Bài đọc, bài hát, và suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm B – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

 

15-11: CHÚA NHẬT 33 TN. Kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

– Chúa nhật 33 TN: Ðn 12, 1-3; Tv 15, 5 và 8. 9-10. 11; Hr 10, 11-14. 18; Mc 13, 24-32.

– Các thánh tử đạo Việt Nam: Kn 3, 1-9; Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6; 1 Cr 1, 17-25; Mt 10, 17-22

 CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

BÀI ĐỌC I: Ðn 12, 1-3

“Khi ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát”.

Bài trích sách Tiên tri Ðaniel.

Khi ấy, tổng lãnh sứ thần Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi, đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ. Trong thời kỳ ấy dân ngươi, hễ ai đã có ghi tên trong sách, sẽ được cứu thoát.

Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời.

Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 15, 5 và 8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

1) Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

2) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Người thấy điều hư nát.

3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh: sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!

BÀI ĐỌC II: Hr 10, 11-14. 18

“Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời”.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Kh 2, 10c

All. All. – Chúa phán: “Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 13, 24-32

“Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.

“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.

Ðó là lời Chúa.

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 17-25

“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Híp-ri đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Híp-ri, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Híp-ri hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: 1 Pr 4, 14

All. All. – Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. – All.

PHÚC ÂM: Mt 10, 17-22

“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

VMartyrsMt_Vs

MỤC LỤC

  1. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
  2. Hạt lúa gieo vào lòng đất – Ga 12,24-26
  3. Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà
  4. Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình
  5. Sống chứng nhân – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
  6. Không thuộc về thế gian.

 

  1. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta tìm thấy nơi các ngài những mẫu gương nào?

Trước hết các ngài là những đấng đã làm chứng cho niềm tin của mình. Thực vậy, trải qua hơn 300 năm Tin Mừng được rao giảng trên quê hương yêu dấu, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, từ thời hậu Lê đến thời nhà Nguyễn, Giáo Hội Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu cơn phong ba bão táp, đã phải cam chịu biết bao cuộc bắt bớ cấm cách. Biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ gia đình và sản nghiệp tổ tiên, trốn vào những nơi rừng thiêng nước độc như giáo dân vùng Quảng Trị Lavang để bảo toàn đức tin của mình. Hàng trăm ngàn người đã bị bắt bớ, tra tấn, tù ngục và đã chết dưới những cực hình độc ác để tuyên xưng danh Chúa, trong đó 117 vị đã được tông phong lên hàng chân phước. Qua đó chúng ta thấy các ngài đã ý thức và dành cho Chúa một địa vị tuyệt đối, cũng như đã ý thức và dành cho đức tin một sự ưu tiên các ngài có thể nói lên rằng: Phải vâng lời Chúa hơn vâng lời thế gian, thà chết chứ chẳng thà phản bội Chúa. Bằng một lời nói, bằng một thái độ các ngài có thể giải thoát mình khỏi những cực hình dã man, nhưng các ngài không làm thế vì các ngài đã xác tín vào lời Chúa: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích chi.

Cùng với việc làm chứng niềm tin các ngài còn là những người làm chứng cho tình thương. Tiên vàn là tình thương đối với Chúa. Các ngài đã lấy chính cái chết để nói lên sự gắn bó mật thiết với Chúa. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu mặn nồng như lời Chúa đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu thực mạnh mẽ, còn mạnh mẽ hơn cả tử thần nữa. Tiếp đến là tình thương đối với anh em, đặc biệt là những người đã gây nên đau khổ. Chúa Giêsu trên thập giá đã tha thứ: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng làm chẳng hiểu việc chúng làm. Với các thánh tử đạo Việt Nam cũng vậy, mặc dù phải chịu nhiều đắng cay nhưng các ngài vẫn an ủi khích lệ lẫn nhau kiên vững trong đức tin và tha thứ cho những người đã làm cho mình phải đau khổ và chết chóc.

Sau cùng các thánh tử đạo Việt Nam là những người làm chứng cho niềm hân hoan Nước Trời. Chúa Giêsu đã phán: Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời thì Ta sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng bảo: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ. Và lời Chúa đã như là một động cơ thúc đẩy các ngài cam chịu mọi đắng cay và lướt thắng mọi khó khăn, vì những đau khổ hiện thời không thể nào so sánh được với niềm hạnh phúc bất diệt mà Chúa sắm sẵn cho những kẻ yêu mến và trung thành với Ngài. Các ngài đã đau khổ một thời để rồi được hạnh phúc đời đời. Thân xác của các ngài tuy đã chết, nhưng linh hồn của các ngài lại được vui mừng trong vinh quang thiên quốc và nhất là tinh thần của các ngài luôn bừng cháy trong tâm hồn mọi người để rồi chúng ta cũng đi theo dấu chân của các ngài. Đúng thế, hãy làm chứng cho niềm tin và tình thương của mình để rồi chúng ta cũng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu như các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta. 

  1. Hạt lúa gieo vào lòng đất – Ga 12,24-26

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Hôm ấy, có người nông dân mang thóc giống gieo trên thửa ruộng của mình. Đang khi gieo thì trời nổi gió lớn. Có nhiều hạt rơi xuống ruộng bùn nhưng cũng có nhiều hạt bị gió thổi bạt lên vệ đường kề bên.

Bấy giờ những hạt giống nằm trên vệ đường khô ráo cảm thấy mình quá hên so với bao nhiêu hạt thóc bạn đang phải ngoi ngóp ngụp lặn dưới bùn, bèn tỏ lòng thương hại và an ủi các bạn thóc dưới sình bằng những lời ngạo mạn: “Đáng thương thay thân phận khốn khổ của các anh. Đang khi chúng tôi đây thì được ở nơi khô ráo ngon lành, còn các anh lại phải chìm lĩm trong vũng bùn tanh tưởi. Đang khi chúng tôi được tắm mình dưới nắng, thì các anh lại phải ngụp lặn trong chốn tối tăm. Đang khi chúng tôi được nhìn ngắm bầu trời xanh, nhìn ngắm những bông hoa tươi đẹp bên vệ đường thì các anh chẳng thấy gì, chẳng biết gì… Cuộc đời chúng tôi đầy hào quang, còn cuộc đời các anh đang tàn tạ. Bất hạnh thay cho các anh!…”

Hạt lúa ấy vừa dứt lời thì bỗng đâu có một bàn chân nặng nề dẫm đạp lên mình nó, khiến nó bị gãy đôi. Sau đó, những bánh xe từ xa chạy đến, lạnh lùng chà nát nó và những hạt lúa khác nát tan. Những hạt lúa may mắn còn nguyên vẹn lại hoá thành mồi ngon cho côn trùng và chim chóc!

Trong khi đó, những hạt lúa tưởng là bất hạnh chìm lĩm trong bùn, thì qua vài hôm sau đã ngoi lên thành những mầm non đầy sức sống. Những mầm non ấy vươn lên phơi phới, triển nở thành những bụi lúa sum suê. Không đầy ba tháng sau, từ một hạt lúa nhỏ nhoi chìm ngập trong bùn, nó trở thành những bông lúa thơm tho tuyệt đẹp, kết thành hàng trăm hạt vàng khoe mình dưới nắng.

* * *

Ai ngờ một hạt lúa bất hạnh chìm nghỉm trong bùn, tưởng chừng như đã hư thối mà nay lại chuyển hoá thành hàng trăm hạt vàng mẩy chắc ngon lành như thế! Thật là một điều kỳ diệu và là một bài học quý báu cho chúng ta. Bài học đó người đời không biết đến, nhưng Chúa Giêsu đem ra dạy chúng ta: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Một bài học đơn sơ ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một chân lý tuyệt vời.

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ dạy chúng ta biết chân lý rồi để đó. Người muốn chân lý nầy được đem ra áp dụng để đời sống chúng ta được dồi dào phong phú hơn. Thế nên Người dạy tiếp: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”

Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn chúng ta tồn tại như một hạt lúa nằm trơ trọi trên vệ đường khô ráo. Người muốn chúng ta hãy chấp nhận thân phận của một hạt lúa bị vùi lấp trong bùn, để nhờ đó đặt tới hạnh phúc và thắng lợi.

Khi bước chân vào đời, mang lấy thân phận con người giữa cuộc đời ô trọc, Chúa Giêsu đã chấp nhận thân phận hạt lúa bị vùi dập trong bùn đất. Người để cho người ta nghiền tán, vùi lấp Người, huỷ diệt Người. Người đời tưởng rằng họ đã tiêu diệt Đức Giêsu, xoá sổ Đức Giêsu, tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ bị mục rã trong lòng đất… nhưng họ đã lầm. Thay vì huỷ diệt Đức Giêsu, họ đã giúp Người đạt tới vinh quang và thắng lợi. Qua cái chết, Người tiến vào cõi sống; qua thập giá Người đi đến vinh quang và hiển trị đời đời!

Theo bước chân Chúa Giêsu, các thánh tử đạo đã vui lòng chấp nhận thân phận hạt lúa bị ném xuống bùn. Các ngài chấp nhận từ bỏ vinh hoa phú quý người đời hứa hẹn, từ bỏ nhà cửa ruộng vườn, xa lìa cha mẹ vợ con gia đình thân thuộc, chấp nhận xiềng xích, gông cùm, tù ngục, đòn vọt và sẵn sàng hy sinh mạng sống, sẵn sàng đổ máu đào làm chứng cho Đức Ki-tô… Người đời tưởng rằng các ngài bị thua thiệt, bị mất mát, bị diệt vong… nhưng họ có ngờ đâu, các ngài đang khải hoàn chiến thắng và sống mãi trong hạnh phúc vinh quang. Nhờ dòng máu các ngài đổ ra, đời sống Đức tin ngày càng tiến triển, Giáo Hội được lan rộng đến khắp mọi miền đất trên thế giới. Đó là điều Chúa Giêsu đã tiên báo từ xưa: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

* * *

Hôm nay, một khi đã khám phá điều kỳ diệu của hạt lúa chìm trong bùn đất, chúng ta không sợ thua thiệt vì phải làm chứng cho Đức tin, không sợ đau khổ mất mát vì hiến thân cho lý tưởng tông đồ. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận thân phận hạt lúa bị gieo vào bùn đất như “hạt-lúa-Giêsu”, như “hạt-lúa-các-thánh-tử-đạo”, bằng lòng chấp nhận con đường thập giá, bằng sẵn sàng hiến mình để phục vụ Tin Mừng… Nhờ đó, mai đây, chúng ta sẽ đạt tới vinh quang và thắng lợi với Chúa Giêsu như lời Người phán: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy” để rồi “Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” 

  1. Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà

KHÔNG ĐI THEO ĐẠO YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU LÀ BỎ ĐẠO

Khi nào ta bỏ đạo?

Một trong những thử thách mà vua quan ngày xưa thường bày ra để xử tội người có đạo là đặt một cây thánh giá dưới đất rồi truyền cho họ bước qua. Ai chấp nhận bước qua là tỏ dấu công khai từ bỏ đạo Chúa thì được tha về. Ai kiên quyết không bước qua thì được xem là người ngoan cố, không chịu từ bỏ đạo Chúa thì phải chịu tra tấn, tù ngục, chịu hành hình và chịu chết.

Có nhiều người kiên quyết không bước qua thánh giá, dù bị khiêng qua thì cũng co chân lại để khỏi dẫm đạp lên. Có người lỡ dại dột bước qua, nhưng về sau ân hận nên quay trở lại, khẳng định với quan quân mình không bỏ đạo nữa và xin được chịu chết vì Chúa.

Tất nhiên có nhiều người vì sợ ngục tù xiềng xích, gông cùm và tra tấn hoặc sợ chết nên đã bước qua thánh giá. Nhưng trái lại, cũng nhiều người dứt khoát không bước qua thánh giá, cho dù phải mất hết mọi sự và mất cả mạng sống mình.

Không đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu là bỏ đạo

Đạo là gì? Người Á đông quan niệm rằng đạo là đường, đường đưa về chân thiện mỹ. Thiên Chúa là Tình Yêu nên đạo của Ngài cũng là đạo Tình Yêu. Chúa Giêsu đến trần gian để lập nên đạo yêu thương như một con đường đưa nhân loại về cõi phúc.

Chỉ có những ai giữ tròn quy luật yêu thương mới thực sự là người người theo đạo Chúa. Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35).

Những ai theo đạo yêu thương, tức là giữ tròn giới luật yêu thương Chúa dạy, thì được liệt vào hàng ngũ người con cái Chúa. Ngày phán xét, Chúa Giêsu mở cửa đón nhận họ vào Vương Quốc của Ngài: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”; ai không sống theo luật yêu thương, là người bỏ đạo Chúa, thì bị liệt vào hàng ngũ những người bị nguyền rủa và bị loại trừ vĩnh viễn khỏi nhan Thiên Chúa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 24, 34. 41)

Ngày trước trong thời bách hại, hành động bước qua thập giá Chúa Giêsu là dấu chỉ cho biết ai là người bỏ đạo. Ngày nay, hành động chà đạp lên nhân phẩm, chà đạp tình người, là dấu hiệu chứng tỏ người thực hiện điều đó đã chối bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Nói cụ thể:

Trong đời sống chung giữa xã hội, ai nuôi lòng thù oán anh em mình, xúc phạm đến người khác, gây tổn thương thanh danh, phẩm giá người khác… là người đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Trong phạm vi gia đình, đạo yêu thương của Chúa dạy vợ chồng phải nên một với nhau, phải yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Thế nên khi vợ chồng không còn sống yêu thương hiệp nhất nữa mà sống phân li chia cắt, thì lúc đó, hai người đã lìa bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Đạo yêu thương Chúa dạy cha mẹ phải chăm lo, giáo dục con cái, rèn đúc con cái nên người tài đức. Nếu cha mẹ thờ ơ không làm tròn nhiệm vụ đó, là cha mẹ đã bỏ đạo Chúa.

Đạo yêu thương Chúa dạy con cái phải thờ cha kính mẹ, thảo hiếu với ông bà tổ tiên; nếu con cái không giữ tròn chữ hiếu với cha mẹ, với ông bà tổ tiên là họ đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa rồi.

Trái lại, khi chúng ta theo lời Chúa dạy mà tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm đến mình, cứu giúp những người hoạn nạn, chia cơm sẻ áo cho người nghèo thiếu, quên mình phục vụ những người chung quanh… là chúng ta đang đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu cách triệt để nhất.

Các thánh tử đạo Việt Nam đã rất anh dũng bước theo đường lối Chúa Giêsu, theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt cũng vẫn không làm cho các ngài từ bỏ đạo Chúa. Chúng ta là con cháu các ngài, mang dòng máu bất khuất anh dũng của các ngài trong huyết quản mình, thì chúng ta cũng kiên quyết đi theo đạo yêu thương của Chúa như các ngài, để mai ngày đáng được hưởng triều thiên vinh hiển với các ngài trên thiên quốc.

Nguyện xin các thánh tử đạo Việt Nam là ông bà tổ tiên của chúng ta luôn phù giúp chúng ta vững bước đi theo đạo yêu thương của Chúa. 

  1. Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình

Một bác tiều phu đi đốn củi. Đốn được một bó to sắp mang về thì bác bỗng chợt nghĩ thấy đời mình sao khổ quá, tuổi đời cứ tăng lên, sức khoẻ thì sút đi, mà gánh nặng gia đình vẫn không đổi thay, lại thấy nhiều người chẳng phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền. Bác mới kêu lớn lên: “Ước gì tôi được gặp Thần Chết!”

Bác vừa nói xong thì thấy Thần Chết đứng ngay trước mặt, tay cầm lưỡi hái, miệng hỏi: “Ông lão muốn điều gì?” Bác lập cập trả lời: “Bó củi to nặng quá! Nhờ ngài đưa giùm lên vai tôi”.

Thế đó, dù khổ đến đâu, sự sống vẫn luôn được yêu quý hơn mọi giá. Nhưng dù có quý trọng và giữ gìn đến đâu, cái chết vẫn là một sự thực không ai có thể phủ nhận được: “Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số?” (Tv 49,9-10)

Thoạt nhìn, sự chết là một thực tại cay đắng của phận người, nó đập tan mọi bảo đảm bền vững, mọi dự tính khôn ngoan của trần gian.

Nhưng phải cám ơn Thần Chết! Vì đó là người thổi tiếng kèn đánh thức con người khỏi mê ngủ bởi những quyến rũ hào nhoáng của thế gian, để đi tìm một ý nghĩa cao đẹp cho thân phận cát bụi, để nhận ra và sống tình yêu thương, đó là cánh cửa đưa chúng ta vào sự sống thực sự và vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã ban tặng khi dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài. Sự chết cho chúng ta thấy tình yêu Chúa: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16)

Vâng, ai cũng kính phục một người sẵn lòng chết vì yêu, dù người đó có địa vị thấp hèn đến đâu đi nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Thế mà tình yêu đẹp nhất đã dành cho chúng ta: Trên cây thập tự, Chúa nâng chúng ta lên cao khi gọi chúng ta là bạn hữu, và yêu thương chịu chết cho tội của chúng ta.

Niềm tin Kitô là một nghịch lý trước mọi suy nghĩ, tính toán của thế gian, ngay từ lời mời gọi của Đức Kitô: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,23-24).

Nhưng ai đi theo Đức Kitô, bỏ mình vì yêu, người ấy nghiệm được nơi mình một kho báu vượt trên tất cả và không bao giờ bị mất.

Tình yêu Thiên Chúa hướng con người đến một giá trị không tàn phai theo thời gian, và làm cho mọi bóng tối trong cuộc đời khổ cực được tràn đầy ánh sáng phục sinh: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1Pr 1,7-9)

Năm 1861, khoảng 2300 giáo dân Bà Rịa đang yên ổn sống đạo thì đến tháng 8 quan tuần vũ Biên Hoà ra chỉ thị cho phủ Bà Rịa lập danh sách người có đạo. Dân có đạo phải “khắc tự” hai bên má, một bên chữ Biên Hoà, một bên chữ tả đạo. Đến tháng 9, có khoảng 700 người Kitô hữu bị giam trong bốn nhà giam được thiết lập tại phủ Bà Rịa.

Lính gác nghiêm nhặt ngày đêm, không cho ai ra ngoài. Đại tiện, tiểu tiện đều tại chỗ, may lắm mới có được một đứa nhỏ ở ngoài được cho vào hốt đổ đi. Thời tiết mùa mưa ẩm thấp, phải nằm ngủ dưới nền đất, lại không phên bạt che nắng mưa nên nhiều người lâm bệnh chết rũ tù.

Dù vậy, chẳng có ai bỏ đạo. Có một ông bị nhốt trong ngục, vợ và con ở ngục khác trốn thoát được ra ngoài mới tìm chạy được 30 quan tiền định lo lót cho chồng được tha. Nhưng ông nhất định không chịu vì coi đó là việc không chính đáng, và sẵn sàng ở lại để chịu chết vì Chúa.

Cuối tháng 12, Biên Hoà thất thủ, quân nhà Nguyễn chạy đến Bà Rịa nhưng thấy không đủ sức địch lại quân Pháp nên phải rút đi. Trước khi rút, ngày 07/01/1862, họ phóng hoả đốt cả bốn nhà giam các tín hữu.

Người bị giam cố gắng thoát ra, có lính canh ở ngoài đâm chết, có lính thấy đàn bà trẻ con thì thương tình phá cửa cho họ chạy, một cai đội chặn họ lại cướp của. Số người tử vì đạo là 444 người.

Họ đã chết, nhưng chết trong niềm vui, chết trong hy vọng.

Được sinh ra, sống, chết và chịu đau khổ là những gì không ai tránh được. Nhưng mọi đau khổ trong cuộc sống sẽ nở hoa niềm vui và hy vọng khi chúng ta để tình-yêu-đến-bỏ-mình của Chúa dẫn đường và thúc đẩy: “Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương” (Tv 63,4)

Sống yêu thương có phải là chọn lựa của tôi? 

  1. Sống chứng nhân – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

“Tin đạo chứ không tin người có đạo”. Câu nói này tôi đã nghe nhiều người nói. Nhưng đáng tiếc không phải là những người ngoại đạo nói mà là những người có đạo nói. Đa số họ là những người đã lâu năm không tới nhà thờ. Họ bỏ xưng tội rước lễ. Họ bỏ đồng đạo. Họ có đạo nhưng không sống đạo. Họ mang danh ky-tô hữu nhưng lại bảo rằng “đạo tại tâm” nên không thể hiện ra bên ngoài dấu chỉ là người ky-tô hữu. Thế nhưng, họ lại biện minh cho hành động chối đạo của mình là vì chê ghét một ai đó trong đạo. Họ không đến nhà thờ vì ông A, ông B đã không tốt với họ. Họ bỏ Chúa vì cha xứ quá khắc khe trong lề luật của Chúa. Họ không còn xưng tội rước lễ vì bà A, bà B vẫn chứng nào tật ấy có tốt hơn họ đâu? Họ đòi người khác phải làm chứng cho họ còn bản thân họ thì lại không chịu làm chứng cho tin mừng. Họ đòi người khác sống tốt còn bản thân họ thì lại nuôi thù oán. Họ đòi người khác phải bác ái yêu thương còn bản thân họ thì cô lập một mình không gắn bó với giáo xứ. Họ chính là những cỏ dại đang làm mất đi vẻ đẹp của cánh đồng lúa Giáo hội Chúa Kitô. Họ chính là những người có đạo nhưng không đáng tin vì tính cố chấp, nuôi thù hận mà bỏ Chúa, bỏ anh em.

Các thánh Tử đạo Việt Nam năm xưa đã lãnh nhận cái chết tử đạo nhiều khi cũng bởi chính những con người mang danh ky-tô hữu nhưng đã không còn sống men tin mừng. Họ đã tố giác anh em vì một chút bổng lộc. Họ đã bán đứng anh em vì cố chấp trong tội lỗi. Như trường hợp thánh An-rê Kim Thông, ngài đã bị tố giác bởi chính người cháu tội lỗi, ngang ngược. Ngài đã từng nhắc nhở người cháu sửa đổi nhưng chứng nào tật ấy. Hắn đã không sửa đổi mà còn tố giác ngài để cầu vinh.

Trường hợp Thánh Phaolô Hạnh cũng thế. Ngài là một thanh niên nổi tiếng về sự quen biết những tay anh chị trong giới giang hồ tại chợ Quán. Một lần, chứng kiến một phụ nữ bị đàn em bóc lột không thương tiếc. Thánh nhân bỗng xúc động ra tay can thiệp, làm áp lực buộc chúng trả lại tất cả những gì đã lấy của nạn nhân. Vì hành động nghĩa hiệp này, thánh nhân phải trả giá: họ tố cáo ngài ngoài tội là Kitô hữu, còn tiếp tay với quân đội Pháp. Thánh nhân bị bắt, bị cầm tù, sau cùng bị trảm quyết tại Chí Hoà ngày 28-5-1859.

Trường hợp Cha Thánh Luca Vũ Bá Loan còn đáng thương và cảm động hơn. Có hai tên tội phạm đang chờ xét xử. Họ bàn tính với nhau đến bắt Cha Loan để lập công chuộc tội. Thế là họ đang tâm nộp Cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận, họ phải đưa Cha về Thăng Long. Sau cùng, ngày 5-6-1840, Thánh Luca Loan bị chém đầu.

Điểm chung của các thánh Tử Đạo chính là can đảm đón nhận thập giá Chúa gửi đến mà không oán hận kẻ làm hại mình. Các ngài đã vui nhận hy lễ thập giá vì yêu mến Chúa Kitô. Các ngài luôn xác tín rằng: những đau khổ đời này không đáng gì so với vinh quang bất diệt mai sau. Các ngài dầu có chịu khổ hình trong giây lát nhưng được sống lại vinh quang muôn đời. Đó là điều mà thánh Đaminh Hạnh đã xác tín, khi mà quan triều đình nói với ngài: “Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ đạo, được tha về, ông cứ làm như thế tôi sẽ tha cho ông”. Nhưng thánh Đaminh Hạnh bình tĩnh trả lời: “Kẻ trung thành với Chúa, khi chết sẽ được lên thiên đàng”.

Mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam là dịp nhắc nhở chúng ta hãy sống thể hiện niềm tin trung kiên của mình trong mọi tình huống. Đừng vì một chút cỏ dại lấn át mà chán nản bỏ đạo. Đừng vì một chút giận hờn mà thù hận cả niềm tin của mình. Đừng chối đạo vì ghét ai đó hay đánh mất niềm tin vì bên trong Giáo hội vẫn có cỏ lung xen lẫn. Và nhất là đừng bán đứng anh em để cầu vinh.

Ngày nay chúng ta không còn những bạo chúa bách đạo bằng gươm đao súng đạn, nhưng đề sống niềm tin đòi hỏi chúng ta phải chiến thắng chính mình. Không ai bắt chúng ta bỏ đạo nhưng vẫn còn đó những người bỏ đạo vì chức vụ trần gian, vì lười biếng ham chơi, vì đam mê truỵ lạc. Không ai ngăn cản chúng ta thực hành đạo nhưng vẫn còn đó những người luôn nuôi dưỡng hận thù, luôn bất mãn với tha nhân nên đã sống thiếu yêu thương trong lời nói và việc làm. Không ai dụ dỗ chúng ta bỏ đạo nhưng nhiều người đã lao vào những con đường tội lỗi, những quan hệ bất chính nên đã không còn xứng đáng mang danh là ky-tô hữu.

Quả thực, ngày nay không cần những cuộc bắt đạo những vẫn có hàng ngàn người bỏ đạo vì những danh lợi thú trần gian. Ngày nay không ai bắt chúng ta bước qua thập giá nhưng vẫn còn đó nhiều người vì danh lợi thú đã tự tháo bỏ thập giá khỏi bàn thờ gia đình, khỏi cuộc sống của mình. Họ đích thực là loại người mà nhân loại kết án “tin đạo chứ không tin người có đạo”, vì lẽ họ không còn sống niềm tin của mình.

Lạy các thánh Tử đạo Việt Nam, là cha ông chúng con. Xin cho chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, biết noi gương các ngài để thể hiện niềm tin trung kiên của mình trước những cám dỗ lợi lộc của thế gian. Xin giúp chúng con biết thể hiện niềm tin của mình qua đời sống thánh thiện, bác ái yêu thương. Amen. 

  1. Không thuộc về thế gian.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô.” Đó là câu trả lời của ông Micae Hồ Đình Hy khi vua Tự Đức mời ông giả vờ bước qua thánh giá.

Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn, cho phụ trách ngành dệt trong cả nước. Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ.

Ông không thấy có gì xung khắc giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội.

Khi quân Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng thì ông bị bắt, bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình.

Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản. Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc, hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu.

Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hy soi sáng cho đoạn Lời Chúa hôm nay.

Người Kitô hữu có hai đầu dây cần phải giữ. “Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai họ đến trong thế gian” (Ga 17,18).

Thế gian là nơi thánh Hy đã sống cho đến chết. Thế gian là đất nước, là vua quan, là thứ dân… Ngài đã yêu mến và sống tận tình cho thế gian đó.

Thế gian đã trở nên như máu thịt của người Kitô hữu vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ, và là nơi họ trở thành người Kitô hữu trọn vẹn.

“Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,16).

Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian.

Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội, nhưng họ có một thang giá trị riêng.

Họ biết đâu là những giá trị mà họ phải tôn trọng. Nếu hy sinh những giá trị đó, họ sẽ đánh mất chính mình và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới.

Họ là nhúm men vùi trong đống bột. Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột. Trong cả hai trường hợp, men đều trở nên vô ích.

Chúng ta vẫn bị cám dỗ buông một trong hai đầu dây. Bỏ một trong hai đều làm mất căn tính của người Kitô hữu.

Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh, thế đứng dễ ghét, thế đứng đòi phải trả giá.

Tử đạo là cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại.

Trong thời kinh tế thị trường, cần có những cách làm chứng khác. Người Kitô hữu vẫn bị cám dỗ bước qua lương tâm mình để mua lấy chút địa vị, lợi nhuận, an toàn, thoải mái…

Thế gian không ở ngoài ta, thế gian ở ngay trong lòng ta.

Ước gì chúng ta dám chấp nhận thiệt thòi, phiền hà, mất mát, khi can đảm làm chứng cho lòng tin và tình yêu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Kitô hữu vừa phải đồng hành với thế gian, vừa có lúc phải lội ngược dòng với thế gian. Bạn thấy điều đó có quá khó không? Làm sao thực hiện được lý tưởng đó?

Thời nào, nơi nào, làm chứng cho Chúa cũng có cái khó riêng. Đâu là cái khó khi bạn phải làm chứng cho Chúa trong một xã hội chạy theo tiền bạc và hưởng thụ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.