Ai phải cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ và cử hành các giờ nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi viết thư này để hỏi cha về bổn phận cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, vì lợi ích của những người đăng ký cho “đường thiêng liêng tối thiểu”. Tất cả những người đọc Thần vụ đều đặn (và rủi thay có một số người tận hiến cho Chúa một cách đặc biệt mà không chăm lo cầu nguyện) dường như chấp nhận rằng giờ Kinh Sáng và giờ Kinh chiều là bắt buộc, có lẽ bởi vì các giờ kinh này được xác định như là “giờ kinh then chốt” trong “Văn kiện trình bày và qui định các Giờ Kinh Phụng Vụ”. Họ cảm thấy các giờ Kinh khác là tùy chọn, kể cả giờ Kinh Sách, mặc dù họ có thể thừa nhận rằng các giờ kinh ấy “là rất ích lợi về đường thiêng liêng”, như đã nêu trong “Văn kiện trình bày và qui định các Giờ Kinh Phụng Vụ”. Tôi xin cha làm sáng tỏ rằng liệu các giờ kinh này là bắt buộc hoặc tùy chọn? – S. D., Old Goa, Ấn Độ

Đáp: Trước hết, chúng ta phải phân biệt giữa những người có bổn phận đọc Kinh Thần vụ.

Tất cả các linh mục và phó tế chuyển tiếp thuộc nghi lễ Latinh có nghĩa vụ buộc, được hứa vào lúc truyền chức, cử hành toàn bộ Các Giờ Kinh Phụng Vụ: “Các con có muốn gìn giữ và gia tăng tinh thần cầu nguyện phù hợp với cách sống của các con, và trong tinh thần ấy, các con có muốn chu toàn các Giờ Kinh Phụng Vụ theo điều kiện của các con, làm một với dân Thiên Chúa, để cầu nguyện cho họ và cho toàn thể thế giới không ?” (X. Sách Nghi thức Rôma, Nghi thức phong chức phó tế). Điều này được xác nhận bởi số 29 của “Văn kiện trình bày và qui định các Giờ Kinh Phụng Vụ”, và Khoản luật 276, § 2, 3, của Bộ Giáo Luật.

Việc cử hành này bao gồm: giờ Kinh Sách, giờ Kinh Sáng, một trong ba giờ Kinh giữa (Kinh giờ Ba, kinh giờ Sáu và kinh giờ Chín), giờ Kinh Chiều và giờ Kinh Tối.

Các phó tế vĩnh viễn cử hành một phần các giờ Kinh này, được quyết định bởi đấng Bản quyền địa phương, thường là Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh tối.

Các tu sĩ không giáo sĩ và các người thánh hiến khác cử hành một phần của các Giờ Kinh Phụng Vụ, tùy theo luật cụ thể của họ và các cam kết cá nhân của họ.

Một số Dòng tu có phiên bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ riêng của họ, vốn thường là dài hơn Các Giờ Kinh Phụng Vụ của Giáo Hội hoàn vũ.

Có thể có một số thực thể khác trong Giáo Hội. Ví dụ, có thể rằng các giáo sĩ thuộc các Giáo hạt tòng nhân Anh giáo mới tuân giữ truyền thống riêng của họ trong cử hành Thần vụ, mặc dù một số giáo sĩ chọn cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Tầm quan trọng của nghĩa vụ cho hàng giáo sĩ xuất phát từ bản chất của sứ vụ như là trung gian cho các linh hồn. Dt 5, 1 diễn tả điều này thật đẹp: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội”

Vì lý do này, ngày 15-11-2000, Tòa Thánh đã ban hành một “câu trả lời cho một nghi ngờ” (Prot. Số 2330/00/L) liên quan đến nghĩa vụ cử hành Kinh Thần vụ, và nhắc lại rằng “Việc cử hành toàn bộ Các Giờ Kinh Phụng Vụ hàng ngày, dành cho các linh mục và phó tế trên con đường tiến đến chức linh mục, là một phần quan trọng của thừa tác vụ Giáo Hội của họ”.

Liên quan đến các trường hợp ngoại lệ cho luật tổng quát này, Thánh bộ Phụng tự cung cấp các giải thích sau đây:

Câu hỏi # 1: Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích nói gì về việc mở rộng nghĩa vụ cử hành hoặc đọc hàng ngày Các Giờ Kinh Phụng Vụ?

“Đáp: Những người đã được truyền chức là bị ràng buộc về luân lý, ngay khi họ được truyền chức thánh, để cử hành toàn bộ Kinh Thần vụ toàn bộ hàng ngày, như qui định trong khoản luật 276, § 2, số 3 của Bộ Giáo luật được trích dẫn trước đây. Việc cử hành này không có về phần mình bản chất của một việc đạo đức riêng tư, hoặc việc thực hành đạo đức do cá nhân giáo sĩ thực hiện, nhưng là một hành động riêng dành cho tác vụ thánh và thừa tác mục vụ.

“Câu hỏi # 2: Liệu nghĩa vụ sub gravi (buộc nặng) mở rộng cho toàn bộ việc đọc kinh Thần Vụ sao?

“Đáp: Phải nhớ các điều sau đây:

“Một lý do nghiêm trọng, có thể là sức khỏe, hoặc công tác mục vụ, hoặc một hành động bác ái, hoặc quá mệt mỏi, chứ không là một sự bất tiện đơn giản, có thể miễn đọc một phần hoặc thậm chí toàn bộ Kinh Thần Vụ, theo nguyên tắc chung nói rằng một luật Giáo hội thuần túy không ràng buộc, khi một sự bất tiện nghiêm trọng hiện diện;

“Việc bỏ đọc một phần hoặc toàn bộ Kinh Thần Vụ do sự lười biếng hoặc do việc thực hiện các hoạt động không cần thiết, là không hợp pháp, và thậm chí có thể gây nên một sự đánh giá thấp, theo tính nghiêm trọng của vấn đề, về thừa tác vụ và luật thiết định của Giáo Hội;

Tuy nhiên, việc bỏ giờ Kinh Sáng hoặc giờ Kinh Chiều đòi hỏi một lý do lớn hơn, vì hai giờ Kinh này là “bản lề đôi của Kinh Thần vụ hàng ngày” (SC 89);

“Nếu một linh mục phải cử hành Thánh Lễ nhiều lần trong cùng một ngày, hoặc giải tội trong nhiều giờ, hoặc giảng nhiều lần trong cùng một ngày, và việc này khiến cho ngài mệt mỏi, ngài có thể xem xét, với sự an bình của lương tâm, rằng ngài có một cái cớ hợp pháp để bỏ một phần tương ứng của Kinh Thần vụ;

“Đấng Bản quyền của linh mục hay phó tế, vì một lý do chính đáng hay nghiêm trọng, tùy theo trường hợp, có thể miễn cho họ toàn bộ hoặc một phần Kinh Thần Vụ, hoặc cho thay thế việc đọc Kinh Thần Vụ bằng một việc đạo đức khác (ví dụ, lần chuỗi Mân Côi, Đi đàng Thánh Giá, đọc Kinh thánh hay sách thiêng liêng, một thời gian cầu nguyện hợp lý, …).

“Câu hỏi: Đâu là vai trò của tiêu chí ‘veritas temporis’ (đúng giờ chỉ định) liên quan đến vấn đề này?

Đáp: Câu trả lời phải được đưa ra nhiều phần, để làm rõ các trường hợp đa dạng.

“Các Giờ Kinh Phụng Vụ không có thời giấc qui định nghiêm ngặt, và có thể được cử hành vào bất cứ giờ nào, và giờ Kinh có thể được bỏ qua, nếu có một trong các lý do như đã nêu trong câu trả lời số 2 ở trên. Theo tập tục, Kinh Thần Vụ có thể được đọc bất kỳ thời gian nào, bắt đầu với giờ Kinh Chiều hoặc giờ Kinh Tối của ngày hôm trước, sau giờ Kinh Chiều (x. GILH, 59).

“Điều này cũng đúng cho các giờ Kinh giữa, vốn không được qui định cho giờ cử hành. Với các giờ Kinh này, nên đọc trong thời gian giữa buổi sáng và buổi chiều. Nếu đọc ngoài cộng đoàn, nên chọn một trong ba giờ giữa là Kinh giờ Ba, kinh giờ Sáu và kinh giờ Chín, và đọc đúng giờ qui định cho nó, để cho truyền thống đọc giờ kinh giữa được duy trì, giữa bộn bề công việc hàng ngày (x. GILH, 77).

“Giờ Kinh Sáng nên được đọc trong các giờ buổi sáng, và giờ Kinh Chiều nên đọc vào buổi chiều tối, như tên của các phần Thần Vụ này cho biết. Nếu một người nào đó không có thể đọc giờ Kinh Sáng vào buổi sáng, người ấy có nghĩa vụ đọc giờ kinh này càng sớm càng tốt sau đó. Trong cùng một cách như vậy, nếu giờ Kinh Chiều không có thể được đọc vào buổi chiều tối, nó phải được đọc càng sớm càng tốt sau đó (SC 89). Nói cách khác, sự trở ngại vốn cản trở việc giữ việc đọc giờ kinh đúng theo giờ qui định của nó, không phải là nguyên nhân để miễn cho việc đọc các giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều, bởi vì chúng là các giờ Kinh then chốt (SC, 89), vốn “xứng hưởng sự quí trọng lớn nhất” (GILH, 40).

“Bất cứ ai muốn đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, và với sự tận hiến, cố gắng cử hành việc ca ngợi Đấng Tạo Thành vũ trụ, có thể ít nhất đọc phần Thánh vịnh của giờ Kinh, vốn đã bị bỏ, mà không có thánh thi, và kết thúc với bài đọc ngắn và lời nguyện”. (Zenit.org 15-1-2013)

Nguyễn Trọng Đa