Esprit, Cerf 1997

Boulgakov, Serge, Le Paraclet, trad. Constantin Andronikof, L’Âge d’Homme, 1996.

Bouyer, Louis, Le Consolateur. Esprit-Saint et vie de grâce, Cerf 1980

Bruner, Frederick D., A Theology of the Holy Spirit,  1997.

Burge, Gary M. The Anointed Community: The Holy Spirit in the Johannine Tradition. Grand Rapids: Eerd­mans, 1987.

British Concil of Churches, The Forgotten Trintiy, Volume I, The Report of the BCC Study Commission on Trinitarian Doctrine Today, BCC, 1989.

Burgess, Stanley M. and McGee, Gary B., eds. Dictionary of Pentecostal and Charismatic Movements. Grand Rapids: Zondervan, 1988.

Burgess, Stanley M. The Holy Spirit. Peabody, MA: Hendrickson, 1989

Burgess, Stanley, The Holy Spirit: Ancient Christian Traditions, Hendrickson Publishers Inc.,U.S. 1994

Burgess, Stanley, The Holy Spirit: Medieval Roman Catholic and Reformation Traditions (6th-16th Centuries), Hen­drickson Publishers, 1997

Cabasilas, Nil, Sur le Saint-Esprit, (vers 1285-1363), Pa­ris: Cerf, 2001

Cantalamessa, Raniero, Sober Intoxication of the Spirit: Filled With the Fullness of God, St. Anthony Messenger Press, 2005.

Cantalamessa, Raniero, The Holy Spirit in the Life of Jesus: The Mystery of Christ’s Baptism, Collegeville, Minnesota, The Liturgical Press, 1994.

Carson, D. A. Showing the Spirit: A Theological Exposition of 1 Corinthians 12-14. Grand Rapids: Baker Book House, 1987.

Chevallier, M-A, Souffle de Dieu, Le Saint-Esprit dans le Nouveau Testament, Volume I: Ancien Testament – Hellénisme et Judaïsme – La Tradition synoptique – L’œuvre de Luc, Le Point Théologique, 26, Éditions Beauchesne, Paris, 1978.

Chevallier, M-A, Souffle de Dieu, Le Saint-Esprit dans le Nouveau Testament, Volume II: L’apôtre Paul – Les écrits johanniques – L’héritage paulinien – Réflexions finales, Le Point Théologique, 54, Éditions Beauchesne, Paris, 1990.

Chevallier, M-A, Souffle de Dieu, Le Saint-Esprit dans le Nouveau Testament, Volume III : Études, Le Point Théologique, 55, Éditions Beauchesne, Paris, 1990.

Codina, Víctor: Creo en el Espíritu Santo, Pneumatología narrativa, Col. Presencia Teológica, Ed. Sal Terrae, Bil­bao: 1994.

Coffey, David, Did You Receive The Holy Spirit When You Believed?: Some Basic Questions For Pneumatology (Pere Marquette Theology Lecture)  Marquette Univ. 2005.

Comblin, José, The Holy Spirit and Liberation, Tun­bridge Wells: Burns and Oates, 1989.

Come, Arnold. Human Spirit and Holy Spirit. Phila­del­phia: Westminster, 1959.

Congar, Yves, Je crois en l’Esprit-Saint, Paris: Cerf 1995

Coste, René , L’Évangile de l’Esprit Pour une théologie et une spiritualité intégrantes de l’Esprit Saint, Paris: Cerf 2006

Cox, Harvey. Fire from Heaven: The Rise of Pentecostal Spirituality and the Reshaping of Religion in the Twentyfirst Century. New York: Addison-Wesley, 1995. Dunn, James D. G. Baptism in the Holy Spirit. London: SCM, 1970.

Cox, Harvey. Fire from Heaven: The Rise of Pentecostal Spirituality and the Reshaping of Religion in the Twentyfirst Century. New York: Addison Wesley, 1995.

David T Williams, Vinculum Amoris: A Theology of the Holy Spirit, iUniverse, 2004.

DIAKONIA 36 (2005) (77-81: Gubler, Marie L.: Pfingsten: Geburtstag der Kirche; 82-88: Steck, Wolfgang: Das Pfingstfest: Geschichte – Liturgie – Brauchtum; 89-91: Schlagnitweit, Markus: Globalisierte Welt: Babel oder Je­ru­salem? : eine Pfingstpredigt; 92-98: Eckholt, Margit: Die faszinierende Neuheit des Heiligen  Geistes; 99-102: Mitscha Eibl, Claudia: Ein Bild, das alle Bilder sprengt : sechs Meditationen über ruach, die göttliche Geistkraft; 103-109: Dirscherl, Erwin: In-spiration angesichts des Anderen; 110-116: Fuss, Michael: Hören, was der Geist den Gemeinden sagt : pfingstliches Christentum als glokales [!] Phänomen; 117-119. Der Heilige Geist in der Orthodoxen Kirche);

Donnelly, D.-A. Denaux – J.Famerée (eds.), The Holy Spirit, The Church and Christian Unity, Leuven Univ. Press, 2005.

Dunn, James D. G. Baptism in the Holy Spirit. London: S.M, 1970.

Dunn, James D. G. Jesus and the Spirit: A Study of the Religious and Charismatic Experience of Jesus and the First Christians as Reflected in the New Testament. Philadelphia: Westminster, 1975.

Dunn, James D.G., Christ and the Spirit, Volume 1: Christology; Volume 2: Pneumatology. 1998.

Durand, Emmanuel, La Périchorèse des personnes divines: Immanence mutuelle, Réciprocité et communion, Pa­ris: Cerf 2005.

Durrwell, François Xavier, L’Esprit Saint de Dieu, Cerf 1983. (In English: Holy Spirit of God An Essay in Biblical Theology, Translated by Sister Benedict Davies, O.S.U.; Foreword by Scott Hahn).

Edwards, Denis, Breath of Life: A Theology of the Creator Spirit, 2004.

El Siglo del Espíritu Santo. 100 years of pentecostal and charismatic renewal, 1901-2001. Vida, 2006.

Emery, Gilles, Théologie trinitaire de saint Thomas d’Aquin, Paris: Cerf, 2004.

Ewert, David. The Holy Spirit in the New Testament. Scottdale: Herald, 1983

Fee, Gordon D. God’s Empowering Presence: The Holy Spirit in the Letters of Paul. Peabody, MA: Hendrickson, 1994

Ferguson, Sinclair B., The Holy Spirit (Contours of Chris­tian Theology), Downers Grove: Inter- Varsity Press, 1996.

Ferraro, G., Il Paraclito, Cristo, il Padre nel quarto Vangelo, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1997

Fortman, Edmund J. Activities of the Holy Spirit. Chicago: Franciscan Herald, 1984.

Fuller, Daniel P. The Unity of the Bible: Unfolding God’s Plan for Humanity. Grand Rapids: Zondervan, 1992

Gallagher Mansfield, Patti, As by a New Pentecost, Fran­cis­can University Press, Steubenville, Ohio, 1992

Garijo Guembe, M, M., “Bibliografia ortodoxa sobre la Trinidad y la pneumatología,” Estudios Trinitarios 25 (1991) 221-245.

Gelpi, Donald, The Divine Mother, Washington: UPA, 1984.

Gelpi, Donald, The Gracing of Human Experience: Rethinking the Relationship between Nature and Grace, Collegeville: Liturgical, 2001.

Ghiberti, G., Spirito e vita cristiana in Giovanni, Brescia: Paideia, 1989.

Green, Michael. I Believe in the Holy Spirit. Grand Ra­pids: Eerdmans, 1975.

Groppe, Elizabeth, Yves Congar’s Theology of the Spirit, American Academy of Religion, New York: Oxford University Press, 2004.

Gunton ,Colin E., Father, Son, and Holy Spirit: Toward a Fully Trinitarian Theology. London: T & T Clark, 2003.

Hamilton, James M. and E. Ray Clendenen, God’s Indwelling Presence: The Holy Spirit in the Old And New Testaments, Nac Studies in Bible & Theology, 2006.

Hauschild, Wolf-Dieter and Drecoll, Volker Henning (eds), Pneumatologie in der Alten Kirche, New York: Peter Lang, 2004.

Heron, Alasdair I. C. The Holy Spirit. Philadelphia: West­minster, 1983

Hilberath, B. J., Pneumatología, Barcelona, 1996.

Hildebrandt, Wilf. An Old Testament Theology of the Spirit of God. Peabody, MA: Hendrickson, 1995.

Hinze , Bradford E. and D. Lyle Dabney; Advents of the Spirit: An Introduction to the Current Study of Pneumatology, Marquette University Press, 2001.

Holl, Adolf, The Left Hand of God: A Biography of the Holy Spirit, Random House, 1999.

Hunt, Anne, Trinity: Nexus of the Mysteries of Christian Faith, N.Y.: Orbis, 2005.

Jacobsen, Douglas, El Espíritu Santo. Exploring Latino Pentecostalism. Books & Culture, 2004.

John Paul II, Encyclical Letter “Dominum et Vivificantem”, 1986.

Kinghorn, Kenneth, The New Testament Gifts of the Holy Spirit, Emeth Press, 2005.

Kislas, Théophile, Nil Sur le Saint Esprit. Les Éditions du Cerf. Paris. 2001.

Kizhakkeparampil, Isaac: The invocation of the Holy Spirit as constitutive of the sacraments according to Cardinal Yves Congar, Roma: Ed. Pont. Univ. Gregoriana, 1995.

Küng, Hans and Moltmann, Jürgen, eds. Conflicts about the Holy Spirit. New York: Seabury, 1979.

Lampe, G. W. H. The Seal of the Spirit: A Study in the Doctrine of Baptism and Confirmation in the New Testament and the Fathers. London: SPCK, 1967.

Lécuru, Ludovic, Les 7 dons du Saint Esprit, Emmanuel 2002.

Lison, Jacques, L’Esprit répandu. La pneumatologie de Grégoire Palamas, Cerf 1994.

Lodahl, Michael E. Shekinah/Spirit: Divine Presence in Jewish and Christian Religion. Mahwah, NJ: Paulist, 1992.

Loder, James and Neidhardt, W. Jim. The Knights Move: The Relational Logic of the Spirit in Theology and Science. Colorado Springs: Helmers & Howard, 1992.

Lys, D, “Rûach, Le Souffle dans l’Ancien Testament,” Revue d’Histoire et de Philosophie Religieuses, N° 56, Presses Universitaires de France, Paris, 1962.

Masamba Ma Mpolo, Le Saint Esprit Interroge Les Esprits: Essai De Relecture Et Pistes Psychopastorales De La Spiritualite En Afrique, Cas De La Republique Democratique Du Congo, 2002.

McDonnell, Kilian and Montague, George T. Christian Initiation and Baptism in the Holy Spirit: Evidence from the first Eight Centuries. Collegeville: Liturgical, 1991.

McDonnell, Kilian, The Other Hand of God: The Holy Spirit As the Universal Touch and Goal, Michael Glazier Books, 2003.

McIntyre, John, The shape of Pneumatology: studies in the doctrine of the holy spirit. Edinburgh: T. & T. Clark, 1997.

McQueen, L. R. Joel and the Spirit. Sheffield: Sheffield Academic Press, 1995.

Mills, Watson E. A Theological/Exegetical Approach to Glossolalia. Lanham: University Press of America, 1985

Molinié, Marie Dominique, Le Saint Esprit et la Gloire, Paris: Téqui, 1998.

Moltmann, Jürgen and Kuschel, Karl-Josef. Pentecostal Movements as an Ecumenical Challenge. Concilium 3 Maryknoll, NY: 1996.

Moltmann, Jürgen, The Source of Life: The Holy Spirit and the Theology of Life, Fortress Press, 1997.

Moltmann, Jürgen, The Spirit of Life. A Universal Affirmation, SCM Press, 1992

Montague, George T. The Holy Spirit: Growth of a Biblical Tradition. New York: Paulist, 1970.

Moule, C. F. D. The Holy Spirit. Grand Rapids: Eerd­mans, 1978.

Mühlen, H, Vous recevrez le don du Saint Esprit, Le renouveau spirituel, Volume I: Introduction et orientation; Volume II: Prière et attente, Éditions du Centurion, Paris, 1982.

Nave, Lloyd. The Spirit of God in the Old Testament. Tokyo: Seibunsha, 1972.

Nisus, Alain, L’Esprit Saint et l’Église. Une lecture de l’ecclésiologie du Cardinal Y. Congar à partir de la tradition des Églises libres, Directeur de thèse: Legrand, H., Ecclésiologie.

O’Collins, Gerald, The Tripersonal God: Understanding and Interpreting the Trinity, Geoffrey Chapman,1999.

Oden, Thomas C. Life in the Spirit. Vol. 3: Systematic Theology. San Francisco: Harper, 1992.

Opsahl, Paul D. The Holy Spirit in the Life of the Church. Minneapolis: Augsburg, 1978.

Otto, Rudolf. The Idea of the Holy. New York: Oxford, 1958.

Paprocki, Henryk, La Promesse du Père.  L’expérience du Saint Esprit dans l’Église orthodoxe, Paris: Cerf, 1990

Park, Jong-Chun, Crawl With God, Dance in the Spirit!: A Creative Formulation of Korean Theology of the Spirit, Nashville: Abingdon Press, 1998.

Pedrini, Arnaldo. Bibliografia Tomistica sulla Pneumatologia, Città del Vaticano: Libr. Editrice Vaticana, 1994.

Pesare, Oreste (ed), A sign of hope for all people. The Catholic Charismatic Renewal in the heart of Pope John Paul II, ICCRS, 2005.

Philip, Finny, The Origins of Pauline Pneumatology: The Eschatological Bestowal of Ther Spirit upon Gentiles in Judaism and in the Early Development of Paul’s Theology (Untersuchungen Zum Neun Testament), Mohr Siebeck, 2005.

Pinnock, Clark H. Flame of Love: A Theology of the Holy Spirit. Downers Grove, IL: InterVarsity, 1996.

Rahner, Karl, Theological Investigations. Vol. 16: Experience of the Spirit, trans. David Morland, 1979.

Revel, Jean-Philippe, Traité des sacrements, II La confirmation – Plénitude du don baptismal de l’Esprit,  2006.

Rogers, Eugene F., After The Spirit: A Constructive Pneumatology From Resources Outside The Modern West (Radical Traditions), Grand Rapids, Michigan: William B. Eerd­mans, 2005.

Rossier, Bernard, Pneumatology-The Doctrine of the Spirit, Artex Publishing, 2001.

Schoonenberg, Piet, Das Wort und der Sohn. Eine Geist Christologie, Regensburg 1992.

Schweizer, Eduard. The Holy Spirit. Translated by H. Reginald and Ilse Fuller. Philadelphia: Fortress, 1980.

Small, Joseph D. (ed), Fire and Wind: The Holy Spirit in the Church Today, Louisville, Ky: Geneva Press, 2002.

Stanton, Graham N., Bruce W. Longenecker, Stephen C. Barton, The Holy Spirit And Christian Origins: Essays In Honor Of James D. G. Dunn,  Grand Rapids: Eerdmans, 2004.

Taylor, John V. The Go Between God. Philadelphia: Fortress, 1972.

Vannier, Marie-Anne, L’Expérience du Saint Esprit, Cerf, 1998.

von Balthasar, Hans Urs, Explorations in Theology [Skizzen zür Theologie], trans. A. Littledale (San Francisco: Ignatius Press, 1989-1995), 4 vol.: Vol. 3: Creator Spirit (1990).Vol. 4: Spirit and Institution (1995).

Williams, John. The Holy Spirit Lord and Life-Giver. Neptune: Loizeaux Brothers, 1980.

 

 

[1] Xem Colin Gunton, Deus Trinitas: The Doctrine of the Triune God -The Triune Creator: A Historical and Systematic Study, Grand Rapids: Eerdmans, 1998.

[2] Như khổ thơ sau đây trong bài Tụng ca thứ ba của Marius Victorinus (ca. 290 – ca. 370): “Tu [Pater] creari imperas, Tu [Filius] creas, Tu [Spi-ri­tus] creata recreas, O beata trinitas.” Tạm dịch như sau: “Ngài [Cha] ban lệnh truyền sáng tạo, Ngài [Con] sáng tạo, Ngài [Thần Khí] tái tạo những gì đã được tạo dựng. Ôi, Ba Ngôi đáng chúc tụng.” Hoặc, dùng một cách nói có tính cách thần học hơn, thánh Baxiliô viết: “nguyên nhân nguyên thủy của tạo vật là Cha… nguyên nhân tạo dựng là Con,… nguyên nhân hoàn thành là Thần Khí” (On the Holy Spi­rit, XV.36 và 38).

[3] Kinh Tin kính của công đồng Nixêa-Côngxtăngtinốp gọi Chúa Thánh Thần là “Chúa và là Đấng Ban Sự sống.” Truyền thống thường coi St 1:2 như là câu văn biểu trình hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công cuộc sáng tạo. Thông điệp Dominum et vivificantem(18.05.1986) có đoạn viết: “Thần Khí Thiên Chúa”, theo như trình thuật kinh thánh về cuộc tạo dựng, là Đấng “bay lượn trên mặt nước…” số 34.

[4] “Thiên Chúa đã dùng chính đôi bàn tay Người [tức là Con và Thánh Thần] mà nặn hình con người và đã in hình dạng Người lên trên nhục thể Người đã nắn nên; bằng cách này, cả những gì hữu hình cũng đều có thể mang lấy dung dạng thần linh.” Irenaeus, Demonstratio apostolica, 11. Sources Chrétiennes  62, 48-49.

[5] Ted Peters and Martinez Hewlett, Evolution From Creation To New Creation: Conflict, Conversation and Convergence, Abingdon Press, 2003.

[6] J.Ratzinger, in Wer ist das eigentlich – Gott? Kösel Verlag, 1969, traslated into Italian as “Fede nella creazione e teoria dell’evoluzione,” in Il Foglio quotidiano, 23 dicembre 2005 , anno X, n. 303, pag 1.

[7] Sách Giáo lý của Công đồng Trentô, Tín khoản VIII.

[8] Đức Gioan Phaolô II, bài Huấn giáo trong buổi tiếp kiến chung, ngày 12 tháng 8 năm 1998.

[9] Dr. Clark H. Pinnock, “The Role of the Spirit in Creation,” trong The Theta Phi Lectures tại Asbury Theological Seminary ở Kentucky, các ngày 3-4 tháng 10, năm 1996.

[10] Xem Masatoshi Doi, “Religion and Nature,” in What Asian Christians Are Thinking: A Theological Source Book, ed. Douglas J. El­wood, Quezon City, Philippines: New Day Publishers, 1978, tt. 119-130.

[11] Jürgen Moltmann, The Spirit of Life, SCM Press 1992, p. 227; xem Sigurd Bergmann, Jurgen (FWD) Moltmann, Douglas W. Stott (Translator), Creation Set Free : The Spirit As Liberator Of Nature, Eerd­mans Pub Co, 2005.

[12] Divine Comedy (Hài kịch tuyệt diệu), Tầng XXXIII, câu 145. Đức Bênêđictô XVI thường trưng dẫn câu này, chẳng hạn trong bài Diễn văn đọc trước các tham dự viên tại hội nghị do Hội đồng Giáo hoàng Đồng tâm (Cor Unum) tổ chức, vào thứ hai, ngày 23 tháng giêng năm 2006 .

[13] Samuel Rayan, Breath of Fire – The Holy Spirit: Heart of the Christian Gospel, London: Geoffrey Chapman, 1979, tr. 9.

[14] Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 11.

[15] Xem Sallie McFague, The Body of God: An Ecological Theology, Aug­sburg Fortress Publ. 1993; Dieter T. Hessel and Rosemary Rad­ford Ruether(eds), Christianity and Ecology: Seeking the Well-being of Earth and Humans, Cambridge: Harvard Center for the Study of World Religions, 2000; McDonagh, S., Life: Creation or commodity? ACSJC, Sydney, 2001; Denis Edwards, Breath of Life: A Theology of the Creator Spirit, Orbis Books, 2004; Thomas Berry & Mary E. Tucker, Evening Thoughts. Reflecting on Earth as Sacred Community, Sierra Club Books, 2006.

[16] Gerard Manley Hopkins, God’s grandeur; tác giả kết thúc bài thơ: “Oh, morning, at the brown brink eastward, springs – /Because the Holy Ghost over the bent/World broods with warm breast and with ah! bright wings” [đại để: “Ôi! Bên bờ đông xám xịt, buổi sáng bừng ló dạng – Bởi Thánh Linh nghiêng mình trên bãi cỏ, ấp ủ toàn vũ bên lòng ấm, dưới đôi cánh [ôi!] rạng ngời.”

[17] Xem Rogers, J., “Ecological Theology: The Search for an Appro­pri­a­­te Theological Model.” Reprinted from Septuagesino Anno: Theologiche Opstellen Aangebsden Aan Prof. Dr. G. C. Berkower. The Netherlands: J. H. Kok, 1973; Hallman, David G., ed.Ecotheology: Insights from South and North. New York: World Council of Churches, 1994; Edwards D., “Ecology and the Holy Spi­rit: The already and the not yet of the Spirit in creation”, Ecotheology: Anzats Conference, Christ church, tháng 7 năm 2000, tập 13, số 2, tt. 142-159..

[18] Teilhard de Chardin, “Hymne à la matière”, vol. 13, tt. 89-91; “Sainte matière” in Le Milieu Divin, Éditions du Seuil, vol. 4, Œuvres complètes 1957,  tr.120.

[19] Fyodor Dostoyevsky, The Brothers Karamazov, ed. Signet Classic, 1999, tr. 309.

[20] Xin xem John S. Grabowski, The Theology of the Body Human Love in the Divine Plan, Pauline Books & Media, 1997, cuốn sách trình bày những gì Đức Gioan Phaolô II nói về quan niệm kitô đối với thân xác, qua các buổi tiếp kiến chung trong khoảng thời gian từ tháng 9, 1979 cho tới tháng 11, 1984.   .

[21] Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 4.

[22] Buổi tiếp kiến chung, thứ Tư ngày 19 tháng 8 năm 1998.

[23] Dumitru Staniloaë, “Le Saint-Esprit dans la révélation et dans l’égli­se” in Contacts, vol. XXVI, no 87, 1974; reprinted in Dumitru Stani­loae, Prière de Jésus et expérience du Saint-Esprit, DDB (Théopha­nie), 1991.

[24] J.L. Ruiz de la Peña, Crisis y apología de la fe. Evangelio y nuevo milenio, Ed. Sal Terrae, Santander, 1995, tr.266.

[25] Đây là ý nghĩa Đức Gioan Phaolô II đã nhắc đến trong thông điệp Ánh quang Chân lý.

[26] Xem Patrick Sherry, The Beauty of God the Holy Spirit, Theology Today (64) 2007, số 1.

[27] Thánh Âugutinô, Những lời trần tình, XI, 4.

[28] Văn đoạn Is 53:2 lại mô tả người Tôi tớ Giavê như sau: “Người chẳng còn nét đẹp, hay vẻ oai phong đáng để chúng ta ngắm nhìn nữa; dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích.” Để tìm hiểu điều nghịch lý kia, trong cuốn sách đã thất lạc của mình – tựa đề De pulchro et apto (Cái đẹp và cái hợp) – chàng trai trẻ Âugutinô đã nói về việc tiếng kèn phát ra từ hai cây ‘trompet’ – được thổi lên do cùng một Thần Khí duy nhất – phải được nghe cùng lúc như một hợp âm; xem Jean-Michel Fontanier, La beauté selon saint Augustin, Rennes: Presses Universitaires de Rennes,1998. Xem Cardinal Joseph Ratzinger , “The Beauty and the Truth of Christ,” L’Osservatore Romano, Weekly Edition in English, 6 November 2002, page 6.

[29] Hài kịch Tuyệt diệu, Paradiso XXXI, 134-135.

[30] Thánh Xyrilô thành Alếcxănđria, Thesaurus de sancta et consubstantiali Trinitate 34: PG 75, 609.

[31] Xin xem đặc biệt các tác phẩm: The Glory of the Lord I: Seeing the Form, Edinburgh: T & T Clark, 1982, và The Glory of the Lord II: Studies in Theological Style: Clerical Styles, 1984. Xin cũng xem Edward Farley, Faith and Beauty: A Theological Aesthetic, Ashgate Publi­shing, 2001.

[32] Documento de Aparecida, n. 14.

[33] Thư gửi các Nghệ sĩ, ngày 4 tháng Tư năm 1999.

[34] Trong Chimes (tờ báo sinh viên của Calvin College, Grand Rapids, Michigan, USA) 1-18-2002.

[35] Thánh Gioan Thánh Giá, Bài ca Thiêng liêng.

[36] John-Keats, Ode on a Grecian Urn, Stanza 2.

[37] Jackson, Timothy F., “The Role of the Holy Spirit in Gerard Manley Hopkins’s Poetry,” Logos: A Journal of Catholic Thought and Culture – Tập 9, Số 1, mùa Thu năm 2006, tt. 108-127.

[38] Albert Einstein, “The World As I See It,” trong Ideas and Opinions, based on Mein Weltbild, edited by Carl Seelig, New York: Bonzana Books, 1954, tt. 8-11.

[39] Trong Bức thư gửi các Nghệ sĩ, số 15.

[40] Về vấn đề này, xin xem Liturgy and Beauty. Nobilis Pulchritudo, do Văn phòng Cử hành Phụng vụ của Đức Thánh Cha, (Office of Papal Li­­turgical Celebrations), Libreria Editrice Vaticana, 2005.

[41] Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, The Via Pulchritudinis [Con đường cái Đẹp], Privileged Pathway for Evangelisation and Dialogue, Văn kiện kết thúc Tổng Hội nghị, 2006.

[42]  Đức Thánh Cha Bênêđíctô, tại Brazil, ngày 13 tháng 5 năm 2007.

[43] Sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II gửi đến Đức Giám mục Mariano de Nicoló, giáo phận Rimini, nhân hội nghị quốc gia về các nhóm và cộng đoàn thuộc phong trào Canh tân trong Thần Khí, ngày 29 tháng 04 năm 2004, số 3.

[44] Xem nội dung chúng tôi đã trình bày trong chương 6, ở tiểu đề “Thụ tạo mới.”

[45] Jürgen Moltmann, God In Creation, London: SCM Press, 1985, tr. 209.

[46] Mark. I. Wallace, Fragments of the Spirit: Nature, Violence, and the Renewal of Creation. New York: Continuum, 1996.

[47] “La Messe sur le monde” trong Œuvres, t. XIII, Paris: Seuil 1961.

[48] Dante, Paradise XXXIII, vv. 124-126.