Các cách cầu nguyện – Phần 1

 

Có 5 cách cầu nguyện có thể áp dụng cho một linh hồn tha thiết muốn yêu Chúa thật lòng:

  1. –   Khẩu nguyện
  2. –   Động nguyện
  3. –   Trí nguyện
  4. –   Tâm nguyện
  5. –   Thinh lặng

1. – Khẩu nguyện:

Khẩu nguyện là đọc kinh hay cầu nguyện tự phát, con người nói thành lời với Chúa.

Đọc kinh là cách cầu nguyện đơn sơ nhất, dễ dàng nhất, cho nên nó cũng là cách cầu nguyện bỏ ra ít tâm lực nhất. Do lời kinh được soạn sẵn, không phải là tâm tình của chính người cầu nguyện, điều này làm cho trí lòng và lời kinh đọc ra khó hiệp nhất, dễ gây nên chia trí. Thêm vào đó, việc đọc kinh hay cầu nguyện tự phát, còn có thể bị pha trộn nhiều ý không ngay lành (động lực để cầu nguyện).

Bởi tính chất của việc đọc kinh thành tiếng, vốn làm cho nhiều người biết có người khác đang cầu nguyện. Nên dẫn tới chỗ các tâm hồn non yếu nhân đức có thể lạm dụng: sai lầm vụ hình thức, phô trương việc cầu nguyện, khoe mình đạo đức hay thuộc kinh nhiều, có giọng đọc tốt v.v…

Tính chất của cầu nguyện tự phát gần như đọc kinh, chỉ khác hơn là bộc lộ ra tâm tình của chính người cầu nguyện. Cầu nguyện tự phát lại có điểm yếu là không thể cầu nguyện lâu dài.

Do vậy, cách cầu nguyện bằng khẩu nguyện kín múc được ít ân sủng Chúa nhất.

Để khắc phục những điểm yếu của khẩu nguyện, chúng ta cần có ý ngay lành về việc cầu nguyện. Trước hết, linh hồn phải hiểu rằng đọc kinh là vì Chúa, thể hiện tâm tình con thảo kính mến và tôn thờ Người. Sau đó, mới đến để đền tội bản thân, hay kín múc thêm ơn sủng Chúa mưu ích cho linh hồn mình và tha nhân. Chứ không phải để cầu lợi thế tục cho mình, hay cho những người gắn bó, thân yêu của mình. Hoặc để được khen, được xem là nổi trội, tự mãn hãnh diện mình đạo đức hơn người. Đồng thời khi đọc kinh, hãy cố giữ cho tâm ý và môi miệng được hiệp nhất.

Thời gian trong ngày, lúc không đọc kinh, nên suy ngẫm đến lời kinh mình thường đọc. Tìm hiểu ý nghĩa của lời kinh, sao cho những tâm tình “vay mượn” trở nên tâm tình của chính mình. Có như vậy việc cầu nguyện bằng khẩu nguyện mới tốt hơn, kín múc được nhiều ân sủng hơn.

2. – Động nguyện:

Động nguyện là cầu nguyện bằng hành động, bằng việc làm trong cuộc sống thường ngày.

Cầu nguyện bằng cách dâng công việc cho Thiên Chúa, để Người thánh hóa, quan phòng cho có kết quả tốt nhất. Rồi tận tâm thực hiện việc làm bằng tinh thần tận tụy, chăm chỉ, siêng năng, hết sức cố gắng cho tròn bổn phận, trách nhiệm. Linh hồn không nề hà công việc tầm thường hay nhỏ mọn, nhọc nhằn vất vả hay gian khó hiểm nguy. Nếu cần, sẵn sàng quảng đại hy sinh, không quản ngại bị thiệt thân, chịu nhọc nhằn, vất vả… Linh hồn làm tất cả vì yêu kính Chúa, vì yêu thương tha nhân.

Động nguyện phối hợp với các phương thế cầu nguyện khác, sẽ giúp cho linh hồn mau chóng đạt tới sự cầu nguyện liên lỉ trong ngày sống. Đồng thời, làm phát triển tương song và hiệp nhất được việc cầu nguyện với đời sống nhân đức của mình.

*Nguyện tắt:

Nguyện tắt là lời kinh ngắn giúp kết hiệp với Thiên Chúa liên lỉ hơn, giục lòng yêu mến liên tục, tạo ra sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa cùng làm vinh danh Chúa trong việc mưu ích cho các linh hồn.

Kinh nguyện tắt có thể sử dụng khẩu nguyện hay trí nguyện, nó trở thành một hành động của tâm linh, thật sống động và lợi ích cho linh hồn.

Đơn cử:

Lời kinh nguyện tắt của Chúa Giê-su mạc khải cho nữ tu Consolata “Giê-su Ma-ri-a Giu-se, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn.” Hay của thánh Mong Pho: Cùng với Mẹ, con làm việc này để yêu mến Chúa. (Trước mỗi việc làm.)

Con xin dâng người này cho Trái Tim Tinh Tuyết của Mẹ. (Khi gặp gỡ, tiếp xúc).

TYHC