Bài đọc, bài hát, và suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm B – Đại Lễ Kính Đức Mẹ Mân Côi

 

 

07-10: CHÚA NHẬT 27 Thường Niên – Đức Mẹ Mân Côi.

Cv 1,12-14; Lc 1,46-47.48-49.50-51.52-53.54-55 ;  Gl 4,4-7;  Lc 1,26-38.

Bài đọc 1: Cv 1,12-14
Họ chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
12 Sau khi Đức Giê-su được rước lên trời, các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. 13 Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. 14Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

Đáp ca: Lc 1,46-47.48-49.50-51.52-53.54-55 (Đ. c.49)
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
Hoặc :
Đ.Lạy Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ thật là diễm phúc,
vì đã cưu mang Con Chúa Cha hằng hữu.
46Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
48Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
50Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.
Đ.Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !

Bài đọc 2: Gl 4,4-7
Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.
4 Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi !” 7Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

Tung hô Tin Mừng: x. Lc 1,28
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Kính chào Đức Ma-ri-a, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Lc 1,26-38
Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”
35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

LadyRosaryVs

 

Mục Lục

  1. Chuỗi Mân Côi
  2. Lời kinh của mỗi cá nhân.
  3. Kinh Mân Côi.
  4. Này tôi là tôi tớ của Chúa.
  5. Hoa Mân Côi – ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên
  6. Xin Vâng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

 

  1. Chuỗi Mân Côi

Ngày kia có một vị linh mục nói chuyện với đám tù nhân vừa mới được trả tự do. Sau khi đã thăm hỏi họ về chuỗi ngày cực khổ, thì một người trong đám họ đã nói: Chính những cực nhọc của kiếp sống đoạ đày đã đem lại nhiều lợi ích cho chúng con. Vì nhờ đó chúng con mới hiểu được giá trị và yêu thích sự cầu nguyện. Rồi anh ta giơ ra cho vị linh mục xem một khúc tràng hạt, chỉ gồm có 10 hạt mà thôi. Vị linh mục ngỏ ý muốn tặng anh một chuỗi khác, nhưng anh đã cám ơn, đã từ chối và nói: Thưa cha đây là một kỷ niệm sâu xa nhất trong cuộc đời của con, con sẽ cẩn thận gìn giữ nó, vì nó gợi cho con nhớ đến chuỗi ngày bi thảm. Chúng con cả thảy gồm 3 người, bị thương nặng trên trận địa và nằm chờ chết. Bấy giờ trong thinh lặng giữa lúc màn đêm buông xuống, con khẽ lần hạt, và rồi hai người bạn kia lên tiếng xin một mẩu tràng hạt để cùng lần, thì ra họ cũng là người công giáo. Con bèn dứt chuỗi tràng hạt thành ba khúc, mỗi người một khúc, và chúng con cùng nhau lần hạt một cách sốt sắng như thể là lần cuối cùng trong cuộc sống.

Nghe xong câu chuyện này, có thể một số người trong chúng ta sẽ nói: Tôi sẽ không chờ cho đến những giây phút bi thảm và đen tối như vậy mới cầu nguyện. Tốt lắm. Phải cầu nguyện liên tục, nhất là những lúc gặp phải gian nguy thử thách. Thế nhưng nhiều người trong chúng ta lại thờ ơ với chuỗi Mân côi, vì nó tẻ nhạt, vì nó buồn chán. Thật là đáng tiếc.

Cách đây 1000 năm, đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa trầm trọng thế giới công giáo. Tình hình càng thêm bi thảm hơn nữa vào thế kỷ XVI. Họ tiến vào châu Âu và quyết tâm dứt điểm bằng một cuộc hải chiến tại vịnh Lépante. Trong khi đạo quân Công giáo với một lực lượng yếu kém hơn nhiều xông ra chiến trận, thì tại Rôma, Đức Giáo Hoàng đã tổ chức những hiệp hội Mân Côi, liên tục lần chuỗi, dâng lên Mẹ những lời kinh thắm thiết để xin Mẹ nâng đỡ phù trợ. Và sau cùng đạo quân công giáo đã chiến thắng. Để tạ ơn Đức Mẹ và để ghi nhớ cuộc chiến thắng này, Đức Thánh Cha Piô V đã thiết lập lễ Mẹ Mân Côi mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay.

Còn với chúng ta thì sao? Đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, ngán ngẩm khi phải lần chuỗi. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta chưa lần chuỗi cho đúng cách. Tại một giáo xứ nọ, thầy giúp xứ hướng dẫn một số em vào nhà thờ để lần hạt chung với nhau. Tại mỗi ngắn, thầy bèn trao cho các em xem một bức hình liên hệ. Chẳng hạn năm sự Mừng thứ nhất thì ngắm, Đức Chúa Giêsu sống lại. Các em sẽ nhìn thấy bức hình lộng lẫy: Chúa Giêsu phục sinh, khải hoàn ra khỏi mồ, còn những tên lính canh thì hoảng sợ vứt bỏ khí giới trước luồng ánh sáng chói loà.

Dĩ nhiên chúng ta không thể làm như vậy mỗi khi lần hạt, nhưng chúng ta có thể nghĩ tưởng trong đầu óc, nhờ đó mà chúng ta như được tham dự vào chính những biến cố mà mỗi ngắm, mỗi mầu nhiệm của kinh Mân Côi gợi lên. Trong tháng 10 cũng như trong suốt cả cuộc đời, chúng ta hãy dâng lên cho Mẹ những lời kinh Mân Côi sốt sắng, là như những bông hồng tươi xinh, để xin Mẹ nâng đỡ và phù trợ cho chúng ta luôn mãi.

  1. Lời kinh của mỗi cá nhân

Sáng hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu ảnh hưởng của kinh Mân côi đối với cá nhân mỗi người chúng ta.

Trước hết tôi xin đưa ra một vài trường hợp cụ thể. Năm 1507, ông Valentinô bị một bọn cướp bắt cóc để tống tiền. Chúng đã xiềng chân và khóa tay ông, rồi giam ông trong một ngọn tháp cao, tối tăm, bẩn thỉu và hôi hám. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, ông và gia đình vẫn tin tưởng và lần hạt kính Đức Mẹ. Rồi một lần kia, khi đã cầu nguyện xong, ông vô cùng bỡ ngỡ vì bỗng thấy xiềng xích đều mở ra. Tay chân được thong dong, ông bắt đầu lần mò trong bóng tối, gõ khắp lượt vào tường tháp, đến một chỗ ông nghe bục bục và ọp ẹp. Ông đẩy mạnh và viên đá nhúc nhích. Ông vội cậy viên đá để tìm lối thoát thân và thế là ông chạy trốn được bình an vô sự. Phải chăng Đức Mẹ đã cứu chữa ông và ban xuống cho gia đình ông niềm an ủi.

Kinh Mân côi không phải chỉ cứu chữa phần xác, mà nhất là nó còn cứu chữa phần hồn. Hélène là một nàng kỹ nữ đã làm cho bao nhiêu người say đắm. Ngày kia nàng theo chị em bạn vào trong một nhà thờ, gặp lúc vị linh mục đang giảng về kinh Mân côi. Về nhà, nàng mua một cỗ tràng hạt, và thỉnh thoảng cũng lần trộm vì sợ thiên hạ trông thấy và chê cười. Ít lâu sau, nàng được Đức Mẹ ban ơn sốt sắng khi lần hạt. Rồi từ đó, nàng ăn năn sám hối, làm lại cuộc đời, quyết tâm dâng mình cho Đức Mẹ, sống một cuộc sống nghèo khó và nhân đức.

Có một thiếu phụ khác, thuộc gia đình quí phái, chẳng may bị bệnh nặng và đang trong cơn hấp hối. Đức cha Dupanloup được mời đến viếng thăm. Ngài nhận thấy bệnh nhân rất bình thản khi hỏi: Thưa Đức cha, liệu con có được lên trời hay không? Cha hy vọng là có. Bệnh nhân đáp lại: Còn con, con tin đó là một điều chắc chắn. Sao con có thể tin chắc chắn như thế? Thưa Đức cha, từ nhỏ cho đến nay, mỗi ngày nhiều lần con đã kêu xin Mẹ giúp con trong giờ lâm tử, lẽ nào Mẹ lại bỏ rơi con.

Qua những chứng tích sống động ấy, chúng ta nhận thấy kinh Mân côi đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều cả về phần hồn lẫn phần xác. Bởi đó từ xưa cho đến nay, kinh Mân côi đã trở nên một việc đạo đức quen thuộc với người tín hữu.

Tuy nhiên, chúng ta phải lần hạt như thế nào để việc đạo đức này thực sự đem lại những lợi ích cho bản thân chúng ta? Tôi xin thưa vừa đọc, chúng ta vừa phải suy gẫm về những mầu nhiệm kinh Mân côi đã gợi lên cho chúng ta, và nhất là chúng ta phải sống tinh thần kinh Mân côi, thực hiện những nhân đức mà chúng ta van xin ở mỗi ngắm. Có như thế, kinh Mân côi mới trở nên là như hơi thở của tâm hồn, cũng như trở nên là như những cánh hồng tươi xinh dâng kính Mẹ, để Mẹ ban xuống cho bản thân chúng ta những ơn lành hồn xác.

  1. Kinh Mân Côi

Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu về kinh Mân Côi. Trước hết kinh Mân Côi là một việc đạo đức bắt nguồn từ Phúc Âm.

Thực vậy, kinh Lạy Cha là gì nếu không phải là lời kinh mà chính Chúa đã dạy cho các môn đệ. Còn kinh Kính Mừng là gì nếu không phải là lặp lại lời chào của sứ thần Gabriel và của bà Elisabet. Tất cả đều được rút ra từ Phúc Âm. Hơn thế nữa, chúng ta còn sống lại trọn bộ Tin Mừng qua những mầu nhiệm của kinh Mân Côi. Đúng thế 20 mầu nhiệm làm một bản tóm lược Tin Mừng, trình bày cho chúng ta những giai đoạn chính yếu của cuộc đời Chúa Giêsu từ khi nhập thể cho đến lúc về trời, cao điểm của chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn ngàn thuở trước. Với một nội dung như thế, kinh Mân Côi không phải chỉ là một lời kinh chúng ta đọc trên môi trên miệng, mà còn là những đề tài suy gẫm. Đây là một việc làm hết sức đơn giản. Chúng ta chỉ cần mường tượng ra những biến cố, những hình ảnh mà mỗi mầu nhiệm gợi lên, cũng giống như khi chúng ta đi chặng đàng thánh giá. Nó không đòi buộc chúng ta phải suy gẫm từng lời chúng ta đọc hay dừng lại lâu giờ nơi mỗi mầu nhiệm. Chẳng hạn chúng ta mường tượng ra Chúa Giêsu vai vác thánh giá và chúng ta nghĩ đến những khổ đau chúng ta phải gánh chịu. Như thế mà thôi cũng đã đủ lắm rồi. Chúa Giêsu không phải là một ông chủ hà khắc, chỉ đánh giá theo những kết quả đã đạt được, nhưng Ngài còn là một người cha nhân từ thấu rõ thiện chí của mỗi người chúng ta. Nói vậy không có nghĩa là xoá bỏ những con đường dẫn chúng ta tới đỉnh cao trọn lành. Như thế kinh Mân Côi sẽ là một việc đạo đức thích hợp cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc, sẽ đem lại cho chúng ta một nguồn nghị lực thiêng liêng.

Tiếp đến kinh Mân Côi là một việc đạo đức luôn được Giáo Hội cổ võ.

Thực vậy các Đức Thánh Cha không ngừng khuyến khích chúng ta siêng năng lần chuỗi. Đức Thánh Cha Piô IX khuyên chúng ta lần hạt tại gia đình trong những giờ kinh tối sớm. Ngài nói: Kinh Mân Côi là một kho tàng quý giá của Giáo Hội công giáo. Tiếp đó, Đức Thánh Cha Lêô XIII còn đi xa hơn nữa và người ta đã dành cho ngài tước hiệu là Đức Thánh Cha của kinh Mân Côi. Ngài đã công bố cả thảy 12 thông điệp và 8 văn kiện khác nữa bàn về kinh Mân Côi. Chính ngài đã thiết lập tháng Mân Côi để thúc đẩy việc lần chuỗi, cũng như đã thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi. Đức Thánh Cha Piô X cũng nhắn nhủ: Nếu các con muốn cho gia đình mình được bình an và hạnh phúc thì hãy lần chuỗi với nhau mỗi buổi tối. Đức Thánh Cha Piô XII đã huấn dụ: Chúng ta khuyên nhủ những người cha, những người mẹ trong gia đình, hãy tập cho con cái thói quen lần chuỗi, và ngay cả chúng ta nữa, chúng ta vẫn lần chuỗi mỗi ngày. Năm 1951, trong một thông điệp, ngài đã tha thiết hêu gọi những người công giáo hãy lần chuỗi gấp đôi trong tháng này để cầu xin những ơn lành cho Giáo Hội và cho nhân loại. Chính ngài khi đã 80 tuổi, mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng ngài đều lần chuỗi trước khi đi ngủ. Rồi gần đây, Đức Thánh Cha Gioan XXIII, Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đều đề cao giá trị của kinh Mân Côi và khuyên nhủ chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi.

Để kết luận tôi xin kể lại mẫu gương của thầy Peyton. Thầy bị bệnh nặng, các bác sĩ đều chịu thua, tuy nhiên trong âm thầm mẹ thầy đã xin được chết thay cho thầy. Lời cầu xin được Đức Mẹ nhận lời, thầy được bình phục và được thụ phong linh mục. Mẹ chết. Dành trọn cuộc sống để loan truyền sứ điệp Fatima và kinh Mân Côi.

Với chúng ta cũng vậy, hãy dâng lên Mẹ những lời kinh Mân Côi sốt sắng, để xin Mẹ nâng đỡ phù trợ cho bản thân chúng ta, gia đình chúng ta luôn mãi.

  1. Này tôi là tôi tớ của Chúa

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt nhân dịp Kỷ niệm 95 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. 1917-2012)

Với lời thưa “Xin Vâng” của Đức Mẹ, điều vô cùng kỳ diệu xẩy ra: Thiên Chúa đến ở với loài người. Thiên Chúa vô hạn đến ở trong thân xác hữu hạn. Thiên Chúa vô thủy vô chung đi vào lịch sử để trở nên có sinh có tử. Đây là đại hạnh của con người. Nhân loại khổ đau có Thiên Chúa đến cùng chia sẻ nâng đỡ, chữa lành. Nhân loại đi trong đêm tối có Thiên Chúa đến dẫn đường chỉ lối. Nhân loại bơ vơ có Thiên Chúa đồng hành. Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa không chỉ đến để đồng hành, để an ủi nhưng Thiên Chúa còn đến biến đổi thân phận con người. Thư Galata cho biết Thiên Chúa sinh làm con loài người để ta được nâng lên làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa chịu nghèo để ta được giầu có vì được thừa kế gia tài, được hưởng vinh phúc của Thiên Chúa.

Những điều kỳ diệu ấy chỉ được thực hiện nhờ thái độ của Đức Mẹ. Khi thưa với thiên thần: “Này tôi là tôi tớ của Chúa”, Đức Mẹ đã cộng tác trọn vẹn với Thiên Chúa để chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Vào thời Đức Mẹ nô lệ có nghĩa là không có quyền gì hết. Nô lệ hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của chủ. Chủ có thể bán đi. Chủ có quyền hành hạ, giết chết nô lệ mà không có tội trước pháp luật. Nô lệ không có quyền sống cho mình, mà sống vì chủ, cho chủ. Khi xưng mình là “tôi tớ”, Đức Mẹ từ bỏ tự do, từ bỏ quyền sống của mình để hoàn toàn cho Thiên Chúa sử dụng. Từ đó Chúa ở trong Đức Mẹ. Đức Mẹ đi đâu cũng có Chúa ở cùng. Vì thế sự hiện diện của Đức Mẹ là hiện diện của Chúa. Đức Mẹ đi đến đâu là sinh ơn phúc đến đấy. Đến thăm bà Isave đem ơn cứu độ cho thánh Gioan Baotixita khiến thánh nhân nhảy mừng từ trong lòng mẹ. Đến tiệc cưới Cana làm cho đám cưới ngập tràn niềm vui vì được thưởng thức thứ rượu ngon chưa bao giờ có.

Từ khi về trời Đức Mẹ vẫn tiếp tục viếng thăm con cái trần gian. Lavang, Lộ đức, Fatima… không sao kể xiết những ơn lành Chúa xuống qua tay Đức Mẹ. Tuy Lavang, Lộ đức đều là chứng tích việc Chúa và Đức Mẹ đồng hành với con người trong những nỗi khổ đau. Nhưng Fatima mới tỏ tường là nơi Chúa và Đức Mẹ can thiệp vào lịch sử nhân loại. Thực vậy vào tháng 5 năm 1917, tại Fatima, Đức Mẹ tiên báo nước Nga sẽ gieo rắc lạc thuyết vô thần khắp thế giới. Đúng tháng 10 năm đó cách mạng vô sản nổ ra tại Nga và thế giới bị chia đôi. Một nửa theo lý thuyết cộng sản vô thần gay khổ đau cho biết bao người. Tuy nhiên Đức Mẹ cũng chỉ cho ta con đường thoát khỏi sự dữ này bằng cách cầu nguyện cho nước Nga và tuân giữ 3 mệnh lệnh là : ăn năn sám hối, lần hạt Mân Côi và tôn sùng đền tạ Trái Tim Đức Mẹ. Có thực hành lời Đức Mẹ dậy, nhân loại mới thoát khỏi cơn thịnh nộ của Chúa, thế giới mới được hòa bình. Sứ điệp Fatima quả đã đi vào lịch sử thế giới, hướng dẫn lịch sử thế giới và chữa trị những vết thương của thế giới.

Nếu chương trình của Chúa cần có Đức Mẹ “xin vâng”, thì trong chương trình của Đức Mẹ cũng cần một người con quảng đại dâng hiến toàn thân cho Đức Mẹ sử dụng. Người đó chính là Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có lòng yêu mến Đức Mẹ nồng nàn. Ngài đã viết Tông huấn “Kinh Mân Côi” để tôn vinh Đức Mẹ. Ngài là vị Giáo hoàng lần hạt chung với dân chúng. Ngài đã lập thêm Năm Sự Sáng cho tràng chuỗi Mân Côi. Nhưng nhất là Ngài dâng hiến toàn thân cho việc phụng sự Đức Mẹ. Khẩu hiệu của ngài là “Totus Tuus”, trích từ câu nói của thánh Louis Grignon de Monfort:Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua sunt (Con là tất cả của Mẹ và mọi sự của con đều là của Mẹ).

Ngài đã dâng nước Nga cho Đức Mẹ. Và đáp lại Đức Mẹ đã thực hiện những lời hứa và những bí mật Fatima trong cuộc đời của ngài. Việc nước Nga được ơn trở lại dưới triều Giáo hoàng của ngài là bằng chứng rõ rệt nhất về lời hứa Fatima: “Trái Tim Mẹ Sẽ Thắng”. Theo sau nước Nga là các nước Đông Âu khác. Bản đồ thế giới được vẽ lại. Tình hình thế giới đổi mới khác hẳn. Quả thật Chúa và Đức Mẹ đã can thiệp vào lịch sử thế giới.

Tuy nhiên Đức Thánh Cha phải chịu đau khổ. Và thị kiến chị Lucia thấy người áo trắng bị ám sát đã ứng nghiệm trong đời ngài. Ngài bị bắn đúng ngày 13-5-1981. Tay thiện xạ Ali Agca đứng sát ngài và nhắm bắn trúng chỗ hiểm. Nhưng ngài thoát chết trong gang tấc. Ngài biết Đức Mẹ đã cứu ngài. Nên ngài đến hành hương Fatima tạ ơn Đức Mẹ và đặt đầu viên đạn lên triều thiên Đức Mẹ để tôn vinh quyền phép của Đức Mẹ. Vết thương hành hạ suốt đời đã biến cuộc đời ngài thành cuộc đền tạ Trái Tim Mẹ không ngưng nghỉ.

Đã 95 năm trôi qua kể từ ngày Đức mẹ hiện ra tại Fatima, nhưng sứ điệp Fatima vẫn còn mang tính thời sự và cấp thiết. Vì hiện nay biết bao lạc thuyết vẫn lan tràn gieo đau thương chết chóc cho con người. Đức Mẹ vẫn luôn đồng hành với ta như Người đã cùng cầu nguyện với các tông đồ trong nhà Tiệc ly. Đức Hồng Y Fulton Sheen diễn giải lời thiên thần Gabriel: “Này cô Maria, cô có đồng ý đem xương thịt cho Con Thiên Chúa không? Liệu Thiên Chúa có trở nên loài người qua thân xác của cô không?”. Hôm nay Đức Mẹ cũng hỏi ta: “Con có đồng ý cho ta thân xác của con để ta hiện diện với các con, đồng hành với các con không”. Nếu ta đồng ý Đức Mẹ sẽ nhờ thân xác ta mà hiện diện trong thế giới, sẽ uốn nắn thế giới và lịch sử sẽ thay đổi. Ta hãy noi gương ĐTC Gioan Phaolô thưa với Mẹ: Lạy Mẹ, tất cả của con là của Mẹ, xin Mẹ hãy dùng con theo ý Mẹ để Thiên Chúa được vinh danh và nhân loại được hạnh phúc. Amen.

  1. Hoa Mân Côi – ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Mỗi khi tháng Mười về, những người con thảo của Đức Mẹ lại rộn ràng với những điệu vãn lời kinh để cùng tôn vinh Mẹ và cùng Mẹ suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh “Ave Maria” được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Đức Mẹ. Lời kinh Mân Côi muốn diễn tả với chúng ta biết bao điều tốt đẹp.

“Vườn Rôsa bao quanh lái (trái) đất,

Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền” (Ngắm Rôsa)

Vườn Rôsa trong câu thơ trên chính là Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa được sánh ví như một vườn hoa rộng lớn mênh mông, mà ở đó được trồng những cây hồng với muôn sắc hoa rực rỡ. Giáo Hội của Chúa thật đẹp biết bao. Vẻ đẹp ấy không thể hiện nơi những tòa nhà cổ kính khang trang kiến trúc cầu kỳ, mà là nơi những cộng đoàn tín hữu, nhất là khi họ hội họp nhau để cử hành phụng vụ: tất cả cùng một đức tin, một tình mến, một tâm hồn để tôn vinh và ca tụng Chúa. Vẻ đẹp của Giáo Hội được tỏa rạng từ nụ cười móm mém của các lão ông lão bà, đến những gương mặt rất thơ ngây của các em nhỏ trong những cuộc rước tôn vinh Chúa, Đức Mẹ hay các thánh. Vẻ đẹp của Giáo Hội còn được thể hiện nơi những người cha người mẹ, nơi các bạn trẻ công giáo, được thấm nhuần tinh thần Phúc âm, đang hăng hái nhiệt tình góp phần làm cho quê hương đất nước thêm tươi đẹp. Những nụ cười, những tâm hồn hy sinh ấy chính là những đóa hồng trong vườn Giáo Hội, làm cho Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.

Lời “Vãn Mân Côi” cũng đưa chúng ta về một thời của lịch sử Giáo Hội: vào thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhiều khủng hoảng, nhất là từ những nguy cơ đến từ một bè lạc giáo có tên là Albigeois ở miền nam nước Pháp. Năm 1213, Đức Mẹ đã hiện đến với Thánh Đaminh và trao cho ngài một cỗ tràng hạt. Mẹ hứa, nếu các tín hữu siêng năng lần hạt thì Giáo Hội sẽ được an bình trở lại. Thánh Đaminh vâng lời Đức Mẹ, nhiệt thành kêu gọi mọi người đọc kinh Mân Côi và đúng như lời Đức Mẹ hứa, bè lạc giáo đã tan rã và Giáo Hội được hưng thịnh. Chính từ biến cố lịch sử này mà Giáo Hội được gọi là “vườn Rôsa” – vườn của những đóa hoa hồng, vì nhờ kinh Mân Côi, Giáo Hội đã tìm lại được vẻ đẹp huy hoàng của mình. Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7-10 hằng năm cũng được Đức Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng này có được là nhờ các tín hữu lần hạt Mân Côi trong ngày giao chiến.

Một câu chuyện kể rằng Thánh Đaminh đã có sáng kiến kết 150 bông hoa hồng thành một chuỗi dài, tượng trưng cho 150 thánh vịnh. Ngài đã dùng những cánh hồng thơm ngát, nén chặt như ép khuôn và làm thành từng hạt hình tròn, nối liền với nhau thành một tràng hạt. Từ đó, tràng hạt được gọi là chuỗi Mân Côi, tức chuỗi hoa hồng.

“Đức Bà như Hoa Hường (hồng) màu nhiệm vậy” (Kinh cầu Đức Bà)

Trong vườn Rôsa, tức vườn Giáo Hội, có một đóa hoa vượt trổi về màu sắc và hương thơm. Đóa hoa ấy mang tên là Maria. Đức Maria vừa là Mẹ của Giáo Hội, đồng thời cũng là chi thể của Giáo Hội. Mẹ là mẫu mực cho đời sống đức tin của các tín hữu. Nơi Mẹ, Giáo Hội chiêm ngưỡng hình ảnh của mình trong tương lai. Mẹ diễn tả một hình ảnh không tỳ ố, không vết nhơ của Giáo Hội. Mẹ là hy vọng của Giáo Hội đang vươn tới vinh quang rạng rỡ như Mẹ.

Là Mẹ của Đức Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội. Bằng sự quan tâm hiền mẫu của mình, Mẹ luôn đỡ nâng chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu. Cũng như tại Cana ngày nao, Mẹ đang dặn dò chúng ta: “Người bảo sao, các con hãy cứ làm như vậy” (Ga 2,5). Mẹ dạy chúng ta phó thác nơi Chúa, như Mẹ đã kiên trung tín thác suốt đời, để Thánh ý của Chúa được thực hiện, vì ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.

Khi tôn vinh Đức Mẹ là Hoa Hồng, chúng ta ca tụng quyền năng của Chúa đã tác tạo nên Mẹ, như một tạo vật hoàn hảo, xứng đáng là ngai tòa cho Ngôi Lời nhập thể. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao siêu của Mẹ, chúng ta nguyện ước noi gương Mẹ, trau dồi các nhân đức, mến Chúa yêu người, luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

“Mỗi người là một cành hoa, cùng đem về đây góp gió,

Làm thành vườn hoa, muôn màu muôn sắc tươi xinh” (Lời một bài hát)

Mỗi chúng ta, khi sinh vào cuộc đời, cũng giống như một loài hoa để tô điểm cho thế giới này tươi đẹp. Sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa hay điều kiện kinh tế không phải là những lý do gây mâu thuẫn, nhưng làm cho cuộc sống thêm phong phú. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nhận mình là một loài hoa được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương một cách đặc biệt. Đã là hoa trong vườn, dù thuộc chủng loại nào, những bông hoa đều cống hiến hương sắc cho đời. Con người cũng thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có trách nhiệm góp phần làm cho cuộc sống thêm nhân ái hơn.

Kinh Mân Côi giúp ta gắn bó với Chúa. Hai mươi mầu nhiệm diễn tả cuộc đời của Chúa Cứu thế, đồng thời cũng phác họa đời sống chúng ta. Cuộc đời được dệt nên bằng một chuỗi những vui buồn. Những ai kiên trung cậy trông vào Chúa trong mọi biến có vui buồn ấy, sẽ trở thành môn đệ chân chính của Đức Giêsu. Đức Mẹ đã thực hiện điều ấy và Mẹ đang mời gọi chúng ta tiến bước theo Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Tràng hạt Mân Côi cũng tượng trưng cho tình liên đới giữa con người với nhau. Là những đóa hoa trong vườn hoa cuộc đời, chúng ta liên kết với nhau làm thành một chuỗi hoa hồng. Những đóa-hoa-cuộc-đời được gắn liền với nhau bằng tình mến Chúa yêu người, làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp và thi vị hơn.

Khi ước mong trở thành những đóa hồng dâng kính Đức Mẹ, mỗi người chúng ta cũng cần phải là một đóa hoa để trao tặng cho nhau. Những nghĩa cử thân thiện, những lời động viên khích lệ hoặc sự chia sẻ tinh thần vật chất mà chúng ta thực hiện xuất phát từ tình mến, đó chính là những đóa hoa lòng mà chúng ta trao tặng cho nhau. Những đóa hoa ấy không tàn phai theo thời gian, nhưng mãi mãi thắm sắc ngát hương, làm nên một cuộc sống an bình. Đó là ý nghĩa của Kinh Mân Côi mà chúng ta đọc hằng ngày.

Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã nói: “Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy” (Tông thư Kinh Mân Côi).

Lạy Mẹ Mân Côi, xin chúc lành và hướng dẫn chúng con trên mọi nẻo đường trần gian. Amen.

  1. Xin Vâng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ. Hai tiếng “Xin vâng” thật đơn sơ nhỏ bé, nhưng lại có ảnh hưởng lớn lao.

Trước hết hai tiếng “Xin vâng” có ảnh hưởng tới chương trình của Thiên Chúa.

Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công, cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc. Nhưng nếu con người từ chối, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người. Chương trình đầu tiên của Chúa đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Chúa. Ông bà nguyên tổ đã nghe ma quỷ hơn nghe Chúa. Ông bà nguyên tổ đã làm theo ý riêng hơn làm theo ý Chúa. Trái lại Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa nhờ hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ mà thành công.

Hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ vọng lại hai tiếng “Xin vâng” của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Vì vâng lời Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã vui lòng xuống thế làm người. Hôm nay, khi Đức Mẹ nói tiếng “Xin vâng” với Thiên thần, Đức Giêsu cũng nói “Xin vâng” với Đức Chúa Cha. Với hai tiếng “Xin vâng”, Đức Mẹ khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Sau hai tiếng “Xin vâng”, Ngôi Hai xuống thế làm người, tượng thai trong lòng Đức Mẹ.

Hai tiếng “Xin vâng” có ảnh hưởng tới cả cuộc đời.

Hai tiếng “Xin vâng” nghe thật bé nhỏ, khiêm tốn, những ảnh hưởng tới cả cuộc đời Đức Giêsu và Đức Mẹ. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã từ trời xuống thế, như lời Thánh vịnh: “Máu chiên bò, Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu, Chúa không nhận. Thì này con đến để làm theo ý Cha”. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã chấp nhận con đường bé nhỏ, khiêm nhường. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu vui lòng chịu chết, chết nhục nhã trên cây Thánh giá: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Những xin đừng làm theo ý Con, chỉ xin vâng ý Cha mà thôi”.

Cũng vậy, khi nói tiếng “Xin vâng” với Thiên thần, Đức Mẹ ràng buộc tất cả đời mình vào chương trình của Thiên Chúa. Vì xin vâng mà phải sinh con trong hang đá nghèo nàn. Vì xin vâng mà phải trốn chạy sang Ai cập. Vì xin vâng mà chấp nhận lời tiên tri Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim bà”. Vì xin vâng mà theo Đức Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo. Vì xin vâng mà phải đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục với con, dường như cùng chết với con vậy.

Như thế, để nói tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ đã phải nói “Không” với chính mình. Để một lần nói “Xin vâng” với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ phải nhiều lần nói “Không” với chính mình. Tiếng “Vâng” lớn thành hình nhờ những tiếng “Không” nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh bé nhỏ âm thầm.

Khi tạo dựng nên ta, Chúa đã có chương trình cho mỗi người chúng ta. Đó chính là chương trình tốt đẹp nhất. Nhưng nếu ta không cộng tác, thì chương trình ấy không thực hiện được. Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta hãy noi gương Đức Mẹ, nói tiếng “Xin vâng” với Chúa. Hãy biết bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa. Hãy biết bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa. Hãy xin vâng khi vui. Hãy xin vâng khi buồn.Hãy xin vâng khi hạnh phúc. Hãy xin vâng khi đau khổ. Hãy noi gương Đức Mẹ, xin vâng trong ngày truyền tin vui tươi, và xin vâng cả khi đứng dưới chân thập giá đau buồn. Xin Vâng từng giây phút trong cuộc đời. Khi chương trình của Chúa được thực hiện, ta sẽ được hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người chung quanh ta.

Lạy Mẹ, xin dạy con hai tiếng XIN VÂNG như Mẹ. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ có ảnh hưởng thế nào đến chương trình của Thiên Chúa?

2- Hai tiếng “Xin vâng” Đức Mẹ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời của Đức Mẹ.

3- Chúa Giêsu đã sống lời “Xin vâng” thế nào?

4- Ta phải làm gì để chương trình của Chúa nơi ta được thực hiện”