Ý nghĩa tập tục “Quả trứng Phục Sinh”

Tập tục “quả trứng Phục Sinh” phát xuất từ đâu và có ý nghĩa gì ? Đến lễ Phục Sinh, ta thấy các tấm thiệp hay có vẽ hình quả trứng, hoặc có những miếng sôcôla hình quả trứng. Tại sao như vậy?

Đó là tập tục “Quả trứng Phục Sinh” của Âu châu. Nguồn gốc, ý nghĩa của “Quả trứng Phục Sinh” như sau:   

1) Ý nghĩa quả trứng Phục Sinh

Trứng phục sinh là những quả trứng đặc biệt thường được tặng cho nhau để mừng Lễ Phục Sinh.

Các huyền thoại về tạo dựng trời đất của nhiều dân tộc xưa nghĩ rằng vũ trụ được sinh ra từ một cái trứng. Nên trứng là biểu tượng của thiên nhiên, của sự tái sinh.

Các Kitô hữu tiên khởi xem trứng như biểu tượng của sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Trong Chính thống giáo và Giáo hội Công giáo Đông Phương, 
trứng Phục Sinh được nhuộm đỏ để diễn tả máu của Chúa Kitô đổ ra trên thập giá, vỏ cứng của quả trứng tượng trưng cho ngôi mộ được niêm phong của Chúa Kitô, việc đập vỏ trứng biểu tượng cho sự phục sinh của Ngài từ cõi chết.

Ở một số địa phương, trứng Phục Sinh được linh mục làm phép vào cuối Đêm Canh thức Vượt Qua, và được phân phát cho các tín hữu.

Như thế, quả trứng Phục Sinh có trang trí chính là một phương tiện chuyển thông sứ điệp Phục Sinh = sự đổi mới và sức sống. Hôm nay, chúng ta có thể dùng cách thức đó để cầu chúc cho nhau được đổi mới và có chan hòa sức sống mới của Đức Kitô Phục Sinh.

2) Nguồn gốc

Không biết tập tục sử dụng trứng biểu tượng cho lễ Phục sinh có từ bao giờ, nhưng khá sớm người ta đã tặng nhau những quả trứng vào dịp lễ Phục sinh. Trứng sau khi luộc chín, được nhuộm màu và vẽ lên những hình ảnh tuỳ ý. Tuy nhiên, tục này chỉ thực sự phổ biến từ thế kỷ XII, khi hầu như các nước châu Âu theo Thiên Chúa giáo, đều lấy trứng làm một biểu tượng cho ngày Lễ mừng Chúa Sống Lại.

Vào ngày lễ Phục Sinh tại Paris ở thế kỷ thứ XIII, các Linh mục, các sinh viên và thanh niên nhóm họp với nhau nơi các công trường, tổ chức thành đoàn diễn hành có kèn có trống, vào nhà thờ để hát, rồi tản mác khắp mọi nơi trên các đường phố để tìm trứng Phục sinh.

Hiện nay, những hình thức của quả trứng đã có nhiều thay đổi. Nhiều nơi các phụ huynh tặng trứng sôcôla cho trẻ em. Sôcôla được làm nóng lên khoảng 50 độ rồi cho vào khuôn đúc, sau đó lấy ra và vẽ hình tùy ý. Các xưởng làm sôcôla hiện nay đã sản xuất ra trứng sôcôla với nhiều kích cỡ và nhiều màu sắc cũng như hình vẽ nhằm phục vụ khách hàng.

Ngòai ra phải nói đến những trò chơi với trứng: Ngày lễ Phục Sinh, trẻ em được dẫn đến những khu vườn hoặc rừng dành cho lễ hội. Trứng được giấu trong các bụi cây, dưới những đám cỏ… để cho trẻ em đi tìm. Sau này xuất hiện những quả trứng bằng nhựa dẻo, trong đó có một quà tặng như một vé xinê, vé ăn miễn phí…

3) Tập tục Trứng Phục Sinh ở một số nước

– Tại Trung Âu, vào đêm Vọng Phục Sinh, sau Thánh Lễ, vị Linh mục Chính thống giáo chúc lành cho các giỏ thực phẩm mỗi gia đình mang tới, trong đó có các món dành cho bữa tiệc ngày mai là bánh mì, ga-tô, pho-mát, thịt, và luôn luôn có ít quả trứng có khi được tô vẽ bên trên.

– Tại Biêlorussia và Ukraina, vào sáng Chúc Nhật Phục Sinh, những người chính thống phái Uniát (chấp nhận quyền bính của Đức Giáo Hoàng) cắt một quả trứng ra, sao cho đủ phần mỗi người trong nhà, và mỗi người ăn cách thật kính cẩn.

Người Chính thống giáo giữ Mùa Chay nhiệm nhặt hơn người Công giáo: trong bảy tuần, họ không ăn một tí thịt hay một tí mỡ thú vật nào, cũng không ăn cá (trừ một lần giữa Mùa Chay) để rồi vào ngày lễ Phục Sinh, họ ăn trứng: như vậy, quả trứng chấm dứt Mùa Chay và là món ăn có chất prô-tê-in đầu tiên của mùa xuân và trở thành dấu chỉ sự đổi mới và báo tin mừng Phục Sinh.

– Tại Roumania, người ta cầm một quả trứng “cụng” vào quả trứng của chủ nhà và mừng lễ ông: "Christos a inviat" ("Đức Kitô đã phục sinh"). Người ta cũng thường viết thư trên các quả trứng và gửi cho những người họ thương mến.

Từ đó phát sinh tục lệ gửi trứng Phục Sinh mừng nhau (trên đó có khi ghi một sứ điệp tôn giáo, có khi không), và thành hình một loại nghệ thuật dân gian truyền thống, có những quy luật, những ý nghĩa tượng trưng, khác nhau ít nhiều tùy miền, tùy xứ.

(Nguồn: Tổng hợp Internet)