Những việc làm ý nghĩa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

https://www.youtube.com/watch?v=eLfs4qkBJ9k

Trong thông điệp Lòng Chúa thương xót, Đức Thánh Cha đề ra là một kế hoạch sống rất cụ thể và ý nghĩa. Một trong những công việc rõ nhất của lòng thương xót, và có lẽ khó khăn nhất để đưa vào thực hành là tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta, những người đã làm chúng ta tổn thương hoặc những người khiến chúng ta xem họ như kẻ thù. Đức Thánh Cha nói: “Đôi khi tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng, sự tha thứ lại là một khí cụ được đặt vào trong đôi tay yếu đuối của chúng ta để chúng ta tìm thấy được sự bình an của tâm hồn. Việc để lại đàng sau chúng ta sự oán hận, cơn tức giận và sự báo thù là điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc.”

Ngoài cung cách sống thứ tha, chúng ta bắt gặp thấy chính Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta các việc thực hành của lòng thương xót và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ bị phán xét trên những việc đó. Theo đó, Đức Thanh Cha đề nghị với các tín hữu: “Hãy tái khám phá những việc làm thương xót phần xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc và chôn xác kẻ chết. Chúng ta cũng không nên bỏ qua những việc làm thương xót thiêng liêng: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Như chúng ta có thể thấy, lòng thương xót không chỉ hàm ý một “người tốt” cũng không chỉ là tình cảm. Nó là thước đo tính chân chính của chúng ta như những môn đệ của Chúa Giêsu, và mức độ đáng tin cậy của chúng ta như là những Kitô hữu trong thế giới ngày nay.” Đó là 14 mối để dưỡng nuôi cho lòng thương xót trổ bông và sinh nhiều hoa trái cho đời sống chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin thêm sức mạnh tình yêu để mỗi ngày, chúng con có thể sống niềm vui tha thứ và hăng say thực thi lòng thương xót với anh chị em đồng loại. Thương xót không chỉ phần xác, nhưng Chúa mời gọi chúng con thương mến đến phần hồn của tha nhân nữa. Để lòng thương ấy trổ sinh hoa trái, chúng con ước mong sống cho những gì cao quý hơn, theo đuổi những gì hạnh phúc hơn và tìm kiếm những gì Chúa muốn hơn.

Phạm Đình Ngọc, S.J.