Nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh

I. Nghi thức đầu lễ

1. Dẫn nhập lễ

NDL: Kính thưa quý cộng đoàn,

Hôm nay ngày đại tang của Hội Thánh, ngày Chúa Giêsu chịu khổ hình và bị đóng đinh trên thập giá. Khi giữ thinh lặng trước Chúa Giêsu bị đóng đinh vào cây thập giá, chúng ta cảm nhận thấm thía những lời Người đã nói trong Tiệc ly: “Đây là máu Giao ước của Thầy, đổ ra cho muôn người”[1]. Cái chết của Chúa Kitô gợi lên sự tích tụ của đau thương và sự dữ đè nặng lên nhân loại mọi thời: cái chết, lòng hận thù, bạo lực, tất cả đang nhuộm máu trái đất. Cuộc khổ nạn của Chúa đang tiếp diễn trong những nỗi khổ đau của con người.

Nếu Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày buồn thảm, thì cũng ngày này lại giúp chấn hưng niềm tin, củng cố niềm trông cậy và lòng can đảm để mỗi người vác Thánh Giá của mình với lòng khiêm nhường, biết từ bỏ và tín thác nơi Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con được đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang”.[2]

Nghi lễ chiều hôm nay gồm có ba phần :

– Thứ nhất:       Phụng vụ Lời Chúa.

– Thứ hai:         Nghi thức kính thờ Thánh Giá.

– Thứ ba:          Nghi thức hiệp lễ.

Giờ đây, chủ tế tiến lên bàn thờ, mời mọi người thinh lặng để tưởng niệm. Kính mời cộng đoàn đứng.

(Thinh lặng, không hát ca nhập lễ).

2. Mặc niệm

(Khi Linh mục đến bàn thờ, bái chào, rồi sấp mình phủ phục xuống đất).

(Mọi người đứng nghiêm, thinh lặng cầu nguyện một vài phút.)

(Linh mục đứng dậy tiến về ghế chủ tọa và đọc lời nguyện )

(Lưu ý: không đọc “Chúng ta cùng cầu nguyện”.)

II. Phụng vụ Lời Chúa

3. Lời nguyện

CT: Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con vô ngần, Chúa đã vui lòng cho Con Một Chúa đổ máu đào trên thập giá để hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, đem lại ơn cứu chuộc cho loài người. Giờ đây, xin Chúa nhớ lại tình thương ấy mà thánh hóa và che chở đoàn con luôn mãi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, là Thiên Chúa hằng sống hằng trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. CĐ: Amen.

4. Bài đọc I: Is 52,13-53,12

(Cộng đoàn ngồi)

NDL: Bị thống khổ, bị ruồng rẫy, cô đơn trước mặt người đời, nhưng trước mặt Thiên Chúa, Người Tôi Trung của Thiên Chúa sẽ công chính hóa nhân loại.

NĐS: Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia.

Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt,/ sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng./ Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta / mặt mày tan nát chẳng ra người,/ không còn dáng vẻ người ta nữa,/ cũng vậy, người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ,/ vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại,/ được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.

Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được? / Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai?

Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh,/ như khúc rễ trên đất khô cằn./ Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong / đáng chúng ta ngắm nhìn,/ dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích./ Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,/ phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật./ Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,/ bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,/ đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,/ còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,/ bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề./ Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,/ bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;/ người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,/ đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,/ lang thang mỗi người một ngả./ Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người / tội lỗi của tất cả chúng ta.

Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca;/ như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,/ người chẳng hề mở miệng./ Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu./ Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? / Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh,/ vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt./ Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn,/ bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo / và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa./ Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ./ Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,/ người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,/ và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu.

Nhờ nỗi thống khổ của mình,/ người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện./ Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,/ sẽ làm cho muôn người nên công chính / và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Vì thế, Ta sẽ ban cho người muôn người làm gia sản,/ và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt,/ người sẽ được chia chiến lợi phẩm,/ bởi vì người đã hiến thân chịu chết,/ đã bị liệt vào hàng tội nhân;/ nhưng thực ra,/ người đã mang lấy tội muôn người / và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.

Đó là Lời Chúa.

CĐ: Tạ ơn Chúa.

5. Đáp ca: Tv 30, 2 và 6, 12-13.15-16.17 và 25 (hát)

6. Bài đọc II: Dt 4,14-16; 5,7-9

NDL: Đức Kitô Giêsu là vị Tư Tế trung gian, đã từng trải qua đau khổ, nên dễ cảm thông và là giá bảo đảm ơn tha thứ và cứu chuộc của chúng ta.

NĐS: Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do Thái.

Thưa anh em,/ chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm / đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu,/ Con Thiên Chúa./ Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin./ Vị Thượng Tế của chúng ta / không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta,/ vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta,/ nhưng không phạm tội./ Bởi thế,/ ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng,/ để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Khi còn sống kiếp phàm nhân,/ Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc / mà dâng lời khẩn nguyện nài xin / lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết./ Người đã được nhận lời,/ vì có lòng tôn kính./ Dầu là Con Thiên Chúa,/ Người đã phải trải qua nhiều đau khổ / mới học được thế nào là vâng phục;/ và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn,/ Người đã trở nên nguồn ơn cứu chuộc vĩnh cửu / cho tất cả những ai tùng phục Người.

Đó là Lời Chúa.

CĐ: Tạ ơn Chúa.

7. Tung hô Tin Mừng: Pl 2, 8-9 (hát)

(Cộng đoàn đứng)

8. Bài Thương Khó: Ga 18, 1–19, 42

(Khi đọc bài Thương Khó đến câu: “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”, cộng đoàn sẽ quỳ thinh lặng giây lát).

NDL: Giờ đây, mời mọi người kính cẩn lắng nghe trình thuật cuộc Thương Khó của Đức Kitô. Hằng năm trong nghi lễ này, Hội Thánh cho chúng ta đọc Tin Mừng theo Thánh Gioan, vì Thánh Gioan là người sâu sắc nhất, đồng thời thấy rõ được giá trị cái chết của Đức Kitô.

C. Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Bấy giờ, Đức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào. Giuđa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. Vậy, Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. Đức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: X “Các anh tìm ai?” C.Họ đáp: S. “Tìm Giêsu Nadarét.” C. Người nói: X “Chính tôi đây.” C. Giuđa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi một lần nữa: X “Các anh tìm ai?” C. Họ đáp: S. “Tìm Giêsu Nadarét.” C. Đức Giêsu nói: X “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.” C. Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.”

Ông Simôn Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mankhô. Đức Giêsu nói với ông Phêrô: X “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?”

C. Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do Thái bắt Đức Giêsu và trói Người lại. Trước tiên, họ điệu Đức Giêsu đến ông Khanan là nhạc phụ ông Caipha. Ông Caipha làm thượng tế năm đó. Chính ông này đã đề nghị với người Do Thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.

Ông Simôn Phêrô và một môn đệ khác đi theo Đức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giêsu vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phêrô: S. “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?” C. Ông liền đáp: S. “Đâu phải.” C.Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế tra hỏi Đức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người. Đức Giêsu trả lời: X “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do Thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.” C.Đức Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: S. “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?” C. Đức Giêsu đáp: X “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” C. Ông Khanan cho giải Người đến thượng tế Caipha, Người vẫn bị trói.

Còn ông Simôn Phêrô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông: S. “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?” C. Ông liền chối: S. “Đâu phải.” C. Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phêrô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: S. “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao?” C.Một lần nữa ông Phêrô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.

Vậy, người Do Thái điệu Đức Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Vì thế, tổng trấn Philatô ra ngoài gặp họ và hỏi:S. “Các người tố cáo ông này về tội gì?” C. Họ đáp: S. “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan.” C. Ông Philatô bảo họ: S. “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người.”C. Người Do Thái đáp: S. “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả.” C. Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

Ông Philatô trở vào dinh, cho gọi Đức Giêsu và nói với Người: S. “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”C. Đức Giêsu đáp: X “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” C. Ông Philatô trả lời:S. “Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” C. Đức Giêsu trả lời: X “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” C. Ông Philatô liền hỏi: S. “Vậy ông là vua sao?” C. Đức Giêsu đáp: X “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” C. Ông Philatô nói với Người: S. “Sự thật là gì?”

C. Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do Thái và bảo họ: S. “Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do Thái cho các người không?” C. Họ lại la lên rằng: S. “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” C. Mà Baraba là một tên cướp.

Bấy giờ ông Philatô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: S. “Kính chào Vua dân Do Thái!”, C. rồi vả vào mặt Người.

Ông Philatô lại ra ngoài và nói với người Do Thái: S. “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.” C. Vậy, Đức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: S. “Đây là người!” C. Khi vừa thấy Đức Giêsu, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: S. “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!” C. Ông Philatô bảo họ: S. “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.” C. Người Do Thái đáp lại: S. “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.”

C. Nghe lời đó, ông Philatô càng sợ hơn nữa. Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giêsu: S. “Ông từ đâu mà đến?” C. Nhưng Đức Giêsu không trả lời. Ông Philatô mới nói với Người: S. “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” C. Đức Giêsu đáp lại: X“Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.”

C. Từ đó, ông Philatô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do Thái kêu lên rằng: S. “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda.” C. Khi nghe thấy thế, ông Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Hípri là Gápbatha. Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Do Thái: S. “Đây là vua các người!” C. Họ liền hô lớn: S. “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” C. Ông Philatô nói với họ: S.“Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” C. Các thượng tế đáp: S. “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda.” C. Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá.

Vậy họ điệu Đức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giêsu thì ở giữa. Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái.” Trong dân Do Thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Hípri, Latinh và Hy Lạp. Các thượng tế của người Do Thái nói với ông Philatô: S. “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Do Thái”, nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do Thái”.” C. Ông Philatô trả lời: S. “Ta viết sao, cứ để vậy!”

C. Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: S. “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” C. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: X “Thưa Bà, đây là con của Bà.” C. Rồi Người nói với môn đệ: X “Đây là mẹ của anh.” C. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: X “Tôi khát!”C. Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: X “Thế là đã hoàn tất!” C. Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

NDL: Kính mời quỳ.

(Quỳ gối thinh lặng trong giây lát, rồi đứng lên.)

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.

Sau đó, ông Giôxếp, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Giôxếp này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giôxếp đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân một dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái. Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.

Đó là Lời Chúa. CĐ: Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

(Sau bài Thương Khó, tùy nghi Linh mục có thể giảng một bài ngắn.)

(Không đọc Kinh Tin Kính)

9. Lời cầu nguyện cho mọi người.

NDL: Tiếp theo đây, là lời cầu nguyện long trọng. Có 10 ý cầu nguyện cho các dân tộc, các quốc gia, cho thấy rằng : Trước thập giá của Chúa Kitô, mọi người đều biết rõ con người thật của mình, đồng thời cũng nhận ra những người khác đều là anh em. Kính mời cộng đoàn đứng.

(Linh mục đọc lời nguyện:)

1. Cho Hội Thánh

CT: Anh chị em thân mến, ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa. Xin cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an, được Chúa bảo toàn ở khắp nơi trên hoàn cầu. Xin Chúa cũng ban cho ta được an cư lạc nghiệp hầu tôn vinh Người là Cha toàn năng.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho muôn dân được thấy vinh quang Chúa tỏ hiện nơi Đức Kitô, là Đấng yêu thương gầy dựng Hội Thánh Chúa. Cúi xin Chúa bảo vệ giữ gìn, để Hội Thánh đang hiện diện khắp nơi, luôn tin kính một niềm mà xưng tụng danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

CĐ: Amen.

2. Cho Đức Thánh Cha

NDL: Kính mời đứng.

CT: Ta hãy cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Chính Chúa đã chọn người giữa hàng giám mục, xin Chúa cũng ban cho người luôn an khang để lãnh đạo toàn thể dân thánh.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa an bài mọi sự cách khôn ngoan lạ lùng. Chính Chúa đã tuyển chọn Đức Thánh Cha Phanxicô và trao cho người nhiệm vụ lãnh đạo dân thánh Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, mà ân cần săn sóc giữ gìn người; để nhờ người, đức tin của mọi tín hữu luôn bền vững sắt son. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. CĐ: Amen.

3. Cho hàng giáo sĩ và giáo dân

NDL: Kính mời đứng.

CT: Ta hãy cầu cho Đức Cha… của giáo phận chúng ta, cho hàng giám mục, linh mục, phó tế, cũng như mọi người phục vụ dân thánh và cho toàn thể cộng đoàn tín hữu khắp địa cầu.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Thánh Thần Chúa luôn hướng dẫn và thánh hóa toàn thể Hội Thánh. Nay chúng con tha thiết nguyện cầu, xin Chúa thương cho mỗi thành phần Hội Thánh biết theo ơn đặc sủng Chúa ban để trung thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. CĐ: Amen.

4. Cho các dự tòng

NDL: Kính mời đứng.

CT: Ta hãy cầu cho anh chị em dự tòng. Xin Chúa thương soi sáng tâm hồn họ, để họ được hiểu biết Chúa hơn. Xin Người mở lượng từ bi ban cho họ ơn tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, để họ được tha thứ tội lỗi và trở thành chi thể của Chúa Kitô.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa làm cho Hội Thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái. Xin cho anh chị em dự tòng được thêm lòng tin kính và hiểu biết Chúa hơn, hầu xứng đáng lãnh nhận ơn tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy và gia nhập đoàn nghĩa tử của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.CĐ: Amen.

5. Cho mọi tín hữu được hợp nhất

NDL: Kính mời đứng.

CT: Ta hãy cầu cho mọi anh chị em cùng tin vào Chúa Kitô, và đang cố gắng sống theo sự thật, xin Chúa thương quy tụ và giữ gìn tất cả trong Hội Thánh duy nhất của Người.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa muốn làm cho những ai ly tán được trở về đoàn tụ và những kẻ sum vầy được luôn luôn hiệp nhất. Xin Chúa thương nhìn đến đoàn chiên của Đức Kitô mà cho mọi người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy được mãi mãi đoàn kết với nhau, nhờ sống cùng một đức tin toàn vẹn và chia sẻ một đức ái vững bền. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. CĐ: Amen.

6. Cho người Do Thái

NDL: Kính mời đứng.

CT: Ta hãy cầu cho người Do Thái. Cha ông họ là những người đầu tiên đã được nghe Lời Chúa phán dạy. Giờ đây, xin Chúa làm cho họ ngày càng mến yêu danh thánh Chúa và trung thành với giao ước của Người.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã hứa ban ơn cứu chuộc cho tổ phụ Abraham và con cháu của người. Xin Chúa thương nghe lời Hội Thánh cầu nguyện, cho dân tộc Chúa đã chọn xưa kia cũng được hưởng nhờ ơn cứu chuộc viên mãn của Đức Kitô. Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. CĐ: Amen.

7. Cho người ngoài Kitô giáo

NDL: Kính mời đứng.

CT: Ta hãy cầu cho những người ngoài Kitô giáo. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn đưa họ vào đường cứu chuộc.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho những người tuy không tin vào Đức Kitô, nhưng trước mặt Chúa vẫn ăn ngay ở lành, được hồng ân tìm thấy chân lý. Xin cũng ban cho chính chúng con ngày càng biết tương thân tương ái và tha thiết sống kết hợp với Chúa, để trước mặt thế gian, chúng con có thể minh chứng rằng Chúa chính là tình thương. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. CĐ: Amen.

8. Cho người vô thần

NDL: Kính mời đứng.

CT: Ta hãy cầu cho những người không nhận biết Thiên Chúa, nhưng vẫn sống theo lương tâm ngay thẳng, xin cho họ một ngày kia được gặp thấy Người.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đặt vào trái tim con người niềm khát vọng đi tìm kiếm Chúa, khiến con người chỉ được bình an khi gặp thấy Chúa. Xin cho mọi người khắp thế gian, dù đang sống giữa muôn vàn nghịch cảnh, vẫn có thể nhận ra những dấu chỉ của tình yêu Chúa; và khi thấy các tín hữu sống đời bác ái yêu thương, họ sẽ vui mừng tin nhận duy có Chúa là Thiên Chúa đích thực và là Cha của hết mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. CĐ: Amen.

9. Cho những nhà lãnh đạo quốc gia

NDL: Kính mời đứng.

CT: Ta hãy cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia. Xin Chúa thương soi trí mở lòng để họ biết hành động theo thánh ý mà tận tình lo cho dân nước được an cư lạc nghiệp và vui hưởng tự do.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa làm chủ lòng người, xin bảo vệ quyền lợi của nhân dân các nước. Xin ghé mắt nhân từ mà ban ơn soi sáng trợ lực cho những nhà lãnh đạo quốc gia, để họ biết cùng nhau làm cho thế giới được hòa bình, muôn dân thịnh vượng, và mà mọi người được hưởng tự do tôn giáo. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. CĐ: Amen.

10. Cho những người đau khổ

NDL: Kính mời đứng.

CT: Anh chị em thân mến, ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng, dủ lòng thương giải thoát thế giới khỏi mọi sai lầm, khử trừ muôn bệnh tật, xua đuổi cơn đói kém, mở cửa ngục tù, bẻ tan xiềng xích, giữ gìn lữ khách được bình an, đưa kẻ tha hương về xứ sở, chữa lành các bệnh nhân, ban ơn cứu chuộc cho người đang hấp hối.

NDL: Kính mời quỳ.

(Thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi Linh mục đọc:)

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa hằng an ủi kẻ ưu phiền, ban sức mạnh cho người vất vả lầm than. Xin nghe tiếng nhân loại khổ đau nài van Chúa, và ban cho những người lâm cơn hoạn nạn được vui mừng cảm thấy Chúa nhân hậu phù trì. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. CĐ: Amen.

III. Nghi thức Kính thờ Thánh Giá

(Cộng đoàn vẫn đứng trong khi Linh mục đi xuống cuối nhà thờ nhận Thánh Giá, các lễ sinh cầm đèn hay nến cháy đi hai bên rước Thánh Giá lên bàn thờ.)

10. Dẫn ý nghi thức

ND: Sau đây là Nghi thức kính thờ Thánh Giá.

Khi thờ lạy Thánh Giá, chúng ta hãy nhớ rằng: Xưa kia thập giá là hình phạt, là nhục nhã; nay trở thành đối tượng vinh dự và hạnh phúc của chúng ta. Xưa thập giá là hình bóng sự chết, nay là nguyên lý giải thoát và cứu rỗi chúng ta. Trước thập giá Chúa Giêsu, chúng ta hãy sấp mình cung kính thờ lạy với lòng yêu mến, biết ơn và đền tạ.

Linh mục cùng với các vị đại diện sẽ cử hành nghi thức này, ngài sẽ 3 lần mời chúng ta tin yêu ngưỡng vọng dấu chỉ của tình yêu này. Sau mỗi lần đáp “Ta hãy đến bái thờ” thì mọi người sẽ quỳ.

Mời cộng đoàn hướng về Thánh Giá ở cuối nhà thờ.

11. Mời gọi kính thờ Thánh Giá

(Tại ba nơi: Gần cửa nhà thờ, giữa lòng nhà thờ và trên cung thánh, Linh mục nâng Thánh Giá lên cao và hát câu kêu mời:)

CT: Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. CĐ: Ta hãy đến bái thờ.

(Sau mỗi lần đáp, mọi người quỳ xuống, thinh lặng thờ lạy trong giây lát.)

12. Kính thờ Thánh Giá (hát)

( Sau lần đáp thứ ba, Linh mục đưa Thánh Giá lên trên bàn thờ. Đặt đèn hay nến cháy chung quanh bàn thờ hoặc gần Thánh Giá.)

ND: Chủ tế cùng với các vị đại diện sẽ cử hành nghi lễ trọng thể kính thờ Thánh Giá. Mời mọi người cung kính tham dự.

Nghi lễ kính thờ Thánh Giá Chúa bắt đầu…

Kính mời chủ tế và các vị đại diện tiến lên trước bàn thờ Thánh Giá.

(Linh mục và hai lễ sinh ra đứng truớc bàn thờ Thánh Giá)

ND: Tất cả chuẩn bị… nghiêm!

Kính mời cộng đoàn hát thánh ca.

(Cộng đoàn hát bài suy tôn Thánh Giá.)

ND: Lễ dâng hương bắt đầu.

(Lễ sinh bên phải trao 3 cây hương đã đốt sẵn cho Linh mục.)

ND: Dâng hương…

(Linh mục nâng cao 3 cây hương trong giây lát rồi trao lại cho lễ sinh bên trái cắm vào đỉnh hương.)

ND: Chủ tế và cộng đoàn kính bái Thánh Giá Chúa tam bái:

Cúc cung…, tái cúc cung…, lại cúc cung…

(Mọi người bái kính Thánh Giá Chúa 3 lần.)

ND: Lễ dâng hoa bắt đầu.

(Hai lễ sinh kiệu vòng hoa tới trước mặt Linh mục.)

ND: Dâng hoa tươi…

(Hai lễ sinh giúp Linh mục nâng vòng hoa lên cao trước Thánh Giá, sau đó hạ xuống đặt dưới bàn thờ, trước Thánh Giá.)

(Lưu ý: Từ sau Nghi thức kính thờ Thánh Giá cho đến hết Lễ Vọng Phục Sinh, ai đi ngang qua Thánh Giá phải bái gối hoặc cúi mình sâu).

IV. Phần rước Mình Thánh Chúa

(Trải khăn bàn thờ, đặt khăn thánh và sách lễ đoạn Linh mục đưa Mình Thánh Chúa từ nơi cất hôm trước, đi tắt lên bàn thờ. Hai lễ sinh cầm đèn theo hầu Mình Thánh Chúa, rồi đặt đèn hai bên bàn thờ. Tiếp đến là phần rước Mình Thánh Chúa bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha).

13. Ca hiệp lễ (hát)

14. Cám ơn sau hiệp lễ

NDL: Kính mời cộng đoàn ngồi, chúng ta cùng dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ Thánh Thể.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy con: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13); và Chúa đã hành động cụ thể để nêu gương cho chúng con. Con phải cảm tạ ơn Chúa dường nào, vì Chúa đã thương chỉ cho con con đường thẳng và vững chắc để lên nước Trời: Con đường Thánh Giá!

Chúa đã cứu con bằng đau khổ và con không thể rỗi linh hồn nếu không đi qua Núi Sọ. Xin ban cho con ơn sức mạnh, nhẫn nhục và can đảm chịu đựng những đau khổ của thân phận con. Con xin khắc sâu dấu chỉ tình yêu này vào tâm khảm con, để Thánh Giá cuộc sống con là Thánh Giá tràn đầy yêu thương và tự do chân chính.

15. Lời nguyện hiệp lễ

CT: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô chịu chết và sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con. Xin tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện mà làm cho chúng con tích cực thông phần vào mầu nhiệm cao cả này, để suốt đời chúng con hăng say phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. CĐ: Amen.

(Nếu cần, có thể đọc thông báo trước khi đọc lời chúc kết lễ.)

16. Chúc kết lễ

NDL: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Lời này Chúa muốn nói rằng: thậm chí chúng ta có thể chết thay cho người anh em. Đó là lệnh truyền cuối cùng của Chúa Kitô.

17. Lời nguyện chúc lành trên dân Chúa

(Để giải tán, Linh mục giơ tay trên cộng đoàn, đọc lời nguyện sau đây:)

CT: Lạy Chúa, cộng đoàn dân Chúa đây vừa tưởng niệm Con Một Chúa đã chịu chết vì chúng con, và tin tưởng sẽ được phục sinh với Người. Xin Chúa thương giáng phúc dồi dào, mà ban cho họ ơn tha thứ và niềm an ủi. Xin cho họ ngày thêm tin kính Chúa, và vững lòng trông cậy sẽ được ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. CĐ: Amen.

(Không hát ca kết lễ, không dạo đàn. Mọi người có thể thinh lặng ra về.)

Tâm Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *