NGUỒN GỐC VIỆT NAM của CÁC HỌC THUYẾT Á ĐÔNG – P.2

THẠP và TRỐNG ĐỒNG VIỆT NAM

1. DẪN NHẬP

2. GIA SẢN THỜI HÙNG

3. DI TÍCH ĐỒ ĐỒNG THỜI HÙNG

4. ĐỒ ĐỒNG ĐÔNG SƠN

1. DẪN NHẬP

1.1 3000 năm trước.

Theo khảo cổ hiện nay, khoảng năm 1300 ttl, cách đây 3300 năm, vùng Á Đông đã có hơn 5000 chữ viết ghi trên xương và đỉnh đồng. Trong số, có hơn 3000 chữ đã chuẩn xác, đã có hệ thống.*1

    *1 – Qiu Xigui, Chinese writing [Wenzi-xue-gaiyao], Society for the Study of Early China, Univ. of California, Berkeley, 2000, tt 49-50.

Cũng theo khảo cổ hiện nay, Thạp và Trống đồng Đông Sơn thời tuyệt kỹ đã được dân Lạc Hồng đúc cách đây từ 3000 tới 2700 năm. Tuy vậy, những Thạp và Trống đồng Đông Sơn đó lại không có một chữ nào.

*     *

1.2 Chữ Viết trên Thạp và Trống Đông Sơn.

Thực ra, hoa văn, các hình đúc trên Thạp và Trống Đông Sơn, thời tuyệt kỹ,đều là chữ. Đây là những hình đã được đơn giản hóa thành chữ viết, loại chữ tượng hình.

Trên Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ, Tổ Tiên Lạc Hồng đã dùng hoa vănđể lưu truyền những Chữ nền tảng của Văn hóa Việt, như : Rồng, Tiên, Đạo,Đức, Việt, Lạc, Thượng, Hùng, các âm Mẹ, Cha, Mệ, Gia Gia… Thạp và Trống cũng không chỉ ghi lại nét chữ, mà còn ghi cả đồ biểu, nội dung và tên gọi của Âm, Dương, và của Tám Quẻ.

*     *

1.3 Lưu truyền Học thuyết.

Vô chi tiết, Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ đã được Tổ Tiên chúng ta dùng để lưu truyền hàm ý nguyên thủy và những ý niệm đích thực của toàn bộ học thuyết Á Đông.

Như thế cũng có nghĩa là dân Việt Lạc Sông Hồng đã thấu suốt toàn bộ Học thuyết Á Đông từ trước khi đúc Thạp và Trống đồng, thời cách đây hơn 3000 năm.

*     *

1.4 Trước tộc Hoa thành hình.

Cũng theo khảo cổ hiện nay, Tộc Hoa thành hình từ thời bộ tộc Chu tụ tập các bộ lạc du mục ở vùng khô cằn Thiểm Tây, và thành lập Nhà Chu năm 1046 ttl.

Như thế cũng có nghĩa là dân Việt Lạc vùng Sông Hồng đã có trọn bộ Học Thuyết Á Đông trước, hoặc ít nhất đồng thời, với sự thành hình của Tộc Hoa du mục, lạc hậu, sơ khai, ở vùng lưu vực Hoàng Hà.

*     *     *     *

2. GIA SẢN THỜI HÙNG

Theo khảo cổ và di tích hiện nay, thời đại đồ đồng tại Á Đông đã phát xuất từ vùng phía Nam sông Dương Tử vào những năm 2000 ttl, cách đây 4000 năm.

Lịch sử đã ghi nhận, từ sau năm 1300 ttl, Nhà Hậu Thương, còn gọi là Nhà Ân, ở phía Bắc Sông Hoài đã nhiều lần đánh phá và cướp đoạt nhiều đồ đồng của dân phương Nam.*2

    *2 – Đọc bài 1106. Tộc Việt Thời Hùng 3, phần 4.

Trong mấy ngàn năm qua, nhất là dưới thời Bắc thuộc, mọi di vật mang dấu tích của nền văn minh và Văn hóa vùng Sông Hồng, đều bị ngưởi Trung Hoa tìm mọi cách cướp đoạt, hủy hoại hoặc xuyên tạc.

Vì vậy, ngoài những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian, chúng ta còn rất ít di vật của Tổ Tiên.

Trong số rất ít di vật, may mắn thay, lại có các di vật bằng đồng từ hơn 3000 năm trước.

*     *     *     *

3. DI TÍCH ĐỒ ĐỒNG THỜI HÙNG

3.1 Đỉnh và Vạc Đồng.

Hiện nay đã phát hiện bên hai bờ sông Dương Tử nhiều đỉnh và vạc đồng thời Thương, 1600-1046 ttl. Một số lớn khác đã bị cướp về thủ đô An Dương của Hậu Thương, từ sau năm 1300 ttl.*3

    *3 – Các di chỉ Tân Can, Bàng Long Thành, và các di vật thời Thương cách chung. Đọc www : tên các di chỉ / wikipedia. Phần tiếng Anh.

Các đỉnh và vạc đồng nầy chứng tỏ nghề đúc đồng dân Việt vùng Dương Tử đã tới độ tinh xảo. Ngoài hoa văn nhiều hình chim, rắn, long, trên các đỉnh đồng còn khắc nhiều chữ liên quan tới việc thờ cúng Tổ Tiên hoặc lý do đúc đỉnh.

Việc nghiên cứu có hệ thống các đồ đồng trong vùng sẽ phát hiện nhiều quan hệ lịch sử về Tộc Việt đương thời.

*     *

3.2 Trống Đồng hiện còn tại Việt Nam.

Dầu cũng đúc đồ đồng, nhưng dân Việt Lạc vùng Sông Hồng, Tổ tiên của Việt Nam ngày nay, lại xuất sắc về trống đồng. Kỹ thuật luyện kim và đúc trống đồng cần tinh tế hơn, để tạo tiếng trống trầm hùng và vang vọng.

Ở Đông Sơn, Thanh Hóa, còn có hàng ngàn di vật khác chứng tỏ thời kỳ sơ khai của kỹ thuật đúc đồng địa phương, trước thời Thạp và Trống tuyệt kỹ.

Cho đến năm 1980, số trống đồng tìm được ở Việt Nam là 360 trống, trong đó có 140 trống thuộc loại Đông Sơn.*4

    *4 – Bronze Drums in Vietnam, do Nguyễn Duy Hinh, The Vietnam Forum 9, 1987, tr 4-5. – Đọc thêm Dong Son Drums in Vietnam, do Phạm Huy Thông, nxb Khoa học Xã Hội, Hà Nội, 1990, tr 275.

*     *

3.3 Trống Đồng hiện còn tại Trung Quốc.

Theo Trung Quốc Cổ đại Đồng cổ Nghiên cứu hội, năm 1988, Trung Quốc đã tìm được 1460 trống đồng cổ ở : Quảng Đông: 230 trống, Quảng Tây: 560,Vân Nam: 160, Quý Châu: 88, Tứ Xuyên: 51, Hồ Nam: 27, Hồ Bắc: 6, Chiết Giang: 6, Sơn Đông: 8, Liêu Ninh: 4, và Thượng Hải: 230, Bắc Kinh: 84 trống.*5

    *5 – Trung Quốc Cổ Đại Đồng Cổ, do Trung Quốc Cổ đại Đồng cổ Nghiên cứu hội, Bắc Kinh, Wenwu Press, 1988.

3.4 Văn minh Trống Đồng Việt Lạc.

Theo bảng phân phối trên, tất cả trống đồng cổ đều nằm trên phần đất Việt Lạc. Nơi có nhiều trống đồng nhất là Quảng Tây, Việt Nam, Quảng Đông và Vân Nam.*6

    *6 – Về Vùng Đất Việt Lạc, đọc bài 1106. Tộc Việt Thời Hùng 3, phần 7. — Đường ranh giữa Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây, mới có từ năm 906 dl.

Số trống càng đi lên phía Bắc thì càng ít dần. Hai thành phố Thượng Hải và Bắc Kinh có nhiều trống vì là thủ đô kinh tế và chính trị thời gần đây.

Như thế, chỉ riêng số trống đồng cổ cũng là dấu chỉ chứng tỏ nguồn gốc trống đồng do Việt Lạc.

Trong thời Văn minh Trống Lạc nầy, còn có nhiều yếu tố văn minh và văn hóa khác chưa được phát hiện.

*     *     *     *

4. ĐỒ ĐỒNG ĐÔNG SƠN

4.1 Niên đại Đông Sơn.

Hiện nay, niên đại cổ vật được ước định bằng cách đo đồng vị phóng xạ Carbon-14 [C-14] nơi xác một sinh vật đương thời.*7

    *7 – Nếu được phát hiện tại nơi có xác sinh vật, thì đo C-14 bị tiêu hao nơi xác sinh vật để định niên đại, rồi ước định niên đại đồ đồng, đồ gốm tại hiện trường.

Đồ đồng Đông Sơn tìm được ở Tràng Kênh, cách Hải Phòng 20 km, có niên đại C-14 xưa nhất là 1425 ± 100năm ttl.*8

*8 – The Origins of Chinese Civilization, do David N. Keightly, Univ. of California Press, Berkeley, Los Angeles, 1983.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng giai đoạn tuyệt kỹ của Đông Sơn là từ thế kỷ 10 tới thế kỷ 7 ttl ±100 năm.

*     *

4.2 Kỹ thuật Đồ Đồng Đông Sơn.

a. Tuyệt kỹ Lạc Hồng.

Cách đây hơn 3000 năm, dân Việt Lạc Sông Hồng, Việt Nam ngày nay, đã đưa kỹ thuật đúc trống đồng và thạp đồng lên tới mức tuyệt kỹ. Đây là một bước nhảy vọt, nhờ kỹ thuật luyện kim mới.

Di chỉ lò đúc Đông Sơn, tại Thanh Hóa, với hàng ngàn đồ đồng đủ loại, đã trở thành tiêu biểu không những cho giai đoạn cực thịnh của kỹ thuật luyện kim, kỹ thuật tạo dáng, và mỹ thuật của Lạc Hồng, mà còn ảnh hưởng khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á.*9

    *9 – Đọc Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam, do Nguyễn Khắc Ngữ, Nghiên Cứu Sử Địa, Montreal 1981, tr 20, 35.

    Theo Lâm Ấp Ký dẫn ở Thủy Kinh Chú, năm 535 dl : người Lạc Hồng còn đúc thuyền bằng đồng. – Đọc Việt Sử Toàn Thư, do Phạm văn Sơn, nxb Thư Lâm, Sàigòn 1960, tr 33.

b. Biểu tượng linh thiêng.

Trong suốt mấy ngàn năm qua, Trống Đồng đã vượt qua công dụng đầu tiên là truyền tin qua tiếng vang, mà trở thành biểu hiệu của uy quyền, của sức mạnh, của tinh thần và của truyền thống quân sự, văn hóa, xã hội của Việt Lạc. Trống Đồng đã trở thành bảo vật linh thiêng của dân tộc.*10

    *10 – Năm 1292 dl, sứ thần nhà Nguyên vẫn còn hoảng sợ khi nghe quân ta gióng trống đồng. Ông viết : ‘Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh’ – Giữa tiếng trống đồng đầu bỗng bạc.

Cũng vậy, vượt khỏi công dụng chứa đựng, Thạp Đồng trở thành bảo vật cất giữ dấu chứng văn minh và văn hóa Việt Lạc.

c. Tầm quan trọng.

Vì tính cách biểu trưng và linh thiêng của Trống và Thạp, cách trang trí và hoa văn của Trống và Thạp cũng mang những ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Vì vậy, việc đúc một Trống đồng đòi hỏi nhiều tài năng, nhiều kiến thức, nhiều tâm huyết, và nhiều viễn kiến.

Chính nhờ đó, Trống và Thạp không chỉ lưu truyền cho chúng ta nhiều cảnh sinh hoạt của thời cách đây hơn 3000 năm, mà còn bộc lộ quan niệm sống, niềm tin, và nhiều bài học quý báu khác.

Cũng vì vậy, Di Sản Đồ Đồng giữ tầm quan trọng đặc biệt trong việc nhận định nguồn gốc, thời điểm, và nội dung của nền Văn hóa Lạc Hồng, mà cũng là nguồn gốc của các nền văn hóa Á Đông.*11

    *11 – Những kiệt tác của Đông Sơn là kiệt tác của Việt Lạc. Di chỉ Đông Sơn chỉ là lò đúc đồng nổi tiếng.

*     *

4.3 Đặc điểm Trống và Thạp Đông Sơn thời tuyệt kỹ.

a. Trống đồng Đông Sơn thời tuyệt kỹ.

Vào thời tuyệt kỹ, trống và thạp đồng tuyệt tác đều có hình dáng và trang trí đặc biệt, có nhiều hoa văn, nhiều hình ảnh tinh vi, đầy ý nghĩa.

1. Mặt Trống có nhiều hoa văn. Chính giữa là hình Mặt Trời gồ cao, tỏa nhiều tia sáng. Chung quanh là những vòng đồng tâm trang trí nhiều hình nhà sàn mái cong, dàn trống, đoàn người trang sức lông chim đang nhảy múa, thổi khèn, giã gạo… với nhiều đàn nai, nhiều đàn chim đang bay, đang đậu… [hình4.3a].

2. Thân Trống Đông Sơn cũng được cấu trúc thành 3 phần rõ rệt :

Tang trống phình rộng, trang trí hình thuyền. Trên thuyền có nhiều người trang sức lông chim đang nhảy múa, hoặc đang chèo thuyền, cầm cung, lao.

Lưng trống thon lại, có những đường hình học, đóng khung những người đang múa.

Chân trống thoải ra, không có hoa văn.

Nơi nối tang và lưng trống là hai cặp quai.

* Những Trống Đông Sơn tinh xảo nhất hiện có là Ngọc Lũ I, Hoàng Hạ, Cổ Loa I, Sông Đà. Trong số, trống Ngọc Lũ I là tiêu biểu hơn cả.

b. Thạp đồng Đông Sơn thời tuyệt kỹ.

Trong các Thạp Đông Sơn hiện có, chỉ mới hai Thạp Đào Thịnh và Việt Khê là thuộc thời tuyệt kỹ.

Thạp Việt Khê nhỏ, và đã mất nắp.

Nắp Thạp Đào Thịnh gồ cao lên và được trang trí giống như mặt trống. Đặc biệt, nắp thạp còn có 4 tượng nổi của cặp nam nữ đang giao hợp. [hình 4.3b].

Thân Thạp cũng chia thành 3 phần. Phần giữa phình lớn và trang trí đoàn thuyền đông người. Hai phần trang trí trên dưới chi chít nhiều vòng song song.

c. Trống Ngọc Lũ và Thạp Đào Thịnh.

Trong việc tìm lại di sản Tổ Tiên, rất nhiều di vật Đông Sơn, đặc biệt Thạp Đào Thịnh và Trống Ngọc Lũ, cần được khảo sát và cần được nhận định tinh tế ở mọi chi tiết, dưới mọi khía cạnh.

*     *

4.4 Trống Ngọc Lũ.

a. Niên đại.

Trống đồng Ngọc Lũ được phát hiện năm 1893, trong lòng đất xã Như Trác, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam Ninh. Trống được cúng vào đình làng Ngọc Lũ, vì vậy có tên Trống Ngọc Lũ.

Hiện Trống Ngọc Lũ được lưu giữ ở viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tại Hà Nội.

Vì Trống Ngọc Lũ được phát hiện độc lập, nên không thể đo niên đại theo C-14. Theo cách tính thời tuyệt kỹ, Ngọc Lũ có niên đại 1000 ttl ±100 năm.

          

b. Hình dạng.

Trống Ngọc Lũ còn nguyên vẹn, cao 63 cm, đường kính mặt 79 cm, tang trống chỗ rộng nhất 85cm, lưng trống eo lại, chân 80cm. Mặt trống hơi tràn ra ngoài tang.

c. Mặt Trống Ngọc Lũ trang trí bằng 4 vòng lớn có hình, xen kẽ với những đường vòng trang trí hình học.

Vòng Hình 1, giữa Mặt Trống, là Mặt Trời 14 tia gồ cao, giữa các tia là những tam giác có hình 2 trái thận nổi.

Vòng Hình 2 có 2 nhà sàn mái cong, trên nóc có chim đậu, trong nhà có người ngồi. Trước mỗi nhà có dàn 4 người đánh trống, đoàn người nhảy múa trang sức lông chim, [một đoàn 6 người, một đoàn 7 người], một nhà vòm trong có một người đứng, hông nhà có một em bé, 2 người giã gạo [một bà một ông].

Vòng Hình 3 có 2 bầy nai, mỗi bầy 10 con, xen kẽ với 2 đàn chim cánh cụt đang bay, một đàn 8 con, một đàn 6 con.

Vòng Hình 4 là 18 chim cách điệu mỏ dài đang bay và 18 chim nhỏ đứng xen kẽ.

d. Thân Trống Ngọc Lũ  gồm 3 phần :

Tang Trống phình ra, trang trí đoàn thuyền đầy người.

Lưng Trống eo lại, với nhiều đường dọc ngang đóng khuôn người cầm rìu và thuẫn.

Chân trống xòe ra và không trang trí.

*     *

4.5 Thạp Đào Thịnh.

a. Niên đại.

Thạp được phát hiện năm 1959, tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Theo tài liệu tỉnh Yên Bái, Thạp có niên đại 1000 ttl ±120 năm.

Hiện Thạp được lưu giữ ở viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tại Hà Nội.

        

b. Hình dạng.

Thạp Đào Thịnh đậy nắp cao 95 cm. Thân Thạp cao 81cm, đường kính miệng 61cm, bụng phình to nhất 70cm. Nắp thạp cao 15,5cm, đậy khít miệng thạp theo đường gờ cao 1,5cm.

c. Nắp Thạp Đào Thịnh gồ cao hình chóp, đỉnh nắp có Mặt trời 12 tia, chung quanh có 4 khối Tượng đôi nam nữ giao hiệp, 4 chim cách điệu mỏ dài đang bay và 4 chim nhỏ đậu xen kẽ. Xen kẽ giữa các vòng hình vẽ là những đường vòng hình học.

d. Thân Thạp Đào Thịnh có 3 vành trang trí. Vành giữa là hình đoàn thuyền lớn. Trên và dưới là những phần trơn và những đường vòng.

_____________________

Nguyễn Thanh Đức 2013.