Các cách cầu nguyện – Phần 4

 

3. Trí nguyện

Trí nguyện là dùng tâm trí để cầu nguyện.

Có nhiều bậc cầu nguyện bằng tâm trí:

a. Suy gẫm

b. Chiêm suy (suy chiêm)

c. Chiêm ngắm

d. Chiêm ngưỡng

e. Chiêm niệm

Chúng ta tìm hiểu sự khác nhau và cấp độ cầu nguyện bằng tâm trí.

c. Chiêm ngắm:

Cách cầu nguyện này khởi đầu giống như chiêm suy, nhưng sau khi tìm ra được ý tưởng hay chân lý đức tin linh hồn muốn quan sát, suy tư. Linh hồn sẽ xem xét nó lại nhiều lần ở những khía cạnh khác nhau, tựa một người nhìn nhắm một sự vật trong sự thích thú hay chán ghét. Nghĩa là pha lẫn tình cảm vào nếp suy nghĩ của mình: chê bỏ tội lỗi, chán ghét sự dữ, thích thú vui sướng với những gì thuộc về Chúa v.v…

Cách cầu nguyện này vẫn có thể áp dụng riêng lẻ, như những cách cầu nguyện bố vừa phân giải trên. Vì được đưa tình cảm vào, hiệu quả của nó sẽ tạo ra những cảm xúc ngọt ngào từ việc chiêm ngắm tình Chúa yêu thương. Những ơn sủng siêu nhiên cũng tuôn đổ xuống linh hồn, làm cho nó ngất ngây trong bầu khí sủng ân và thánh thiện. Nhưng nếu không thận trọng, linh hồn dễ bị rơi vào tình trạng dừng lại hưởng thụ ơn thánh, sẽ không tiến được xa trong đời sống cầu nguyện.

Do đó, nó được xem như bước kế tiếp của chiêm suy. Nghĩa là mở đường cho tình cảm của mình vào trong những suy tư, phân tích chiêm sâu các chân lý đức tin. Linh hồn sẽ chìm sâu vào sự nhận biết chân lý, với cả tấm lòng phấn khởi vui sướng hay ưu sầu đau đớn, trở trăn thao thức hay quyết tâm sống cho Chúa, vì Chúa. Những tâm tình này đúc kết thành những cảm nhận, cảm nghiệm thiêng liêng và riêng tư về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi nội tâm của linh hồn. Khơi động đức tin, tình mến và cả lòng cậy trông, làm cho chúng đâm rễ sâu hơn vào linh hồn. Phát sinh ra những tâm nguyện, ăn năn sâu xa tội lỗi mình, đốt nóng nhiệt tâm vì Nước Trời.

Cách cầu nguyện này làm gia tăng tình mến Chúa nơi linh hồn, vì quan năng tình cảm luôn mở cửa để được hâm nóng lại. Nhưng sau đó, nếu linh hồn không cảnh giác sẽ dễ rơi vào hai trạng thái tiêu cực:

  • Bị cám dỗ muốn an hưởng sự ngọt ngào hạnh phúc trong cầu nguyện. Dẫn tới tinh thần vụ lợi, khiến cho việc cầu nguyện trở nên sa sút vì không kín múc được ơn Chúa nữa.
  • Ngã lòng, vì khi Chúa cất đi những ơn an ủi, sốt mến, khiến cho linh hồn chán chường, hụt hẫng không muốn tiếp tục cầu nguyện. Có cảm tưởng như mình bị Thiên Chúa bỏ rơi…

Thêm vào đó, không phải lúc nào cầu nguyện chiêm ngắm cũng yên bình và thăng tiến. Tâm tư tình cảm của linh hồn sẽ phụ thuộc nhiều vào tình trạng tâm lý và sức khỏe của bản thân. Nếu gặp phải chuyện buồn phiền lo lắng, linh hồn sẽ khó cầu nguyện bằng cách nầy.

Để khắc phục những tình trạng tiêu cực sẽ xảy ra, linh hồn nên ghi khắc mục đích của cầu nguyện: Cầu nguyện không phải để thụ hưởng ơn sủng ngọt ngào Chúa ban, hay được những ơn lạ. Cần loại bỏ tâm ý vụ lợi trên hành trình thiêng liêng, mới siêu thoát được bản thân mà hòa tan chính mình vào Thiên Chúa. Đạt tới mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, làm vui thỏa lòng Ngài, nói khác đi là được nên một với Ngài.

Một khi gặp tình trạng sức khỏe không tốt, hay trạng thái tâm lý bất an, linh hồn không bỡ ngỡ nếu tâm linh bị xao động, cứ tiếp tục cầu nguyện. Nhưng nếu tâm hồn bị căng thẳng, bối rối, không thể tiếp tục, thì việc tốt nhất nên làm, là thay vào việc cầu nguyện chiêm ngắm bằng khẩu nguyện hay bằng việc đọc Sách Thánh mà không cần suy nghĩ. Nên nhớ, đừng vì bất cứ lý do gì mà tự tiện bỏ giờ cầu nguyện, nó sẽ mau chóng làm thành sự khô khan đến không còn muốn cầu nguyện nữa.

 

TYHC