Các cách cầu nguyện – Phần 5

 

3. Trí nguyện

Trí nguyện là dùng tâm trí để cầu nguyện.

Có nhiều bậc cầu nguyện bằng tâm trí:

a. Suy gẫm

b. Chiêm suy (suy chiêm)

c. Chiêm ngắm

d. Chiêm ngưỡng

e. Chiêm niệm

Chúng ta tìm hiểu sự khác nhau và cấp độ cầu nguyện bằng tâm trí.

e. Chiêm niệm:

Cầu nguyện chiêm niệm có hai cấp độ:

  • Cấp độ thứ nhất:

Chiêm niệm cũng giống như các cách cầu nguyện trên. Là xem xét, suy đi gẫm lại lời Chúa hay chân lý đức tin nào đó, cách thâm trầm sâu sắc, trong tinh thần trầm mặc hướng về Chúa. Làm cho tâm linh gắn kết giữa trí hiểu và tình cảm của linh hồn, giúp xác tín hơn, hiểu biết sâu thêm ý nghĩa chân lý mà linh hồn chiêm niệm. Nhờ đó, có thể trổ sinh hoa trái của cầu nguyện bằng trí nguyện đã được hòa lẫn với tình cảm của con tim một cách chân thành.

Cấp độ này, thường là của những người tạm vượt qua giai đoạn khởi đầu cầu nguyện bằng trí nguyện, nhưng vẫn chưa đạt được sự kết hiệp mật thiết với Chúa. Tuy vậy, nó vẫn nâng cao được hiệu quả của việc cầu nguyện hơn so với khẩu nguyện và các cách cầu nguyện vừa nêu trên. Vì linh hồn khi đã quen, phần nào có sự an tĩnh trong nội tâm, dễ dàng tránh được tâm tình vụ lợi, chiến thắng các khuynh hướng tự nhiên như chia trí, dao động, khô nhạt. Nên chỉ cần ý thức, linh hồn mau chóng hòa lẫn các tinh hoa của các cách cầu nguyện khác. Đó là lý do, các nhà tu đức hay gọi chung các cách cầu nguyện bố vừa chia sẻ là cầu nguyện “chiêm niệm”.

Các con nên nhớ, chúng ta có thể ứng dụng chiêm suy, chiêm ngắm, chiêm ngưỡng và chiêm niệm như một phương thế cầu nguyện riêng biệt. Để những linh hồn mới tập tành cầu nguyện bằng trí nguyện có thể làm quen từng phần, dễ dàng thực hành, tiến bước về sau. Đến khi đã quen, lại có thể phối hợp những điểm mấu chốt của cả bốn cách cầu nguyện, trong cùng một giờ cầu nguyện, hay linh động sử dùng phương thế nào thích hợp hơn với tâm trạng của mình trong hiện tại.

  • Cấp độ thứ hai:

Đây là cấp độ cao được nói về cầu nguyện chiêm niệm, chúng ta thường gặp nơi các sách của những bậc thầy về tu đức.

Chiêm niệm ở mức này là đời sống cầu nguyện bằng trí nguyện của linh hồn đã lên cao, trải qua rồi các phương thế cầu nguyện nêu trên, dù họ có chủ ý hay không. (Có chủ ý, là cầu nguyện theo sự hiểu biết hay được hướng dẫn từng bước hẳn hoi. Còn nếu được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, linh hồn sẽ chẳng biết gì về lý thuyết, nhưng vẫn cầu nguyện qua từng bậc, như trường hợp của bố trong chặng đầu tâm linh.)

Nhờ chuyên chăm chiêm niệm, người cầu nguyện khơi được nguồn sủng ân thần khí tuôn đổ mạnh xuống linh hồn mình. Đi dần đến chỗ được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, linh hồn có thể nghe được tiếng Chúa, thường được các ơn thấy thị kiến, ngất trí hay xuất thần cũng ở giai đoạn này. Đồng thời, Chúa Thánh Linh khai sáng cho linh hồn hiểu biết nhiều vấn nạn đức tin, soi cho linh hồn thấu hiểu sâu xa về các mầu nhiệm, về Thiên Chúa. Đặc biệt được Người nuôi dưỡng trưởng thành các nhân đức đối thần.

“Nguyện cầu chiêm niệm là phối hợp cả tâm tình đã được thanh tẩy, thăng hoa vượt trên những tình cảm tự nhiên, đã nên thứ tình cảm tinh tuyền tạo cảm xúc cho những hiểu biết do gẫm suy đúc kết thành, dẫn đến lòng suy phục kính tôn và mến yêu Thiên Chúa nồng nàn. Nó như một trực giác siêu nhiên liên kết linh hồn với Thiên Chúa trong phút giây nhưng đủ để nuôi lớn linh hồn cách lạ thường. Đến bậc này, không phải chỉ những khi linh hồn trầm mặc hướng về Thiên Chúa mới khai triển tâm thức trong những hiểu biết thần khí. Mà ngay cả lúc làm việc hay ngắm cảnh thiên nhiên, thậm chí ngay lúc bị tai nạn, thoát cái chết trong đường tơ kẻ tóc, linh hồn vẫn mở ra trong ánh sáng thần khí thấu hiểu các vấn đề linh hồn suy tư, tìm kiếm. Hoặc tâm tình được nâng lên đỉnh cao tình mến, dù chỉ qua một ý thức nhỏ hướng về Thiên Chúa.” (Trích Tiến Đức Sáu Bậc Sống, Ơn Suy Biết)

Ở cấp độ thứ hai của cầu nguyện chiêm niệm, dĩ nhiên linh hồn đã kiên trì nhẫn nại cầu nguyện bằng trí nguyện, vượt qua được nhiều chặng thử thách tâm linh, vươn tới sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Nên mới sinh hoa trái:

“Ơn suy biết gắn liền với đời sống cầu nguyện ở bậc cao tâm -trí nguyện. Nó làm phát sinh hiệu quả thần khí cho việc gẫm suy, nguyện ngắm, giúp cho linh hồn thâm nhập vào các mầu nhiệm và vui hưởng ân huệ trọng đại này. Những linh hồn năng sống chiêm niệm nói chung cho cả bốn cách: chiêm suy, chiêm ngắm, chiêm ngưỡng và chiêm niệm. Sẽ được Thánh Thần ưu đãi ban dồi dào ơn suy biết, nâng linh hồn lên ở bậc thượng trí cao vời. Nhờ đó, linh hồn được khai sáng sâu xa các vấn đề đức tin và cuộc sống, khám phá những ý nghĩa sâu nhiệm của Lời Chúa nơi Thánh Kinh, từ ơn này Hội Thánh có nhiều thánh tiến sĩ.” (Trích Tiến Đức Sáu Bậc Sống, Ơn Suy Biết)

TYHC