Giáo Dân Đa Minh Giảng thuyết (2/5)

GIÁO DÂN ÐA MINH GIẢNG THUYẾT

Suy tư của một giáo dân Ða Minh
về việc thực thi sứ vụ Giảng Thuyết ngày nay

Nguyên tác : EL LAICO DOMINICO … UN LAICO PREDICADOR
Una reflexión desde el Laicado sobre la predicación hoy
Tác giả  : Hector G. Mandujano
Dịch giả  : Chân Lý, 2001

Chương 3 : NHU CẦU GIẢNG THUYẾT HÔM NAY

Muốn hiểu biết giáo dân nói chung, tức hiểu biết đối tượng của lời rao giảng, thì cần nhận biết cuộc sống thực tế của họ với lòng thông cảm và nhẫn nại, chứ không phải nặng lời phê bình, phân tích hay xét đoán họ, bởi vì thực trạng thế giới hiện nay rất phức tạp.

Chia sẻ những dấu chỉ hy vọng cho những ai đang thất vọng là một bổn phận đối với bất cứ thành viên nào trong Gia đình Ða Minh, vì rằng chúng ta không thể sống lẻ loi. Thiên Chúa đang nói với mọi người lời an ủi, yêu thương. Nên xác tín rằng khi từ chối đương đầu với khó khăn và từ chối tìm lời giải đáp thì chính chúng ta đã có vấn đề rồi. Như vậy, chúng ta luôn luôn được mời gọi góp phần vào việc giải đáp các khó khăn của thế giới.

hddm02.jpg

Thánh Ða Minh luôn luôn vui vẻ và cảm thông nên đã luôn hoạt động và tìm cách giải đáp các khó khăn. Người đã mạnh dạn sai phái anh em ít ỏi đi khắp châu Âu để trình bày cho Giáo Hội một kiểu mẫu hiện diện mới với ý định thiết lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Ngay từ khởi đầu, Thánh Phụ đã can đảm đương đầu với mọi gian nguy trong sự hỗ trợ của anh chị em tu sĩ. Người sẵn sàng thay đổi phương pháp truyền giáo, bỏ ngựa xe để đi bộ, cùng sống với những người đã xa lìa Giáo Hội. Người sáng suốt nhận ra rằng đó là con đường tốt nhất để cải hóa họ, làm cho họ trở lại chứ không phải đe doạ, khủng bố.

Thánh Ða Minh hiểu biết và sống theo Tin Mừng, hội nhập với nếp sống văn hoá thời đại. Người sẵn sàng đối đầu với các khó khăn, luôn luôn kiếm tìm chân lý trong suy tư thần học, nghiên cứu sách vở, siêng năng cầu nguyện xin ơn soi sáng, nghiền ngẫm thực tế chung quanh mình. Tóm lại, thánh Ða Minh là một gương mẫu trong thời đại của Người.

Phần chúng ta, chúng ta đang sống trong một thời đại khác, với nhiều biến chuyển nhanh chóng đến “choáng váng mặt mày”. Những thay đổi trong mười năm gần đây rất nhiều và quan trọng hơn những thay đổi của mười năm trước đó, và những đổi thay này còn lớn lao hơn cả thiên niên kỷ trước. Nó biến đổi và cải tạo cuộc sống hằng ngày thêm đa dạng hơn. Vì thế, những suy tư hiện nay về cuộc sống không phải là chúng ta hiện ở đâu mà là chúng ta sẽ đi về đâu ?

Thông tin mau lẹ, kế hoạch kinh tế thay đổi nhanh chóng, cơ cấu gia đình bất ổn, tìm kiếm chân lý và công bình gặp nhiều khó khăn, quá trình sản xuất được tự động hoá, nhiều giáo phái xuất hiện, không có thời gian để suy nghĩ về Ðức tin, khoa học đòi hỏi phải có một hệ thống luân lý phù hợp,… Tất cả những vấn đề này làm cho chúng ta phải đối mặt với những thách đố mới của nền văn minh hiện đại. Sự hiện diện bây giờ của chúng ta đòi hỏi phải tiến bộ hơn về phẩm chất lẫn số luợng. Bây giờ chúng ta phải đối phó chẳng những trong lãnh vực địa lý, mà cả trong lãnh vực kinh tế, khoa học, xã hội và văn hoá.

Xã hội trần tục ngang nhiên trục xuất Thiên Chúa ra khỏi những dự tính của nó trong mọi lãnh vực và xác định lập trường mà không cần để ý đến sai lạc. Nhưng thực ra trong những năm gần đây, lý do sinh tồn không thể chỉ tìm trong kỹ thuật, trong triết lý, trong khoa học, thậm chí trong cách sống. Vì thế, xã hội vẫn còn nhiều bạo hành, đổ vỡ, nhiều người bị gạt ra ngoài lề… Nhiều đề án kinh tế không lưu tâm gì đến “thiện ích chung”, quan niệm về nhân quyền thì mơ hồ từ đó phát sinh nhiều khủng hoảng trong gia đình và ngoài xã hội. Hậu quả là nhiều người cảm thấy cô đơn, thất vọng. Chúng ta không thể chỉ đơn thuần đổ lỗi cho khoa học kỹ thuật hay cho những cơ cấu xã hội, mà phải đi tìm những điều thiện hảo phù hợp với lý trí và luân lý nhờ sự soi sáng của Ðức tin, một đức tin không loại trừ kiến thức nhân loại, một đức tin không lôi kéo chúng ta xa lánh thế gian, nhưng hội nhập chúng ta vào cuộc sống con người trong thế giới hôm nay.

Ðối với Gia đình Ða Minh, hiện trạng xã hội phức tạp không phải là lý do để nản lòng thối chí. Ngược lại, đó là lý do để chúng ta hoạch định những hoạt động của mình. Ðược mời gọi vào thời điểm này để rao giảng ý định của Thiên Chúa với gương mẫu của thánh Ða Minh, chúng ta có những lược đồ giống như Người, và những nét riêng biệt của thời đại. Thánh Ða Minh, nhà giảng thuyết vĩ đại đã đưa ra những giải đáp hữu hiệu cho thời đại của Người, chứ không chỉ có thiện chí hay dự phóng lý thuyết suông.

Giảng thuyết là một khí cụ hữu hiệu nếu luôn luôn nương tựa trên một đời sống thánh thiện, siêng năng cầu nguyện, huấn luyện kỹ càng, lòng yêu mến và nhạy cảm với tha nhân. Thành quả sẽ tuỳ vào khả năng đánh giá thực tại và biết noi gương thánh Ða Minh.

Trong bổn phận người giáo dân của Giáo Hội, một Giáo hội phẩm trật, chúng ta có quyền được phép giãi bày suy nghĩ, hiểu biết của mình, không phải như kẻ bàng quan vô trách nhiệm hay như những người chỉ biết gây hoang mang, nhưng như là người mong muốn xây dựng trước những thay đổi của xã hội. Ngày nay, chúng ta phải đối diện với nhiều thách đố nhưng cũng có rất nhiều cơ may để rao giảng. Có những vấn đề đòi hỏi kiến thức của giáo dân, chứ không phải từ những công thức giáo lý cứng nhắc. Tuy nhiên, những kiến thức đó phải phù hợp với Ðức tin và lý trí trước những vấn đề như : truyền sinh, quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, phân phối tài nguyên, của cải, lao động, công bình xã hội, đổ vỡ gia đình, v.v… Có những cá nhân nam cũng nhu nữ cần đến những giải đáp thoả đáng cho những lo âu thiêng liêng của họ. Họ cần sự hiện diện đặc biệt của Giáo Hội trong cuộc đời họ, cần Giáo Hội đồng hành với họ và mang cho họ những lý lẽ về đời sống Ðức tin thuyết phục hơn. Họ muốn có sự hoà điệu rõ ràng hơn giữa lời nói và việc làm. Hơn nữa, còn có nhiều tâm hồn bê trễ, lầm lạc, cho nên cần có nhiều người tìm kiếm chân lý để giúp đỡ họ. Vậy để làm được việc đó, chúng ta cần nhiều cố gắng sống chân thực, trình bày quả quyết và mạch lạc.

Khi nói Giáo Hội và con người thời đại “đòi hỏi điều này” thì có nghĩa là đi từ phẩm đến lượng. Ðiều đó có nghĩa là đang khi người ta đòi hỏi chúng ta cần sống đức hạnh thì cũng cần sự hiện diện, thái độ gần gũi của chúng ta. Chúng ta cần đi vào nhiều lãnh vực của cuộc sống và hội nhập vào đó, hiện diện với dân chúng dưới nhiều hình thức, giải đáp những nhu cầu đa dạng của xã hội, hiểu biết thấu đáo thực tại của mỗi tầng lớp dân chúng với một thái độ cởi mở hơn, để khởi đi từ vị trí họ đang đứng, chứ không phải từ nơi mà ta muốn họ đi tới. Ngày nay, Tin Mừng hoá là kề vai sát cánh, đồng lao cộng khổ với mọi người, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Thánh Ða Minh đã làm như vậy khi sẵn sàng từ bỏ để nên một trong họ và chỉ như thế lời Người giảng mới được lắng nghe. Người không nói với họ từ diễn đàn hay giảng đài mà là trong chính cuộc đời họ. Cũng vậy, chúng ta không thể rao giảng lý thuyết mà thôi.

Ngày nay, thành phần xã hội nào cũng đòi hỏi khả năng cảm thông, cho nên chúng ta phải cởi mở và gần gũi mọi người, để chia sẻ Tin Mừng trong nhiều nền văn hoá khác nhau và trong nhiều khát vọng xô bồ hiện đang hoà trộn ở các trung tâm đô thị.

Cuộc hội ngộ của các thành phần Gia đình Ða Minh là một cơ hội tốt, để các phần tử trong đó có thể bổ sung những khác biệt cho nhau. Con số to lớn các lãnh vực hoạt động cần sự hiện diện của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải có khả năng hoạt động, chia sẻ đoàn sủng và sứ vụ của mình với hàng triệu các giáo dân khác sống trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau. Do sự chung đụng hàng ngày, giáo dân có khả năng thấu hiểu ngôn ngữ của thế gian, đồng thời cũng hiểu biết linh đạo của Dòng. Giáo dân nhờ huấn luyện, chẳng những tạo cho họ có cái nhìn rõ ràng về sứ vụ của Dòng mà còn có điều kiện cần thiết để thi hành bổn phận của họ.

Với tư cách là Gia đình Ða Minh, chúng ta phải nhận xét đâu là sự đóng góp và trách nhiệm của mình, để trù liệu một lối huấn luyện vững chắc làm cho mọi thành phần trong đó có thể tiếp thu được. Cứ theo căn tính, chúng ta phải nhận ra những điểm chung của bậc giáo dân trong Giáo Hội, và việc huấn luyện họ không có nghĩa là các bản lược thảo sơ sài, chỉ có dáng dấp của một khoá khai tâm, mà cần có nội dung đầy đủ, vững chắc về thần học và linh đạo Dòng, là nắm bắt được những phương pháp trình bày rõ ràng và tiện dụng, hàm chứa những nền tảng cốt yếu, đồng thời hướng về nhiệm vụ giảng thuyết và đào tạo người giảng thuyết. Những nữ tu chiêm niệm, các tu sĩ hoạt động, các giáo dân Huynh Ðoàn nếu được huấn luyện và chuẩn bị đầy đủ sẽ trở nên một lực lượng quan trọng để thi hành sứ mệnh của Dòng. Những tiện nghi hiện đại, những phương pháp truyền thông tiên tiến sẽ giúp đỡ đắc lực hơn cho lực lượng ấy khi thi hành sứ vụ.

Hoạt động với và cho giáo dân đòi hỏi ý thức nhận biết các giới hạn về thời gian mà họ có. Mặc dầu có một số giáo dân rảnh rỗi có thể tự nguyện đi truyền giáo ở những vùng sâu vùng xa trong một thời gian nào đó, nhưng phần đông, vì kế sinh nhai, họ có rất ít thời gian nhàn rỗi. Họ phải hiện diện và đảm đương những công việc hằng ngày. Tuy nhiên, đối với dự phóng của Dòng, chính giáo dân là những lực lượng xung kích cần thiết để Dòng xâm nhập vào thế giới vì họ len lõi vào nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc sống để cùng với dòng thi hành sứ vụ.

Những đoàn viên huynh đoàn ngày nay không chỉ thực hiện các việc đạo đức, đào sâu Ðức tin, lo liệu phần rỗi mình, mà họ còn phải trở thành phần tử của Gia đình Ða Minh rao giảng hằng ngày giữa thế giới. Tuy nhiên, cũng cần tổ chức chiêm niệm và cầu nguyện xen kẽ vào thời khoá biểu bận rộn. Phải trù liệu những hình thức giúp người giáo dân có thể tham dự mà không bê trễ hay xao lãng bổn phận gia đình hàng ngày. Phải hỗ trợ họ hoà nhập để trở nên một thành phần đích thực trong Gia đình Ða Minh, chứ không thể chỉ coi họ như những người thân hữu bạn bè của Dòng. Gia đình Ða Minh cần có những sáng tạo và đổi mới để thực thi điều đó. Ðây là một thách thức nữa cho lịch sử Dòng.

Giáo dân Ða Minh đón nhận nhiều thành phần càng khác nhau chừng nào thì phạm vi hoạt động và khả năng ảnh hưởng của Dòng càng lớn chừng đó. Gia nhập Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh cũng là một ơn gọi. Vì thế, như tôi đã viết trên đây, chúng ta phải tích cực hoạt động để cổ võ sống ơn gọi giáo dân Ða Mimh trong mọi lãnh vực xã hội. Những đổi thay theo hướng cởi mở hơn, sự tương xứng giữa lời nói đi đôi  với việc làm là những điều kiện thuận lợi để cổ võ ơn gọi Ða Minh. Còn thật nhiều điều cần phải làm, bên cạnh trách nhiệm riêng mà giáo dân Ða Minh phải thi hành, thì công việc và sự hỗ trợ của gia đình Ða Minh cho ơn gọi giáo dân cũng rất là cần thiết.

Xã hội, mà lời rao giảng của người Ða Minh nhắm tới, là một xã hội có nhiều não trạng, quan điểm, nhiều kinh nghiệm và nhiều thực tại khác nhau. Vì thế khả năng diễn giải của chúng ta cũng phải đa dạng và phong phú bao gồm nhiều hiện trạng thực tế, nhiều loại ngôn ngữ nhưng luôn với tấm lòng cảm thông và yêu mến. Ðây là lúc cần cởi mở và tái định hướng các lãnh vực sinh hoạt mà chúng ta hiện diện.

Việc cấp thiết hiện nay là rảo qua mọi lãnh vực của xã hội, thâm nhập vào mọi sinh hoạt đó, tay cầm tay với các người nam nữ tiên phong, hội nhập vào mọi cảnh huống. Chỉ có thế chúng ta mới thành công trong nhiệm vụ của mình, không những loan báo Tin Mừng nhập thế, mà còn thành sức sống của mỗi cá nhân anh chị em chúng ta trong xã hội.

Giảng thuyết như một sự tổng hợp sinh động của việc loan báo bằng đời sống, bằng tin tưởng, bằng hiểu biết, bằng tự thánh hoá bản thân. Ðó là một công việc lớn đòi hỏi chẳng những Ðức tin, lời cầu nguyện, kiến thức thần học, nhân sự mà còn cần sự cộng tác, giúp đỡ, cổ võ.

Ngày nay gia đình Ða Minh chúng ta cần thẩm định xem bao nhiêu người thực sự hiện diện trong xã hội và cùng nhau thi hành sứ vụ giảng thuyết. Sứ vụ rao giảng đòi hỏi phải có kế hoạch, phân tích, kiểm điểm những điều mình đã chiêm niệm để rồi lập ra kế hoạch những điều định làm. Phải khiêm tốn nhìn nhận rằng còn lâu chúng ta mới có thể hiện diện trong thế giới theo như lòng sở nguyện. Vậy thì chúng ta cậy dựa vào đâu nếu không phải anh chị em gíao dân với những tính cách và sắc thái riêng.

Giáo dân giảng thuyết với ngôn ngữ và lý luận đặc thù sẽ cung cấp cho Gia đình Ða Minh một sức mạnh rao giảng mới. Giáo dân giảng thuyết là một dạng khác làm cho Ðoàn sủng Ða Minh hiện diện trong thế giới. Nhưng điều đó không thể thực hiện được, nếu từ chính trong gia đình không cổ võ gia tăng giá trị giáo dân một cách đặc biệt và không cung cấp cho họ điều kiện sinh hoạt, tổ chức thuận tiện. Vậy ngay trong nội bộ Gia Ðình cần phải có một lối nhìn mới về người giáo dân. Huynh đoàn Giáo dân Ða Minh không những chỉ là một hiệp hội đạo đức tìm kiếm sự trọn lành cá nhân, mà còn là một tổ chức thi hành sứ vụ rao giảng chung của toàn Dòng. Chúng ta thiết lập ngành Giáo dân để họ thi hành sứ vụ của Dòng theo nếp sống đặc trưng của họ.

Vì vậy, cần cấp tốc lập ra những tổ chức nhằm phát triển sứ vụ của Dòng bằng ngôn ngữ của giáo dân, để những người nam nữ đã có gia đình, có công ăn việc làm có thể giảng thuyết. Nên suy nghĩ cần làm thế nào tổ chức cho các thành viên Gia đình Ða Minh có thể rao giảng và Tin Mừng hoá thành thị ? Làm thế nào để giáo dân Ða Minh có thể tự hào về tầm quan trọng của họ trong gia đình Ða Minh ? Làm thế nào để họ cảm thấy mình là Ða Minh như bất cứ phần tử nào trong Gia đình và trong công tác thi hành sứ vụ ? Làm thế nào để giáo dân hiểu được rằng họ phải ra đi và lưu ý đến những người đang làm việc trong các công sở, các hội đoàn, các tổ chức, các nền văn hóa chứ không phải chỉ là những người năng đến nhà thờ, tham dự Phụng Vụ (cố nhiên vẫn quan tâm đến họ) ?

Gia đình Ða Minh là một trung tâm chiếu toả sứ mệnh rao giảng mới, liên ngành, đa dạng về ngôn từ và dự phóng, là nơi đào tạo để mỗi ngành có thể duy trì đặc tính riêng của mình.

Người giáo dân Ða Minh phải ý thức rằng : “Ðiều quan trọng nhất không phải là những sinh hoạt trong Huynh Ðoàn, mà là điều ta thực hiện cho tha nhân trên thế giới”.

Chương 4 : DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT

Khi nói đến Dòng Giảng Thuyết, chúng ta thường bị cám dỗ dừng lại chiêm ngưỡng vẻ vinh quang, rực rỡ, huy hoàng của Dòng. Ðó là điều tốt, nhưng tất cả chỉ là lịch sử đã qua. Nếu suy nghĩ một cách khách quan, điều này cũng hữu ích về mặt tích cực cũng như mặt tiêu cực. Mặt tích cực là nó giúp ta noi gương các vị đàn anh anh hùng, cảm thấy được khích lệ bước vào tương lai. Mặt tiêu cực giúp chúng ta thấy những thiếu sót để rồi sàng lọc, học hỏi sao cho những thiếu sót đó không xảy ra nữa. Lịch sử Dòng Giảng Thuyết, không trở nên già cỗi. Chúng ta đang làm nên lịch sử Dòng mỗi ngày. Những thành tựu của các thế kỷ đã qua thuộc về những người đã sống trong các thời kỳ ấy. Những gì hiện tại thuộc trách nhiệm của chúng ta. Những điều chúng ta đang làm hay bỏ sót không làm, chúng ta phải trả lời trước mặt Chúa. Vì thế phải nhìn lịch sử với cặp mắt khác, và nhìn hiện tại với nhãn quan khác.

Từ ngày thành lập, Dòng Ða Minh là “dòng của anh chị em giảng thuyết”. Hiển nhiên, giảng thuyết là lý do để Dòng hiện hữu, giảng thuyết là lời giải đáp của “Ða Minh de Guzman” cho thời đại của Người, và điều liên hệ trực tiếp đến nguồn gốc của Dòng là sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của các Kitô hữu. Họ đưa ra những giải thích sai lạc, lẫn lộn về đạo lý. Những giải thích ấy có nguồn gốc từ sự hiểu sai về nguyên lý nền tảng, về ý nghĩa đời sống của Giáo Hội. Thêm vào đó là sự bê trễ cầu nguyện, bỏ lãnh nhận các Bí Tích – những phương tiện hữu hiệu để tăng trưởng Ðức tin – đã làm cho đời sống trong Giáo Hội suy thoái, nhiều tâm hồn xa lánh Giáo Hội. Những hình thức đạo đức rỗng tuếch, không chuyển tải ý nghĩa tâm linh, mà chỉ toàn có tính cách nghi thức bề ngoài ; rồi khi trà trộn vào các hình thức mê tín dị đoan khác của xã hội thì hoàn toàn biến chất, thành phù phép, không còn tính Tin Mừng. Tại Âu châu, vào thế kỷ XII, nhiều miền, nhiều nước, nhiều xã hội đã có một lối sống Ðạo thoái hoá ; hơn nữa, không có được một nền huấn luyện nghiêm chỉnh, cung cấp những yếu tố cần thiết để tìm về với Ðức tin chân chính.

Nhắc đến những khiếm khuyết về huấn luyện Ðức tin nơi các tín hữu thời thánh Ða Minh khiến chúng ta phải thừa nhận một tình trạng tương tự ngày nay, nghĩa là chúng ta thực sự vắng bóng trong xã hội xét theo tư cách là Giáo Hội. Sự vắng bóng này cũng sinh ra hậu quả tai hại. Vậy, điều quan trọng là chúng ta hãy tự vấn : Ngày nay trong xã hội có sự hiện diện của Giáo Hội hay không ? Có những sự thiếu hiểu biết về tôn giáo không ? Xã hội được huấn luyện theo chiều hướng nào ? Nó có cần đến chúng ta không ? Nếu xã hội cần, chúng ta phải đáp ứng bằng cách nào ? Có đáp ứng được đầy đủ không ? Chúng ta có hiện diện gần gũi với mọi người của thời đại không ? Sự hiện diện của các anh chị em Giảng Thuyết có cần thiết nữa không ? Nhiều vấn đề khác cũng cần được đem ra bàn thảo và tự kiểm điểm lại, chẳng hạn về sự hiện diện đích thực của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông, kịch nghệ, thể thao, hoạt động trình diễn trước đám đông,… hay là vì thấy trong nhà thờ đông tín hữu, nhiều người đến lãnh các Bí Tích, mà chúng ta quên mất những cách hiện diện khác giữa lòng xã hội và thế giới.

Thời thánh Ða Minh, tông đồ giáo dân vắng bóng, phương tiện huấn luyện không có, làm cho một số anh em không thức thời nhận thấy sự du nhập của các quan niệm triết học, khoa học mới từ các nền văn minh khác vào châu Âu và gây ảnh hưởng mạnh mẽ vào niềm tin của các tín hữu Tây phương. Thiếu thốn nguyên lý nền tảng trong suy tư kiếm tìm chân lý làm cho người ta dễ dàng rơi vào các lạc thuyết. Họ dễ dàng chấp nhận mọi thứ niềm tin. Do đó phát sinh nhiều giáo phái kỳ quái trong niềm tin, không thực tế trong thực hành. Những giáo phái này tập họp thành tôn giáo và bề ngoài xem ra đáp ứng đầy đủ nhu cầu của quần chúng, nhưng xét về đạo lý thì chủ tâm phá hoại xã hội. Kết quả là lương tâm bị bẻ cong, cách ăn nết ở phóng túng, trật tự xã hội bị thâu hẹp, tự do không còn nữa.

Bước sang Thiên niên kỷ Thứ Ba, những hoàn cảnh trên vẫn đang tái diễn. Ngày nay sau nhiều thập niên chạy theo thuyết Duy Vật quá khích, người ta đã từ bỏ và quay về tìm kiếm một chân lý thiêng liêng. Những cống hiến dễ dãi không làm cho người ta thoả mãn vì thiếu tính nhất quán, thiếu tính bồi bổ. Sự pha trộn các nghi thức Á Ðông với những nguyên lý Kitô giáo chưa được hoà hợp, còn nhiều phù phép và hương vị xa lạ… đã gây nghi hoặc trong tâm trí những người phương Tây, những người đang cần những đến lời giải thích thuyết phục hơn. Vậy làm thế nào để đến với những tâm hồn ấy ?

Có những lý do gây cho nhiều người chán nản, khiến họ phải đi tìm lời giải đáp trong những lãnh vực tư tưởng khác. Ðó là những bất nhất giữa lời nói và việc làm trong đời sống Ðức tin, chúng làm nảy sinh nghi ngờ, mất tin tưởng vào cộng đoàn. Trong thời thánh Ða Minh những điều giống như thế đã xảy ra. Nó khơi dậy nơi Thánh nhân một loạt suy tư, tìm kiếm lời giải đáp, những giải đáp quan trọng cho tình hình rối ren như thế !

Nhiều thế kỷ đã trôi qua, thế giới hôm nay vẫn còn nhiều hiện tượng xã hội tương tự như trong thời Cha thánh. Con số tu sĩ giảm sút mà người ta lầm tưởng là trách nhiệm của Giáo Hội, thực ra là do ảnh hưởng tục hoá trong các tu viện. Nhiều người tự xưng có Ðạo, nhưng thực ra lại chẳng hiểu biết niềm tin của mình. Nhiều người lại thực hành tôn giáo chỉ vì thói quen hoặc vì bổn phận bó buộc, tệ hơn nữa người ta giữ Ðạo hoàn toàn mang tính chất xã hội hơn là đạo đức, do truyền thống hơn là do ơn Chúa Thánh Thần. Kết quả là ngày càng nhiều kiểu niềm tin trống rỗng, không xác tín. Ðức tin thiếu xác tín làm suy yếu từ thế hệ nọ đến thế hệ kia, dần dần người ta xa lánh tôn giáo, hoặc tôn giáo bị mất đi tính nghiêm trang, ý nghĩa đích thực của nó.

Thế giới ngày nay đòi hỏi sự thật rõ ràng và sự hiện diện ngay thẳng. Những giải đáp có tính thuyết phục cao, những giải trình hữu lý trong một nền văn minh đầy dối trá. Nó cần sự hiện diện của một cộng đoàn Giáo Hội thân ái, có những hoạt động Tin – Cậy – Mến cao độ, và không thoả hiệp với bất cứ một khuynh hướng chính trị nào. Chỉ có như thế, Giáo Hội mới có thể tự do ăn nói, hiểu biết các thực tại khách quan và tìm kiếm được chân lý. Thái độ sẵn sàng chấp nhận các thay đổi chân chính làm cho con người dễ xích lại gần với ơn kêu gọi của mình. Không sợ sệt một thế lực nào, cũng không đe doạ một ai. Lắng nghe thế giới và sẵn sàng đối thoại với thế giới, đó không phải là điều thánh Ða Minh đã làm sao ?

Nếu chúng ta thiếu hiểu biết Ðức tin trong các sinh hoạt hằng ngày hoặc vì lười biếng, chúng ta không cống hiến thời gian, sức lực dạy dỗ về Nước Trời, không mời loài người từ bỏ thế gian trở về với Thiên Chúa, thì đó là một nguy cơ cho chúng ta. Chúng ta phải tự cật vấn về điều này. Nhưng nếu như việc cổ võ một lối sống Ðức tin quá thiên về hành động đến độ quên đào sâu Ðức tin vững chắc, không coi trọng việc cầu nguyện, không lãnh các Bí Tích và mù quáng đến độ cho là có thể mua được Ơn Cứu Ðộ, thì đó cũng là điều đáng cật vấn, đáng nghi ngờ. Lại nữa, ngày nay người ta có xu hướng tâm linh hoá tôn giáo, cá nhân hoá đời sống nội tâm, coi tôn giáo là một việc riêng tư, không cần biết đến trách nhiệm với Giáo Hội, với cộng đoàn, mà chỉ biết tìm Ơn Cứu Ðộ cho cá nhân. Lối sống này cũng là lối sống sai lạc, rất nguy hiểm. Cần phải suy nghĩ hơn về điều này, vì theo cách nhìn chính đáng của Giáo Hội, thì đó là những thiếu sót trong đời sống thiêng liêng. Lý do xảy ra hậu quả trên có lẽ tại chúng ta bận tâm nhiều đến việc ngăn cấm hơn là huấn luyện, đến điều hành hơn là đồng hành với họ. Ðó là điều ngày nay giáo dân phải ý thức rõ để xây dựng một nếp sống Ðức tin chính thống giữa những nền văn hoá khác nhau và vẫn luôn luôn gần với dự phóng của Nước Trời.

Với tư cách là những phần tử của Giáo Hội, dù là linh mục, tu sĩ, hay giáo dân, chúng ta phải suy nghĩ về những điều trên đây. Ðể rồi từ đó có thể đặt lại nền móng cho các ưu tiên và suy nghĩ thấu đáo về những thực tại mà thánh Ða Minh đã phải đối mặt tám trăm năm trước đây.

Riêng với các phần tử Gia đình Ða Minh, điều đó bao hàm hai trách nhiệm sau đây : thứ nhất, hoạch định kế hoạch học hỏi Lời Chúa để chia sẻ với Giáo Hội ; thứ hai, phải tìm hiểu cặn kẽ hơn về thế giới hôm nay, thế giới mà chúng ta phải rao giảng. Không phải chúng ta phân phát những cuốn sách Giáo lý, những mớ quy tắc sống, những lời ngăm đe thưởng phạt, mà là phân phát những lời động viên, khích lệ, những suy tư thần học chân chính khởi đi từ suy tư thực tại. Chúng ta hội nhập vào toàn thể cuộc đời, hoà nhập với mỗi vật, hoà điệu chứ không làm ly tán thực tại thiêng liêng và vật chất. Có như vậy, chúng ta mới cung cấp một ý nghĩa xây dựng cho cuộc sống Ðức tin hằng ngày.

Lúc này là lúc tìm kiếm, gặp gỡ, không những trên bình diện cá nhân, riêng tư nhưng còn cả trên bình diện siêu việt của cộng đoàn. Chỉ trong ý nghĩa cộng đoàn và với ý nghĩa “công thiện” chúng ta mới có thể đương đầu với những thách đố của xã hội ngày nay, nghĩa là những đòi hỏi và những cật vấn của nó.

Từ đó, hoạt động giảng thuyết của chúng ta sẽ vượt ra khỏi ranh giới truyền thống để đến với các ranh giới mới với những ưu tiên riêng biệt và tới nhiều lãnh vực cuộc sống, cũng như nắm bắt được các chiều kích đa diện của cuộc sống nhân sinh. Cũng là một chân lý, nhưng bây giờ chiếu rọi sáng hơn, gần hơn vào các vấn đề mà ngày xưa bị coi như xa lạ. Nó đi đến với một nhân loại được kêu gọi để phát triển, để thăng tiến về mặt xã hội, văn hoá, chính trị và khoa học. Những yếu tố sinh tử đối với cá nhân cũng như tính tôn giáo của nó.

Giảng thuyết là một lựa chọn quan trọng, và hôm nay khác với các thời đại khác, ở chỗ nó có thể đến với những miền rộng lớn xét về địa lý, sẽ không chỉ là những làng mạc, thành thị, quốc gia, mà còn là những lãnh thổ vô hình, tỷ dụ như : văn hoá, kinh tế, khoa học,. với những ngôn ngữ và lợi ích đặc trưng của nó.

Những môi trường mới : nghệ thuật, thanh niên, lao động, bản xứ, thôn quê, công sở,… là những lãnh thổ rộng lớn hơn cả những miền đất Âu châu hồi thế kỷ XIII. Ngày nay, những phương tiện truyền thông, những kiến thức cho phép chúng ta trình bày một cách sâu xa, nghiêm túc, gần gũi và thực tiễn hơn. Dù rằng đòi hỏi của những môi trường lớn như vậy rất là cấp thiết, nhưng chúng ta cũng nên suy nghĩ kỹ về một nhân vật của năm 1210, một mình con người đó đã khắc phục thế giới mênh mông với một sứ vụ vô biên giới. Người đi rao giảng khắp châu Âu và thấm nhập vào mọi giới tuyến chỉ bằng lời nói. Ít ai dám quả quyết là thành công. Nhưng chỉ vài năm sau, Âu châu đã có nhiều trung tâm giảng thuyết và những tấm áo dòng trắng đã xuất hiện ở các khu đại học, các thành phố lớn. Họ rao giảng cùng một chân lý, dùng cùng một thứ ngôn ngữ mà ngày nay chúng ta cũng được kêu gọi để hợp lực.

Cha Bề trên tổng quyền Damian Byrne đã nói : “Ngày nay chúng ta phải tự coi mình là những nhà rao giảng hơn là thành viên của Dòng Ða Minh”. Vậy trong thế giới hôm nay, các phần tử Ða Minh có còn được nhận biết và nhìn nhận là những nhà giảng thuyết nữa hay không ?