Bài đọc, bài hát, và suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật III Thường Niên năm C


24/01 – CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN.

Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10; 1 Cr 12, 12-14. 27; Lc 1, 1-4; 4, 14-21

BÀI ĐỌC I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10

“Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc”.

Bài trích sách Nơ-khe-mia.

Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ýnghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoádâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.

2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 12-30 (bài dài)

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác”, có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: “Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác”, có phải vì thế mà nókhông thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”. Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi làít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.

Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 12, 12-14. 27

“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 4, 18-19

All. All. – Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – All.

PHÚC ÂM: Lc 1, 1-4; 4, 14-21

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Ðó là lời Chúa.

 

MỤC LỤC

  1. Đấng Cứu Thế
  2. Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm
  3. Xóa nợ cho nhau – Thiên Phúc
  4. Ứng nghiệm Lời Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
  5. Phát huy cuộc sống tâm linh và các giá trị tinh thần
  6. Xin hãy sai con – Lm. Ignatiô Trần Ngà

1. Đấng Cứu Thế

Hội đường là nơi tụ họp có tính cách tôn giáo của người Do Thái. Đồng thời, ngày Sabat, tức là ngày nghỉ lễ được cử hành tại hội đường, với việc nghe đọc Thánh Kinh và diễn giảng. Mọi người Do Thái trưởng thành, tức là từ 30 tuổi trở lên đều có thể được đề nghị hay tình nguyện lên đọc và giải thích Kinh Thánh.

Trở về Nadarét lúc này, Chúa Giêsu đã trên 30 tuổi, cho nên Ngài đã tham dự vào sinh hoạt của cộng đồng tại quê nhà. Theo thánh Luca cho biết, Chúa Giêsu đã nhiều lần giảng dạy trong các hội đường và lời giảng dạy của Ngài hẳn đã có được một sức lôi cuốn và hấp dẫn, vì chẳng bao lâu, tiếng tăm Ngài đã được làn truyền khắp vùng. Tất cả bầu khí phấn khởi này được sử dụng như là phần nhập đề cho Tin Mừng lớn lao, mà Ngài sẽ rao giảng tại hội đường Nadarét, như là một xác định lập trường và công bố chương trình hành động của Ngài. Vậy lập trường ấy như thế nào và chương trình hành động của Ngài ra làm sao?

Tôi xin thưa: Lập trường ấy, chương trình hành động ấy xoay quanh lời loan báo của tiên tri Isaia: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu tấn phong tôi và sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, giải phóng những kẻ bị giam cầm, làm cho người mù được sáng, trả lại tự do cho những người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Lời loan báo này có nghĩa là thời cứu chuộc đã bắt đầu, và Chúa Giêsu, người đang đọc và cắt nghĩa đoạn tiên tri này, chính là Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu và sai đến để thực hiện ý định cứu chuộc mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn ngàn thuở trước.

Lời giải thích của Chúa Giêsu thật ngắn gọn nhưng lại vô cùng quan trọng, đặt người nghe trước một bối cảnh mới, trước một thời đại mới: Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe. Có thể xưa cũng như nay, nhiều người đã chờ đợi ở Vị Cứu Tinh những việc cả thể và lớn lao, những chiến công lừng lẫy và oanh liệt. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã xuất hiện như một con người nhân từ và dịu hiền, luôn quan tâm tới những đau khổ của con người khổ đau, lấy việc giải thoát họ như là nội dung của sứ mạng mình được sai đến và phải thực hiện. Trước mặt Ngài, thời cứu độ là thời tái lập lại trật tự và tình thương giữa người với người.

Lời tuyên bố của Chúa Giêsu tại hội đường năm xưa chính là một sự thách đố đối với cá nhân mỗi người chúng ta, cũng như đối với toàn thể Giáo Hội, bởi vì cá nhân chúng ta cũng như Giáo Hội có nhiệm vụ tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa nơi trần gian, thế nhưng cá nhân chúng ta cũng như Giáo Hội đã thực sự tái lập trật tự và tình thương yêu giữa người với người hay chưa?

2. Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm

Hôm nay lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm. Nếu tìm hiểu Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu đã thực thi mọi lời tiên tri nói về Ngài từ hàng trăm năm trước. Đó là một bằng chứng xác quyết Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.

Chẳng hạn về việc Ngài được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, thì tiên tri Isaia đã loan báo:

– Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ ấy là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Chẳng hạn về việc Ngài sinh ra ở Bêlem, thì tiên tri Mikêa đã nói:

– Và ngươi hỡi Bêlem xứ Giuđêa, ngươi không phải là một thành trì nhỏ bé, bởi vì từ nơi ngươi sẽ xuất hiện Đấng cai trị nhà Israel.

Chẳng hạn việc Thánh Gia trốn sang Ai Cập, tiên tri Ôsê đã loan báo:

– Ta sẽ gọi con Ta ra khỏi đất Ai Cập.

Nhất là những biến cố trong quãng đời công khai và cuộc tử nạn của Ngài, cũng đã được ứng nghiệm một cách hết sức đầy đủ, chẳng hạn về cuộc khải hoàn, tiến vào Giêrusalem một cách long trọng, thì tiên tri Giacaria đã mô tả:

– Hỡi Giêrusalem, này vua ngươi đang đến, Ngài cưỡi trên lừa con.

Về cái chết của Ngài, tiên tri Isaia đã công bố:

– Người ta đánh đập Ngài, nhưng Ngài đã bằng lòng chấp nhận, như con chiên yên lặng trước người thợ xén lông.

Và còn nhiều biến cố, còn nhiều sự việc khác nữa, Chúa Giêsu đã thực hiện đúng như lời các tiên tri đã loan báo. Và như chúng ta đã xác quyết: Điều đó chứng tỏ Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa.

Mỗi lời tiên tri là một lời nói trước, về một biến cố nào đó sẽ xảy ra, liên quan đến hành động tự do của Thiên Chúa. Những lời nói trước về Đức Kitô, được Thiên Chúa tỏ bày cho các tiên tri, để rồi chính các tiên tri đã công bố hàng trăm năm về trước cho dân Do Thái.

Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta phải tin nhận rằng Đức Kitô đã đến với chúng ta, Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ muôn dân mong đợi, như trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã dẫn chứng lời tiên tri Isaia, để xác quyết rằng Ngài là Thiên Chúa đã đến trong trần gian để cứu chuộc những người nghèo đó, khổ đau và bất hạnh. Hơn thế nữa, chính Chúa Giêsu cũng nói tiên tri về những chuyện sẽ xảy ra và tất cả đều đã được ứng nghiệm. Chẳng hạn Ngài đã tiên báo về sự sụp đổ của Giêrusalem: Rồi đây sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào.

Và sự thực đã xảy ra như vậy. Vào năm 70, tướng Titus, người Rôma, đã mang quân vây hãm Giêrusalem. Sau khi đã lọt được vào trong thành, họ đã đốt phá và san bằng thành phố.

Còn chúng ta thì sao? Trong giờ phút quan trọng này, chúng ta cũng đang sống lại những biến cố đã được ứng nghiệm: Thánh lễ là sự giáng sinh, là cái chết và phục sinh của Đức Kitô được lặp lại trên bàn thờ này. Thế nhưng chúng ta có đón nhận lời Chúa cùng với Bí tích Thánh Thể một cách trang nghiêm và sốt sắng, hay chúng ta lại cứng lòng như dân làng Nadarét, để cuối cùng đã xua đuổi Chúa, và tìm cách xô Ngài xuống vực sâu.

3. Xóa nợ cho nhau – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Trước lúc lìa đời, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có giao cho con cháu một cái ống tre sơn son thếp vàng gắn bít hai đầu và dặn đến đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh tổng đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu vãn được tình thế gia đình nhưng tuyệt đối không được ai mở ra xem, trừ quan tổng đốc.

Cái ống tre ấy truyền đến người cháu bảy đời của Trạng, mới rước lên dinh quan tổng đốc, đúng vào ngày giờ đã ghi trong gia phả. Khi quan mở ống thấy một cuộn giấy, ông rút ra xem thấy có hai câu chữ nho: ‘Ngã cứu nhi thượng lương chi ách. Nhĩ cứu ngã thất thế chi bần’. Nghĩa là: ‘Ta cứu ngươi khỏi xà nhà đổ. Ngươi cứu cháu bảy đời của ta còn nghèo’.

Đang lúc bận việc, quan tổng đốc thấy hai câu nói xấc xược ấy, ông liền nổi giận. Sẵn cầm chiếc quạt trên tay, ông đứng phắt dậy, chạy lại định đánh người cháu bảy đời của Trạng. Nhưng vừa bước khỏi sập, chiếc xà nhà ngay trên đỉnh đầu đổ xuống đánh rầm một cái. Phúc bảy mươi đời, ông mới vừa bước ra, nên không sao cả.

Quan tổng đốc lúc đó mới giật mình hiểu rõ Trạng đã cứu mình khỏi cái chết bất đắc kỳ tử. Quan ân cần xin lỗi người cháu ông, mời về tư thất đãi cơm rượu, rồi cho một số tiền khá lớn, để cứu giúp cho gia đình cháu của Trạng đang lâm hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu.

Nói đến các bậc tiên tri ở nước ta, trước hết phải kể đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sinh thời ông đã nổi tiếng về các giai thoại tiên tri, đến nỗi các sĩ tử nô nức xin theo học và thiên hạ đua nhau tìm đến hỏi về những việc tương lai.

Tuy nhiên, các lời sấm của ông được ứng nghiệm là do trí thông minh của ông đã mách bảo. Còn hôm nay, nơi Đức Giêsu đã ứng nghiệm sấm ngôn của Isaia do Thánh Thần linh ứng. Chính Đức Giêsu cũng là một tiên tri được đầy tràn Thánh Thần. Một tiên tri cao cả mang ơn gọi và sứ mạng cứu độ.

Khi chịu phép rửa, Người đã nhận lãnh Thánh Thần như một việc xức dầu.

Người được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo hèn, những kẻ nghèo tiền, nghèo bạn, nghèo văn hóa.

Người được sai đến với những kẻ bị giam cầm trong lao tù, trong ích kỷ, trong tham lam.

Người cho kẻ mù được sáng mắt, kẻ u mê thoát vòng tối tăm.

Người trả tự do cho người bị áp bức, phá xiềng xích cho những tội nhân.

Người khai mở một năm Toàn Xá, Năm Thánh, năm Hồng Ân cứu độ.

Chúng ta cũng đã được xức dầu để trở thành tiên tri, đi loan báo Tin Mừng cứu độ.

Nếu Thánh Thần đã chi phối toàn bộ ngôn từ, hành vi của Đức Giêsu, chúng ta cũng hãy ngoan ngùy để Thánh Thần hướng dẫn tất cả lời nói, việc làm của mình.

Nếu sấm ngôn của Isaia đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu; ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong cuộc đời chúng ta, bằng sự cộng tác tích cực của bản thân mỗi người.

Con người ngày nay khắc khoải trong lo âu sầu muộn, người tín hữu Kitô phải là chứng nhân của niềm vui.

Con người ngày nay ngụp lặn trong bóng tối của lầm lạc, người tín hữu Kitô phải chiếu tỏa ánh sáng của đức tin.

Con người ngày nay bị kìm tỏa trong vòng nô lệ của tiền bạc, danh vọng; người tín hữu Kitô phải loan báo sự tự do của con cái Chúa.

Nếu những người đã chịu phép Rửa trong Thánh Thần, mà còn làm ngơ trước những con người nghèo hèn, áp bức kẻ cô thân cô thế, bịt mắt những anh em dốt nát, và giam hãm tha nhân trong ngục tù dưới nhiều hình thức; thì quả thật, Lời Chúa chẳng bao giờ được ứng nghiệm trong cuộc đời họ. Và Năm Đức Tin qua đi trong cuộc đời mà họ không hề nhận được một chút Hồng Ân nào của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo. Xin cho chúng con cũng biết xóa nợ cho nhau, không chỉ xóa nợ tiền bạc mà còn xóa đi những bất bình, nghi kỵ, thành kiến, hiểu lầm nhau…, để mọi người chung quanh chúng con được nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, vui tươi hơn.

Xin cho chúng con luôn là những sứ giả đi loan báo và chứng tá cho tình yêu cứu độ của Chúa. Amen.

4. Ứng nghiệm Lời Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng nhiều lần đề cập đến điều này. Chẳng hạn như: được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện. Hôm nay được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người đi rao giảng khắp miền Galilê. Trở về Nagiaréth, Người đọc Sách Thánh trong hội đường đúng đoạn nói về Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhiều lần Tin Mừng nói Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Nhờ đâu được như thế? Một phần nhờ việc đọc Sách Thánh.

Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Tim hôm nay diễn tả: “Rồi Chúa Giêsu đến Nagiaréth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh”. Yêu mến và gắn bó với hội đường, nên Chúa Giêsu thường xuyên đến sinh hoạt với mọi người trong hội đường. Yêu mến và gắn bó với Sách Thánh nên Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Còn hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người. Đó là nếp sinh hoạt bình thường của Người. Nếp sinh hoạt này đã thành thói quen từ khi Người còn nhỏ bé. Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối đáp với các bậc tiến sĩ trong Đền Thờ Giêrusalem.

Chúa Giêsu kính cẩn đọc Sách Thánh. Chúa Giêsu không đọc Sách Thánh theo thói quen. Người đọc một cách trịnh trọng kính cẩn. Ta hãy chiêm ngắm thái độ của Người theo lời diễn tả của thánh Luca: “Họ trao cho Người cuốn sách tiên tri Isaia. Người mở ra và đọc… Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ”. Thật là trang nghiêm kính cẩn. Thái độ của Người ảnh hưởng đến cả hội đường. Nên khi Người đọc mọi người chăm chú nhìn Người. Chúa Giêsu trân trọng việc đọc Sách Thánh vì Người luôn thao thức tìm thánh ý Chúa Cha. Người đọc Sách Thánh để tìm hướng dẫn cho cuộc đời. Người đọc Sách Thánh để mong chu toàn thánh ý Chúa Cha. Người nhận biết thánh ý Chúa Cha qua những trang Sách Thánh. Người cố đọc giữa những hàng chữ để tìm thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu nghiêm túc thực hành lời Sách Thánh. Khi nói với mọi người rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói đến hai điều. Điều thứ nhất: Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đoạn Sách Thánh. Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã đọc được thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia. Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng của mình. Điều thứ hai: Biết được thánh ý Chúa Cha rồi, Chúa Giêsu cương quyết thực hành. Người coi đó là chương trình hành động. Người coi đó là chỉ nam hướng dẫn. Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành. Suốt đời Người sẽ thực hành chương trình này. Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Đây là mẫu gương cho ta. Đó là kết quả của Ơn Chúa Thánh Thần. Hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh để ta luôn được tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy kính cẩn tìm thánh ý Chúa trong Kinh Thánh chắc chắn ta sẽ được ơn Chúa soi sáng cho biết đường đi. Nhất là hãy quyết tâm thực hành Lời Chúa mà ta đã đọc. Ta sẽ được tràn đầy Ơn Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chẳng ai có thể say mê Kinh Thánh nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần lôi cuốn. Chẳng ai tìm được thánh ý Thiên Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Chẳng ai có thể thực hành Lời Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Như một phản hồi hai chiều. Càng được Ơn Chúa Thánh Thần ta càng say mê Kinh Thánh. Càng say mê Kinh Thánh ta lại càng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời. Cuộc đời sống theo Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ hoàn toàn ứng nghiệm ý định của Thiên Chúa cho bản thân và cho tha nhân. Đó chính là cuộc đời đạt được mục đích cao quý nhất.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Bạn có thường xuyên đọc Kinh Thánh không?
  2. Bạn tìm gì trong sách Kinh Thánh: khôn ngoan, lịch sử hay thánh ý Thiên Chúa cho đời bạn?
  3. Khi đọc Kinh Thánh bạn có nghĩ rằng Chúa đang nói với bạn không?
  4. Bạn có thấy một câu Kinh Thánh ứng nghiệm vào bạn và bạn quyết tâm thực hiện không?

5. Phát huy cuộc sống tâm linh và các giá trị tinh thần

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)

Người ta kể: “Có ông nhà giàu Do Thái kia có tên là Rabba, nhiều ruộng vườn, gia nhân đầy tớ và thợ làm công. Một hôm có người thợ làm việc cho ông lỡ làm bể một thùng rượu, ông giận dữ mắng, chửi thậm tệ và buộc bồi thường. Bọn thợ đến than phiền với một tiến sĩ luật, vị này khuyên ông Rabba tha cho đám thợ nghèo. Ông Rabba hỏi vị luật sĩ: “Đây có phải là luật Chúa không?” Vị tiến sĩ trả lời: “Phải, nếu ông hiểu biết tinh thần luật”. Nghe thấy, Rabba tha không đòi đám thợ bồi thường nữa. Có lần khác, đám thợ can đảm than thở thẳng với ông chủ của họ: “Thưa ông, chúng tôi quá nghèo túng, mặc dầu được ông thương cho việc làm và chúng tôi cũng đã làm hết sức như ông thấy, nhưng chúng tôi cũng đói khổ và thiếu thốn mọi sự”. Vị tiến sĩ biết chuyện, nói với ông Rabba: “Ông hãy cho họ lãnh lương tháng trước đi, nhưng đừng ghi sổ và sau đó sẽ quên chuyện này”. Ông Rabba hỏi: “Đây có phải là luật Chúa không?” Vị tiến sĩ luật trả lời: “Phải, nếu ông hiểu tinh thần luật, vì thật ra luật Chúa đòi buộc công bằng, nhưng có chủ đích làm cho con người trở nên tốt lành hơn”.

Qua các bài đọc Chúa nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa, mở mắt tinh thần canh tân tâm lòng và sống tốt lành hơn giữa những suy đồi xã hội một cách đích thực. Esdra và Nêhêmia là hai vị lãnh đạo Do Thái đã có công rất lớn trong nỗ lực hồi sinh dân Israel, tái thiết thành Giêrusalem và xây lại đền thờ sau khi họ từ Babylon trở về nước vào năm 537 trước Tây Lịch. Hai tác phẩm mang tên hai vị tường thuật công tác tái thiết cuộc sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo của dân Do Thái trong thời ấy. Chương VIII sách Nêhêmia nêu bật vai trò của Lời Chúa trong công trình tái thiết. Thật vậy, đối với dân Do Thái là dân riêng Chúa chọn, đã nhận được luật lệ Chúa ban, nghĩa là Lời Người nói với họ, thì công trình tái thiết không thể chỉ hạn hẹp trên bình diện vật chất như xây lại nhà cửa đền đài, tổ chức trở lại bộ máy chính trị, kinh tế và các dịch vụ hành chánh của cuộc sống thường ngày, mà còn phải tái thiết cuộc sống tinh thần nữa.

Tái thiết ở đây, trước tiên có nghĩa là trở về với các đòi buộc của Giáo Hội, tuân giữ các luật lệ của Chúa, sống chìm ngập trở lại trong bầu khí đạo hạnh, tin tưởng vững mạnh vào các Lời Chúa hứa vào giao ước và các phúc lành của Chúa. Nói cách khác, dưới ánh sáng Lời Chúa, việc tái thiết đầu tiên mà dân Do Thái phải làm là công cuộc tái thiết cuộc sống nội tâm, cuộc sống tinh thần bị tội lỗi phá hủy. Vì nếu không thì công cuộc tái thiết vật chất cũng sẽ không giúp dân Do Thái hồi sinh thật sự. Có đền thờ đẹp mà làm gì với tâm lòng con người đầy tràn tội lỗi và xa rời Thiên Chúa. Đây là lý do giải thích tại sao mặc dầu có rất nhiều điều phải làm trong giai đoạn tái thiết, ông Nêhêmia vẫn tổ chức các buổi cử hành Phụng vụ Lời Chúa và dành thời giờ cho việc đọc, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, và toàn dân tán thành việc tái thiết cuộc sống tinh thần do ông đề xướng.

Mặc dầu giờ đây họ cũng đang rách rưới, đói khát cơm bánh, cần đến nhà cửa và công ăn việc làm, nhưng người dân hiểu rằng trong quá khứ, kiểu cách sống tội lỗi sa đọa của họ đã khiến cho Giêrusalem bị đánh chiếm và thành thánh bị phá hủy bình địa, thì giờ đây, chỉ có cuộc sống tâm linh mới giúp họ duy trì những gì họ sẽ xây dựng mà thôi. Nếu không có nếp sống tinh thần mạnh mẽ, nền văn minh vật chất cao, sớm muộn gì cũng dẫn đưa con người đến chỗ diệt vong.

Lịch sử thăng trầm của mỗi dân tộc trên thế giới đều minh xác sự thật này. Sự suy đồi luân lý đạo đức và các giá trị tinh thần là dấu chỉ các bước đầu suy thoái của một xã hội. Do đó phát huy cuộc sống tâm linh và các giá trị tinh thần là cách thế hữu hiệu nhất giúp duy trì và thăng tiến cuộc sống xã hội. Ngay trên bình diện vật chất, lập trường của ông Nêhêmia là một bài học quí báu cho các vị lãnh đạo tinh thần, cho các cộng đoàn dân Chúa. Công việc cấp thiết nhất luôn luôn là việc đào tạo nhân lực, củng cố tinh thần sống đạo sâu đậm của tín hữu, chớ không phải là xây thêm nhiều nhà thờ và cơ sở cho to, cho lớn, cho đẹp. Các cơ sở cần thiết nhưng chúng không làm nên sức mạnh của cộng đoàn dân Chúa. Nguyên tắc này đã được thánh Phaolô áp dụng như tường thuật trong chương 12 thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô.

Cộng đoàn này hồi đó bị chia rẽ nội bộ trầm trọng, các cuộc cải vã, tranh chấp giành địa vị xảy ra trong các tầng lớp trong cộng đoàn, thêm vào đó là kiểu cách sống và hành xử đi ngược tinh thần Kitô. Trong các tín hữu có người sống dâm loạn, buông thả các nhân đức Kitô, đặc biệt là đức bác ái bị lãng quên. Để tái tạo sự hiệp nhất giữa các thành phần cộng đoàn và cho thấy tất cả mọi người đều có một chỗ đứng quan trọng và một phận vụ cần thiết đối với cộng đoàn, thánh Phaolô đã dùng lại hình ảnh thân mình và các chi thể là một hình ảnh quen thuộc trong nền văn chương Ai cập, và nhà văn Rôma, Titô Liviô, đã dùng lại để diễn tả nỗ lực của hoàng đế Agrippa làm hòa lại giữa hai nhóm cùng đinh và quý tộc Rôma tranh chấp chống đối nhau. Tuy nhiên, thánh Phaolô không chỉ dùng hình ảnh thân mình và chi thể như một kiểu nói ám chỉ, diễn tả tính cách bổ túc và phối hợp điều hòa giữa các chi thể với nhau trong thân thể con người, mà thánh nhân cũng còn rất thường hay nói đến thân mình thật sự của Chúa Kitô là bí tích Thánh Thể và thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô là cộng đoàn tín hữu, là Giáo Hội. Cộng đoàn tín hữu phải có khả năng diễn tả cho mọi sinh hoạt và kiểu cách sống của mình, những gì được biểu lộ trong bí tích Thánh Thể, nghĩa là diễn tả sự hiệp nhất tinh thần, chia sẻ ơn thánh, thái độ sống tận hiến cho nhau, hòa tan trong nhau và xây dựng cho nhau và với nhau. Điều đó cũng có nghĩa là các tương quan giữa các tín hữu với cộng đoàn và nhiệm vụ mỗi người giữa lòng Giáo Hội, phải được sống như trong bí tích Thánh Thể, phục vụ, hy sinh và tận hiến, chớ không được để cho chủ trương tranh giành địa vị, đòi hỏi quyền lợi như các thái độ vụ lợi trần tục chi phối và hướng dẫn.

Trong viễn tượng và tinh thần đó, mỗi một Kitô hữu đều tìm ra chỗ đứng của mình trong lòng cộng đoàn Giáo Hội mà không bị rơi vào chước cám dỗ coi mình là có nhiều khả năng nhất, tài giỏi nhất và giữ địa vị quan trọng nhất, không có mình thì không xong. Thay vì cố gắng xây dựng vun trồng cộng đoàn Giáo Hội vững mạnh thì lại sống phản chứng, ích kỷ, kiêu căng ngạo mạn để đi đến chỗ trở thành dụng cụ của Satan, đánh phá Giáo Hội, gây chia rẽ kỳ thị khiến cho cộng đoàn Giáo Hội bị thương tích tan rã và suy yếu đi.

Mỗi khi không sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô và không diễn tả những gì được thể hiện qua bí tích Thánh Thể, là người tín hữu chối bỏ ơn cứu độ mà Chúa Giêsu Kitô đã đem đến cho nhân loại khi nhập thể làm người, khi bước vào lịch sử và sống giữa lòng xã hội con người. Trong chương 1 và 4, thánh Luca có ý củng cố niềm tin của tín hữu, đặc biệt những người nghi ngờ nền tảng lịch sử của ơn cứu độ. Thánh nhân đề nghị với mọi người theo sát chương trình sống của Chúa Giêsu Kitô, chương trình này hiện thực Lời Thiên Chúa hứa, vĩnh viễn can thiệp vào cuộc sống của con người đã bị tội lỗi biến sự sống trở thành cái chết. Tất cả những động từ thánh Luca dùng trong chương 4,14-21, như giải thoát, chữa lành, trao ban ơn thánh cho con người, diễn tả ơn cứu độ toàn vẹn mà Chúa Giêsu đem đến cho nhân loại. Chúng cũng phải là kiểu cách sống của một Kitô hữu, khi nào và ở đâu có bóng dáng Kitô hữu, thì ở đó bóng tối của sự dữ cũng phải bị đẩy lui. Khi đó, ở con người cũng có cuộc sống sung túc lành mạnh hơn trên thân xác mà nhất là trong tinh thần. Đây là lý do giải thích mọi nỗ lực và mọi sinh hoạt của xã hội trong việc củng cố cuộc sống tâm linh và thăng tiến cuộc sống xã hội cho con người. Tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện, một thân thể có to lớn mập mạp béo tốt đến đâu mà không có tinh thần và tâm trí lành mạnh, thì cũng chỉ là một thân thể bệnh hoạn đáng thương.

6. Xin hãy sai con – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Sau khi nghe giảng về Thiên Chúa là Cha nhân lành, là Chúa đầy lòng yêu thương, một thính giả không đồng tình với vị giảng thuyết. Đầu óc ông quay cuồng bởi những câu hỏi như:

Làm sao người ta có thể tin Thiên Chúa là Đấng nhân lành khi Ngài nhắm mắt làm ngơ trước cảnh biết bao nhiêu người nghèo khổ, tuyệt vọng, mất phương hướng phải sống trong sầu đau mà không ban cho họ một tin mừng, một tia hy vọng?

Làm sao người ta tin được Thiên Chúa là Cha nhân ái khi có biết bao người phải chịu cảnh giam cầm trong ngục tù vật chất, trong sự trói buộc của các đam mê mà Ngài không ra tay giải thoát?

Thật khó tin có Thiên Chúa là Đấng tốt lành khi Ngài để cho những người mù, nhất là mù tối trong tâm hồn, không được nhìn thấy ánh sáng chân lý.

Và bao nhiêu người bị áp bức, bị gông cùm sao Chúa không giải thoát họ?

Đêm hôm ấy, trằn trọc không ngủ được vì những câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu, ông chợt nhận ra câu đáp của Thiên Chúa từ trong vắng lặng của đêm trường:

– Ta đã ra tay rồi đó, sao con còn trách Ta?

– Ngài ra tay lúc nào đâu? Ngài đã làm gì để cứu vớt những người tuyệt vọng, những người bị giam cầm, những người mù tối, những người bị áp bức?

– Ta đã dựng nên con và đặt con hiện diện giữa lòng đời để con thay Ta mà hành động. Thế sao còn trách Ta?

Có một điều quan trọng nhưng thường bị lãng quên, đó là chúng ta là những cánh tay, là những bàn tay của Thiên Chúa và Ngài hành động, Ngài thực hiện mọi việc qua chúng ta. Thiên Chúa có làm gia tăng số người trên mặt đất thì Ngài cũng thực hiện việc đó qua trung gian một người cha và một người mẹ trong gia đình. Thiên Chúa muốn nuôi dạy cho thiếu nhi nên tốt thì Ngài cũng thực hiện điều đó qua cha mẹ thầy cô.

Xưa kia Thiên Chúa Cha đã nhờ đến Chúa Giê-su để đem Tin Mừng cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, đem ánh sáng cho người mù tối, trả tự do cho người bị áp bức thế nào, thì hôm nay, Ngài cũng cần đến chúng ta để thực hiện những công việc đó.

Thế là chúng ta phải lựa chọn: Hoặc là chúng ta chấp nhận ở lại trong nhiệm thể Chúa Giê-su, trở thành cánh tay nối dài của Ngài để tiếp tục sứ mạng của Ngài, hoặc là chúng ta tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa Giê-su để khỏi bị Ngài sử dụng và sai khiến.

Tờ Times, một tờ báo nổi tiếng nhất thế giới, vào dịp cuối năm có thói quen giới thiệu cho độc giả biết những con người làm nên lịch sử của từng năm. Năm 2004, tờ báo bình chọn tổng thống Bush làm nhân vật quan trọng nhất trong năm. Năm 2005, tờ báo chọn vợ chồng Bill Gates vì những hoạt động từ thiện của hai vợ chồng nầy. Cuối năm 2006 vừa qua, báo Times chọn một nhân vật chẳng ai ngờ, nhân vật đó là, là… “Bạn” (You). Tức là mỗi một người trong quý ông bà anh chị em.

Đúng vậy, đó không phải là chuỵên đùa. Mỗi người trong chúng ta làm nên lịch sử. Thế giới nầy có được đổi mới, có được tiến bộ hay không cũng là nhờ sự cộng tác của từng người, của mỗi một người trong cộng đồng nhân loại.

Đừng nghĩ rằng mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ vô ích, vì những bãi cát mênh mông được tạo nên bằng những hạt cát bé nhỏ như thế đó.

Đừng nghĩ rằng mình chỉ là một giọt nước li ti không nghĩa lý gì, vì cả đại dương bao la cũng được tạo nên bằng những giọt nước li ti như vậy đó.

Hãy nhận ra rằng mình là chi thể của Chúa, là khí cụ cứu rỗi của Ngài. Hãy để Chúa sử dụng chúng ta như khí cụ xây dựng hoà bình của Chúa.

Điều chính yếu và quan trọng là chúng ta hãy hiến dâng đời mình cho Chúa, hãy thưa với Chúa rằng: Lạy Chúa, nầy con đây, xin hãy sai con.

Một khi chúng ta đã hành động theo lời sách tiên tri Isaia hôm nay, để cho “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức”…, chúng ta có thể mãn nguyện và nói như Chúa Giê-su hôm xưa rằng: “hôm nay, đã ứng nghiệm nơi tôi đoạn sách mà quý vị vừa nghe”.