Bài đọc, bài hát, và suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật II Thường Niên năm C

17-01: CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

Is 62, 1-5; Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac; 1 Cr 12, 4-11; Lc 19, 38

“Người chồng sẽ vui mừng vì vợ”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khiÐấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Ðấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Ðấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư.

(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac

Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân (c. 3).

1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người.

2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người.

4) Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 4-11

“Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích. Người thì được Thánh Thần cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin, trong cùng một Thánh Thần; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh, trong cũng một Thánh Thần đó; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng. Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 19, 38

All. All. – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – All.

PHÚC ÂM: Ga 2, 1-12

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thìphải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

{Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.}

Ðó là lời Chúa.

MỤC LỤC

  1. Phép lạ
  2. Dấu lạ đầu tiên – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
  3. Ngài là ai? – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
  4. Ân sủng – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
  5. Họ hết rượu rồi – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
  6. Tiệc cưới Cana – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

1. Phép lạ

Đoạn Tin Mừng vừa nghe không nói rõ là tiệc cưới của ai, nhưng chắc chắn là của một người trong họ hàng thân thiết với Chúa, vì người ta thấy có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ.

Theo tục lệ của người Do Thái, thì đám cưới thường kéo dài tới 7 ngày. Dĩ nhiên khách được mời không bắt buộc phải ở lại dự tiệc suốt 7 ngày. nhưng số người ở lại cho tới hồi kết thúc có lẽ không ít, nên xảy ra nạn thiếu rượu. Thiếu rượu nửa chừng trong một tiệc cưới quả là một tai hoạ. Danh dự của đôi tân hôn có thể bị thương tổn. Như thế, chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi lo âu và cảnh chạy đôn chạy đáo của nhà đám. Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, với sự nhạy cảm và tinh tế của một người phụ nữ, hẳn đã nhận ra được những sự lục đục diễn ra ở hậu trường của tiệc cưới và hiểu được nỗi khốn quẫn của nhà đám. Dù sao thì Mẹ Maria đã là người đầu tiên lên tiếng về tình trạng này: họ không còn rượu nữa.

Một nhận định vô tư về tình hình hay còn hàm chứa một lời cầu xin? Có thể đây chỉ là một lời tỏ bày, báo động với Chúa Giêsu về nỗi quẫn bách của nhà đám, không nhất thiết Mẹ Maria phải xin một phép lạ. Điều quan trọng hơn ở đây là Mẹ Maria đã đặt Chúa Giêsu trước tình trạng quẫn bách của con người. Nhưng người đọc không thể không sửng sốt trước câu trả lời của Chúa Giêsu: Này bà, đối với tôi và bà, nào có việc gì. Một câu trả lời xem ra có vẻ cứng cỏi và xa vắng. Các nhà chú giải cắt nghĩa rằng trong một số trường hợp, câu nói này khá thông thường trong các giới Do Thái, và trong ngôn ngữ Hy Lạp, thì có nghĩa là: việc gì đến bà. Câu trả lời cua Chúa Giêsu ngụ ý cho thấy hai người, Người và mẹ Người không ở trên cùng một bình diện. Hành động của Người sẽ vượt lên trên rất xa điều Mẹ Maria có thể nghĩ đến. Tiếng bà dùng ở đây để chỉ Mẹ Maria không hề có nghĩa bất kính, mà chỉ là một kiểu xưng hô theo tập tục của của người Hy Lạp.

Như thế giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria có một sự khác biệt trong tầm nhìn. Đối với Chúa Giêsu phép lạ này bày tỏ vinh quang của Người được thực hiện là theo ý định của Cha Người. Sau cùng phép lạ đã xảy ra, cơn khốn quẫn của nhà đám được giải quyết một cách dư dật quá lòng mong muốn, sáu chum nước lã, mỗi chum chứa hai hoặc ba thùng, biến thành một loại rượu ngon. Nước lã biến thành rượu ngon. Thế nhưng nếu lưu ý chúng ta sẽ thấy, phép lạ đã không diễn ra chỉ bằng một lời phán, nhưng đã khởi sự từ việc nhận ra sự khốn quẫn của người khác, từ công lao khó nhọc của các gia nhân gánh đầy mấy chum nước.

Từ đó chúng ta đi tới kết luận, dù là trong phép lạ, thì sự tham gia cộng tác của con người cũng vẫn là điều cần thiết.

 

2. Dấu lạ đầu tiên – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Kitô hữu ngày nay dễ dàng biết rằng Đức Giêsu có thể làm phép lạ hóa nước thành rượu thượng hảo hạng, vì Ngài là Thiên Chúa nhập thể; tuy nhiên những người đồng dự tiệc với Đức Giêsu không hiểu được như vậy. Vì vậy, biến cố Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này đã tác động mạnh mẽ trên những người biết sự việc này. Qua dấu lạ này, người ta và các môn đệ của Đức Giêsu nhận ra Ngài là một con người rất đặc biệt, Ngài là người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến.

“Vạn sự khởi đầu nan”. Đức Giêsu bắt đầu sự nghiệp bằng việc rao giảng. Không biết Ngài rao giảng có thành công hơn những thầy dạy khác trong dân Do Thái không? Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu theo sự thỉnh cầu của Đức Mẹ. Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Maria là người đầu tiên hy vọng vào Đức Giêsu, tin vào Đức Giêsu! Người ta tin vào Đức Giêsu sau khi thấy dấu lạ Ngài làm, còn Đức Maria tin vào Đức Giêsu trước cả khi Đức Giêsu làm phép lạ. Đức Maria cũng là người biết Đức Giêsu hơn ai khác: Mẹ dám ngỏ lời nhắc nhở Đức Giêsu: “họ hết rượu rồi”.

Đức Maria rất tế nhị, Mẹ biết điều làm cho đôi tân hôn bối rối và không biết giải quyết làm sao. Mẹ biết nếu Đức Giêsu biết điều này, Đức Giêsu có thể làm một cái gì đó cho họ; và Mẹ đã không thất vọng. Qua sự kiện này, chúng ta thấy Đức Mẹ hiểu Đức Giêsu đến độ nào! “Ngài nói sao, các anh cứ làm như vậy”. Đức Giêsu đã can thiệp như Mẹ tiên đoán. Thật là đúng khi các Kitô hữu tôn Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, vì ngày xưa Mẹ đã biết, và đã tế nhị can thiệp với Thiên Chúa cho con người, thì nay Mẹ cũng vẫn làm như vậy.

“Qua dấu lạ này, các môn đệ đã tin vào Ngài” (Ga.2, 11). Các môn đệ của Đức Giêsu tin Đức Giêsu là ai? Chắc chắn không phải các môn đệ tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể vì lúc đó mầu nhiệm cao siêu này chưa được con người nhận rõ. Có lẽ các môn đệ tin Đức Giêsu là Người từ Thiên Chúa, Người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến để yêu thương và giúp đỡ dân. Cho dù người ta có biết có ý thức hay không, Đức Giêsu vẫn là Thiên Chúa nhập thể. Thế nhưng, điều này các môn đệ chưa ý thức, chưa biết được vào thời điểm đó. Đức Giêsu cũng là người phải khơi dậy và củng cố đức tin của các môn đệ đối với Ngài. Sau này Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?…. Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” (Mt.16, 16).

Đức tin của các môn đệ đối với Đức Giêsu mỗi ngày một lớn dần, nhưng không phải là đồng đều đối với tất cả mọi người. Một số môn đệ khi nghe Đức Giêsu giảng dạy nhiều điều khó nghe, đã bỏ Đức Giêsu không theo Ngài nữa: ”Lời này chướng quá, ai nghe cho nổi……Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu nữa” (Ga.6, 60.66). Khủng hoảng đức tin vào Đức Giêsu lên tột đỉnh với biến cố Đức Giêsu bị treo thập giá, nhưng với biến cố Phục Sinh và những lần hiện ra cho các tông đồ, các môn đệ Đức Giêsu tin vào Đức Giêsu mãnh liệt hơn, và biết Ngài là ai rõ ràng hơn sau biến cố Phục Sinh.

Với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra chân tướng của Đức Giêsu: Người thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa. Cũng với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra Thánh Thần là ai, sau khi đã nhận ra Đức Giêsu là ai, sau khi nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói với họ (Ga.14, 16.26; 15, 26; 16, 13). Thánh Thần là quyền năng của Thiên Chúa; Ngài biến đổi lòng người, Ngài giúp con người tin vào Đức Giêsu.

Theo thánh Phaolô, Thánh Thần làm sinh động Hội Thánh qua những ân sủng của Ngài. Tất cả những gì hay tốt con người có, đặc biệt những gì con người đang phục vụ Giáo Hội, đều đến từ Thánh Thần của Ngài. Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để giảng dậy, ban ơn quảng đại để phục vụ anh chị em mình, ban đặc sủng để chữa bệnh. Thánh Thần ở nơi cung lòng mỗi người (Ga.14, 16; 1Cor.3, 16-17).

Thánh Thần đổi mới mọi sự, đổi mới vận mạng một dân thành: thành Yêrusalem không còn bị ruồng bỏ nữa, nhưng được yêu vì. Cũng chính Thánh Thần biến đổi lòng dạ con người, đưa dẫn con người trở về với Thiên Chúa, đưa con người trở về với anh chị em mình. Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn con người, thánh hóa con người, làm cho con người trở nên dễ yêu dễ thương, trở nên xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is.62, 5).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

  1. Bạn có cảm nghiệm những gì xảy tới cho những anh em sống xung quanh, liên hệ mật thiết với bạn, và bạn đã xin Thiên Chúa can thiệp không? Xin chia sẻ nếu bạn có điều này.
  2. Chỉ với phép lạ biến nước thành bánh, đã đủ cho người ta kết luận Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể chưa? Tại sao?
  3. Bạn có cảm nghiệm Thánh Thần gần gũi với bạn không? Xin chia sẻ.

 

 

3. Ngài là ai? – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Đức Giêsu sống một thời gian dài ở Nadarét, như một người bình thường, một người thợ làm vất vả mới có đủ lương thực sống. Sau ba mươi năm trời, nghe tin Gioan làm phép rửa thống hối tại sông Giordan, Đức Giêsu được thúc đẩy để đi chịu phép rửa, rồi Ngài được Thánh Thần dẫn vào sa mạc để ăn chay cầu nguyện, Ngài thấy sứ mạng và bắt đầu ra đi rao giảng, thu tập các môn đồ. Hôm nay Tin Mừng cho thấy Ngài xuất hiện ở tiệc cưới Cana.

Đức Maria tin vào Con mình

Đức Maria cảm thông với đôi tân hôn và những người trong gia đình: nếu hết rượu giữa chừng, người ta sẽ đàm tiếu, và gia đình nghèo này làm sao vượt qua được? Đức Maria nói với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Tại sao Đức Mẹ lại nói với Đức Giêsu? Như thể Đức Mẹ hiểu phản ứng của Đức Giêsu trước những hoàn cảnh như vậy!

Hãy đặt mình vào trường hợp những người ở bên Đức Giêsu và Đức Mẹ lúc đó: họ hiểu gì? Có lẽ họ chẳng hiểu gì! Có thể có người nghĩ: “bà này vô duyên! Họ hết rượu thì kệ họ, con bà làm gì được!” Và Đức Giêsu đã trả lời Đức Mẹ như vậy: “Việc đó có liên quan gì đến bà và tôi?”. Tuy vậy, Đức Mẹ vẫn nói với những người giúp việc: “Ngài nói sao cứ làm như vậy”. Đức Maria hiểu Đức Giêsu hơn bất cứ ai, dường như Đức Mẹ biết Đức Giêsu sẽ làm một cái gì đó để cứu gỡ cặp hôn nhân và gia đình trong cảnh khốn cùng này. Quá tuyệt thái độ của hai người hiểu nhau ở đây.

Đức Giêsu đã làm điều Ngài đã làm. Phải chăng vì Đức Mẹ, hay cứ bình thường Ngài phản ứng như vậy? Có thể không vì Đức Mẹ, nhưng Đức Mẹ biết Đức Giêsu sẽ phản ứng trước hoàn cảnh như vậy: Ngài vẫn động lòng trước nỗi khổ của con người.

Các môn đồ tin vào Đức Giêsu

Những người giúp việc biết nước đã biến thành rượu. Người chủ tiệc không biết rượu từ đâu có, nhưng các người giúp việc thì biết. Chắc là những người giúp việc ngạc nhiên và thán phục Đức Giêsu.

Ngài là người của Thiên Chúa, vì đã làm được việc phi thường. Các môn đồ đã tin vào Ngài. Ở vào thời điểm này, chưa có ai biết Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể. Sở dĩ vậy vì người Do Thái tin Thiên Chúa là Đấng duy nhất, họ chưa biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa là Ba Ngôi chỉ được mặc khải nhờ Đức Giêsu sau khi Ngài phục sinh từ cõi chết mà thôi.

Niềm tin và sự hiểu biết của các tông đồ mỗi ngày mỗi tăng, và cũng có những khủng hoảng như khi Đức Giêsu mặc khải “mình Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”. Một số môn đồ bỏ đi vì thấy lời của Đức Giêsu chói tai quá (Ga.6, 60.67). Cuộc khủng hoảng cao độ nhất là biến cố Đức Giêsu bị giết trên thập giá. Sau khi Đức Giêsu sống lại, nhờ ơn của Thánh Thần các tông đồ đã nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể.

Hồng ân và đặc sủng đều do Thánh Thần

Thánh Phaolô cho biết, tất cả đều do Thánh Thần, ngay cả hồng ân đức tin: “không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, mà lại không do Thánh Thần” (1Cor.12, 3).

Tất cả đều từ Thiên Chúa mà đến, đều do một Chúa, đều nhờ Thánh Thần. Ơn phục vụ, ơn khôn ngoan, ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định các thần, ơn ngôn ngữ, ơn giải thích, v.v… tất cả đều từ Thiên Chúa, đều do Thánh Thần mà có.

Ơn sủng Thiên Chúa đang bao trùm chúng ta. Chúng ta hiện hữu, ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc, sức khỏe, học hành, hiểu biết, v.v…. tất cả đều bởi Thiên Chúa, đều do Thánh Thần. Chúng ta đang sống trong tình yêu. Hãy nhận biết điều đó, để hạnh phúc và cảm tạ Thiên Chúa.

Chính nhờ Đức Giêsu mà chúng ta có tất cả. Đức Giêsu là qùa tặng qúy nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta, thì Ngài còn gì với chúng ta nữa! Thiên Chúa là quà tặng qúy nhất mà mỗi người chúng ta có, và không ai có thể tước mất được. Tạ ơn Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Bạn có kinh nghiệm về hai người hiểu nhau không? Xin bạn chia sẻ kinh nghiệm đó nếu có thể được.
  2. Bạn có kinh nghiệm (tin) Thiên Chúa yêu bạn, và sẽ làm điều tốt nhất cho bạn không? Bạn có kinh nghiệm “muốn gì Thiên Chúa cũng chiều” bạn không? Xin chia sẻ nếu có thể được.
  3. Điều gì quý nhất với bạn? Bạn hay cầu nguyện để được điều gì nhất? Bạn có hay cầu nguyện xin Chúa ban cho bạn điều bạn cho là qúy nhất không? Nếu không thì tại sao?
  4. Bạn có kinh nghiệm “khủng hoảng đức tin” không? Làm sao bạn vượt qua được?

 

 

4. Ân sủng – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tất cả là hồng ân. Hồng ân, ân sủng, đặc ân, đặc sủng, quà tặng, tài năng, ân lộc, ân phúc, phúc lộc, thiên tài, an lạc và hạnh phúc đều là những món qùa được trao ban. Người ta thường nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Trải qua bao đời, cha ông của chúng ta đã nghiệm ra rằng con người không thể làm chủ toàn diện đời mình. Trước hết, mỗi người đón nhận hồng ân sự sống để được hiện hữu. Mỗi thụ tạo lãnh nhận một kho tàng mầu nhiệm một cách nhưng không. Người hữu thần tin tưởng vào Thượng Đế, Đấng đã tạo dựng và quan phòng vạn vật muôn loài trong trật tự. Người vô thần cắt đứt nguồn gốc sáng tạo và chỉ chú tâm vào nỗ lực của con người hiện tại. Có người nghĩ rằng với khả năng và nỗ lực tu tâm và tu thân, con người có thể quyết định hoàn toàn số mệnh của mình. Là người trí tuệ, chúng ta nên mở rộng tâm trí để học hỏi và trau dồi kiến thức thêm. Quan sát sự sống muôn loài và vũ trụ vạn vật bao la, điều quan trọng là chúng ta hãy khiêm tốn chấp nhận thân phận yếu đuối, mỏng giòn và rất giới hạn của mình.

Phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Thường Niên giúp chúng ta có một xác tín về ân sủng thiêng liêng. Thiên Chúa sáng tạo, dẫn dắt điều khiển sự vận hành của vũ trụ và sự sống của muôn loài. Con người là tạo vật cao quý mà Thiên Chúa đã tác tạo. Mỗi một con người được tựu thai là một tạo vật hoàn toàn mới và duy nhất. Mọi khả năng tiềm tàng về di truyền đã được in ghi trong từng tế bào của mỗi sự sống. Thượng Đế cho con người có ý chí, lý trí, ước muốn, tự do và khả năng để phát triển tới đỉnh cao. Con người có thể dùng khả năng và nỗ lực quyết tâm tu tâm và tu thân để trở nên con người hữu dụng và trọn hảo. Tiên tri Isaia đã diễn tả: “Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Thiên Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.” (Is 62,3) Đấng Tạo Hoá trao ban cho mỗi loài có khả năng truyền sinh giống nòi theo cách thế riêng biệt. Sự sinh sôi nảy nở và tăng triển thêm nhiều sẽ làm tăng vẻ huy hoàng của vũ trụ vạn vật. Thiên Chúa đã chúc phúc cho mọi loài được tốt đẹp.

Chúng ta thử suy về nguồn sự sống trong con người cụ thể. Trước khi được hiện hữu, chúng ta chỉ là không. Đã có một khoảnh khắc mỗi người được bắt đầu hiện hữu. Mầu nhiệm sự sống khởi đầu từ sự kết hợp giữa mầm sống từ cha và mẹ. Ôi thật bé nhỏ và nhiệm mầu! Chỉ trong tế bào tí ti đó đã ẩn tàng mọi sự. Sự sống đó không chỉ bắt đầu từ cha và mẹ nhưng nó được nối dài từ thuở tạo dựng. Mầm sống đó được truyền sinh qua vô lượng kiếp. Sự sống phát sinh ra sự sống. Vậy sự sống trong chúng ta đã được truyền sinh qua sự sống của muôn thế hệ cha ông. Cha mẹ cộng tác với Tạo Hoá sáng tạo sự sống nơi mỗi con người một cách đặc thù và riêng biệt. Mỗi cá nhân đều có Deoxyribonucleic acid (DNA) khác nhau và dấu chỉ tay cũng khác biệt. Thật lạ lùng!

Người khôn ngoan và trí tuệ là đừng từ chối điều gì mà mình chưa được học hiểu. Vì càng tìm hiểu và học hỏi, chúng ta càng hiện hữu thêm. Chúng ta biết rằng cả kho tàng kiến thức của loài người góp lại cũng chẳng thấm vào đâu so với sự diễn tiến, hiện hữu và sinh tồn của vũ trụ. Nhiều người có trí khôn hiểu biết còn nông cạn, chưa thấu hiểu được lòng người và cũng chẳng thông suốt thế thái nhân tình, nhưng lại phán quyết nhiều điều vô căn cớ. Có người lại mạnh miệng lên tiếng phủ nhận sự hiện hữu của Đấng tác thành mọi sự. Khi không muốn qui phục, người ta chỉ việc đơn giản chối bỏ uy quyền của Thượng Đế và nói rằng mọi sự hiện hữu là tự nhiên mà có. Họ nghĩ rằng những người hữu thần tin vào thượng đế là thiếu trí tuệ và chưa giác ngộ. Đối với họ, thần thánh chỉ như là bánh vẽ hù doạ những người sơ khai và âu trĩ. Có lẽ chính họ còn đang ngồi trong bóng tối của vô minh.

Qua Kinh Thánh mạc khải và quan sát ngắm nhìn sự vạn vần trong vũ trụ, con người nhận ra nguyên nhân cội rễ của muôn loài. Đó chính là nguyên lý nhân quả. Trông quả thì biết cây. Ngày xưa, Thiên Chúa đã chọn một dân riêng để chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế. Người đã dùng mọi hình thức cụ thể để tỏ bày sự quan tâm chăm sóc, khế ước yêu thương ràng buộc và sự trung tín trong giao ước. Là Kitô hữu, chúng ta tin và tôn thờ một Thiên Chúa có ngôi vị và yêu thương. Tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh đôi trai tài gái sắc để diễn tả tình yêu sống động của Đấng Tác Tạo: “Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 62,5)

Thánh Phaolô phân tích một cách khá rõ ràng về những đặc sủng mà mỗi người được lãnh nhận: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.” (1 Cr 12,4) Quan sát cuộc sống trong bất cứ một nhóm người, một hội, môt tổ chức hay một sinh hoạt chung nào cũng đều có con người có khả năng khác nhau. Mỗi người đều nhận lãnh khả năng để sinh lợi. Thần khí ban cho mỗi người một cách: Người nói tiên tri, kẻ giảng dạy, người được ơn chữa bệnh, kẻ làm phép lạ và người được ơn nói nhiều thứ tiếng… Như trong dụ ngôn về nén bạc, mỗi người đều nhận số vốn khác nhau: Có kẻ nhận 5 nén bạc, người 2 nén và người 1 nén tuỳ theo khả năng. Khả năng, thời gian và tài lực là nguồn vốn của mỗi cá nhân. Điều quan trọng là mỗi người biết dùng tài năng ân sủng của mình để sinh hoa kết trái. Khả năng như hạt giống được trao, chúng ta phải biết gieo vãi, vun trồng và chăm sóc thì khả năng mới phát triển.

Mỗi cá nhân là một thế giới riêng tư nhưng không thể tách rời. Sống là sống chung, sống cùng và sống với người khác, sự liên đới hỗ tương giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” (1 Cr 12,7) Không ai nhận ân sủng cho riêng mình nhưng đều vì ích lợi chung. Cuộc sống rất đa dạng. Lịch sử loài người phát triển từng bước liên tục và nối dài. Tất cả thành quả của chất xám tri thức đã đặt nền tảng phát minh trong mọi thời. Nhờ trí khôn, con người đã tìm ra được một số những nguyên nhân ẩn tàng trong thiên nhiên. Mỗi sự phát minh mới đều đặt nền tảng trên các định luật đã có trước. Sứ mệnh của con người là phục vụ lẫn nhau trong khả năng của mình. Con người có muôn trùng khả năng chuyên môn và công việc khác nhau để phục vụ công ích. Chúng ta tuy nhiều nhưng cùng tin vào một Thiên Chúa: “Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.” (1 Cr 12,5)

Chúa Giêsu đầy quyền năng trong ý tưởng, lời nói và việc làm. Chúa đã hiện hữu từ đời đời có uy quyền sáng tạo và biến đổi cả tinh thần lẫn vật chất. Tại tiệc cưới Cana, qua lời khẩn nài của Mẹ Maria, Chúa Giêsu là làm phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu. Thánh Gioan đã viết: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana, miền Galilê, và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.” (Ga 2,11) Với sự cộng tác của con người, Chúa đã tỏ quyền năng và vinh quang của Ngài. Ngài không khoe khoang hô lớn nhưng chỉ hành động âm thầm qua những việc rất bình thường của gia nhân: Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng (Ga 2,7). Chỉ có các gia nhân biết sự việc đã xảy ra cũng giống như các mục đồng nhận diện ra Chúa nơi máng cỏ Belem.

Chúng ta hãy đến cùng Đức Maria, Mẹ là Đấng cầu bầu có thần thế trước tôn nhan Thiên Chúa. Mẹ sẽ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nghe lời của Thân Mẫu Chúa nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2,5). Lạy Chúa, Chúa đã biến nước thành rượu ngon, xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con nên khí cụ bình an của Chúa.

 

 

5. Họ hết rượu rồi – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Chúa mến chuộng dân Người. Không những Người sinh xuống thế làm người để ở với chúng ta, Người còn chia sẻ với chúng ta trong mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày. Đó là niềm an ủi và hi vọng của chúng ta. Như hôm nay, Người và Mẹ Người cùng đến dự tiệc cưới.

Tiệc cưới Cana hết rượu phải đối mặt với thất bại và bất hạnh. Nhìn vào tình hình thế giới đầu năm nay ta thấy không khác gì một đám cưới hết rượu. Ta cũng đang đối mặt với thất bại và bất hạnh. Không dám nói với Chúa vì tình hình tồi tệ này là hậu quả của việc ta đã không vâng nghe Lời Chúa, không thực hành Lời Chúa. Ta chỉ còn biết nhờ Đức Mẹ đệ đạt lên Chúa tình trạng thiếu thốn của ta, giống như Người đã đệ đạt nỗi thiếu thốn của đám cưới Cana.

Thưa Mẹ, chúng con đã hết rượu. Thế giới hôm nay đã hết rượu tự do dân chủ. Chúng con chỉ còn thứ nước lã nhạt phèo những lời hứa hẹn suông. Thế giới hôm nay đã cạn hết rượu tài nguyên phong phú. Trái đất chỉ còn là thứ nước lã khô cằn. Rừng cây bị đốn ngả nghiêng. Khoáng sản bị khai thác đến tận cùng. Cả đến bầu khí quyển cũng bị thương tổn nặng nề. Thế giới đã hết rượu hoà bình. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh. Chiến tranh nóng dẫn đến chiến tranh lạnh, mở sang chiến tranh khủng bố và miên man với chiến tranh kinh tế. Thương trường trở thành chiến trường khốc liệt. Thiên hạ đã quá chén uống cạn nguồn tài chính nên thế giới hôm nay phải đối mặt với đói nghèo.

Đất nước chúng con đang thiếu rượu. Những người cầm quyền đã uống quá chén quyền lực nên tự do dân chủ chỉ còn là nước lã hứa hẹn nhạt thếch. Những nhóm lợi ích quá chén tham lam nên đa phần dân chúng phải uống thứ nước lã nghèo khổ, túng thiếu. Xã hội chẳng còn một giọt rượu đạo đức, chỉ còn thứ nước lã giả dối, cá nhân, ích kỷ và hưởng thụ.

Cả đời sống tu trì của chúng con cũng đang thiếu rượu trầm trọng. Chúng con không tích trữ đủ rượu lý tưởng nên vào đời tu, thay vì tìm Chúa, chúng con lại biến Chúa thành phương tiện để tìm những thứ khác. Chúng con thiếu rượu yêu mến nên cuộc sống tu trì trở nên bế tắc, giờ kinh giờ lễ trở nên gánh nặng thay vì niềm vui. Thiếu thứ rượu quên mình vì Chúa nên chúng con quên Chúa vì mình. Đã cạn rượu tu đức nên thay vì vào tu viện để tìm quên mình nhưng không biết từ lúc nào chúng con chỉ biết đòi hỏi. Rượu bác ái huynh đệ chưa đủ dùng mà chúng con lại quá chén nên thay vì xây dựng chúng con lại tàn phá cộng đoàn, thay vì nâng đỡ anh em, chúng con lại xét nét bắt bẻ nhau, thay vì quan tâm để giúp nhau thăng tiến, chúng con lại lườm nguýt chành choẹ nhau. Đi tu để thuộc trọn vẹn về Chúa, nhưng hình như chúng con đang thuộc về thế gian. Đi tu để chiến đấu với Ác thần nhưng hình như chúng con đang tùng phục nó. Chúng con đã hết rượu xin Mẹ cầu khẩn Chúa cho chúng con.

Chắc chắn Đức Mẹ sẽ nói với Chúa. Nhưng Đức Mẹ vẫn quay lại dặn dò chúng ta: “Người bảo gì, các con cứ việc làm theo”. Sau cùng, Đức Mẹ đưa ta trở lại cốt lõi của vấn đề, đó là trở về với Chúa, phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa ta mới giải quyết được bế tắc của thế giới, của xã hội, của cộng đoàn và của chính bản thân ta.

Hãy xem Chúa bảo ta làm gì. Thật lạ lùng, Chúa bảo các gia nhân múc nước đổ đầy các chum đựng nước rửa chân tay. Sao thế nhỉ?

Múc nước là công việc tầm thường nhất. Qua đó, Chúa muốn bảo chúng ta đừng lo toan những chuyện đội đá vá trời, hãy làm những việc tầm thường nhất, những việc ai cũng chê bỏ, những việc bổn phận hằng ngày. Rượu là bữa tiệc lớn. Nước lã là công việc tầm thường hằng ngày đến chán ngấy. Thế nhưng Chúa bảo chúng ta muốn có rượu ngon ngày lễ trọng, hãy làm những công việc tầm thường, nhàm chán hằng ngày, những việc âm thầm chẳng ai biết đến.

Múc nước là công việc vô ích nhất. Vì tiệc đã gần tàn, người ta đã rửa chân rửa tay từ khi mới vào. Chúa muốn ta làm những việc xem ra vô ích vì Chúa chỉ muốn một điều là ta vâng lời. Vâng lời trọng hơn của lễ. Ý Chúa mới là quan trọng. Công việc chỉ là ta thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Chính thánh ý đem lại niềm vui và hạnh phúc.

Múc nước là việc phục vụ khiêm nhường nhất. Dùng để rửa chân tay cho khách. Chúa muốn chúng ta biết quan tâm đến người khác trong những điều nhỏ nhặt nhất. Trong bài Sách Thánh, Thánh Gioan buộc ta phải cầu nguyện cho người anh em lầm lỗi: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy”. Như thế, chúng ta không chỉ xin rượu cho bản thân mà còn phải xin rượu cho nhau nữa. Và Thánh Gioan khích lệ ta cầu xin, hãy “mạnh dạn cầu xin vì Chúa sẽ nhậm lời khi ta xin điều hợp ý Chúa”.

Múc nước là việc làm không thể thiếu trong bữa tiệc. Nước rửa chẳng có giá trị gì nhưng lại không thể thiếu. Những việc tầm thường ta làm không đáng kể, nhưng góp phần xây dựng cộng đoàn và xây dựng chính bản thân mình khi ta làm vì Chúa, vì anh em. Khi ta làm mọi việc tầm thường theo ý Chúa, Chúa sẽ làm cho những tầm thường, nhạt nhẽo trở thành thứ rượu ngon cho thế giới, cho cộng đoàn và cho bản thân ta.

Lạy Chúa, xin ban cho thế giới rượu mới bình an và thịnh vượng. Xin ban cho quê hương Việt Nam rượu ngon tự do, dân chủ và hạnh phúc. Xin ban cho Giáo hội Việt Nam rượu đức tin, hiệp nhất và phát triển. Xin ban cho Đan viện chúng con rượu mới thinh lặng cầu nguyện và huynh đệ bác ái. Xin ban cho mỗi người chúng con rượu mới sốt sắng, yêu mến và chỉ tìm một mình Chúa là hạnh phúc đích thực của chúng con. Amen.

 

 

6. Tiệc cưới Cana – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Thường niên, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng với Chúa Giêsu sống những ngày (đầu sứ vụ công khai). Thánh Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian” (Phụng vụ Năm A); tiếp đến có ba môn đệ là: Anrê, Phêrô và Philipphê đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo người (Phụng vụ Năm B); có đồ đệ, thầy trò Đức Giêsu đi dự tiệc cưới, tại đây phép lạ đầu tiên xảy ra tại tiệc cưới Cana, khiến nước hóa thành rượu, nhờ sự can thiệp của Rất Thánh Trinh Nữ Maria, (Phụng vụ Năm C). Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, với đức tin sống động, tinh tuyền và kiên vững, chỉ cho chúng ta nguồn gốc của một trong những dấu chỉ, và thực tại của nó, mà chúng ta sẽ được tham dự trong tương lai, nếu chúng ta làm “tất cả những gì Chúa Giêsu, Đấng là Tình Yêu Vĩnh Cửu (biểu tượng của rượu) dạy bảo. Lời dẫn vào Thánh lễ: “Lạy Chúa, toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh, Lạy Chúa Trời cao cả” (Lời nhập lễ). (“Hãy ca ngợi Chúa bằng một khúc ca mới, hỡi hoàn vũ, hãy ca ngợi Chúa, hãy ca ngợi Chúa, tôn vinh danh thánh Người”.) (Tv. 95)

Theo Thánh Maximus, Giám mục thành Turin thì Rượu mà Đức Giêsu hóa từ nước thành, chính là Rượu mới của niềm vui đích thực.

Bởi Vị Thiên Chúa theo Phúc Âm mô tả đã được mời đến dự tiệc cưới. Như thế, Con Thiên Chúa đã đi dự tiệc cưới, và bằng sự hiện diện của mình, Ngài đã thánh hóa mối tình của đôi tân hôn bằng việc hóa nước thành Rượu. Ngài đã đến dự đám cưới, theo luật cũ, để chọn trong dân ngoại một người vợ sẽ luôn luôn giữ mình đồng trinh. Ngài không sinh ra từ cuộc hôn nhân của loài người như Kinh Tin Kính chúng ta đọc: “Được sinh ra mà không phải được tạo thành”. Ngài đi đến đám cưới, không phải để tham dự một bữa tiệc vui vẻ như bao nhiêu bữa tiệc. Ngài đến để mạc khải một điều kỳ diệu thực sự, hết sức đáng ngưỡng mộ. Ngài đến dự tiệc cưới, không phải để uống rượu, nhưng để trao ban cho rượu ngon nồng. Và khi mọi thực khách đang dự tiệc, bỗng thiếu rượu, Đức Maria, Mẹ Ngài đã nói với Ngài: “Họ hết rượu rồi.” Chúa Giêsu, dường như trả lời với vẻ không vui cho lắm: “Hỡi bà, bà muốn tôi điều gì? “… khi trả lời: “Giờ của con chưa đến”, chắc chắn đây là lúc Ngài loan báo giờ vinh quang của Ngài nơi cuộc Thương Khó, hoặc chính máu Ngài là rượu đổ ra để trao ban sự sống, và ơn cứu độ cho nhiều người. Mẹ Marie xin một đặc ân hiện tại, còn Chúa Giêsu, Ngài lại chuẩn bị trao ban niềm vui muôn thủa trong tương lai. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhân lành đã không ngần ngại trao ban những điều nhỏ mọn cho con người, trong khi chờ đợi những điều lớn xảy đến.

Đức Maria, người mẹ diễm phúc, vì Mẹ là Mẹ thật của ConThiên Chúa, nên Mẹ đã biết trước ý định của Con Mẹ, và thấy trước được điều gì sẽ xảy đến. Đó là lý do tại sao sau khi Mẹ yêu cầu Đức Giêsu, Con Mẹ, Mẹ nhận được câu trả lời: “Việc đó có liên quan gì đến bà và tôi”; Mẹ vẫn căn dặn những gia nhân quản tiệc cưới hãy làm bất cứ điều gì Con Mẹ yêu cầu: “Người bảo sao cứ làm như vậy”. Người mẹ thiêng liêng của Chúa Giêsu chắc chắn biết rằng lời chỉ trích của Con Mẹ và Mẹ thấy Con Mẹ, một Vì Thiên Chúa đã không giấu được sự bất bình của một người đàn ông giận dữ nhưng chứa đựng một mầu nhiệm của lòng từ bi cao cả… Vì tiếp theo là nước trong chum bỗng nhiên bắt đầu nhận được sức thánh hóa để có thể chuyển màu sắc, lan tỏa hương vị của một thứ rượu ngon lành, và cùng một lúc thay đổi hoàn toàn bản chất của nó, nước đã hóa thành rượu. Và việc chuyển đổi nước thành một chất khác cho thấy sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa, quyền năng, bởi không ai, ngoại trừ người tạo ra từ không có gì ra nước, có thể chuyển đổi nước thành một cái gì đó khác tức là rượu.

Chúng ta đang tiếp tục hành trình sống của mình trong Năm Đức Tin, tưởng cũng nên nhắc lại Mầu nhiệm Năm Sự Sáng: Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa. Như vậy là Chúa nhật này, chúng ta xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa, tức là xin ơn Đức Tin.

Thật vậy, khi chiêm ngắm tiệc cưới Cana, nước hóa thánh rượu, loan báo hồng ân mà Chúa Giêsu thực hiện ngay trong Bí tích Thánh Thể và ghi nhớ giờ hiến dâng trên cây Thánh Giá, giờ Chúa trao ban chính thịt máu mình làm của nuôi nhân loại.

Tại Cana, Mẹ Maria đã hiện diện và can thiệp vào trong tiệc cưới. Vào giờ trên Thánh Giá; giờ Chúa Giêsu cử hành tiệc cưới với Giáo hội; Mẹ Maria cũng ở đây trong lúc chúng ta cầu nguyện; Giờ phút này đây, Mẹ cũng hiện diện để giúp đỡ chúng ta sống ơn gọi làm người, dâng hiến đời sống chúng ta hầu mưu ích cho tha nhân.

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta xin Mẹ dạy ta học yêu mến Chúa Giêsu, Vị Hôn Phu của Giáo hội mãi mãi và yêu mến Giáo hội, Hiền thê của Chúa Giêsu.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, chúng ta cầu xin Chúa cho chính chúng ta biết để ý đến nhu cầu của anh em; đồng thời cùng nhau thành tâm cầu nguyện cho tất cả mọi người nam cũng như nữ, những người phục vụ Tin Mừng biết sống khiêm nhường phục vụ trong đời sống hàng ngày; và nhất là cầu cho những ai có trái tim khép kín biết mở ra với tha nhân.