Đường Về Của Mẹ (Phần 13)

 
Đường Về Của Mẹ 
 D. Các Đặc Ân Của Mẹ

*  Ơn Tư Tế

Nếu Đức Ki-tô Giêsu là vị Thượng Tế Đích Thực đời đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê, thì Đức Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a là vị Tư Tế Tuyệt Hảo muôn đời của Thiên Chúa. Nhờ ơn hiệp nhất, Mẹ được thông dự vào địa vị Thượng Tế Tối Cao của Đức Ki-tô trong sứ mạng cứu chuộc nhân loại của Người.

Hơn hết thảy mọi người, hơn tất cả các thánh nhân, Đức Mẹ Maria đã sống trọn vẹn ơn gọi linh mục cộng đồng của người tín hữu Kitô. Chỉ cần nhìn lại đời sống thánh thiện đầy dẫy thăng trầm, sóng gió và đau khổ tột cùng nhưng vẫn vững vàng tuân theo Thánh Ý Chúa. Từ lúc Mẹ Đồng Trinh còn thanh xuân cho đến khi da mồi tóc bạc. Nhất là nỗi đau của một người mẹ hết lòng thương yêu con. Yêu hơn cả chính bản thân mình nhưng lại sinh con ra để đón nhận thực tại lời tiên báo “Còn chính bà một lưỡi gươm sẽ đâu thâu lòng bà” (Lc 2,34-35).

Mẹ Maria Rất Thánh chưa một lần bước vào gian cực thánh của Đền Thờ tế lễ dâng Đức Chúa thi hành bổn phận người tư tế. Song chính con người Mẹ Vô Nhiễm là Đền Thánh Lộng Lẫy Huy Hoàng, tinh tuyền vẹn sạch cả trong ngoài được phụng thờ tế tự chi toàn, luôn nghi ngút trầm hương làm Thiên Chúa thỏa lòng say sưa ngự trị. Bàn thờ tâm hồn Mẹ Thiên Chúa được dâng hiến mọi sự với cả tấm lòng khát khao thuộc trọn về Chúa. Mẹ dâng hiến chính mình, dâng hiến điều quí giá nhất Mẹ có là Người Con Duy Nhất làm giá chuộc nhân loài.

 Nếu tổ phụ Ap-ra-ham nhờ tin và vâng theo ý Chúa, can đam chấp nhận tế lễ đứa con của lời hứa, đã được tôn phong làm cha các kẻ tin, được kể là công chính, thì đức tin và sự vâng phục của Thánh Nữ Đồng Trinh Ma-ri-a còn hơn thế biết bao lần. Nếu đem so sánh đức tin, lòng trung thành, vâng phục và cả tình mến yêu Thiên Chúa của hai người có khác nào đem lại sự vĩ đại của bầu trời xanh mênh mông so với chòm mây trắng lãng đãng trôi trong đó. Vì tổ phụ Ap-ra-ham có được Thiên Chúa chọn, được làm tổ phụ các dân tộc thật vẻ vang cũng vì và nhờ sự tuyển chọn lớn hơn của Thiên Chúa: Người Trinh Nữ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa được chọn từ đời đời.

So sánh với Mẹ Maria, tổ phụ Áp-ra-ham có nghe theo Thiên Chúa rời bỏ quê hương, gia đình thân tộc ra đi. Đổi lại ông được lời hứa và sự chúc lành của Thiên Chúa nhãn tiền (St 12,1-3). Ông ra đi vẫn còn mang theo một sản nghiệp sung túc của đời du mục (St 12,5; 13,6). Và rồi cơn nước lửa, cuộc thử thách lớn lao của người tổ phụ, có đem con mình đi tế lễ cũng đã được bảo đảm bởi lời Thiên Chúa hứa sẽ ban cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển (St 17,1-8).

Ông đã được khích lệ, an ủi và cả hạnh phúc lớn lao. Vì trái tim và tâm hồn vị dũng tướng được thấy tỏ tường Đức Chúa, thấy bàn tay che chở của Đấng Toàn Năng luôn bảo bọc phù trợ ông, ông có thần thế trước nhan Ngài (St 14,12-16; 18,1-15,16-23). Lưỡi dao oan nghiệt Ap-ra-ham đưa lên sát tế con để tế lễ Đức Chúa, chẳng bao giờ hạ xuống trên I-sac. Nên đời người tổ phụ chưa hề thưởng nếm được hương vị chén đắng đau thương vì đã tin, đã yêu cho đến ngụm cuối cùng.

Những giọt đắng đòi hỏi đến tột đỉnh lòng tin, vắt cạn của lý trí và con tim mới uống trôi. Còn Đức Mẹ Sầu Bi đã vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, mới xin vâng lần đầu tiên phải tế lễ chính mình. Từ cuộc truyền tin, Cô trinh nữ đơn sơ trong sáng hơn búp huệ trắng ngần, đã phải đối đầu với không biết bao nhiêu thử thách bên ngoài lẫn nội tâm. Trái tim dạt dào tình mẹ hơn sóng biển trời chiều êm ả, trọn lòng vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa tiếp tục dâng hiến Người Con Yêu Dấu của Mẹ. Mà không có lời hứa bảo đảm nào để an ủi, để bù lại sự dâng hiến trọn vẹn lớn lao kia. Nếu Thiên Sứ có nói thoáng qua về tương lai Con của Mẹ, thì lời nói ấy càng dễ làm cớ cho Mẹ vấp phạm hơn theo tâm thức thường tình nhân loại.

Lúc Mẹ Đồng Trinh nhìn thấy Con Dấu Ái của Mẹ bị giương cao treo trên cây gỗ, chiếc ngai vàng ngôi báu của tổ phụ Đa-vít thiên sứ nói không hơn những cây đinh sắt nhọn hoắt đâm thâu chân tay, gìm con Mẹ vào thập giá sần sùi. Và địa vị Con Thiên Chúa là thân hình nát tan rung lên, co giật liên hồi vì đau đớn quá độ rồi gục chết thảm thương. Chết trong sự sỉ nhục trần truồng và muôn ngàn lời phỉ báng cười chê… Phần Mẹ, Mẹ cũng phải hốt hoảng, cấp tốc lên đường trốn qua Ai- Cập bỏ lại sau lưng tất cả nhưng không phải để làm theo lời Chúa ra đi trong niềm hy vọng: sẽ có lại mọi thứ nhiều hơn, lớn hơn những gì mình đã mất. Mẹ hớt hãi bôn ba chạy trốn cho khỏi họa sát thân đến với con trẻ.

Tả làm sao được nỗi lòng người Mẹ trẻ trong lúc đó! Rồi phải sống những tháng ngày lưu vong ngong ngóng một ngày mai không biết trôi dạt về đâu nữa. Có còn mối họa nào nữa không đến với hai mẹ con. Khi lòng còn nơm nớp, lời tiên báo của cụ Si-mê-ôn nói rõ mồn một trong tâm hồn Mẹ? Nó ủ kín chờ đấy cho đến một ngày vỡ ra tan tác… Tổ phụ Ap-ra-ham chưa đi đến tận cùng của đau khổ khi phải tuân hành những đòi hỏi của Thiên Chúa. Ông vẫn còn sản nghiệp, sự bình yên, miêu duệ của ông và lời Thiên Chúa hứa: con cháu ông sẽ tràn lan mặt đất, tên tuổi ông được tôn kính đến muôn đời.

Còn Mẹ Sầu Bi, đứng bên Con, sản nghiệp duy nhất và là tất cả của Mẹ. Mẹ yêu Con hơn hết mọi sự, thế mà mỗi phút giây nhìn Con lòng lại tơi bời tan nát. Trái tim người từ mẫu dịu hiền từng ôm ấp che chở con yêu giờ tựa con thuyền bé bỏng bị bão tố quay cuồng rồi đánh vỡ tan tành. Và nhận chìm xuống tận đáy biển thương đau cho muôn loài thủy tộc gớm ghê tha hồ xâu xé. Mẹ thà chết còn hơn sống mà tận chứng kiến thảm cảnh đau lòng khôn xiết ấy. Với thế gian Mẹ Maria lúc đó thật sự mất tất cả, còn lại chăng một lưỡi gươm đâu thấu cõi lòng.

Nhìn ở chiều hướng khác, Mẹ Sầu Bi đã kính dâng nén hương trầm khiêm hạ của người tư tế, thật trọn lòng kính cẩn khiêm cung. Người Nữ Tì của Thiên Chúa không như tổ phụ Người, được sống trong sự chúc phúc ở đời này no đầy vật chất. Sống trong hân hoan hy vọng tên tuổi tiếng tăm sẽ lừng vang mặt đất và hiển vinh mãi mãi. Mẹ lặng lẽ, ẩn khuất như đóa hoa mẫu đơn thật tôn quí, im lặng nép mình trong bóng tối ngàn đời. Không nói nên lời như thánh Gio-an Tiền Hô “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Nhưng trái tim khiêm hạ của Người Trinh Nữ luôn thầm thì cùng Thiên Chúa những lời mang ý nghĩa khiêm hạ bỏ mình còn mạnh mẽ hơn ông.

Người Mẹ Đầy Thương Cảm âm thầm biến mất vào bóng tối, con càng lớn lên trước nhan Thiên Chúa, trước mắt người đời. Mẹ càng ẩn khuất trong sa mạc nhiệm mầu của ơn gọi tư tế giữa đời thường. Ơn gọi thật huyền diệu. Đó là lý do để sách thánh ghi lại “Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được dưỡng nuôi một thời, hai thời và nữa thời…” (Kh 12,14). Mẹ sinh Con ra không phải để Con thuộc về Mẹ, là của riêng Mẹ, lo cho Mẹ. Nhưng trước hết Mẹ vui lòng cưu mang Con và sinh Con là để nên trọn Thánh Ý Thiên Chúa đã định tự ngàn đời. Mặc dù với Trái Tim Vô Nhiễm, Mẹ yêu con hơn hết thảy các bà mẹ. Trong ẩn khuất đời thường, đôi bàn tay Người Mẹ Sầu Bi chấp lại nguyện cầu. Tức đôi bàn tay dâng lên tế lễ chính mình và Con trên bàn thờ đức tin luôn nghi ngút hương trầm tình mến. Để Con và Mẹ mãi mãi trở thành quà tặng Thiên Chúa lấy trên Trái Tim dâng hiến của Mẹ mà ban cho nhân loại, thuộc về nhân loại. Dù cho Con có phải chịu muôn vàn đau khổ xác hồn cho trở nên giá chuộc muôn người, Mẹ cậy trông đến âu yếm ôm lấy lưỡi gươm trong lòng đi đến đỉnh tình thập giá. Có tâm hồn đa cảm đã viết:

Ai lần theo máu mình vung vãi

Hồn chết lần mòn theo gót chân.

Lần đầu tiên Mẹ theo Con vì Mẹ bị lạc Con, lạc Tình Yêu và Nguồn Sống của Mẹ. Bởi Con còn ở lại trong Đền Thờ lo việc của Cha. Tình yêu người mẹ đôn đốc Mẹ trong lo âu héo hắt tất tả đi tìm Con. Để rồi nghe Con nói một lời như xa lạ, như chẳng quan tâm gì đến cõi lòng của Mẹ (Lc 2,46-50). Mẹ thoáng bàng hoàng vì chưa hiểu được chiều sâu của Lời, nhưng Lời làm thức tỉnh tâm hồn người tư tế nơi Mẹ. Từ đó cánh cửa mầu nhiệm về sứ mạng của Con bắt đầu hé mở cho thần trí chiêm niệm ở Mẹ.

Vai trò tư tế thiêng liêng của Mẹ cũng từ đó thăng tiến đến đỉnh cao. Cho tới lúc Mẹ kinh hoàng chỗi dậy vội vã tìm Con. Vì lằn roi đầu tiên vừa in vết tội đời lên thân xác Con cũng quất vào tim Mẹ. Mẹ thấm đau vô tả những cực hình Con chịu, nỗi đau Mẹ yêu Con khi đó còn lớn hơn cả cái chết khổ hình dành cho Mẹ. Đắng đót phiền sầu biết bao, biết bao những lời phỉ báng, sỉ nhục Con đầy thù hằn và ác độc. Mẹ đau khổ bởi đau khổ của Con, đau đớn đến rã rời rũ liệt, con tim Mẹ vì thấy Con quá đớn đau, đớn đau kiệt sức. Nỗi đau vô tả đã trải dài suốt chặng đường thương khó, còn thấm đến những ngày cuối đời mỗi khi nhớ lại. Mẹ đau khổ không chỉ vì thấy Con bị hành hạ, bị đối xử tàn nhẫn vô tâm.

Trong con tim của Đấng Đồng Công còn đau đớn vì biết rõ con là Tình Yêu giáng thế, là Thiên Chúa viếng thăm con người nhưng lại bị con người đem hết khả năng phạm tội đối xử thật tệ hại với Con. Con người đối đầu với Thiên Chúa, nhận lấy máu báo oán còn nặng nề hơn máu của A-ben bội lần. Mẹ biết rõ theo phép công thẳng của Chúa không ai có thể gánh nỗi tội khiên dường ấy. Còn ai hơn Mẹ trông chờ lòng thương xót Chúa đoái đến nhân sinh lúc này. Lý trí và tình cảm của Mẹ nhờ đối mặt với tột cùng đau khổ, biên giới giữa cái chết và sống khắc khoải đến bạc nhược tâm linh. Mà mầu nhiệm tội lỗi và ơn cứu độ cũng trải ra trước mắt Mẹ mênh mông. Chúng mênh mông hơn, sâu thẳm hơn, càng lúc càng bí nhiệm theo cường độ của từng cơn đau đứt ruột xé lòng.

Mẹ vì yêu cả đôi bên mà rụng rời kinh khiếp. Cuộc chiến tình yêu dằn vặt giữa tư riêng và tha nhân, giữa huyết nhục và nghĩa nhục, giữa Thánh Ý Chúa và lòng muốn tự nhiên một con người. Tất cả xâu xé nhau làm tơi tả linh hồn Mẹ. Hồn Mẹ khô héo tựa nắm tro tàn còn lại từ của lễ toàn thiêu, khi thấy máu con dần cạn dần khỏi thân xác. Nếu Mẹ không phải là Đấng Đầy Ơn đến Đồng Công Cứu Độ, hẳn với bấy nhiêu đau khổ đủ đốt tan sự sống tự nhiên nơi con người Mẹ.

Lúc này đây các nhân đức đối thần của Mẹ Maria đạt đến mức vẹn toàn. Mẹ vẫn xin vâng khi thấy Con gục đầu tắt thở, vẫn thờ lạy kính tôn Thiên Chúa khi thấy Con bị đâm thủng trái tim cho nhỏ xuống trần đời những giọt máu cuối cùng. Có lần theo những bước chân âm thầm đời Mẹ Maria, chúng ta mới thấy lời kinh Bảy Sự Thương Khó Đức Bà ta thường đọc chỉ mới bập bẹ nôm na mô phỏng một sự thật thương đau còn lớn hơn vạn lần. Bố chẳng biết gì về những cảm nghiệm của các thánh về nỗi đau của Mẹ Maria. Nhưng thiết nghĩ chỉ có những ai có con bị đem đi hành hình, hay bị giải phẫu phơi bày ruột gan ra trước mặt họ trong một thời gian dài, người đó mới có kinh nghiệm đôi chút về niềm đau của Mẹ. Những gì Mẹ đã hiệp thông cùng Con trải qua trong phận vụ tư tế thiêng liêng cho trọn Thánh Ý Chúa còn vượt xa rất nhiều những gì con người có thể cảm nhận hay tưởng nghĩ.

Tuy cuộc đời đau khổ của Mẹ Maria là thế, nhưng chúng ta đừng lầm tưởng Mẹ Vô Nhiễm đã thi hành phận vụ tư tế, hiệp cùng Con Mẹ với một tâm hồn luôn bi thương buồn thảm hay chỉ biết cam chịu trong đớn đau dày vò. Với đời sống tự nhiên con người, Mẹ từng bôn ba lo lắng cho cuộc sống gia đình, làm tròn bổn phận một người bạn đời, một người mẹ. Nhất là sau khi cha Thánh Giuse đã được Chúa thương gọi về thiên quốc. Nhưng những lo toan trăn trở cho cuộc sống gia đình nghèo Na-za-rét ấy không làm choáng lấp được sức sống siêu nhiên và ánh sáng Thần Khí đang tràn trào nơi Mẹ.

Mẹ luôn vững lòng tin hoàn toàn ở Thiên Chúa, nên lòng Mẹ luôn có sự bình an thiên giới. Có kinh qua đau khổ linh hồn Mẹ vẫn hòa hợp với Thánh Ý Thiên Chúa. Lòng trí Mẹ thừa hiểu ngay cả những đau khổ kinh hoàng nhất rồi cũng sẽ qua đi, và những hạnh phúc hoan lạc mê hồn làm thỏa tính tự nhiên, sẽ chóng trôi qua tựa bọt sóng trên dòng chảy cuộc đời. Ở Mẹ nỗi ngóng trông mong ước cho Thánh Ý Chúa sớm hoàn tất, về những khát khao về nước trời tựa lửa thiêng bùng lên thiêu đốt, nung nấu trong lòng. Nó cháy bỏng làm xoa dịu những đau khổ vò xé tâm can, và lấn áp cả những tân toan nhọc nhằn của một đời vất vả cần lao. Cho nên trong vị cay nồng đắng đót kiếp trần ai, Mẹ vẫn nếm được những ngọt ngào như mật chảy trong lòng. Thứ hạnh phúc chỉ có nơi những linh hồn khát khao chân lý và chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình.

Phần đầu bài ca Ma-ni-fi-cat cho chúng ta thấy rõ tâm hồn Mẹ Rất Thánh. Hồn hân hoan, bình an nội tâm thẳm sâu chảy suốt hành trình đức tin đời Mẹ. Ngập tràn hạnh phúc và niềm vui vì Thần Khí ân sủng đã tỏa ánh sáng chân lý xua tan hết mọi tục niệm. Với lòng tri ân sáng suốt Mẹ luôn hiểu rằng đời Mẹ đã thuộc trọn về Chúa. Đức Tin bảo Mẹ sẽ có lại tất cả khi xin vâng hiến dâng tất cả cho Thiên Chúa, cho chương trình cứu độ của Ngài. Lúc Mẹ Thiên Chúa chấp nhận mất đi của báu quí giá nhất, quí giá hơn cả linh hồn Mẹ; là Người Con đã ban cho Mẹ sự sống Thiên Chúa, thì Mẹ được lại cả nhân loại và Chúa Con vinh hiển trị vì trên ngôi báu Đa-vít tổ tiên Mẹ. Tâm hồn Mẹ hỉ hoan hạnh phúc thỏa lòng vì no thỏa Chúa Thánh Thần, ánh sáng diệu quang chân lý xua tan mọi thứ bóng tối thế gian ra khỏi tâm hồn Đấng Vô Nhiễm. Mẹ mừng vui hớn hở do lòng Mẹ luôn có Chúa ở cùng.

Trên đỉnh cao thần trí lời kinh Ma-ni-fi-cát, Mẹ vẫn có thể hát lại dưới chân thánh giá. Ở đỉnh tình Ca-vê mặc dù nỗi đau của con tim luôn tràn ngập choáng lấp mọi ngăn trống tâm hồn Mẹ, nhưng mỗi khi nhìn những lý hình, nhìn về nhân loại, dù chỉ trong khoảng khắt, nó sẽ nhường chỗ cho lý trí. Con tim Mẹ sẽ hát lời chúc tụng tạ ơn, bởi vì trong sâu thẳm tâm hồn Mẹ cảm nhận rõ sự bừng sống tràn trề của mùa xuân cứu độ. Tâm hồn Mẹ, Người Tư Tế Tuyệt Hảo, bằng con đường đau khổ ở dưới chân thánh giá đã băng lên giao hòa cùng Thiên Chúa trong cuộc linh phối nhiệm mầu. Những tan nát đau thương cơ khổ ở Người Nữ Tỳ biến thành chiếc áo cô dâu ngày cưới thật diễm lệ cao sang. Hình ảnh và Thánh Ý Thiên Chúa không còn mường tượng như bức phát thảo trong Mẹ, nhưng rõ ràng tỏa sáng tột mức, viên mãn trong thánh ân Đầy Ơn. Con Mẹ chưa chết, bức màn ngăn cách nơi gian cực thánh đền thờ Giê-ru-sa-lem chưa bị xé đôi, nhưng nó đã mở toang nơi tâm hồn Mẹ, lúc Mẹ nghe Con gắng gượng sức tàn kêu lên “Con phó thác linh hồn Con trong tay Cha!” . Chính giây phút này đây hai cuộc đời, hai con tim, hai trí tuệ, hai linh hồn đan quyện hòa vào nhau, như hai làn trầm hương thơm ngát trong Thánh Lễ chiều được đồng tế trên đồi Can-vê. Người Nữ Tư Tế chơi vơi ngấy ngất trong đau khổ phận người và hoan lạc vô ngần trong giờ được lãnh nhận vương miện vinh thắng Đấng Đồng Công Cứu Độ.

Giống như Chúa Chiên Con, Mẹ Maria cũng thoáng kinh hoàng khi phải nâng chén đắng, nhưng rồi Người Nữ Tỳ của Thiên Chúa xem Thánh Ý Cha là tất cả, là sự sống trường tồn của tạo vật. Nên Người Mẹ Truân Chuyên đã tiếp tục hành trình đức tin băng qua những nẻo đường mới lạ, chưa một ai từng bước đi trên đó (Is 42,16). Không dừng lại ở đỉnh đồi Can-vê hay ngôi mộ đá mà trong giây phút tẩy rửa cho đôi mắt mọi hình ảnh đau thương.

Mẹ hân hoan nhìn Con của Mẹ thăng thiên trước sự ngưỡng mộ, tôn thờ của bao người từng thất vọng não nề. Trung thành với phận vụ tế lễ thiêng liêng, đời linh mục cộng đồng của Mẹ dù chỉ lặng thầm bên con nhạt mờ hơn chiếc bóng, Mẹ vẫn hiệp nhất với Con phụng thờ Thiên Chúa Uy Linh hết dạ hết linh hồn. Chúa Con về trời nhưng Thần Khí của con vẫn ở lại với Mẹ (2V 2,7-15). Mẹ tiếp tục sứ mạng Người Nữ Tư Tế cho đến lúc lìa đời.

Âm thầm khiêm tốn giữa cộng đoàn dân Chúa, cùng tham dự Thánh Lễ là diễn tiến chính cuộc đời Mẹ. Sống và hiệp dâng Lễ Thánh đối với Mẹ lúc bấy giờ là tiến dâng Thánh Lễ đời Mẹ, với vai trò Người Chủ Tế Thiện Toàn của thiên chức Tư Tế Thiêng Liêng cao cả nhiệm mầu. Suy nghĩ lời kết cho phần Ơn Tư Tế của Đức Mẹ Maria Rất Thánh. Tâm hồn bố chợt thấy một tia sáng chói lòa. Bố liền nghĩ: tại sao có những người nữ họ lại tự hạ giá trị mình đến thế? Họ đòi hỏi Giáo hội cho họ được làm Linh mục thừa tác, trong khi họ đang là Linh Mục cộng đồng như Đức Thánh Trinh Nữ Maria đã lãnh nhận xưa kia.

Nhờ ơn này mà Mẹ Maria Thánh Khiết đã được đẹp lòng Thiên Chúa vô cùng. Cũng nhờ tinh thần tận hiến, Người Nữ Tư Tế tận tụy dâng chính mình và mọi sự mình có trên bàn thờ thập giá khiêm hạ mà Đức Nữ Đồng Trinh mới sống đức tin tôn vinh danh Chúa đến cùng. Minh chứng hùng hồn cho nhân loại thấy Mẹ thật xứng đáng với ngôi vị Mẹ Thiên Chúa. Ở giữa đời thường nếu Đức Mẹ không sống trọn ơn gọi Linh mục cộng đồng có lẽ mãi mãi Mẹ không thể trở thành Đấng Đồng Công Cứu Độ.

Giáo hội sao lại có thể bỏ một truyền thống tốt đẹp mang tính thần học tinh hoa đến thế cho được. Khi mà người nữ được rút ra từ cạnh sườn A-dong để tạo nên một sự kế thừa sự sống từ người nam, theo thứ bậc được trao ban sự sống từ Thiên Chúa. Đây không có ý nói nam sinh nữ hay nữ sinh nam nhưng là một sự tạo dựng có chủ ý của Thiên Chúa[*]. Được Ngài dựng nên như thế và theo đó được trao bao những ơn gọi khác nhau theo phái tính. Điển hình ơn làm mẹ là ơn đặc thù của phái nữ, người nam không thể đòi hỏi dành quyền làm mẹ. Thêm vào đó, khi đã là linh mục thừa tác, người nữ không được phép mỗi ngày không tiến dâng Thánh Lễ. Nhưng họ lại không thể tiến dâng Thánh Lễ trong tình trạng không thanh sạch. Bởi vì trước nhan Thiên Chúa, những ngày mang dấu vết tội tổ còn lưu lại trong tháng ở nơi họ. Xin đừng thêm một lần chọc giận Thiên Chúa, kéo thêm án phạt xuống cho con cái loài người (Ds 16,1-35).

Nếu Giáo hội làm khác đi thì một ngày nào đó con người sẽ tái diễn đòi cho bằng Thiên Chúa. Ngẫu nhiên chăng Sa-tan đã chọn cám dỗ E-va chứ không chọn A-dong? Hỡi người nữ! Người có nghĩ rằng đòi hỏi cho được làm linh mục thừa tác là hành động với tay hái trái cấm lần thứ hai không?

Tình Yêu Hoa Cỏ

 01/ 05/ 2004

 


[*] Thánh Phao-lô muốn dung hòa phần nào kẻo xảy ra tinh thần kỳ thị, bất bình đẳng với người phụ nữ. Vốn địa vị của họ đã bị xem nhẹ, ăn sâu vào não trạng người đương thời. Nên ngài nói “Tuy nhiên, trong Chúa, không có nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam. Thật thế, như người nữ tự người nam mà có, thì người nam cũng bởi người nữ mà sinh ra…” (1Cr 11,11-12). Nhưng nếu chúng ta đọc hết các đoạn 11, 12 cùng với cái nhìn chung suốt lịch sử Thánh kinh. Chúng ta sẽ thấy rõ chủ ý của thánh Phao-lô nói về một truyền thống thuận tự nhiên lại có tính thần học sâu sắc, bởi vì truyền thống này xuất phát từ Thánh Ý Thiên Chúa. Từ lúc Thiên Chúa tạo dựng, Ngài cũng đã tạo dựng có sự khác biệt giữa người nam và người nữ. Sự khác biệt này không có nghĩa người nữ kém phẩm giá hơn người nam. Nhưng khác biệt ở chỗ Thiên Chúa muốn mỗi phái tính có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Bình đẳng không có nghĩa đôi bên có thể sống như không còn phái tính, hay có thể trao đổi chức năng của phái tính cho nhau. Vì thế chức vụ Tư Tế Linh mục thừa tác từ ngàn xưa Thiên Chúa đã minh nhiên trao cho nam giới. Tuân theo ý Chúa ngôn sứ Mô-sê khi biệt riêng dòng họ Lê-vi để lo việc tế tự phụng thờ Thiên Chúa, chỉ truyền chức cho người nam. Chưa bao giờ có ngoại lệ người nữ được xức dầu, được quyền công khai tế lễ theo tư cách một Tư Tế dâng lễ cho dân. Ngay cả Chúa Giêsu khi chọn mười hai thánh Tông Đồ, Người cũng chọn toàn nam giới. Thiên Chúa chọn như vậy không phải vì nam giới nhiệt thành, thánh thiện hay tài giỏi hơn nữ giới nhưng là một sự chọn lựa theo phẩm tính do Ngài tác tạo. Đức Mẹ Maria dù là Mẹ Thiên Chúa, ngôi vị tối cao của ân sủng, nhưng Mẹ vẫn ở vai trò người tư tế theo tính chất được kế thừa địa vị Thượng Tế Tối Cao của Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa.

Đã hơn hai mươi thế kỷ Mẹ Giáo hội gìn giữ vẹn toàn truyền thống bởi ý muốn Thiên Chúa này. Mong sao không vì những lý do của nhân loại mà thay đổi!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *