Lược sử Dòng Đa Minh, Phần II : Thời Cải Tổ (thế kỷ XIV-XV)

DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT
800 NĂM LỊCH SỬ

Biên soạn : Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
Bộ tranh : Lm Fernando Fuentes OP, TBN (1943-84)

vicente_ferrer.jpgII. Thời cải tổ, canh tân (thế kỷ XIV – XV)

Cũng như lịch sử giáo hội sau năm 1303, Dòng có nhiều dấu hiệu suy yếu, do hoàn cảnh chiến tranh liên miên giữa các quốc gia, do nạn dịch đen (dịch hạch) sát hại đến 1/3 dân số Âu Châu, việc tòa thánh di trú tại Avignon, rồi đến thời đại-ly-giáo tây phương với hai và ba giáo hoàng. Chân phước Benedictô XI OP (1303-04), người tích cực cổ võ sự hòa hợp giáo hội Đông Tây, đã bị đầu độc chết sau tám tháng trị vì.

Trong bối cảnh đó thường có hai tổng hội Đa Minh được tiến hành song song, có đến bốn vị tổng quyền và 13 tổng hội ủng hộ giáo hoàng Avignon (không được đếm số thứ tự). Thực ra, hoàn cảnh lúc đó thật mơ hồ, chính thánh Vinh Sơn Ferrier, ông trạng phép lạ, đã một thời ủng hộ phía giáo hoàng Avignon.

ines_montepulciano.jpgSau cơn dịch đen, nhiều tỉnh dòng bị chia cắt, nhiều tu viện bị bỏ hoang, việc tuyển chọn và đào tạo bị lơi lỏng, dẫn đến tình trạng kỷ luật sa sút, thậm chí đi đến phóng túng. Tất cả đòi hỏi phải tiến hành việc cải tổ. Công trình kéo dài đến cả thế kỷ. Chân phước Raymundo Capua và thánh Catharina Sienna là những nhân vật rất nhiệt thành trong công việc này.

Dầu sao, Dòng vẫn tiếp tục có những nhà giảng thuyết tài ba. Như cha Giacobê Passavanti tại Florence, nhà giảng thuyết về sám hối; cha Venturim Bergame một sứ giả hòa bình, và chân phước hồng y Gioan Dominici, đã góp phần quan trọng chấm dứt tình trạng nhiều giáo hoàng này.

Ngay giữa những hoang mang của thời đại-ly-giáo, ta thấy nổi bật lên gương mặt hiền hòa nhưng cương quyết của một nhi nữ anh hùng : thánh Catharina Sienna (1347-80). Thật lạ, một thiếu nữ trạc ba mươi, dám băng mình vào việc đưa Tòa thánh từ Avignon hồi loan Roma, đã đứng ra hòa giải các ông hoàng, đã để lại tác phẩm “Đối Thoại” mang nhiều lợi ích cho nhiều người, và sẽ được đức Phaolô VI suy tôn lên hàng Tiến sĩ Hội thánh (4.10.1970).

catalina_siena.jpg Cùng thế kỷ này, trong khung cảnh thơ mộng vùng lưu vực sông Rhin, thấp thoáng những nhà thần bí Đa Minh. Đó là cha Eckhart (+1327), đã sử dụng ngôn ngữ địa phương đề trình bày về mâu nhiệm Thiên Chúa, cha Gioan Tauler (+1361) và chân phước Henri Suso (+1366) vị giảng thuyết thành công đến độ người ta đã treo giá lấy đầu ngài.

Một hiệp hội đông đảo giáo sĩ và tín hữu quy tụ quanh ba vị, họp thành nhóm “Thân hữu Thiên Chúa”, hoạt động và cầu nguyện cho cuộc canh tân thiêng liêng của Giáo hội.

Bên cạnh đó, còn có các nhà thần bí nữ, nổi bật là thánh nữ Catharina Sienna và chân phước Magarita Ebner… Có lẽ chưa khi nảo anh chị em Đa Minh cùng chung nhau một nét linh đạo cho bằng tại khu vực sông Rhin thế kỷ này.

Sang thế kỷ XV, Kinh Mân côi được cổ võ đặc biệt. Chân phước Alain de la Roche khởi xướng Hội Mân Côi, gồm các hội viên tình nguyện đọc kinh Mân Côi và suy niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria.