Bài đọc, bài hát, và suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật 24 Thường Niên Năm B

 

 

B24Vs

13-09: CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN.

 Is 50, 5-9a; Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9; Gc 2, 14-18; Mc 8, 27-35.

BÀI ĐỌC I: Is 50, 5-9a

“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.

2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đãrơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!”

3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.

4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

BÀI ĐỌC II: Gc 2, 14-18

“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 5

All. All. – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 8, 27-35

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

MỤC LỤC

  1. Nói và làm
  1. Về phần con, con bảo Thầy là ai?
  1. Người ta bảo Thầy là ai?
  1. Đức Kitô.
  1. Đau khổ.
  1. Thần tượng của ta là ai? – Lm. Anmai

1. Nói và làm

Kể từ khi xuất hiện trong cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã trở nên một vấn đề thời sự nóng bỏng, làm cho người ta phải bàn tán xôn xao.

Dân làng Nadarét đã thầm nghĩ: Ngài chẳng phải là con bác phó mộc, Mẹ Ngài và anh em Ngài chẳng phải là những người đang sống giữa chúng ta đó sao? Bởi đâu mà Ngài lại làm được những việc lạ lùng như vậy? Hêrôđê cũng đã thắc mắc: Gioan thì trẫm đã chém đầu, còn người này là ai mà lại thực hiện được những việc kỳ diệu đến thế? Còn dân chúng, người thì bảo Ngài là tiên tri Elia, hay một tiên tri nào đó. Kẻ thì nói Ngài là Gioan Tiền Hô.

Trước những luồng dư luận khác biệt như vậy, Chúa Giêsu đã muốn các môn đệ phải xác định lập trường của mình, nên đã lên tiếng hỏi: Còn các con, các con bảo Ta là ai? Phêrô thay mặt cho nhóm 12 đã tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Và như thế, Phêrô đã tuyên xưng đức tin bằng lời nói.

Liền sau đó, Chúa Giêsu tiên báo cho các ông về cuộc tử nạn của Ngài. Và lần này, Phêrô đã lên tiếng can ngăn và đã bị Chúa quở trách nặng lời: Hỡi Satan, hãy xéo đi, vì tư tưởng của ngươi chỉ là tư tưởng của loài người, chứ không phải là của Chúa. Và như vậy, mặc dù ông đã tuyên xưng đức tin bằng lời nói, nhưng rốt cuộc ông đã không tuyên xưng bằng việc làm, bằng chính cuộc sống của mình.

Với chúng ta cũng vậy, hằng ngày chúng ta vốn thường làm dấu thánh giá, đọc kinh Tín Kính và kinh Sáng Danh, chúng ta tuyên xưng những mầu nhiệm chính trong đạo. Tuy nhiên, đó mới chỉ là tuyên xưng bằng lời nói mà thôi. Còn việc làm và cuộc sống của chúng ta thì sao? Rất có thể lúc này chúng ta mới chỉ tuyên xưng đức tin bằng lời nói, bằng miệng lưỡi, chứ chưa hề tuyên xưng đức tin bằng việc làm, bằng cuộc sống. Bởi vì bản thân chúng ta còn chìm trong tội lỗi, con người chúng ta còn đang chối từ thập giá để chạy theo ý riêng.

Do đó, cần phải kiểm điểm lại cuộc sống xem chúng ta đã tuyên xưng đức tin của mình như thế nào? Để giúp chúng ta trở nên môn đệ của Chúa cũng như tuyên xưng đức tin bằng việc làm, bằng cuộc sống, Chúa Giêsu đã đưa ra hai điểm chính yếu:

Điểm thứ nhất, đó là hãy từ bỏ mình, nghĩa là từ bỏ tất cả những tư tưởng, lời nói và việc làm đi ngược với thánh ý Chúa, từ bỏ con người cũ với những tội lỗi để mặc lấy con người mới với tinh thần của Chúa.

Điểm thứ hai đó là hãy vác lấy thập giá mình. Nghĩa là hãy chấp nhận những hy sinh gian khổ chúng ta gặp phải, bởi vì chính những hy sinh gian khổ này, tuy âm thầm và nhỏ bé, sẽ kết thành cây thập giá đời thường, Chúa muốn chúng ta vác lấy để bước theo Ngài. 

2. Về phần con, con bảo Thầy là ai?

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Hôm ấy, “Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” (Mc 8, 27-28)

Như thế, người Do-thái đồng thời với Chúa Giêsu không biết đích xác Người là ai. Họ tưởng Người chính là Gio-an Tẩy Giả bị Hê-rô-đê trảm quyết nay sống lại. Có kẻ thì tưởng lầm Người là ngôn sứ Êlia xưa kia được đưa lên trời nay lại giáng lâm. Kẻ khác thì cho rằng Người là một ngôn sứ nào đó.

Sau khi nghe các môn đệ cho biết dư luận quần chúng về mình, Chúa Giêsu quay sang hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” (Mc 8, 29)

Thế là ngoài Phêrô, dường như chẳng ai biết được chân tướng của Chúa Giêsu. Phêrô quả có phúc lớn vì được biết căn tính của Thầy mình.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt lại câu hỏi nầy với mỗi người chúng ta. Người muốn chúng ta bày tỏ nhận định ta có về Người: “Về phần con, Thầy là ai đối với con?”

Khi câu hỏi nầy được đặt ra với một nhóm thanh niên đang ngồi tận ngoài cổng nhà thờ sáng chúa nhật, vừa hút thuốc vừa dự lễ, thì họ trả lời qua khói thuốc: “Đối với chúng tôi, Chúa Giêsu là một vị Thẩm Phán khắt khe, hay bắt bẻ những người phạm luật. Dù chẳng yêu mến gì Chúa Giêsu, nhưng vì sợ bị khép vào tội bỏ lễ chúa nhật, nên chúng tôi miễn cưỡng đến ngồi đây dự lễ.”

Khi câu hỏi nầy được nêu ra với một số doanh nhân tất bật với việc làm ăn buôn bán, thì họ trả lời rằng: “Đối với chúng tôi, Chúa Giêsu là một ông Thần Tài. Dù chẳng yêu mến gì ổng, nhưng chúng tôi biết đối xử sòng phẳng với ổng. Nếu ổng phù hộ chúng tôi ăn nên làm ra, thì chúng tôi còn đặt ổng lên bàn thờ, có nhang đèn hẳn hoi. Nếu ổng không giúp chúng tôi phát đạt, chúng tôi mời ổng đi chỗ khác.”

Khi câu hỏi nầy được nêu lên với một nhóm người khác đang theo đuổi lạc thú, họ đáp: “Chúa Giêsu là ai ư? Thật tình chẳng mấy khi chúng tôi nghĩ đến. Điều đó chẳng đáng quan tâm. Có lẽ khi nào chúng tôi già yếu, lâm bệnh nguy kịch, hoặc gặp gian nan khốn đốn trong cuộc đời, chúng tôi sẽ tìm đến với Người… Vâng, lúc đó, chúng tôi sẽ thành khẩn kêu cầu Người như những người đi biển gặp nạn cần đến tấm phao cứu sinh!”

Thế là đối với nhiều người, Thiên Chúa chỉ là vị Thẩm Phán khắt khe, một Thần Tài xa lạ hay đơn giản chỉ là một tấm phao cứu sinh hay là một nô bộc phục dịch con người. Đúng như lời Chúa Giêsu: “dân nầy tôn kính Ta ngoài môi miệng còn lòng chúng thì quá xa cách Ta.” (Mc 7,6)

Thiên Chúa đau buồn biết bao khi đoàn con yêu dấu của Người nhận định về Người như thế.

Khi thấy dân chúng chẳng hiểu căn tính của mình, ngay cả các môn đệ cũng chẳng biết Đấng Kitô là ai, Chúa Giêsu liền bày tỏ cho họ biết Người chính là Đức Kitô, nhưng không phải là một “Đức Kitô vinh thắng” chinh phục các lân bang và báo thù cho dân riêng của Chúa như người Do-thái mong đợi, nhưng là một “Đức Kitô nhẫn nhục” hiến mạng sống mình chết thay cho muôn dân. Người tỏ cho môn đệ biết: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.” (Mc 8,31)

Thế đó, Đức Kitô là Đấng yêu thương chúng ta hết lòng hết sức trên hết mọi sự, yêu đến nỗi đã hiến mạng vì ta. “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của Người chết vì bạn hữu mình.”

Vậy mà tiếc thay, nhiều người không nhận ra tình yêu vô biên của Chúa nên xem Người như kẻ xa lạ, không dành cho Người một chỗ đứng trong trái tim mình, trong cuộc đời mình. Đối với một số người, có Chúa cũng như không.

Dostoievsky, văn hào vĩ đại nhất của nước Nga vào thế kỷ 19, đã tôn Đức Giêsu làm Thần Tượng của mình và đã tuyên xưng:

“Đối với tôi, không có gì đẹp đẽ, sâu xa, dễ mến, hợp lý và hoàn hảo cho bằng Đức Kitô, và hơn thế nữa, dù có ai chứng minh với tôi rằng Đức Kitô ở ngoài chân lý, thì tôi không ngần ngại chọn ở lại với Đức Kitô hơn là chiều theo chân lý”. (Thư gửi bà Von Vizine)

Lạy Chúa Giêsu,

Nếu hôm nay Chúa đến và hỏi: Về phần con, con bảo Thầy là ai, thì con xin thưa:

Chúa là Đấng đã nộp mình chịu chết để đền tội cho con. Chúa đã hy sinh đời mình cho con được sống. Chúa là Đấng yêu thương con hết lòng hết sức trên hết mọi sự.

Vì thế, con xin chọn Chúa làm Thần Tượng của đời con. Con xin dành chỗ nhất cho Chúa trong trái tim con. 

3. Người ta bảo Thầy là ai?

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một thời người ta đổ xô nhau đi tìm đọc quyển sách “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu”. Nhiều người cho rằng quyển sách này đã viết đúng tâm lý của con người, vì tác giả đã mô tả Chúa Giêsu như một con người thực sự, có khác chăng là người đã vượt thắng được cám dỗ cho tới giờ phút cuối cùng.

Quyển sách “cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu” mô tả về một chàng trai Giêsu đầy sức sống. Đẹp trai và nhiều tài năng. Có một thiếu nữ rất xinh đẹp đã đem lòng yêu mến chàng, tên là Madalêna. Thế nhưng, tình yêu đã không đem lại cho chàng hạnh phúc. Chàng luôn bị thôi thúc bởi một tiếng gọi cao siêu, vượt trên cuộc sống tầm thường như bao bao người khác. Chàng quyết định từ bỏ người yêu và ra đi rao giảng về một Tin mừng có thể đem lại cho con người hạnh phúc đời này và đời sau. Mađalêna thất tình đã buông trôi cuộc đời trong chốn lầu xanh tội lỗi. Còn Giêsu thì thu thập được một số đồ đệ và hăng say truyền bá lý tưởng cao siêu. Nhưng lý tưởng đó lại không phù hợp với những mục đích chính trị của các tư tế, biệt phái và luật sĩ. Cho nên cuối cùng, Giêsu bị họ bắt và kết án đóng đinh. Trong những giây phút hấp hối trên thập giá, Giêsu bị hôn mê, cơn hôn mê khiến Giêsu nhìn lại cuộc đời của mình. Chàng mơ thấy mình từ bỏ lý tưởng cao siêu, cưới Mađalêna làm vợ, sinh được một bầy con ngoan, đẹp, sống rất hạnh phúc với gia đình, nhưng bị các đồ đệ và các tín đồ nhiếc móc. Giêsu bừng tỉnh dậy lắc đầu xua đuổi cơn cám dỗ ấy. (Giêsu đã chiến thắng cơm cám dỗ cuối cùng). Và sau đó gục đầu tắt thở.

Tác giả đã dựa vào tâm lý chung của con người để viết về nhân tính của Chúa Giêsu. Một con người bình thường, sinh ra, lớn lên, rung cảm với tình yêu đầu đời, nhưng ở chàng thanh niên Giêsu đã từ khước tiếng nói của con tim để theo đuổi một lý tưởng cao siêu. Điều này đáng được con người kính trọng. Nhưng đáng tiếc, lý tưởng đó bị người đời khước từ vì không thực tế, và cho dù cuộc sống của Ngài được nhiều người kính trọng nhưng người ta lại không muốn sống theo lối sống của Ngài.

Thực vậy, con người ngày hôm qua cũng như hôm nay, luôn cần tiền, cần tiện nghi, cần địa vị và cần cuộc sống bất tử để hưởng thụ mãi hạnh phúc ở chốn gian trần. Vì thế, người ta không chấp nhận đường lối của Chúa Giêsu, vì phương thế này không thoả mãn nhu cầu vật chất của con người. Có chăng, họ chỉ kính trọng một Giêsu thánh thiện, một vĩ nhân của nhân loại, nhưng đạo của Ngài thiết lập chẳng giúp ích gì cho cuộc sống thường ngày của họ. Đôi khi còn trở thành gánh nặng khiến họ không thể tuân giữ giới răn của Người. Đôi khi họ còn coi Chúa Giêsu là nguyên nhân gây nên phiền toái cho họ.

Có người nói rằng theo đạo làm chi, phải đi lễ hằng ngày, hằng tuần, ngủ cho sướng.

Có người nói rằng theo đạo làm chi để bị ràng buộc bởi quá nhiều lề luật.

Có người cho rằng theo đạo phải giữ luật công bằng thì làm sao làm ăn có lời, có lãi.

Có những bà mẹ cho rằng nếu giữ đúng luật Chúa thì gia đình sẽ mất hạnh phúc, con cái sinh ra ai sẽ nuôi cho nổi.

Có biết bao cuộc đời là có bấy nhiêu khó khăn. Càng khó khăn người ta lại đổ tội cho Chúa. Vì Chúa mà họ thiệt thòi. Vì Chúa mà họ phải sống nghèo đói. Vì Chúa mà họ phải thua kém bạn bè. Xem ra phần đông nhân loại nhìn Chúa như một quan toà, một cảnh sát chỉ để ngăn cấm và xét đoán. Và rồi, họ nhìn biết bao nhiêu người không có đạo vẫn sống hạnh phúc, đôi khi lại giầu có hơn mình, có địa vị hơn mình…

Phải, phần đông nhân loại đã nhìn Chúa Giêsu như vậy. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Chúa Giêsu vẫn tôn trọng tự do của các môn đệ. Ngài vẫn hằng tôn trọng tự do của chúng ta hôm nay. Ngài vẫn đòi hòi triệt để những kẻ tin theo Ngài phải từ bỏ, phải hy sinh vác thập giá, phải đi qua cửa hẹp và phải sống thanh thoát với của cải trần gian. Nghĩa là Ngài vẫn đòi hỏi chúng ta phải sống vượt lên trên nhu cầu thể xác tầm thường, phải sống làm chủ bản năng của mình bằng hy sinh, khổ chế để sống như những con người tự do đích thực. Không bị những đam mê danh lợi thú ràng buộc. Không bị những cám dỗ tội lỗi làm mất lương tri, mất phẩm giá cao qúy của con người.

Với những đòi hỏi đó, phải có cái nhìn đức tin như Phêrô mới có thể bỏ mọi sự mà theo Thầy, mới có thể tuân giữ lời Thầy và sống gắn gó mật thiết với Thầy. Phêrô và các môn đệ đã nhìn thấy Thầy là Chúa, là Đấng hằng sống và các ông còn hiểu rằng: ai bước đi theo Ngài sẽ không phải chết đời đời. Các ông đã dám đánh đổi cuộc đời này để đổi lấy hạnh phúc bất diệt đời sau. Các ông đã dám khước từ vinh hoa phú qúy đời này để lãnh triều thiên vinh hiển ngày mai.

Vâng cuộc đời này sẽ đi qua. Tiền tài, danh vọng, lạc thú tất cả chỉ là phù vân. Cái chết sẽ làm chúng ta đoạn tuyệt tất cả. Nếu cuộc đời chết là hết thì chẳng có gì đáng nói. Nếu chết là hết thì cuộc đời là một thảm hoạ đối với bản thân và đồng loại. Người ta đâu cần rèn luyện tài đức. Người ta chỉ cần hơn thiên hạ. Người ta chỉ cần vun quén cho bản thân, và mặc xác đồng loại. Cuộc sống sẽ là một bãi chiến trường mà con người là nguyên nhân và cũng là hậu quả của tất cả khổ đau. Nhưng cuộc đời không dừng lại ở cái chết. Cái chết là ngưỡng cửa mở ra sự sống vĩnh cửu. Và ở cõi đời đời con người đau khổ hay hạnh phúc lại tuỳ thuộc ở cuộc đời hôm nay. Vì thế, nếu bạn chọn sự sống đời đời phải từ bỏ tham sân si, từ bỏ mọi đam mê bất chính. Từ bỏ đòi hy sinh, đòi khổ chế để vượt thắng cám dỗ. Các tông đồ đã vượt thắng tất cả vì tin rằng Chúa là Đường là sự thật, là sự sống. Các Ngài đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa, còn chúng ta có dám vì sự sống bất diệt ngày mai bên Chúa để can đảm từ khước những đam mê bất chính, những bon chen danh lợi thú để sống theo giáo huấn của Chúa hay không? Hạnh phúc hay đau khổ còn tuỳ thuộc vào chọn lựa của chúng ta hôm nay?

Ước gì chúng ta có cái nhìn đức tin như Phêrô để làm chứng cho thế giới hưởng thụ hôm nay về một cuộc sống hạnh phúc trường sinh mai sau. Amen. 

4. Đức Kitô

Người ta bảo Thầy là ai? Qua câu hỏi này, phải chăng Chúa Giêsu đã khởi sự quan tâm tới dư luận của quần chúng về Ngài? Hay Ngài muốn làm một cuộc thăm dò ý kiến về kết quả công việc Ngài đã làm? Không phải là như vậy. Ở đây, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị các môn đệ của Ngài đón nhận những điều Ngài sắp nói với các ông về điểm then chốt của sứ mạng Ngài và cũng là điểm khó nuốt đối với mọi người.

Dư luận, như các môn đệ ghi nhận được, tuy chưa rõ đích xác Ngài là ai nhưng cũng tỏ ra đã thấy được những điểm khác người trong giáo huấn và trong hành động của Ngài. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu muốn nhắm tới ở đây chính là việc các môn đệ bày tỏ ý kiến của mình về Ngài. Do dó mà Ngài mới đạt thêm câu hỏi thứ hai: Còn các con, các con bảo Thầy là ai?

Tin không phải là lặp lại ý kiến, lập trường của kẻ khác mà là biểu lộ chính ý kiến, chính lập trường của mình. Phêrô đã trả lời đúng câu hỏi Chúa Giêsu đã đặt ra: Thầy là Đức Kitô. Qua câu trả lời, Phêrô đã tuyên xưng lòng tin của ông nơi Thầy mình. Ông đã nhận ra được Thầy mình là ai.

Nhưng sự việc diễn ra sau đó lại chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng lòng tin của Phêrô chưa trọn vẹn. Ông mới chỉ có những hiểu biết đúng về Thầy. Thực ra, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định, chẳng phải tự ông đã biết được Ngài là Đức Kitô, mà là do Chúa Cha mà ông biết được điều đó. Lòng tin ấy, sự hiểu biết ấy chỉ trọn vẹn khi ông chấp nhận đi con đường Chúa Giêsu đang chuẩn bị đi tức là con đường cứu độ, con đường thập giá.

Và ở điểm này, Phêrô đã vấp ngã thật nặng nề, bởi vì ông đã đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không phải bằng cái nhìn của Thiên Chúa, hay đúng hơn, theo như Ngài hoạch định, mà là bằng chính cái nhìn của ông, theo cách tính toán của ông. Lời can ngăn của Phêrô đã trở thành việc cản trở chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Phêrô không muốn Thầy mình bị bắt, bị giết đi trong khi chính Chúa Giêsu lại thấy rằng đó là con đường Ngài phải đi. Đó là con đường của Ngài và đó cũng là con đường của những ai muốn theo Ngài, muốn trở nên môn đệ của Ngài.

Còn các con, các con bảo Thầy là ai? Câu hỏi này vẫn tiếp tục được đặt ra cho mỗi người chúng ta hôm nay. Và chúng ta có thể như Phêrô, đã trả lời đúng câu hỏi của Ngài với tất cả vốn liếng về Thánh Kinh và thần học, về giáo lý của chúng ta. Thế nhưng trong hành động thì sao? Phải chăng trong hành động chúng ta đã là những người ngăn cản việc thực hiện chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa bằng thái độ khước từ đau khổ, khước từ thập giá mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống thường ngày. 

5. Đau khổ

Kinh nghiệm cho thấy: Đau khổ là một cái gì gắn liền với thân phận con người. Giáo lý nhà Phật thì cho rằng: Đời là bể khổ mà mỗi người chúng ta là một cánh bèo trôi dạt trên đó.

Tuy nhiên, đau khổ không phải chỉ là một cái gì đáng nguyền rủa và lẩn tránh, trái lại nó còn có một giá trị tích cực, đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta như tục ngữ đã bảo: Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Hay như Khổng Tử cũng đã bảo: Ngọc không dũa không sáng, người không bị gian nan thử thách, thì cũng khó mà trở nên hoàn thiện.

Cũng trong chiều hướng ấy mà Chúa Giêsu đã phán qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay: Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.

Sau đây tôi xin đưa ra một vài trường hợp cụ thể để nói lên sự thật ấy.

Trường hợp thứ nhất là của O’Neill. Mãi đến năm 23 tuổi, ông vẫn còn là một kẻ thất bại, sống không mục đích, không định hướng, không kỷ luật. Thế rồi ông bị đau và chính nhờ thời gian nằm điều trị tại bệnh viện, ông mới có được dịp may để suy nghĩ và định hướng cho cuộc đời mình. Ông đã khám phá ra tài năng soạn kịch của ông, để rồi ông đã trở thành một người nổi tiếng.

Trường hợp thứ hai là của bà Golda Meir. Lúc ban đầu bà rất thất vọng vì mình chỉ là một cô gái trời bắt xấu. Thế nhưng về sau, bà mới nhận ra rằng: không được đẹp đối với bà lại là một may mắn, bởi vì điều đó đòi buộc bà phải phát triển những tài năng sâu kín hơn. Cuối cùng bà hiểu ra rằng phụ nữ không được ỷ lại vào sắc đẹp của mình, nhưng trái lại phải làm việc chăm chỉ, nhờ đó mang lại lợi ích cho bản thân. Nói cách khác, bà đã biết chấp nhận thập giá của mình, can đảm vác nó lên vai để rồi cuối cùng bà đã trở thành vị nữ thủ tướng đầu tiên của người Do Thái.

Một tác giả nổi tiếng, Oscar Wilde đã viết: Đau khổ chính là mảnh đất thánh. Đức Kitô không thể đi vào tâm hồn chúng ta bằng nẻo đường nào khác ngoài trái tim đã tan nát.

Từ những kinh nghiệm trên, chúng ta đi tới kết luận: Cuộc đời không phải lúc nào cũng chỉ là một mầu hồng, trái lại rất nhiều khi nó bị nhuộm bởi một màu đen với những đau khổ và cay đắng.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng Phúc âm, thì đau khổ không nhất thiết sẽ đem lại chết chóc và hủy diệt, bởi vì nó có thể trở nên một nguồn sống. Thiên Chúa thường dùng khổ đau để biến đổi chúng ta thành người tốt lành hơn, thánh thiện hơn, khiêm nhường hơn, cảm thông hơn. Đau khổ có thể mở mắt cho chúng ta thấy được cuộc đời tốt đẹp hơn là chúng ta đã từng mơ ước.

Ngoài ra, đau khổ sẽ giúp chúng ta nhận ra bàn tay yêu thương của Thiên Chúa bởi vì giữa ánh nắng chói chang của mặt trời, chúng ta không thể nào nhìn thấy những vì sao. Trái lại, vào những đêm khuya tăm tối chúng ta sẽ dễ dàng thấy được những ánh sao trên bầu trời. Cũng vậy, nhiều người trong chúng ta đã tìm thấy Chúa giữa những đêm đen của khổ đau, mà trong những lúc hạnh phúc chói chang họ đã quên lãng Ngài. Hãy biết đón nhận thập giá cuộc đời, bởi vì mọi sự đều là hồng ân. 

6. Thần tượng của ta là ai? – Lm. Anmai

Cuộc sống chúng ta, nhất là giới trẻ, ngày hôm nay giới trẻ chạy theo một nền trào lưu, một nền văn hóa đó là văn hóa thần tượng.

Người thích đá banh thì chọn cho mình người nào mà mình thích làm thần tượng cho mình, người thích ca nhạc thì cũng sẽ tìm cho mình một ca sĩ để làm thần tượng, người thích xem phim thì sẽ chọn cho mình một diễn viên điện ảnh nào đó hot để làm thần tượng. Điều này, xem ra thì cũng có lý đó nhưng rồi những ngôi sao ca nhạc, ngôi sao đá banh, ngôi sao điện ảnh đến một lúc nào đó cũng sẽ chìm vào quên lãng để nhường ngôi cho người khác. Thế rồi những thần tượng mà xưa kia người ta tôn lên sẽ chợt tắt, và cứ như thế mãi, thần tượng cứ mãi vần xoay vì lẽ chẳng ai có thể tồn tại mãi trong cõi đời này.

Tất cả những ngôi sao mà người ta chọn đó vẫn chỉ là con người để rồi không thể tồn tại mãi, không bền vững như người ta tưởng.

Thần tượng, vẫn là sự tự do lựa chọn của mỗi người, chẳng ai có quyền ép người khác chọn cho mình thần tượng.

Ngày hôm nay, trong câu chuyện của thầy Giêsu với các môn đệ chúng ta cũng nghe Chúa Giêsu chất vấn các môn đệ của mình về Thầy: “Người ta nói Thầy là ai?”. Các môn đệ đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Và, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ thì Phêrô trả lời ngay: “Thầy là Đấng Kitô”.

Thế đấy! Đi theo Thầy, ở chung với Thầy, sống chung với Thầy nhưng người ta không nhận ra để rồi định nghĩa không đúng hay không dám định nghĩa hay không dám nói về Thầy của mình. Thật là chán! Chỉ có mình Phêrô can đảm nói về Chúa Giêsu.

Sau đó, Chúa bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.

Nghe những lời đó xong thì ông Phêrô liền kéo riêng Chúa ra và bắt đầu trách Chúa thế nhưng Chúa lại trách ngược lại Phêrô: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Như thế, thêm một chuyện nữa là xác nhận Chúa Giêsu là một chuyện nhưng Chúa Giêsu đó là ai trong cuộc đời là chuyện khác. Giêsu thật sự được Isaia vẽ lên trong trang sách mà chúng ta vừa nghe:

Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,

còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.

Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,

giơ má cho người ta giật râu.

Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.

Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,

vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.

Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.

Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.

Ai tranh tụng với tôi?

Cùng nhau ta hầu toà!

Ai muốn kiện cáo tôi?

Cứ thử đến đây coi! Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,

ai còn dám kết tội?

Một hình ảnh Giêsu, một hình ảnh thần tượng như thế nghe xong cũng sẽ phản ứng như Phêrô là kéo Thầy ra để bảo Thầy đừng làm như thế nghĩa là lên Giêrusalem chịu đau khổ. Nếu như phản ứng như thế cũng chỉ là phản ứng, suy nghĩ của thế gian. Phản ứng, suy nghĩ của những người có niềm tin vào Chúa sẽ là người đi theo con đường khổ nạn của Thầy Chí Thánh vì lẽ chỉ có con đường thập giá mới đạt đến vinh quang như Thầy của mình.

Ngày hôm nay, nếu có mặt ở đây, Chúa Giêsu cũng sẽ hỏi chúng ta rằng người ta bảo Chúa là ai và ta, ta sẽ trả lời với Chúa rằng Chúa là ai trong cuộc đời chúng ta. Ngày hôm nay, cũng có nhiều người tuyên tín vào Chúa Giêsu nhưng chỉ tuyên tín ngoài môi ngoài miệng. Niềm tin như Thánh Giacôbê trong trang thư của Ngài mà chúng ta vừa nghe không phải ở môi miệng nhưng ở hành động: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.

Rõ ràng tin là hành động chứ không chỉ dừng lại ở lời tuyên tín.

Với khả năng hạn hẹp cũng như yếu đuối của mình, con người thường dừng lại ở lời tuyên tín hay chỉ ở trên môi miệng. Khoảng cách từ miệng đến bàn tay quả là xa. Nói yêu Chúa, tin Chúa thì dễ nhưng thực hành lời yêu thương không phải là chuyện giản đơn.

Những lời yêu thương, những lời trao nhau niềm tin chúng ta vẫn thường nghe hàng ngày, hàng giờ và thậm chí ngay bản thân chúng ta vẫn nói lời tin yêu đó nhưng lời nói đó thực hiện được như thế nào hay nó chỉ ở bờ môi chót lưỡi mà thôi. Điều nghịch lý là ai trong chúng ta cũng mong những lời nói thành hiện thực nhưng chúng ta lại không thực hiện.

Và với con người bất nhất đó, chúng ta cứ mãi tôn thờ và chạy theo thần tượng nào khác như thần tượng ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên để lấp vào thần tượng căn cốt trong đời chúng ta. Tệ hơn những thần tượng nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên… chúng ta chạy theo thần tượng là tiền, là danh, là vọng. Mà, thật sự chẳng cần phải nói nhiều ai ai trong chúng ta cũng biết những thần tượng đó chỉ là phù vân, bạc bẽo, mau qua chóng tàn…

Cứ nhìn kỹ lại, tất cả những thần tượng vật chất, con người ấy thật mau qua chóng tàn vô cùng. Mỗi người chúng ta, ngày mỗi ngày lại già thêm một tuổi, lại cứ phải gần đất xa trời thêm một tí và thử nhìn lại xem, tất cả chẳng là gì cả. Phù vân và tất cả cũng chỉ là phù vân thôi.

Xin cho chúng ta học nơi tấm gương của Thánh Phêrô là tuyên tín Thầy mình cũng như đã sống niềm tin ấy trọn vẹn. Vẫn mang trong mình phận người yếu đuối, Phêrô không chỉ dừng lại ở chỗ kéo Thầy mình không cho Thầy đi lên Giêrusalem chịu khổ nạn mà còn chối phăng Thầy mình. Thế nhưng đàng sau những vấp ngã của con người ấy Phêrô chợt giật mình tỉnh giấc để sống trọn vẹn niềm tin của mình.

Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta, qua lời chuyển cầu của Thánh Phêrô để chúng ta không chỉ tuyên tín nhưng còn sống lời tuyên tín về Thầy Chí Thánh trong cuộc đời của mình.