24 Tháng Năm Thánh Maria Mađalêna Pazzi

24 Tháng Năm
Thánh Maria Mađalêna Pazzi
(1566-1607)
Sự ngây ngất huyền bí là nâng tâm hồn lên đến Chúa trong một phương cách có ý thức về sự kết hợp này, đồng thời, các giác quan nội tại và ngoại vi đều tách biệt khỏi thế giới cảm xúc. Thánh Maria Mađalêna Pazzi được Chúa ban cho ơn đặc biệt này thật nhiều đến nỗi người ta gọi ngài là “thánh ngây ngất”.
Ngài tên thật là Catarina de Pazzi, sinh trong một gia đình quyền quý ở Florence năm 1566. Bình thường, ngài đã có thể lấy một người chồng giầu sang và an hưởng cuộc đời nhàn hạ, nhưng ngài đã chọn một con đường đặc biệt cho chính mình. Ngay từ khi chín tuổi, ngài đã tập suy niệm qua sự chỉ bảo của cha giải tội cho gia đình. Lúc 10 tuổi, ngài được rước lễ lần đầu và một tháng sau đó ngài thề giữ mình đồng trinh. Khi 16 tuổi, ngài gia nhập Dòng Camêlô ở Florence chỉ vì muốn rước Mình Thánh Chúa hằng ngày (là một điều ngoại lệ vào thời ấy).
Vào dòng, Catarina lấy tên là Maria Mađalêna, và khi bị từ chối không cho khấn trọn vì còn nhỏ tuổi, ngài lâm bệnh nặng. Tưởng ngài sắp chết, mẹ bề trên cho ngài khấn trọn khi còn nằm trên giường bệnh trong một nghi thức đặc biệt. Nhưng ngay sau đó, ngài rơi vào trạng thái ngây ngất (xuất thần) và kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ. Trong vòng 40 ngày kế tiếp, trạng thái này liên tục xảy ra sau mỗi lần rước Mình Thánh Chúa. Những lần ngây ngất này đầy dẫy những cảm nghiệm hợp nhất với Thiên Chúa và chứa đựng những hiểu biết lạ lùng về chân lý của Thiên Chúa.
Ðể khỏi bị lừa gạt và để giữ lại các điều mặc khải, cha giải tội yêu cầu ngài kể lại các điều được cảm nghiệm để các nữ tu thư ký ghi chép lại. Chỉ trong vòng sáu năm, các trang giấy ghi chép ấy đã tổng hợp thành năm bộ sách lớn.
Những gì chúng ta cho là phi thường thì đối với thánh nữ lại là điều bình thường. Ngài có thể đọc được tư tưởng của người khác, và tiên đoán các biến cố tương lai. Ngay khi còn sống, ngài đã xuất hiện với vài người ở cách xa nhau và đã chữa nhiều người khỏi bệnh.
Qua những ơn sủng kỳ lạ của thánh nữ, chúng ta tưởng rằng ngài luôn luôn sống trong trạng thái tinh thần cao độ. Sự thật thì khác hẳn. Dường như Thiên Chúa cho phép ngài được gần gũi với Chúa một cách đặc biệt là để chuẩn bị cho thời gian cô độc khi thánh nữ cảm thấy đời sống tâm linh khô khan một cách kỳ lạ. Vào năm mười chín tuổi, ngài bắt đầu thời kỳ năm năm dài thật khô khan và lẻ loi, bị cám dỗ đủ mọi mặt. Tâm hồn ngài lúc ấy như một căn phòng tối đen với chút ánh sáng thật yếu ớt, mà chỉ làm bóng đêm thêm dầy đặc. Ngài thật buồn sầu đến nỗi đã hai lần toan tự tử. Tất cả những gì ngài có thể làm để chống trả các cám dỗ là kiên trì cầu nguyện, hãm mình, phục vụ tha nhân dù rằng tất cả những điều ấy dường như vô nghĩa.
Vào năm 1604, bệnh nhức đầu và tê bại khiến ngài phải nằm liệt giường. Tất cả các giác quan của ngài thật nhạy ứng đến độ bất cứ đụng đến đâu, thân thể ngài đau khủng khiếp. Sau ba năm chịu đựng, ngài từ trần năm 1607 khi 41 tuổi, và được phong Thánh năm 1669.
Lời Bàn

Sự kết hợp mật thiết, mà Chúa ban cho các vị thần nghiệm, là một nhắc nhở cho tất cả chúng ta về sự kết hợp vinh phúc đời đời mà Người muốn ban cho chúng ta. Trong cuộc đời trần thế, Chúa Thánh Thần là động lực tạo nên sự ngây ngất huyền nhiệm qua các ơn sủng thiêng liêng. Sự ngây ngất xảy ra là vì thân xác quá yếu đuối, không thể chịu đựng nổi sức khai minh thánh thiêng, nhưng khi thân xác được thanh tẩy và vững mạnh, sự ngây ngất không còn xảy ra nữa. (Muốn biết thêm về sự ngây ngất, tìm đọc cuốn Interior Castle [Thành Trì Nội Tâm] của Thánh Têrêsa Avila, và cuốn Dark Night of the Soul [Ðêm Tối của Linh Hồn] của Thánh Gioan Thánh Giá.)
Lời Trích

Nhiều người ngày nay không thấy giá trị của sự đau khổ. Thánh Maria Mađalêna Pazzi khám phá ra ơn cứu độ trong sự đau khổ. Khi đi tu, ngài ao ước chịu đau khổ vì Ðức Kitô trong suốt cuộc đời. Lời di chúc của thánh nữ để lại cho các nữ tu trong dòng là: “Ðiều sau cùng tôi muốn xin các chị – và tôi xin vì danh Chúa Giêsu Kitô – đó là các chị chỉ yêu thương một mình Người, hoàn toàn tín thác vào Người và khuyến khích lẫn nhau tiếp tục chịu đau khổ vì yêu thương Người”.

Trích từ NguoiTinHuu.com